Sinh đầu năm 1955, tuổi Giáp Ngọ nên thầy Quang tự nhận mình nặng kiếp ngựa trâu. Cũng lạ, song sinh của thày đều làm giáo viên và làm công tác quản lý trong ngành giáo dục. Thầy Quang có tuổi thơ “đi cày đường nhựa”, ý thày là lớn lên giữa phố.
Bởi chiến tranh, cha mẹ đưa các con sơ tán về các vùng quê. Làng quê đẹp ấn tượng, vậy nên thày cứ quấn riết, bện chặt lấy chăn nuôi và trồng trọt. Đầu tiên là việc quyết tâm thi đỗ vào trường Đại học nông lâm, giữa lúc mà mọi người đều chọn “nhất Y, nhì Dược...”.
Hai lần nhập ngũ, hai lần thày quay lại mái trường Đại học nông lâm Thái Nguyên. Rồi thầy trở thành giảng viên nhà trường. Năm 2015, thày về hưu với chức danh Phó khoa Công nghệ sinh học.
Ở thành phố Thái Nguyên, gần như ai cũng biết doanh nghiệp xe máy Trần Minh và Công ty Khai khoáng miền núi. Đó là 2 doanh nghiệp lớn của 2 người em ruột thày giáo Quang. Những năm kinh tế khó khăn, 2 người em đều muốn anh trai mình chuyển ra ngoài làm, gọi là để giúp đỡ các em quản lý doanh nghiệp nhưng thực chất là muốn bù trì cho thày Quang đỡ vất vả.
Nhưng như cái nghiệp thầy Quang vẫn mải miết với các thế hệ học trò, lăn lộn với 2,5 ha vườn thực nghiệm của trường.
Rồi đến khi con trai lớn trưởng thành, với chức vụ Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu viễn thông Quân đội; con gái trở thành họa sỹ vẽ tranh Manga nổi tiếng ở Nhật Bản liên tục đề nghị cha ngừng đam mê cây trồng, vật nuôi để an hưởng tuổi già mà vẫn không thuyết phục được bố mình.
Ngay từ năm 2007, thày Quang đã đầu tư mua lại 5 ha đất hoang của Công ty Dâu tằm tơ Thái Nguyên tại xã Tức Tranh (Huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên). Người thày giáo chuẩn bị về hưu xác định đó là bước đệm cho việc nghỉ chế độ để không bị hụt hẫng, nhớ nghề.
Các buổi chiều, những ngày nghỉ việc, thày lại tất tả phi xe máy từ thành phố lên trang trại với quãng đường gần 30km. 5ha đất trang trại lúc đó còn xôi đỗ, nhiều hộ dân là công nhân của công ty dâu tằm tơ cũ xâm canh canh tác.
Thày Quang tự thuyết phục các hộ phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Theo hợp đồng mua đất, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm giải quyết công ăn việc làm cũng như chế độ bảo hiểm cho người lao động công ty.
Cho đến tận năm 2019 vừa qua, thày Quang mới làm xong chế độ hưu cho 3 công nhân cuối cùng trong tổng số 40 công nhân của công ty cũ.
Công việc đầu tiên, thày Quang thuê chính những công nhân đó là thực hiện quá trình cải tạo đất, trồng cây ăn quả, trồng mía. Cây trên đất cát bồi, nắng khô, mưa ủng nên không cho hiệu quả. Mía lên không kịp cỏ dại. Thường mỗi lứa mía mất 2 - 3 lần làm cỏ thì ở đất cát bồi làm cỏ tới 5 - 6 lần vẫn không lại.
Công nhân theo chỉ đạo lại chuyển sang trồng sắn. Sắn chỉ tốt lá mà củ thì không đạt yêu cầu. Qua 3 - 4 năm, thày giáo Quang mới đi đến kết luận, ngoài khoảng hơn 1 ha đất cải tạo tốt, trồng được các loại cây có múi, còn gần 4 ha còn lại chỉ có thể trồng cỏ mà thôi.
Thày Quang cho lắp hệ thống máy hút nước từ sông Cầu dẫn đều với đầy đủ đầu chờ cho diện tích hơn 2 ha đất trồng cỏ. Cỏ voi tốt ngờm ngợp. Thầy Quang cho hay, mỗi ha cỏ VA06 hiện cho sản lượng tới 600 tấn/năm. Cỏ dùng làm thức ăn xanh để nuôi 13 con ngựa bạch giống và 11 con dê.
Năm 2012, chủ trang trại cho mua thêm một ít lợn rừng và hươu sao - đều là các loài cần thức ăn xanh. Đàn động vật được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đến 2015 tổng đàn được nhân lên rất đông. Đó cũng là năm thầy Quang nhận quyết định về hưu.
Năm 2016, thầy Quang mạnh dạn thành lập HTX chăn nuôi động vật bản địa. HTX có tổng số 60 con ngựa bạch (trong đó có 50 ngựa sinh sản); 60 con dê; 500 con lợn rừng; 300 con hươu sao. Nguồn phân chuồng từ đàn vật nuôi được được chuyển ra chăm sóc đồng cỏ.
Trước đó, các loài vật nuôi sinh sản đến đâu thì đều được giữ lại để nhân giống. Nhưng kể từ thành lập HTX, phần vì quy mô chăn thả, phần vì phải phát triển vệ tinh nên HTX cũng bán giống để xây dựng vùng chăn nuôi vệ tinh.
Thày giáo Trần Đình Quang (Chủ tịch HĐQT HTX chăn nuôi động vật bản địa, xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương) đưa chúng tôi ra ngắm đàn ngựa bạch. Thầy tự hào giới thiệu về những đặc điểm nhận dạng để phân biệt ngựa bạch và ngựa trắng.
Chỉ như vậy mới có thể chắc chắc là mình mua được đặc sản cao ngựa bạch "xịn” hay không. Hiện, ngoài sản xuất kinh doanh, những con ngựa bạch ở HTX thầy Quang còn đang được bảo tồn nguồn gen theo chương trình hợp tác nghiên cứu với Đại học Nông lâm Thái Nguyên.
Đàn dê trong trang trại bản địa được “chỉ đạo”, “giao” một chức năng, vai trò đặc biệt, nghe dễ mắc cười. Đó là nhiệm vụ làm cỏ các đường liên khu trang trại, làm cỏ giữa các hàng cây bưởi Diễn, bưởi da xanh.
Theo đó, ngoài việc nuôi nhốt, mỗi ngày công nhân chăn dê lại lùa cả đàn ra ngoài để chăn, cho chúng ăn cỏ dại dọc các lối đi. Và đó chính là cách để đánh giá, hoàn thiện quy trình kỹ thuật chăm sóc dê bán chăn thả.
Cùng với lợn rừng và hươu sao, mỗi năm trang trại xuất bán hàng ngàn con giống các loại. Giống động vật được HTX cung ứng ra nhiều tỉnh trong toàn miền Bắc.
Đặc biệt, ngay tại địa bàn xã Tức Tranh, rộng hơn là huyện Phú Lương và tỉnh Thái Nguyên, các hộ, nhóm hộ chăn nuôi có nguồn giống của HTX Gốc Gạo ngoài góp phần phát triển còn là vệ tinh quan trọng để cùng nhau cung ứng cho những hợp đồng đòi hỏi số lượng lớn con giống trong cùng một thời điểm.
HTX chăn nuôi động vật bản địa tạo công ăn việc làm cho 5 lao động thường xuyên. Bên cạnh đó, HTX còn là trại thực nghiệm lớn cho các nghiên cứu sinh, sinh viên của trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên.
Thầy Quang cho hay, thời sinh viên của thày phải đi về các vùng quê xin ông bà nông dân cho cày, cho cấy mới được làm vì người dân sợ làm hỏng mảnh ruộng hoặc tư liệu sản xuất. Ở một số khoa nghiên cứu chuyên sâu hiện nay thì người làm luận án phải tự mày mò, bỏ tiền ra mới có môi trường tìm hiểu, học tập.
Trong điều kiện tư liệu thực tế của nhà trường còn hạn hẹp thì trang trại của thày Quang đã góp phần vào công việc đào tạo, bồi dưỡng cho các nghiên cứu sinh, sinh viên. Đây chính là một trại thực nghiệm lý thú cho sinh viên theo học ngành chăn nuôi, thú y.
Ông Phạm Bình Công (Chủ tịch UBND huyện Phú Lương) cho rằng, đam mê, lăn lộn với nghiệp, nỗ lực vì nghề như thày giáo Quang cũng là hiếm có khó tìm. HTX chăn nuôi bản địa không chỉ là điểm sáng của địa phương mà còn lan tỏa cách làm sáng tạo, hiệu quả tới nhiều vùng miền của đất nước.
Thầy Quang lái xe tải đi một vòng thành phố, dừng lại chỗ này mua cám, chỗ kia mua thuốc...để mang lên trang trại. Trò chuyện cùng thày mới thấy chăn nuôi, trồng trọt đúng là duyên nghiệp. Những tưởng thầy về hưu để vui thôn giã điền viên. Vậy mà ở tuổi sắp thất thập, thày vẫn quần quật với cây, con.
Thầy còn nung nấu ý định, sắp tới sẽ xây dựng hệ thống tự động hóa toàn bộ trang trại để nâng cao chất lượng chăn nuôi, không ngừng gia tăng hiệu suất sản xuất kinh doanh.
Đồng Văn Thưởng - Trần Quảnhttps://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã