Anh Trần Văn Trung là trường hợp ít ỏi ở Hải Phòng bỏ nghề vận tải biển đầy tiềm năng để rẽ ngang làm nông nghiệp và đã có thành công bước đầu với những loại gạo ngon, “sạch”, nhiều người biết đến.
Việc một thuyền trưởng tàu viễn dương bỗng dưng nghỉ việc và bước vào lĩnh vực nông nghiệp, một lĩnh vực mới toanh so với những gì được đào tạo khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu nhưng thực tế là một cơ duyên đầy bất ngờ.
Chuyện là sau nhiều năm lênh đênh trên biển với những chuyến hàng chở gạo và nông sản từ Việt Nam đi các nước ở châu Á rồi ngược lại, anh Trung đã tận mắt nhìn thấy cũng như tiếp cận với nhiều loại gạo, nông sản Việt Nam xuất khẩu.
Dù chất lượng tốt, bao bì nhãn mác đẹp, tiềm năng lớn nhưng lợi thế cạnh tranh với gạo của nhiều nước có chất lượng tương đương lại bị hạn chế do chưa có thương hiệu.
Những thiệt thòi của nông sản và đặc biệt là gạo Việt Nam thị trường quốc tế của nông sản Việt và đặc biệt là lúa gạo khiến anh nhiều lần suy nghĩ và trăn trở.
Rồi cơ duyên đến, năm 2008, khủng hoảng kinh tế xảy ra, việc làm ăn gặp khó khăn, anh Trung quyết định nghỉ công việc yêu thích để bước vào thương trường và quyết tâm “sống chết” với lúa gạo Việt Nam.
“Tôi muốn đưa sản phẩm sạch đến người tiêu dùng, đưa giá trị sản phẩm nông nghiệp lên xứng tầm quốc gia, xứng tầm quốc tế. Đó là nguyện vọng của tôi nay khi rẽ sang gắn bó với ngành nông nghiệp”, anh Trần Văn Trung – Giám đốc Công ty Hải Âu Việt chia sẻ.
Có tham vọng, có động cơ tốt đẹp muốn mang gạo ngon đến người tiêu dùng và xa hơn là nâng tầm gạo Việt, anh Trung tìm những loại gạo chất lượng và đặt hàng người dân để kinh doanh với mục tiêu là tạo ra hệ thống siêu thị chuyên cung ứng những loại gạo ngon nhất cho thị trường.
Dù các phương án kinh doanh đều đã được tính toán kỹ lưỡng, nhưng khi vào thực tế, sự việc đã không giống như hình dung ban đầu. Khó khăn chồng chất khó khăn, việc kinh doanh gạo ngon, “sạch” của vị doanh nhân trẻ không ít lần rơi vào bế tắc, có lúc tưởng chừng như không còn lối thoát.
Sau thời gian kinh doanh, nhiều khách hàng phản hồi gay gắt, nhiều sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng nhưng khi đưa về bán vẫn bị khách hàng chê thậm tệ, thậm chí có lần vào mùng 5 Tết, khách hàng còn đem gạo ném thẳng vào nhà rồi chửi rủa.
“Lúc đó tôi cảm thấy bị sỉ nhục lớn với danh dự của người mang những loại gạo ngon cung cấp cho thị trường. Dù mình đã rất cẩn thận, tìm đùng nguồn, tìm hiểu người dân thì đúng là cấy giống lúa tôi cần nhưng khi xay xát ra nấu lên cơm bị khô, không đáp ứng được mong mỏi của khách hàng”, anh Trung nhớ lại.
Bởi lẽ, nếu chỉ đi mua lại lúa của người dân thì khó đảm bảo, dù giống tốt nhưng khi người sản xuất không hiểu được quy trình để tạo ra những sản phẩm ngon hơn thì cũng coi như bỏ.
Do đó, việc cần giải quyết đầu tiên là hạt giống, sau đó là tìm những vùng phù hợp về khí hậu thổ nhưỡng phối hợp với người dân sản xuất và kiểm soát chặt chẽ quy trình kỹ thuật từ đầu cho đến lúc thu hoạch.
Quyết tâm, nhiều năm sau đó, anh Trung bỏ tiền túi, rong ruổi đi khắp những nơi nổi tiếng về lúa gạo ở châu Á như: Thái Lan, Campuchia, Lào… để tìm những loại ngon nhất, đã được giải quốc tế để đưa giống về Việt Nam trồng thử nghiệm.
Nhưng thành công không đến dễ dàng với cựu thuyền trưởng tàu Viễn Dương, tất cả những giống lúa của loại gạo đã đạt giải ngon nhất thế giới khi đưa về trồng ở Việt Nam đều cho kết quả không như kỳ vọng, gạo nấu lên không ngon, không đáp ứng được yêu cầu.
Gần như trắng tay, tiền của, công sức tìm tòi, học hỏi khắp nơi đều đổ sông đổ bể đã khiến anh Trung chán nản mất, suy sụp, thậm chí mất phương hường. Và sau đó, cơ duyên với lúa, gạo đã đến khi gặp được Anh hùng Lao động, Kỹ sư Hồ Quang Cua.
“Cá gặp nước”, những thắc mắc, những bế tắc dần hóa giải, anh Trung đưa những loại giống phù hợp với thổ nhưỡng của vùng Đồng bằng Sông Hồng như ST, Tiến Vua… để trồng và bắt đầu thu được thắng lợi.
“Năm 2013, tôi đem về trồng và cho sản phẩm bất ngờ, tôi đã gọi mời Kỹ sư Hồ Quang Cua trực tiếp ra cánh đồng để xem, chính ông ấy phải thốt lên rằng: Hay là đưa về đất mẹ nên cho năng suất và thơm ngon thế này”, anh Trung hứng khởi.
Khi khâu giống được giải quyết, thì việc mở rộng diện tích canh tác và tìm những địa phương có thổ nhưỡng, khí hậu được được đặt ra để có được những hạt gạo ngon nhất. Và sau đó, những đầm rươi ngoài đê ở Hải Phòng đã trở thành địa chỉ được tìm đến.
Năm 2016, 20 mẫu lúa Tiến Vua (tên anh Trung tự đặt) đầu tiên đã cho năng suất 100kg/1 sào, chất lượng thơm ngon, an toàn. 17 tấn gạo được bán hết veo trong vòng 1 tháng với giá bán cao gấp đôi so với các loại gạo thông thường. Bài toán gạo sạch, chất lượng cung ứng cho thị trường được giải quyết.
Tiếp đà thắng lợi, hàng chục ha diện tích trồng lúa chất lượng cao được mở rộng tại Hải Phòng với sản lượng hàng trăm tấn/1 năm và quy trình sản xuất khoa học, được giám sát chặt chẽ toàn bộ.
“Tiềm năng của Hải Phòng rất lớn và thích ứng với giống lúa chất lượng cao, cái này thế giới đang rất cần. Mục tiêu của tôi trong thời gian tới là phát triển rộng hơn và hướng tới xuất khẩu những loại gạo này ra thị trường quốc tế”, anh Trung tự tin.
Hiện nay, tại Hải Phòng đang có hàng nghìn ha đầm ngoài đê được người dân dùng để nuôi rươi, trong đó riêng 2 xã Ngũ Phúc và Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy đã có hơn 100ha. Nếu như trước đây, người dân chỉ trồng lúa để làm môi trường sinh trưởng cho rươi, ít khi thu hoạch thì nay, nhiều người đã biết tận dụng để thu lợi “kép” cùng trên một đơn vị diện tích.
“Người dân hoàn toàn có thể mở rộng canh tác, diện tích lúa sạch. Nếu có lợi ích thế này, vừa có thể giải quyết vấn đề ruộng bỏ hoang vừa duy trì được sản xuất, lại có được những loại gạo tốt cung ứng cho thị trường với nguồn thu hàng triệu đồng/1 sào”, bà Lê Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kiến Thụy cho biết.
ĐINH MƯỜI/nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã