Đảng viên hơn 40 năm tuổi Đảng: Tuổi cao, ý chí càng cao
“Để động viên bà con cùng khôi phục cánh đồng màu bị tan hoang sau lũ, tôi đã sớm ra đồng cải tạo, sản xuất các loại rau hàng hóa. Ra tết, diện tích đậu cove, dưa chuột này sẽ cho thu hoạch”, ông Lê Văn Hợi - đảng viên hơn 40 năm tuổi Đảng ở thôn Sơn Trình, xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà) chia sẻ.
Sinh năm 1959, được kết nạp Đảng trong quân đội vào năm 1980, năm nay, ông Hợi đã 62 tuổi đời, hơn 40 năm tuổi Đảng. Là đảng viên có uy tín cao trong thôn, hầu như mọi nhiệm vụ của địa phương, ông Hợi luôn là người tiên phong. Trong trận lũ lịch sử tháng 10/2020, với chiếc thuyền nhỏ của gia đình, ông Hợi là tình nguyện viên tích cực góp sức cùng các lực lượng ở địa phương đưa người đi sơ tán, cứu trợ lương thực, thực phẩm. Ngôi nhà của con trai ông - 1 trong 3 nhà cao tầng trong thôn là nơi sơ tán của hàng chục hộ dân thôn Sơn Trình.
Vốn là một lão nông cần cù, ngay sau khi lũ rút, với tinh thần đảng viên đi trước, ông Hợi nhanh chóng cải tạo lại vườn nhà; tất bật ra cánh đồng màu tập trung của thôn thu dọn rác, làm lại mặt bằng để bắt đầu vụ sản xuất mới với 2 loại cây trồng: đậu cove và dưa chuột. Đến thời điểm này, cây đã lên xanh, hệ thống giàn leo đã được ông Hợi hoàn chỉnh; diện tích trồng mía cũng được sửa sang lại để có sản phẩm bán trong mùa hè năm nay.
Ông Trình luôn là người tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ảnh tư liệu
Từ bước đi tiên phong của ông Hợi trong khôi phục sản xuất sau lũ, 9 hộ có diện tích đất màu tại vùng tập trung đã bắt tay cải tạo đất để tái sản xuất. Ông Hợi cho biết, cánh đồng màu rộng hơn 1 ha được hình thành năm 2011 khi xã triển khai mô hình đưa vườn ra đồng. Gia đình ông là một trong những hộ tiên phong với 4 sào đất màu được khai thác tối đa mỗi năm 3 vụ, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Khi Sơn Trình khởi động dự án xây dựng nhà văn hóa cộng đồng tránh lũ, ông Hợi là người tích cực hỗ trợ Chi bộ, Ban Cán sự thôn tuyên truyền, vận động Nhân dân cùng chung sức. “Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ xây nhà cộng đồng tránh lũ nhưng để hoàn thành khuôn viên, cụm thể thao, vui chơi giải trí của thôn, còn có sự quyết tâm cao của tất cả người dân trong thôn và con em thành đạt của quê hương ở mọi miền đất nước. Trên lộ trình xây dựng Sơn Trình trở thành khu dân cư kiểu mẫu, rất cần những đảng viên tiên phong như ông Lê Văn Hợi” - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phạm Đình Hòa cho biết.
Đảng viên gốc giáo đi đầu, bước trước
Phát huy vai trò của một người đứng đầu, Bí thư Chi bộ thôn 6, xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên) đã năng động, nhiệt huyết, bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
Lãnh đạo một thôn còn nhiều khó khăn nên Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Quỳnh luôn trăn trở, phải làm sao để đưa cuộc sống của người dân sớm ổn định và phát triển. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo, trong đó có chỉ tiêu về xây dựng nhà nhân ái cho hộ nghèo, gia đình chính sách, ngay sau Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025, anh Quỳnh cùng liên đoàn cán bộ thôn đã kêu gọi hỗ trợ xây dựng 2 nhà nhân ái. Chi bộ cũng đang rà soát để kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng thêm 4 nhà nhân ái trong năm 2021.
Dù trong hoàn cảnh nào, anh Quỳnh luôn là người gương mẫu đi đầu, bước trước, sống tốt đời, đẹp đạo, bám sát nghị quyết của cấp ủy các cấp để lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào của địa phương. Trong cuộc sống đời thường, anh luôn trăn trở, quan tâm và hết lòng hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn… Vì vậy, người dân ở đây luôn nhắc đến anh với niềm tin yêu, nể trọng.
Anh Quỳnh luôn gần dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của Nhân dân và động viên Nhân dân chung tay, góp sức xây dựng quê hương phát triển.
Trận lũ tháng 10/2020 cuốn trôi hàng chục ha nuôi trồng thủy sản của bà con xã Nam Phúc Thăng. Để động viên bà con khắc phục khó khăn, vươn lên ổn định sản xuất và đời sống, không chỉ kêu gọi các nhà hảo tâm tặng quà, giúp đỡ tinh thần và vật chất cho các gia đình bị thiệt hại nặng, Bí thư Chi bộ - Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Nguyễn Văn Quỳnh đã tranh thủ tinh thần Nghị quyết 01 của BTV Tỉnh ủy về khắc phục hậu quả lũ lụt; kịp thời tổ chức họp chi bộ, họp thôn bàn các giải pháp, đồng thời trực tiếp xuống từng hồ nuôi để rà soát, đánh giá thiệt hại, đề xuất xã có giải pháp hỗ trợ kinh phí, con giống cho bà con tái sản xuất.
“Mình được tín nhiệm giao làm người đứng đầu cấp ủy thôn thì phải làm sao xứng đáng với sự gửi gắm của tổ chức. Cùng với rèn luyện tính gương mẫu, đi đầu còn phải thường xuyên bám sát nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo; biến tinh thần nghị quyết các cấp trở thành giải pháp đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ” - Bí thư Chi bộ thôn 6 Nguyễn Văn Quỳnh tâm sự.
Nữ đảng viên công nhân góp sức làm đẹp phố phường
Tình yêu với Thành Sen được đúc kết trong 22 năm gắn bó với Công ty CP Môi trường và Quản lý công trình đô thị Hà Tĩnh đang giúp nữ đảng viên công nhân Phan Thị Liễu (SN 1969) tiếp tục tiên phong trong những mô hình mới, góp sức làm đẹp TP Hà Tĩnh.
“Học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025, tôi nhận thức rõ hơn về mục tiêu xây dựng TP Hà Tĩnh trở thành đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ. Tôi tự nhủ, với vai trò của một đảng viên, một tổ trưởng, mình cần tiếp tục tiên phong trong mỗi công trình mới; bền bỉ, sáng tạo hơn nữa để góp phần thực hiện thành công nghị quyết”, chị Phan Thị Liễu - Tổ trưởng tổ 1 - Đội Vệ sinh môi trường cho biết.
Theo chị Liễu, có 2 việc mới thử thách tinh thần quyết tâm của đảng viên. Đó là thực hiện sắp xếp lại địa bàn hoạt động của các tổ vệ sinh môi trường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, dù đã nỗ lực cao nhưng chị thấy mình còn phải sáng tạo, linh hoạt hơn nữa để quán xuyến, chỉ đạo tốt hơn mới có thể đáp ứng yêu cầu mới. Thứ hai là thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn ở 4 phường: Nam Hà, Bắc Hà, Tân Giang và Trần Phú. Đây là việc mới và khó, vì vậy, dù địa bàn của chị chưa thực hiện nhưng người đảng viên công nhân này đã quán triệt với chị em trong tổ tranh thủ thời gian đi thu gom rác để từng bước tuyên truyền với người dân về lợi ích và trách nhiệm của việc phân loại rác tại nguồn.
“Tôi cũng đã cố gắng nói chuyện, phân tích với những khách hàng mình thu gom rác, đồng thời vận động gia đình, bạn bè, người thân triển khai phân chia 2 loại rác dễ tiêu hủy và khó tiêu hủy, từ đó mong muốn lan tỏa dần mô hình này” - chị Liễu cho biết.
Nhìn lại hành trình gắn bó với công việc lặng thầm làm đẹp thành phố, nhất là dấu mốc từ năm 2010 khi chị chính thức đứng trong hàng ngũ của Đảng, chị Liễu chia sẻ, đó là bước trưởng thành quan trọng trong nhận thức về trách nhiệm của mình. Vì vậy, chị đã tích cực tham gia vận động, bồi dưỡng, dìu dắt, góp phần kết nạp nhiều đảng viên trẻ của Chi bộ.
Đánh giá cao về đóng góp của đảng viên Phan Thị Liễu, Phó Bí thư Đảng ủy Công ty CP Môi trường và Quản lý công trình đô thị Hà Tĩnh Nguyễn Công Hoài cho biết, dẫu hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng chị Liễu luôn là một tổ trưởng có năng lực, trách nhiệm, một ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn tích cực chăm lo cho đời sống công nhân, lao động. Tinh thần vượt khó, nỗ lực, trách nhiệm của đảng viên Phan Thị Liễu là tấm gương sáng để nhiều người học tập, noi theo.
“Nhân tố 3 trong 1” của ngành Kế hoạch và Đầu tư
Từ năm 2015 đến nay, Sở KH&ĐT Hà Tĩnh 3 lần vinh dự đón nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT. Đóng góp vào thành tích chung của tập thể, có vai trò nổi bật của “nhân tố 3 trong 1” - Trần Thị Thanh Bình (SN 1979). Chị vừa giữ chức Phó Trưởng phòng Tổng hợp, vừa là Phó Chủ tịch Công đoàn sở và đảm nhiệm vai trò Thư ký Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh.
18 năm công tác tại sở, chị Bình luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt công việc được giao; phối hợp chặt chẽ với đồng nghiệp, phòng chuyên môn làm tốt vai trò tham mưu, là cơ sở để ban hành các văn bản quan trọng.
Tháng 10 vừa qua, Hà Tĩnh chịu thiệt hại nặng nề từ 2 trận lũ lớn. Trên cơ sở theo dõi tổng hợp về những khó khăn trong hoạt động SXKD của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và đời sống bà con nhân dân, chị Bình luôn trăn trở, cùng đồng nghiệp tham mưu cho lãnh đạo sở về các nội dung phát triển KT-XH nhằm giúp Hà Tĩnh vực dậy sau 2 trận lũ liên tiếp.
Ngày 27/12/2020, UBND tỉnh ra dự thảo Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025. Đây cũng là căn cứ để các cấp, ngành xây dựng chương trình hành động của mình nhằm cụ thể hóa, xây dựng nhiệm vụ, kế hoạch phát triển KT-XH và đầu tư phát triển để sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống, đảm bảo hiệu quả.
Chị Trần Thanh Bình (áo Hồng) trao quà cho các hộ nghèo. Ảnh chụp tháng 2/2020
Trên cơ sở theo dõi, nắm bắt tình hình chung, chị Trần Thị Thanh Bình đã tổng hợp, nghiên cứu kỹ và tranh thủ nhiều ý kiến chuyên môn để tham mưu sát đúng các chỉ tiêu tăng trưởng về kinh tế. Ngoài ra, chị còn tích cực tham gia xây dựng dự thảo Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - một trong những nhiệm vụ mở đường cho phát triển KT-XH nhiệm kỳ mới.
Ngoài công tác chuyên môn, chị Bình là Phó Chủ tịch Công đoàn mẫn cán, thường xuyên quan tâm, chăm lo cho đời sống cho anh em; tích cực tham gia góp ý các báo cáo, kế hoạch triển khai các hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Nhóm P.V/https://baohatinh.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã