Học tập đạo đức HCM

Đảm bảo chủ động nguồn nước trong mọi tình huống

Thứ tư - 25/08/2021 06:12
Nếu không đảm bảo an ninh nguồn nước (ANNN) và an toàn hồ đập, Việt Nam khó đạt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045.

Nhận diện thách thức

Việt Nam hiện đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ thiếu hụt nguồn nước, biến đổi khí hậu, tác động của phát triển cả bên trong và bên ngoài lãnh thổ.

An toàn đập, hồ chứa nước, một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến ANNN. Đến nay trên thế giới đã có hơn 8.000 vụ vỡ đập lớn. Năm 1975, sự sụp đổ của đập Banqiao đã dẫn đến vỡ 60 đập khác trên bậc thang ở hạ lưu làm thiệt mạng hơn 80.000 người, và 200.000 người khác chết do dịch bệnh và thiếu hụt lương thực, ước tính rằng gần 11 triệu người đã phải di dời do sự cố này.

Úc là quốc gia sớm nhận diện những thách thức về đảm bảo ANNN. Tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở khu vực Đông Nam Úc đã đặt ra yêu cầu sử dụng tài nguyên nước hiệu quả. Năm 2007, Quốc gia này đã tiến hành xây dựng kế hoạch quốc gia về ANNN. Ở thời điểm đó, kế hoạch được cho là rất mới, táo bạo với phương pháp tiếp cận nhằm đảm bảo việc sử dụng nước bền vững ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Hồ chứa nước ngọt một triệu mét khối tại Ba Tri, Bến Tre. Ảnh: Hoàng Nam.Hồ chứa nước ngọt một triệu mét khối tại Ba Tri, Bến Tre. Ảnh: Hoàng Nam.

Hồ chứa nước ngọt một triệu mét khối tại Ba Tri, Bến Tre. Ảnh: Hoàng Nam.Hồ chứa nước ngọt một triệu mét khối tại Ba Tri, Bến Tre. Ảnh: Hoàng Nam.

Trên thế giới có nhiều cách để tiếp cận về ANNN, nhưng đều bao gồm những yếu tố cơ bản như đảm bảo đầy đủ số lượng, chất lượng nước cho các nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế rủi ro do nước mang lại.

ANNN cần phải gắn với mục tiêu “đảm bảo chủ động về nguồn nước trong mọi tình huống”. Tiếp cận quản lý tổng hợp nguồn nước là nguyên tắc xuyên suốt, đồng thời phải quy định rõ nguồn lực, trong đó nhà nước là chủ đạo để thực hiện đảm bảo ANNN là bài học kinh nghiệm tại nhiều nước.

Đồng thời phải kết hợp hài hòa giữa giải pháp công trình và phi công trình, đặc biệt trong ứng phó với biến đổi khí hậu và các loại hình thiên tai do nước gây ra. Tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt với các quốc gia thượng nguồn và các tổ chức quốc tế.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến ANNN 

Theo Bộ NN-PTNT, Việt Nam đã có một hệ thống pháp lý tương đối hoàn chỉnh về phát triển và quản lý sử dụng tài nguyên nước (Luật Tài nguyên nước, Luật Thuỷ lợi, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Bảo vệ môi trường...) nhưng chưa có một văn bản quy định thống nhất và hướng dẫn chi tiết các nội dung đảm bảo ANNN quốc gia, quy định về phối hợp giữa các cơ quan liên quan còn hạn chế.

Bên cạnh đó cần có sự phân công rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các bên liên quan, đặc biệt là củng cố, kiện toàn tổ chức có đủ quyền hạn, chức năng để thực hiện, xây dựng cơ chế phối hợp rõ ràng, minh bạch trong quá trình thực hiện. Rà soát, hoàn thiện hoặc đề xuất xây dựng các quy định hợp tác quốc tế trong quản lý sử dụng nguồn nước với các nước cùng chung lưu vực sông trong bối cảnh mới để chủ động đảm bảo ANNN quốc gia.

Về đầu tư và tài chính, cần xây dựng chính sách đầu tư với các tiêu chí đầu tư rõ ràng, đảm bảo đầu tư có trọng tâm, có hiệu quả, tránh dàn trải để thực hiện các mục tiêu phân bổ và sử dụng nguồn nước có hiệu quả, đảm bảo ANNN quốc gia.

Nguồn nước mặt sản sinh trong lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm 37% tổng lượng nước mặt của quốc gia. Nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ, từ các quốc gia thượng nguồn chiếm tới 63%.

Các quốc gia thượng nguồn các sông quốc tế có xu hướng tăng cường đầu tư, khai thác nguồn nước cho các mục đích phát triển thủy điện, cấp nước cho sản xuất, dân sinh trong và ngoài lưu vực, dự báo với những tác động của biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ANNN của Việt Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng.

Tác động của việc gia tăng sử dụng nước phục vụ phát triển, xây dựng các hồ chứa, khai thác rừng… ở thượng nguồn sông Hồng, sông Mê Công đã và sẽ dẫn đến mất cân bằng bùn cát, hạ thấp lòng sông, suy giảm nguồn nước, giảm khả năng điều tiết của các khu chứa nước lớn như Biển Hồ, góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng lũ, hạn, xâm nhập mặn, xói lở bờ sông, bờ biển ở Việt Nam.

Theo Ủy hội sông Mekong quốc tế, ước tính lượng phù sa về ĐBSCL có thể giảm tới 97% ở thời điểm năm 2040. Không những thế, tài nguyên nước mặt của Việt Nam phân bố không đều cả về không gian và thời gian.

Theo một số kết quả nghiên cứu, cứ khoảng 1.000 hecta rừng có khả năng chứa nước tương đương với hồ nước có dung tích khoảng 1 triệu m3. Tuy nhiên, dưới áp lực từ sự gia tăng dân số, phát triển kinh tế ở nhiều vùng nên nhiều diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đã bị suy giảm. Tỷ trọng diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn là rừng non, rừng nghèo và nghèo kiệt có trữ lượng dưới 50m3 còn chiếm tỷ lệ cao so với tổng diện tích rừng hiện có (khoảng 30%), hiệu quả tạo nguồn sinh thủy hạn chế.

Ô nhiễm nguồn nước chủ yếu tập trung ở vùng trung lưu và hạ lưu các lưu vực sông (Nhuệ, Đáy, Cầu, Đồng Nai), hệ thống công trình thủy lợi (Bắc Hưng Hải, Bắc Đuống...).Nguồn gây ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, y tế và chất thải rắn không được kiểm soát, trong đó, nước thải sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn.

Hiệu quả sử dụng nước thấp

Hồ Núi Một tỉnh Bình Định

Hồ Núi Một tỉnh Bình Định

Việt Nam có bình quân lượng nước tính trên đầu người đạt 9.000 m3/năm nếu tính tổng lượng nước. Tuy nhiên nếu chỉ tính lượng nước nội sinh trên lãnh thổ, thì lượng nước bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 3.300 m3/người/năm, thấp hơn trung bình khu vực Đông Nam Á (khoảng 4.900 m3/người/năm) và ở ngưỡng thiếu nước (nhỏ hơn 4.000 m3/người/năm).

Xét thêm các tác động do phân bổ không đều theo thời gian và không gian, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập úng và biến đổi khí hậu thì thách thức trong việc đảm bảo cân đối nguồn nước phục vụ phát triển KT-XH và bảo vệ môi trường là vô cùng lớn.

Tổng nhu cầu nước hàng năm khoảng 101 tỷ m3/năm, dự báo đến năm 2030 sẽ cần khoảng 111 tỷ m3/năm; nhu cầu nước cho ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, tuyệt đối khoảng 83-85%, sinh hoạt 2-3%, công nghiệp 5-6%, môi trường 8-9%. Tổng lượng nước cần vào năm 2045 sẽ vào khoảng 130 tỷ m3/năm với tỷ trọng lớn hơn cho công nghiệp, sinh hoạt và dịch vụ.

Theo nghiên cứu của Nhóm Tài nguyên nước 2030 (2030-WRG), nhu cầu dùng nước ở nước ta do tăng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa… sẽ lên đến khoảng 130-150 tỷ m3/năm, chiếm tới gần 50% lượng nước sản sinh trên lãnh thổ nước ta, gần 90% nguồn nước mùa khô.

Lưu vực sông Cửu Long nơi sản xuất 50% lượng lúa gạo của Việt Nam với tình trạng căng thẳng về nước có thể đặt ra mối đe dọa cho an ninh lương thực và xuất khẩu quốc gia.

Hiện cả nước hiện có 86.202 công trình thủy lợi, trong đó trên 900 hệ thống thuỷ lợi có quy mô diện tích phục vụ từ 200 ha trở lên. Với hệ thống công trình thủy lợi đã đảm bảo cấp nước cho khoảng 4,28 triệu ha/6,25 triệu ha đất nông nghiệp cần tưới (chiếm 68,48%).

Diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn đạt gần 0,53 triệu ha/3,4 triệu ha; cấp nước cho nuôi trồng thủy sản 686.600 ha và khoảng 6,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp; bảo đảm phòng, chống lũ, chống ngập cho các đô thị, khu dân cư, bảo vệ sản xuất.

Hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo tiêu thoát nước cho khoảng 2 triệu ha đất nông nghiệp, đô thị, kiểm soát mặn cho khoảng 1 triệu ha đất nông nghiệp, kết hợp phát điện với tổng cộng suất 2.100 MW (trong đó: thuỷ điện công suất 800MW, điện mặt trời công suất 1500 MW).

Theo số liệu thống kê của Tổ chức lương thực thế giới, hiệu suất sử dụng nước cho công nghiệp của Việt Nam đạt 20,35 USD/m3 vào năm 2017. Hiệu suất này tuy có cải thiện trong thời gian qua nhưng vẫn ở mức thấp so với các quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, còn khoảng 1.100 hồ chứa nước bị hư hỏng xuống cấp, thiếu khả năng tháo lũ, chưa có nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp, nâng cao khả năng chống lũ. Rủi ro mất an toàn đập, hồ chứa nước gia tăng do mưa lũ diễn biến cực đoan dưới tác động của biến đổi khí hậu. Từ năm 2010 đến nay, cả nước đã xảy ra 70 sự cố đập, hồ chứa nước.

Để đảm bảo mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đưa nước ta trở thành nước phát triển vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, có nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng với những phân tích trên thì rõ ràng đảm bảo ANNN và an toàn hồ đập, hồ chứa nước là chìa khóa then chốt.

Đồng Thái
https://nongnghiep.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập139
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm133
  • Hôm nay38,591
  • Tháng hiện tại919,511
  • Tổng lượt truy cập90,982,904
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây