Dọc hai bên bờ đê thuộc địa phận xã Kim Trung (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN nhận thấy có hàng trăm đàn ong "tề tựu" về đây để khai thác phấn hoa sú vẹt làm mật.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh (xóm 6, xã Kim Trung) chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN: "Tôi làm nghề nuôi ong lấy mật khoảng 30 năm nay. Hiện tôi có hơn 100 đàn ong đã đưa về rừng ngập mặn thuộc huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) để khai thác phấn hoa cây sú vẹt. Và sau khi hết mùa hoa sú vẹt, tôi lại di chuyển đàn ong đi nơi khác theo mùa hoa nở trong năm.
"Bình quân cứ 7 ngày, tôi bắt đầu quay mật ong 1 lần, mỗi lần quay hơn 100 đàn ong, cứ tạm tính 0,2-0,3 kg/cầu…thì mỗi lần quay mật mong, tôi thu về gần 300 kg. Giá mật ong sú vẹt tôi đang bán giao động từ 60.000-70.000 đồng/kg. Trừ mọi khoản chi phí, tôi cũng thu được vài chục triệu đồng mỗi tháng", ông Nguyễn Ngọc Ánh thổ lộ.
Được biết, mùa hoa cây sú vẹt nở rộ nhất ở rừng ngập mặn huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình bắt đầu vào tháng 4 đến tháng 9 dương lịch hằng năm. Mật ong làm từ phấn hoa sú vẹt đầu mùa thơm, ngon, sánh, lên màu đẹp nên rất được nhiều người dân mua về sử dụng.
Riêng việc bảo quản mật ong làm từ phấn hoa sú vẹt cũng khá đơn giản chỉ cần tránh ánh sáng trực tiếp là được. Do là mật nguyên chất nên để và sử dụng được rất lâu mà không lo bị hỏng.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Ánh, nghề nuôi ong cho thu nhập cao tùy vào từng thời điểm, theo mua hoa trong năm. Nghề này không phải ai cũng theo được vì nghề đòi hỏi sự cần cù, chịu khó…
Đặc biệt, nuôi ong không tốn diện tích đất, chi phí đầu tư ban đầu thấp. Nhưng cũng cần lưu ý, yếu tố quyết định đến hiệu quả là phải nắm bắt được diễn biến sức khỏe của từng đàn ong do ong là loài rất nhạy cảm với thời tiết, dễ nhiễm bệnh.
Công việc hàng ngày của ông Nguyễn Ngọc Ánh là thường xuyên đảo cầu để mật lên đều, kiểm tra từng thùng ong xem ong có khỏe mạnh, lấy đủ lượng phấn hoa cần thiết hay không.
Khi ong chúa đẻ mạnh, số lượng ong trong đàn đông đúc, đàn ong sẽ xây mũ chúa mới và sẻ đàn tự nhiên. Trong trường hợp này, cần cho đàn ong xây thêm cầu mới để ong chúa có nơi đẻ trứng, tổ không chật chội, cắt bỏ bớt lỗ tổ ong đực ở các góc bánh tổ. Ngoài ra, cần thay thế ong chúa, bổ sung nguồn thức ăn cho đàn ong.
Chú ý, khi vào mùa đông giá rét thì chủ động che chắn kín gió, vệ sinh thùng ong sạch sẽ phòng trừ bệnh hại, chăm sóc, nuôi dưỡng, cho ăn bổ sung đúng quy trình,…Và đợi thời tiết thuận lợi thì bắt đầu nhân giống đàn ong lên.
Hoa sú nở tự nhiên, không bị ảnh hưởng bởi các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật nên ngoài đặc điểm sạch sẽ, mật ong hoa sú vẹt không chỉ có tác dụng tốt cho sức khỏe mà còn được dùng làm thuốc chữa nhiều loại bệnh.
Nhờ nghề nuôi ong lấy mật, cuộc sống các hộ dân ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đã khá giả hơn trước. Ngoài lợi ích kinh tế, nghề nuôi ong lấy mật ở rừng ngập mặn ven biển nơi đây còn góp phần bảo vệ tính đa dạng sinh học của các loài thực vật và bảo vệ môi trường sinh thái ven biển.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã