Sáng ngày 3/7, UBND TP.Đà Lạt đã tổ chức Lễ công bố quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Dâu tây Đà Lạt" và "Hồng Đà Lạt". Tại buổi lễ, UBND TP.Đà Lạt đã trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Dâu tây Đà Lạt" và "Hồng Đà Lạt" cho 26 cá nhân và đơn vị. Trong đó, có 10 cá nhân và đơn vị trồng, kinh doanh dâu tây, 16 cá nhân, đơn vị về trồng, sản xuất hồng ăn trái.
Ông Nguyễn Đức Cứ - Trưởng Phòng Kinh tế TP.Đà Lạt cho biết, hiện nay diện tích dâu tây Đà Lạt biến động trong khoảng 120 – 130ha. Diện tích này tập trung chủ yếu tại khu vực phường 7 và rải rác tại các phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Lạt với sản lượng bình quân cung cấp cho thị trường khoảng 1.500 tấn/năm.
Dâu tại Đà Lạt vào khoảng tháng 8 - 9. Mùa thu hoạch chính từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau với năng suất bình quân thấp 7 - 10 tấn/ha.
Trong những năm trở lại đây, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong trồng dâu tây như canh tác giống mới, trồng trong nhà mái che, hệ thống thủy canh, trồng phủ nylon trên mặt luống, cung cấp nước, phân bón qua hệ thống nhỏ giọt…đã làm tăng năng suất dâu tây lên gấp 2 - 3 lần.
Đặc biệt, dâu tây có thể trồng quanh năm nhưng diện tích này vẫn còn rất hạn chế do chí phí đầu tư ban đầu cao.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt nhận định: "Hiện nay, sản phẩm dâu tây trên địa bàn chưa có thương hiệu và phần lớn diện tích sản xuất chưa được áp dụng theo quy trình tiên tiến. Công tác thu hoạch và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch chưa được quan tâm, quy mô sản xuất tập trung hình thức hộ gia đình… Nhìn chung, do chưa có chính sách về giá, sản phẩm chưa có thương hiệu nên sản phẩm dâu tây thường bị tư thương ép giá.
Mặt khác, sản phẩm dâu tây khi tiêu thụ trên thị trường chưa được kiểm duyệt, công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, chế biến, bảo quản sau thu hoạch chưa được chú trọng …
Vì vậy, đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý người mua và thu nhập người dân trồng dâu tây. Việc giả mạo, lạm dụng địa danh Đà Lạt đối với sản phẩm cây ăn trái Đà Lạt xảy ra tương đối phức tạp, làm giảm uy tín cũng như thương hiệu của sản phẩm.
Trước những đòi hỏi của thị trường về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, người nông dân canh tác theo hướng truyền thống chưa áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và đóng gói sản phẩm.
Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dâu tây, hồng Đà lạt là hết sức cần thiết".
Trong khi đó, hồng ăn trái của Đà Lạt cũng phải cạnh tranh gay gắt với hồng Trung Quốc. Trái hồng tại Đà Lạt tiêu thụ trên thị trường 85% dưới hình thức hồng ăn quả tươi (hồng giòn hoặc hồng chín) nên thời gian sử dụng chỉ được 5 - 6 ngày.
Vì vậy, khi diện tích trồng hồng ăn trái tại Đà Lạt và các vùng phụ cận gia tăng "cung vượt cầu" trái hồng từ cây xóa đói giảm nghèo trước những năm 2000 đến thời điểm hiện nay giá rất thấp. Nguồn thu nhập từ hồng ăn trái bấp bênh.
Do đó, hồng ăn trái trong sản xuất không được chăm sóc, một số diện tích đã bị chặt bỏ dẫn đến diện tích hồng ăn trái tại Đà Lạt ngày càng thu hẹp.
Đến nay, Đà Lạt và vùng lân cận cung cấp cho thị trường tiêu thụ khoảng hơn 4.000 tấn. Trong đó, hồng trứng chiếm khoảng 55%, hồng vuông 25%, hồng chén 10%, hồng bom 5%.
Hiện, hồng được các nhà vườn bán khoảng 5.000 đồng/kg tươi và đạt 12.000-14.000 đồng vào cuối vụ. Thị trường chủ yếu là TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh miền trung. Hồng tươi được tập kết về các chợ đầu mối sau đó phân phối về chợ nhỏ trước khi bán cho người tiêu dùng.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho Việt Nam thông qua tổ chức JICA đã tiến hành chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và chế biến Hồng sấy khô theo công nghệ mới.
Đến nay sản phẩm Hồng sấy khô theo công nghệ Nhật Bản đã có mặt trên thị trường và đang từng bước hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu thị hiếu ngày càng cao và đa dạng của người tiêu dùng. Giá sản phẩm Hồng sấy khô từ 250.000 - 400.000 đ/kg.
Chị Nguyễn Thị Bích Thủy – Phó Giám đốc Công ty TNHH Sinh Học Sạch Biofresh, một đơn vị được cấp quyền sử dụng chứng nhận nhãn hiệu "Dâu tây Đà Lạt" cho biết: "Khi người dân được cấp quyền sử dụng chứng nhận nhãn hiệu thì sẽ rất yên tâm. Đặc biệt là những người đi theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch. Điều này cũng làm cho khách hàng, du khách khi mua dâu tây, hồng ăn trái sẽ yên tâm, không lo lắng về chất lượng nông sản của các đơn vị, cá nhân được cấp quyền...".
Hơn nữa, chứng nhận này sẽ giúp cho nông sản của Đà Lạt cạnh tranh được với hàng Trung Quốc. Tránh được tình trạng giả mạo, hàng nhái, hàng giả khác, nâng tầm nông sản Đà Lạt".
Văn Long/https://danviet.vn/
https://danviet.vn/da-lat-dau-tay-va-qua-hong-van-canh-tranh-gay-gat-voi-hang-nhap-tu-trung-quoc-2020070312141183.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã