Mặt khác, trong số 70% khối lượng hạt giống lúa xác nhận được sử dụng mới có 75% là hạt giống lúa được sản xuất từ hệ thống nhân giống chính thức do các công ty, trung tâm giống cung cấp; 25% khối lượng còn lại là của hệ thống nhân giống nông hộ, trao đổi qua lại của nông dân. Điều này cũng có nghĩa là hạt giống lúa được sản xuất từ hệ thống nhân giống chính thức do các công ty, trung tâm giống cung cấp mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu của sản xuất.
Những số liệu trên đã cho thấy việc sản xuất và cung ứng giống lúa cho sản xuất hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu. Sở dĩ có sự thiếu hụt này một phần là do người nông dân vẫn còn tập quán sạ quá dày. Cũng theo báo cáo của Cục Trồng trọt tại Hội nghị, mặc dù đã được ngành nông nghiệp khuyến cáo nhiều nhưng mật độ gieo sạ trong sản xuất lúa hiện nay vẫn rất cao, sạ dưới 100 kg/ha chiếm 16%, sạ 100 - 150kg/ha chiếm 66%, sạ trên 150 kg/ha chiếm 18%. Trong thực tế, nhiều nông dân vẫn còn sạ mật độ 150 – 200 kg/ha, thậm chí cao hơn như ở Tánh Linh – Bình Thuận mật độ sạ lên đến 250 – 300kg/ha.
Nguyên nhân của việc người dân sạ dày là do họ chưa thấy được những mặt hạn chế của nó. Mật độ sạ dày, sử dụng lượng giống nhiều, đồng nghĩa với việc tăng chi phí sản xuất về giống, phân bón, thuốc BVTV, vừa làm thiếu giống nên phải sử dụng giống xô bồ, không đúng phẩm cấp, giống kém chất lượng dẫn đến sâu bệnh nhiều, năng suất thấp.
Đã có nhiều mô hình, dự án chứng minh hiệu quả thuyết phục của việc giảm lượng hạt giống trong gieo sạ là vừa giảm chi phí đầu vào, vừa tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế sản xuất lúa, điển hình như các mô hình lúa cấy máy được hệ thống khuyến nông các tỉnh triển khai trong những năm gần đây. Từ những mô hình khuyến nông, hay từ thực tế ứng dụng cấy máy trong sản xuất lúa của bà con nông dân có thể thấy những lợi ích sau:
- Mô hình lúa cấy máy chỉ sử dụng 40 - 50 kg hạt giống lúa/ha, giảm 60 - 70% lượng hạt giống lúa sử dụng so với mô hình lúa sạ lan hiện nay sử dụng 150 – 170 kg/ha;
- Mô hình lúa cấy máy giảm lượng phân bón vô cơ sử dụng từ 15 – 20%, đặc biệt là phân đạm giảm từ 20 – 25%;
- Mô hình lúa cấy máy do mật độ thưa, ruộng lúa thông thoáng nên giảm áp lực sâu bệnh, giảm số lần phun thuốc BVTV từ 30 – 40% (thậm chí có thể giảm 60 – 70% nếu bà con nông dân bỏ tập quán phun phòng sâu rầy khi mật độ chưa đến ngưỡng gây hại);
- Từ việc giảm giống, giảm phân bón, giảm sử dụng thuốc BVTV đã tiết kiệm được chi phí sản xuất từ 2,5 – 3 triệu đồng/ha.
- Mô hình lúa cấy máy hạn chế được tình trạng lúa đổ ngã khi gặp gió, mưa lớn giai đoạn trỗ - chín, đặc biệt là trong vụ Hè Thu và Thu Đông. Đây là lý do làm tăng chi phí thu hoạch, tăng thất thoát, thậm chí mất trắng nếu đổ ngã vào giai đoạn lúa chưa ngậm sữa;
- Mô hình lúa cấy máy có năng suất thu hoạch cao hơn 0,5 – 0,8 tấn/ha, tăng 12 – 15% so với mô hình lúa sạ;
- Mô hình lúa cấy máy nâng cao được chất lượng lúa gạo do hạt lúa chắc, mẩy, sáng hơn, sạch và an toàn hơn với thuốc BVTV, phân bón vô cơ do sử dụng thuốc BVTV, phân bón vô cơ ít hơn…, do đó, giá bán cao hơn;
Như vậy, mô hình lúa cấy máy đã giảm được lượng hạt giống lúa sử dụng (60 – 70%), góp phần đáng kể trong việc đáp ứng đủ nhu cầu hạt giống cho sản xuất.
Hơn thế nữa, từ việc giảm lượng hạt giống gieo sạ đã có tác dụng kéo theo giảm được chi phí sản xuất, tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng giá bán nên mô hình lúa cấy máy đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với lúa sạ lan, sạ dày từ 4 – 5 triệu đồng/ha (tăng 40 – 50% lợi nhuận).
Đặc biệt, trong điều kiện vụ đông xuân hàng năm hạn mặn có thể xảy ra vào cuối vụ, mô hình lúa cấy máy còn thể hiện được các ưu thế mà các hình thức xuống giống khác không có được:
(1) Rút ngắn được TGST ruộng lúa khoảng 5 – 7 ngày, giúp rút ngắn được thời gian cao điểm bị ảnh hưởng hạn mặn cuối vụ (nếu có);
(2) Có thể xuống giống sớm trong những ngày mưa đầu vụ Đông Xuân hàng năm để đẩy sớm lịch thời vụ (như vụ ĐX 2019–2020) mà giải pháp sạ có thể làm trôi giống, chết giống;
(3) Có bộ rễ ăn sâu nên tăng khả năng chịu hạn trong điều kiện thiếu nước cuối vụ…
Từ kết quả thuyết phục của mô hình lúa cấy máy đã có nhiều địa phương vùng ĐBSCL tiếp cận và nhân rộng mô hình này. Số lượng máy cấy trong vùng đến nay đã là hơn 400 máy; mỗi vụ có hàng nghìn héc ta ruộng lúa được cấy bằng máy và đều cho hiệu quả kinh tế – xã hội cao.
Cũng từ tính thuyết phục của mô hình lúa cấy máy, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt mới 02 dự án về ứng dụng máy cấy tại các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang (giai doạn 2019 – 2021) và Sóc Trăng, Hậu Giang, Tiền Giang (giai đoạn 2020 – 2022.
Tuy nhiên, cũng như các máy móc thiết bị nông nghiệp khác, để máy cấy nhanh chóng được nhân rộng trong sản xuất, rất cần các chính sách hỗ trợ đủ mạnh từ Nhà nước về đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp, trong đó trước mắt cần xem xét tháo gỡ các vướng mắc, mở rộng đối tượng được hưởng, tăng tính khả thi trong việc tiếp cận đối với chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ./.
Ngô Văn Đây - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
Nguồn tin: http://www.khuyennongvn.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã