Học tập đạo đức HCM

Sơn La kiềm chế tăng trưởng nóng cây ăn quả, phát triển bền vững vùng trồng

Thứ bảy - 03/10/2020 09:59
Sơn La đang có khoảng 76.000ha và hướng tới mục tiêu 100.000ha. Nhưng khi hướng tới mục tiêu này, thì phải quay trở lại vấn đề phát triển bền vững vùng trồng.
Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở NN-PTNT Sơn La trả lời phỏng vấn. Ảnh: Quang Dũng. 

Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở NN-PTNT Sơn La trả lời phỏng vấn. Ảnh: Quang Dũng. 

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công trao đổi với báo NNVN về thị trường Trung Quốc và các thị trường khó tính, phát triển đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và bước đi của ngành trong thời gian tới nhằm tăng giá trị kinh tế cho nông dân. 

Để tránh lệ thuộc thị trường Trung Quốc

- Sơn La được Trung ương đánh giá là hiện tượng về phát triển kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, thị trường nông sản của Sơn La mới chỉ gắn với thị trường Trung Quốc và một vài thị trường truyền thống khác. Sắp tới, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp các ngành như thế nào để mở rộng thị trường?

Việc đầu tiên, đó là về diện tích cây ăn quả đang có khoảng 76.000ha và vẫn còn dư địa phát triển. Với tốc độ này, Sơn La hướng tới mục tiêu 100.000ha cây ăn quả. Nhưng khi hướng tới mục tiêu này, thì phải quay trở lại vấn đề phát triển bền vững vùng trồng. Nếu phát triển nóng, sẽ gặp nguy cơ rủi ro rất cao. Do đó, ưu tiên đầu tiên là phải quy hoạch trong sản xuất.

Chúng tôi đã làm việc với Bộ NN-PTNT, được Bộ nhất trí sẽ cùng tỉnh đánh giá lại toàn diện cơ cấu cây trồng trong cuối năm nay và đầu năm 2021.

Với ngưỡng này, chúng tôi sẽ đánh giá xem nên giữ diện tích xoài, nhãn, dứa, chanh leo và các loại cây khác là bao nhiêu.

Cây trồng thì không phải ở vùng nào cũng như nhau. Do vậy, cần có quy hoạch vùng trồng, như nhãn Sông Mã, xoài Yên Châu, bơ và hồng giòn Mộc Châu.

Nông dân thu hoạch xoài tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Ảnh: Quang Dũng.

Nông dân thu hoạch xoài tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Ảnh: Quang Dũng.

Chúng ta đã gia nhập Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA), trong đó có 92 biểu thuế với nông sản là 0%. Muốn vào được thị trường này, phải đáp ứng tất cả tiêu chuẩn kỹ thuật của nước nhập khẩu.

Việc cần làm thứ hai là mở rộng sản xuất đáp ứng các yêu cầu VietGAP, GlobalGAP. Trong 76.000ha cây ăn quả của tỉnh hiện nay mới chỉ có 10.000ha được cấp chứng nhận sản xuất an toàn. Nhưng trong 10.000ha này lại chỉ đang tập trung vào xoài, nhãn. Phải mở rộng hơn, ít nhất 30.000ha đạt chứng nhận VietGAP với các sản phẩm chủ lực. Khi có VietGAP rồi, sẽ có mã số vùng trồng, ảnh hưởng trực tiếp tới khâu xuất khẩu thuận lợi hơn.

Thứ ba là phải mở rộng thị trường xuất khẩu. Nếu chỉ định hướng tập trung cao cho thị trường Trung Quốc thì khi láng giềng biến động, chúng ta lập tức chịu ảnh hưởng. Còn nhớ đợt Trung Quốc đóng cửa biên giới dài ngày do Covid-19, giá xoài đang từ 13.000đ/kg ngay lập tức rớt xuống còn 5.000đ/kg, nông dân không có lãi, vì mức giá bán bằng giá thành. Chúng tôi đang phối hợp với các ngành liên quan tích cực tìm kiếm thị trường có giá trị xuất khẩu cao hơn.

- Hiện nay việc chiếu xạ để diệt trừ sâu bệnh với sản phẩm xuất khẩu đang được thực hiện theo yêu cầu của thị trường Mỹ, châu Âu. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về việc này với nông sản Sơn La?

Hiện nay khâu chiếu xạ được thực hiện ở Tiền Giang, do đó chi phí vận chuyển rất tốn kém. Mặt khác, thời gian vận chuyển cũng là vấn đề. Như quả xoài, từ khi thu hái, đóng gói đến khi đưa vào Tiền Giang là mất 8 ngày, làm giảm mạnh giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế. Tôi đề nghị Bộ NN-PTNT, UBND TP Hà Nội giúp đỡ đặt một cơ sở chiếu xạ tại Thủ đô, vừa tiện vận chuyển đường bộ xuống, vừa tiện đường xuất khẩu.

Chúng tôi cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ xây dựng cơ sở sấy hơi nước nóng ngay tại Sơn La để tiết kiệm hơn chi phí vận chuyển. Ví dụ như vừa rồi có doanh nghiệp Hồng Nhung xuất khẩu xoài đi Mỹ, họ phải đưa vào Đồng Tháp để sấy hơi nước nóng, rồi lại đưa sang Tiền Giang chiếu xạ, rất mất thời gian và tốn kém.

- Khi nước ta gia nhập Hiệp định thương mại tự do EVFTA thì việc sản xuất đảm bảo theo đúng các hàng rào kỹ thuật của thị trường này sẽ được tỉnh Sơn La quan tâm đặc biệt như thế nào?

Nếu sản phẩm hàng hóa của chúng ta vào được thị trường EU thì đương nhiên các sản phẩm phải đảm bảo được tất cả các kỹ thuật cơ bản. Trong đó có giống, phân bón, nước tưới. Ví dụ như quả xoài phải bao trái như thế nào, đảm bảo sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như thế nào, kích cỡ quả xoài như thế nào.

Đơn cử như thị trường Australia là xoài chưa vào xơ, thị trường Mỹ là xoài chín vàng, thị trường Trung Quốc là xoài vỏ xanh… thì doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ phải đáp ứng tiêu chuẩn đó.

Thậm chí người ta quy định chi tiết tới nhân công lao động, thời điểm thu hái và cả quy trình trong mật độ cây trồng. Nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không được vượt ngưỡng cho phép và không được sử dụng những loại thuốc mà nơi nhập khẩu yêu cầu. 

Tiếp theo là chúng ta phải đẩy mạnh việc cấp mã số để sản xuất bao bì sản phẩm. Chúng ta không thể nghĩ đơn giản hái quả xoài xuống, bọc và đưa vào hộp là đã xuất khẩu được mà phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật rất kỹ.

Đóng gói xoài chuẩn bị đem đi bán tại Vân Hồ, Sơn La. Ảnh: Quang Dũng.

Đóng gói xoài chuẩn bị đem đi bán tại Vân Hồ, Sơn La. Ảnh: Quang Dũng.

Phát triển OCOP Sơn La

- Ông đánh giá thế nào về sản phẩm OCOP của Sơn La. Sắp tới, ngành nông nghiệp Sơn La có những giải pháp nào để mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu?

Năm 2019, tỉnh Sơn La có 19 sản phẩm OCOP, trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao. Sau đó, chúng tôi sẽ tiếp tục cho kiểm tra lại, xây dựng OCOP trên nền tảng, nét văn hóa độc đáo sẵn có. Năm 2020, Sơn La xây dựng thêm 17 sản phẩm OCOP, thực hiện lộ trình đưa cà phê Bích Thao trở thành sản phẩm đầu tiên đạt 5 sao. Bộ NN-PTNT sẽ chủ trì đánh giá, hướng dẫn quy trình.

- Ông đánh giá thế nào về các ưu, nhược điểm của OCOP Sơn La?

Về mặt khó khăn, chúng tôi nhận thức rõ là sức cạnh tranh của OCOP Sơn La chưa cao. Thứ hai nữa là đầu tư từ Nhà nước, từ doanh nghiệp, hợp tác xã làm OCOP cũng chưa nhiều. Tôi lấy ví dụ để có sản phẩm OCOP 5 sao thì phải có hệ thống sản xuất với nhiều quy chuẩn khắt khe, đầu tư lớn, điều này thì chính các doanh nghiệp, hợp tác xã nhỏ chưa làm được. Điều quan trọng nữa mà chúng tôi vẫn nghĩ, vẫn chỉ đạo, là phải thay đổi mạnh mẽ mẫu mã, bao bì, đặc biệt là chất lượng sản phẩm. Chất lượng không tốt thì không đi lên được. Ví dụ như mận sấy gừng, mận sấy dẻo ở Mộc Châu, chưa có gì nổi bật so với sản phẩm chưa đạt OCOP, thế thì dần dần sẽ không cạnh tranh được, bị đánh bật khỏi thị trường.

Mặt khác, phải hình thành chuỗi sản phẩm rõ ràng, ví dụ như hợp tác xã 19/5 tại Mộc Châu làm rất tốt về rượu, từ quy trình lên men, đóng chai, v.v. Thời gian tới, đơn vị này sẽ tăng thêm các sản phẩm về quả.

Vừa rồi, chúng tôi thử nghiệm trồng mận đen, mỗi kg có 10-12 quả. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang thử nghiệm trồng chanh leo vàng. Từ những loại này, chúng tôi sẽ cố gắng đưa ra các sản phẩm OCOP mới. Hiện nay, trung tâm thành phố Sơn La chưa xây dựng được điểm bán, giới thiệu OCOP quy mô lớn. Việc này chúng tôi sẽ làm sớm, xây dựng bài bản, để thu hút người dân và khách du lịch.

Chúng tôi thấy như tỉnh Quảng Ninh, gần như 90% người dân sử dụng sản phẩm OCOP cho biết, đó là những sản phẩm sạch, an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đáp ứng được thị hiếu của người dân.

Nên sản phẩm OCOP có ý nghĩa giúp cho người dân, người tiêu dùng có nhìn nhận, đánh giá khác về sản phẩm của tỉnh Sơn La và giúp chúng tôi quảng bá các sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh.

Điều nữa là giúp gia tăng giá trị sản phẩm, ví dụ như sản phẩm cá tép dầu của huyện Quỳnh Nhai, cà phê Phúc Sinh… nếu không thực hiện quy trình từng bước của sản phẩm OCOP thì vẫn sẽ theo lối mòn sản xuất nhỏ và chưa áp dụng được các tiêu chuẩn để ra được các sản phẩm 4 sao. Nếu như đạt được sản phẩm 5 sao thì ý nghĩa của nó là tạo ra tư duy sản xuất đảm bảo theo quy trình khép kín. Đồng thời phải đầu tư bài bản hơn nữa, hướng đi tốt hơn nữa từ mẫu mã, bao bì sản phẩm để đưa sản phẩm OCOP ra thị trường.

(Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở NN-PTNT Sơn La)

Văn Việt – Quang Dũng/ Nông nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập123
  • Hôm nay34,070
  • Tháng hiện tại1,109,910
  • Tổng lượt truy cập91,173,303
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây