Học tập đạo đức HCM

Di sản văn hóa – tài nguyên để phát triển du lịch tâm linh

Chủ nhật - 04/10/2020 11:43
Đã từ lâu, nhắc đến du lịch Quảng Ninh người ta không chỉ nhắc đến Vịnh Hạ Long mà còn nhớ đến những địa danh như Yên Tử (TP Uông Bí), Vân Đồn, Đông Triều, Cô Tô... Chính sự đa dạng về các loại hình du lịch từ du lịch biển đảo, du lịch sinh thái đến du lịch tâm linh... đã tạo sức hút nổi trội, lợi thế cạnh tranh cho du lịch Quảng Ninh.


Di tích, danh thắng Yên Tử đang được lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ảnh: Việt Hoa

Đặc biệt, sự đầu tư phát triển du lịch tâm linh thông qua công tác bảo tồn, khai thác hiệu quả hệ thống di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh những năm gần đây chính là điểm tựa quan trọng, góp phần khẳng định vị thế của Quảng Ninh như một điểm đến du lịch văn hóa tâm linh đầy sức cuốn hút trên bản đồ du lịch thế giới.


Sức hút Yên Tử

Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử vốn từ lâu được xem như là thánh địa của Phật giáo Việt Nam, bởi lịch sử lâu đời và những giá trị văn hóa xứng tầm quốc tế mà Yên Tử sở hữu. Non thiêng Yên Tử nổi tiếng chính bởi văn hóa tâm linh gắn với tư tưởng, tinh hoa của Phật giáo, với cuộc đời tu tập, hành đạo và hoá Phật của Phật hoàng Trần Nhân Tông và tinh thần nhập thế, gắn đạo với đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Với hệ thống di tích hàng trăm chùa, am, tháp cổ kính, linh thiêng và lễ hội tâm linh ý nghĩa, đặc sắc, trung bình mỗi năm Yên Tử đón khoảng 2 triệu lượt khách đến tham quan, chiêm bái, vào cả bốn mùa trong năm thay vì một mùa lễ hội vào mùa xuân. Yên Tử chiếm đến 60% tổng lượng du khách thuộc loại hình du lịch tâm linh tại Quảng Ninh và cũng là điểm du lịch có tổng lượng du khách đến chỉ đứng thứ hai sau Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Không chỉ mang trong mình những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, tâm linh quý báu, Yên Tử là một điển hình cho việc huy động tốt mọi nguồn lực xã hội trong thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy hiệu quả giá trị di sản. Tính trong khoảng 10 năm qua, gần 3.000 tỷ đồng đã được đổ về Yên Tử để đầu tư xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hệ thống dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách tham quan du lịch như: Làng hành hương, Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, khu nghỉ dưỡng cao cấp Legacy, tuyến đường vào khu di tích...


Di tích, danh thắng Yên Tử thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, chiêm bái mỗi năm.

Ông Lê Trọng Thanh, Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, cho biết: Những sản phẩm chúng tôi mang đến cho du khách tại Yên Tử chính là du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm văn hóa dân tộc gắn với thiên nhiên. Công ty đã tập trung xây dựng nhiều sản phẩm du lịch bao gồm các gói sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, gói sản phẩm khám phá Yên Tử, gói sản phẩm chăm sóc sức khỏe mới mẻ ... tất cả đều phù hợp, hài hòa, thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối đối với không gian văn hóa của Yên Tử cũng như xứng tầm với giá trị của di sản. Cùng với đó, Công ty rất chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, chuyên nghiệp trong phục vụ nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời nhất.

Gần đây, lộ trình lập hồ sơ đưa di tích Yên Tử trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đang được tỉnh phối hợp với hai tỉnh Hải Dương, Bắc Giang và các đơn vị chức năng, địa phương liên quan đẩy mạnh thực hiện. Qua đó, không chỉ góp phần để di tích được bảo tồn tốt hơn mà còn tạo điều kiện thuận lợi để Yên Tử tiếp tục khẳng định vị thế là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn.

GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia nhận định: Quảng Ninh đã có Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận. Phải khẳng định rằng, Vịnh Hạ Long được công nhận di sản thiên nhiên thế giới đã tạo điều kiện để chúng ta quản lý Vịnh Hạ Long tốt hơn, các giá trị phát huy tốt hơn, tạo cơ sở để phát triển du lịch bền vững. Di tích – danh thắng Yên Tử cũng vậy, nếu được UNESCO công nhận, nơi đây sẽ trở thành trung tâm du lịch tâm linh của thế giới, là điểm tựa quan trọng để đưa du lịch của tỉnh tiếp tục bứt phá, phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Và chắc chắn, nhờ Yên Tử người ta sẽ biết đến Việt Nam, biết đến Quảng Ninh nhiều hơn.


Du khách tham gia các hoạt động trải nghiệm văn hóa hấp dẫn tại Legacy Yên Tử. Ảnh: Hùng Sơn

Để du lịch tâm linh phát triển bền vững

Trong số hơn 600 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh của tỉnh, có rất nhiều di tích trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách mỗi năm. Khai thác lợi thế này, Quảng Ninh đã phát triển du lịch tâm linh với chuỗi các khu di tích, danh thắng tiêu biểu: Di tích lịch sử nhà Trần (TX Đông Triều), quần thể di tích danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng (TP Uông Bí), chùa Lôi Âm và chùa Long Tiên (TP Hạ Long), đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), chùa Cái Bầu (huyện Vân Đồn)…

Theo báo cáo của Sở Du lịch, hiện khoảng 120 di tích, di sản đã nằm trong các điểm tour, tuyến du lịch cố định của Quảng Ninh, trong đó có những di tích được các đơn vị lữ hành lựa chọn để thiết kế nhiều sản phẩm riêng, trọn gói để đưa vào khai thác. Vào dịp Tết Nguyên đán mỗi năm (từ mồng 1 - 6/1 âm lịch), Quảng Ninh đón khoảng 70 - 100 vạn du khách, thì 70% trong đó là lượng du khách có mặt tại các di tích, di sản trên địa bàn. Điều này cho thấy di tích, di sản đã và đang là thành tố rất quan trọng của du lịch Quảng Ninh.


Tổng thể di tích chùa Quỳnh Lâm thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều. Ảnh: Việt Hoa

Ông Vũ Văn Tuấn, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin TX Đông Triều, cho biết: Thời gian qua, với nguồn lực của tỉnh, địa phương và xã hội hóa, hệ thống các di tích, danh thắng trên địa bàn thị xã đã được đầu tư khang trang song vẫn giữ được nguyên vẹn những giá trị về cảnh quan, kiến trúc, lịch sử. Tiêu biểu nhất phải kể đến khu di tích nhà Trần được xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2013, đồng thời lại có sự kết nối với di tích Yên Tử, góp phần càng làm lan tỏa giá trị của di tích. Từ đây, đã tạo điều kiện để địa phương thúc đẩy phát triển thế mạnh loại hình du lịch tâm linh. Bằng chứng là lượng khách về khu di tích nhà Trần tại Đông Triều tăng liên tục, năm sau cao hơn năm trước 30-40% và cao gấp hàng chục lần so với năm 2013 trở về trước.

Có thể thấy di sản văn hóa và du lịch tâm linh có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Chính nhờ các di tích, danh thắng, di sản văn hóa khi được công nhận, xếp hạng cấp tỉnh, quốc gia hay quốc tế đã được quan tâm trùng tu, tôn tạo tốt hơn, trở thành tiền đề quan trọng để du lịch tâm linh phát triển và ngược lại du lịch tâm linh phát triển cho thấy hiệu quả từ công tác bảo tồn, khai thác tốt các giá trị của di sản. Để du lịch tâm linh phát triển đúng hướng, mang lại những giá trị truyền thống, tinh thần, giá trị văn hóa lịch sử, bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm là bảo tồn và gìn giữ các giá trị cảnh quan của di sản, Quảng Ninh đã và đang tích cực đẩy mạnh công tác xúc tiến tuyên truyền quảng bá du lịch.


Đền Cửa Ông được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2017 đã được đầu tư mở rộng, tu bổ, tôn tạo nhiều hạng mục tạo diện mạo khang trang.

Cùng với đó, xây dựng những tour, tuyến du lịch hợp lý, đầu tư vào các khu du lịch tâm linh tạo ra sự đồng bộ về hạ tầng giao thông, kỹ thuật; tiếp tục xây dựng mới, nâng cấp các điểm đến thành các khu du lịch tham quan nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí gắn kết các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội; quan tâm thúc đẩy sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống, các sản vật quý của từng vùng để phục vụ nhu cầu tham quan du lịch của du khách. Đồng thời, tăng cường đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không chỉ về nghiệp vụ du lịch mà còn chú trọng bồi dưỡng kiến thức văn hoá, lịch sử địa phương, địa danh để giới thiệu cho du khách...

Hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa trên địa bàn hiện nay chính là nguồn tài nguyên quý, góp phần tạo nên sức hút, thương hiệu, giá trị của du lịch tâm linh Quảng Ninh. Tin tưởng, với những định hướng đúng đắn, công tác đầu tư đồng bộ sẽ đưa loại hình du lịch tâm linh phát triển đúng tầm, góp phần quan trọng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Nguyễn Dung/ https://www.quangninh.gov.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập116
  • Hôm nay34,168
  • Tháng hiện tại1,110,008
  • Tổng lượt truy cập91,173,401
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây