Trong điều kiện biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn hiện nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long dần mất lợi thế của vùng trồng cây ăn quả trọng điểm và Tây Nguyên được xem là vùng thay thế tiềm năng. Thời gian qua, diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện Chư Sê liên tục mở rộng, với nhiều loại cây khác nhau góp phần làm phong phú, đa dạng thị trường trái cây của tỉnh. Hiện nay, diện tích cây ăn quả của huyện Chư Sê hơn 1.600 ha gồm các loại sầu riêng, bơ, chuối, bưởi da xanh, mít… Riêng trong năm 2020 diện tích các cây trồng mới tăng mạnh như sầu riêng đạt 88 ha, bơ là 88 ha, chuối là 92 ha, bưởi da xanh đạt 12 ha, mít đạt 72 ha,… Không chỉ tăng nhanh về diện tích, nhiều nông dân trong huyện đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, qua đó giúp tăng hiệu quả kinh tế của vườn cây ăn quả và trở thành những triệu phú trên mảnh đất quê hương.
Trước đây, gia đình anh Nguyễn Văn Tâm ở thôn 6, xã Ia Blang chỉ trồng tiêu và cà phê nhưng cây hay bị dịch bệnh, giá cả sản phẩm lại bấp bênh nên từ năm 2015 anh mạnh dạn chuyển đổi trồng xen 300 gốc bơ 034. Sau 5 năm triển khai trồng, gia đình anh đã thu được quả ngọt, có được thu nhập ổn định. Vườn bơ của gia đình anh cho năng suất ổn định bình quân 15 tấn/vụ/năm, với giá bán dao động từ 25.000-35.000 đồng/kg, trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận thu được 300 - 375 triệu đồng/năm.
Bắt đầu từ ý định trồng xen cây ăn quả vào vườn hồ tiêu, ông Nguyễn Quốc Anh ở làng Ser, xã Kông Htok đã trồng khoảng 200 gốc sầu riêng Ri6, Mong Thoong Thái Lan. Đến nay vườn sầu riêng của ông có 70 cây 8 năm tuổi đã cho quả, năng suất ổn định khoảng 10 tấn/năm, với giá bán bình quân 50.000 đồng/kg, tổng thu nhập 500 triệu đồng/năm, trừ chi phí sản xuất lợi nhuận thu được khoảng 350-400 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Tưởng tại làng Ring, xã HBông là một trong những hộ tiên phong trong xã trồng nhãn với diện tích 06 ha, mật độ 500 cây/ha, năng suất 15 tấn/ha, sản lượng đạt 90 tấn/năm. Với giá bán tại vườn là 20.000 đồng/kg, doanh thu mỗi năm của ông đạt 1,8 tỷ đồng, lợi nhuận thu được là 1,2 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra một số hộ gia đình xen canh cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao như hộ ông Dương Công Lãm (thôn Phú Cường, xã Ia Pal), ông Nguyễn Xuân Tảo (làng Greo Sek, xã Dun), ông Nguyễn Phước Thiện (thôn 6, Ia Blang).
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển cây ăn quả ở địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do chưa có quy hoạch phát triển rõ ràng, người dân chủ yếu là trồng tự phát nên quy mô sản xuất cây ăn quả manh mún, thiếu những vùng chuyên canh quy mô lớn, thiếu sự liên kết trong sản xuất; công tác đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật còn hạn chế.
Trước thực trạng đó, huyện đã ban hành Nghị quyết về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo đó định hướng từ nay đến năm 2025, huyện phát triển cây có múi từ 300 đến 500 ha bằng ứng dụng công nghệ cao, chủ yếu là cam, quýt, bưởi, sầu riêng. Hiện nay một số doanh nghiệp đã bắt đầu đặt liên kết với nông dân, phối hợp với các xã để tuyên truyền, định hướng sản xuất, thu mua sản phẩm đáp ứng đủ tiêu chuẩn, từ đó ký kết những hợp đồng bao tiêu cụ thể, ràng buộc trách nhiệm trong sản xuất. Đây là những bước đi đầu để xây dựng và hình thành một vùng sản xuất cây ăn quả hàng hóa có chất lượng và bền vững.
Diễm Thúy/khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã