Định hướng chung trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi của tỉnh Nam Định là tập trung phát triển chăn nuôi gia súc (lợn: lợn thịt, lợn sữa), gia cầm (gà: gà đẻ trứng, gà thịt). Chăn nuôi theo mô hình doanh nghiệp, trang trại với hình thức công nghiệp, bán công nghiệp, gắn kết với tiêu thụ sản phẩm.
Có thể nói chăn nuôi được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Nam Định. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng từ 3 - 3,5% so với năm 2019; tỷ trọng chăn nuôi chiếm 45% giá trị sản xuất nội ngành nông nghiệp. Một số sản phẩm chăn nuôi của tỉnh đã được xuất ra nước ngoài như Hồng Kông, Malaysia...
Việc phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nhằm tăng sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh này.
Ông Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Nam Định cho hay, nhiều năm qua, cơ cấu vật nuôi có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ lệ đàn vật nuôi có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đến nay, toàn tỉnh có 247 trang trại đạt tiêu chí mới. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng hàng năm tăng nhanh; năm 2020 ước đạt 186.500 tấn, tăng 6,3% so với năm 2017.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình chăn nuôi hữu cơ, đạt năng suất cao, chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm chăn nuôi được cải thiện. 5 chuỗi liên kết trong sản xuất chăn nuôi dưới hình thức trang trại, chăn nuôi gia công, doanh nghiệp và nông dân cùng làm đã ra “ra đời” như: Công ty Công Danh, Công ty Nghĩa Thành, Công ty Công Phượng, Trang trại Hiền Thục...
Công nghệ xử lý chất thải trong chăn nuôi (gồm công nghệ sử dụng đệm lót sinh học, phun men vi sinh, công nghệ biogas; mô hình chuồng nuôi tiết kiệm nước, mô hình máy ép phân…) được người sản xuất áp dụng, nhất là trong các trang trại, gia trại, HTX chăn nuôi, doanh nghiệp.
“Định hướng trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi là xây dựng các mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết, chăn nuôi theo hình thức nông nghiệp tuần hoàn, sử dụng đệm lót sinh học, đảm bảo môi trường. Đây là hướng đi đúng đắn của ngành chăn nuôi”, ông Ninh Văn Hiểu cho biết thêm.
Trực Ninh là một trong những huyện phát triển chăn nuôi khá mạnh ở Nam Định. Chăn nuôi đang được triển khai theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô trang trại, gia trại vừa và nhỏ, đảm bảo an toàn dịch bệnh; hình thành các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi theo quy trình tiên tiến.
Ông Phạm Quang Minh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trực Ninh bộc bạch: Từ năm 2015-2018, sản xuất chăn nuôi trong điều kiện có nhiều khó khăn nhưng vẫn được duy trì. Toàn huyện có 27 trang trại chăn nuôi (gia cầm: 3, lợn: 24), tăng 3 trang trại; có 332 gia trại (lợn: 313, gia cầm: 19), giảm 21 gia trại so với năm 2014.
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng nhanh qua các năm. Năm 2018 đạt 25.191 tấn (tăng 31,95%) so với năm 2014; trong đó sản lượng thịt lợn hơi 21.438 tấn, tăng 21,8% so với năm 2014.
Theo ông Minh, hiện nay trên địa bàn huyện, có một số công ty hoạt động sản xuất chăn nuôi rất hiệu quả. Điển hình như Công ty TNHH Chăn nuôi Phúc Hải đi vào sản xuất ổn định với 1.200 nái sinh sản, 35 đực giống, cung cấp hơn 20.000 con lợn giống/năm cho các trang trại chăn nuôi lợn thịt. Trang trại lợn của Công ty Chăn nuôi Phúc Hải đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với dịch tả lợn và lở mồm long móng.
Ngoài ra, nhiều trang trại, gia trại tăng cường áp dụng quy trình, công nghệ vào sản xuất như công nghệ chăn nuôi chuồng kín, công nghệ xử lí chất thải, sản xuất thịt lợn sạch...
Theo ngành chăn nuôi Nam Định, giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2020 ước đạt 6.637,2 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm 2017 (6.351,1 tỷ đồng). Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi giai đoạn 2017-2020 tăng bình quân 1,5%/năm.
MAI CHIẾN/ https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã