Học tập đạo đức HCM

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần hiện đại hóa việc dự báo thời tiết, thiên tai

Thứ bảy - 03/10/2020 09:39
Mức độ chính xác kịp thời và tin cậy trong dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai sẽ góp phần quyết định giảm được thiệt hại và chi phí xã hội trong công tác phòng, chống thiên tai
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Chiều nay, 3/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam (3/10/1945-3/10/2020) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2.

Buổi lễ có sự tham dự của hơn 200 đại biểu đại diện cho các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu của ngành và kết nối trực tuyến với các Đài, trạm trên hệ thống chuyên ngành, đặc biệt có các trạm quan trắc tại các đảo tiền tiêu như Trường Sa, Bạch Long Vỹ...

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành khí tượng thủy văn Việt Nam qua các thời kỳ những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thủ tướng nêu rõ, do vị trí địa lý của nước ta từ hàng ngàn năm trước, cha ông chúng ta rất coi trọng việc chinh phục và thích ứng với các hiện tượng thời tiết, khí hậu của tự nhiên để bảo vệ, phục vụ sản xuất và cuộc sống.

Trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam ta không chỉ anh hùng bất khuất trong chống giặc ngoại xâm mà còn kiên cường trong phòng, chống thiên tai, bão lũ, “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, đồng thời luôn tìm cách khám phá, chiêm nghiệm những hiện tượng, những quy luật của thiên nhiên để vận dụng thích ứng với đời sống hằng ngày.
 

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng Tổng cục Khí tượng Thủy văn. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Ngày nay, trong bất kỳ lúc nào, ở đâu, mọi người, mọi nhà và mỗi chúng ta đều xem, nghe và thường xuyên đọc bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện và coi đó như một nhu cầu thiết yếu không thể thiếu được trong cuộc sống. Chính vì vậy, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay với những hiện tượng thời tiết thủy văn cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp hơn, khắc nghiệt hơn, thường xuyên gây ra nhiều thiệt hại to lớn, nhiệm vụ của ngành khí tượng thủy văn của chúng ta ngày càng nặng nề hơn.

“Chúng ta có thể khẳng định rằng ở đâu có vùng trời, vùng biển và lãnh thổ của Việt Nam thì ở đó có hoạt động khí tượng thủy văn và sự hiện diện của cán bộ, nhân viên ngành khí tượng thủy văn Việt Nam”, Thủ tướng nói. Trong 75 năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc xây dựng và phát triển ngành khí tượng thủy văn Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh thành lập Nha khí tượng, là tổ chức tiền thân của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam.

Phát huy truyền thống đoàn kết, trách nhiệm, yêu ngành yêu nghề, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam tiếp tục hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Từ núi rừng biên giới khó khăn đến hải đảo xa xôi, không quản ngày đêm, bất chấp thời tiết mưa to, lũ lớn, bão mạnh, các quan trắc viên luôn tận tụy âm thầm làm việc thu thập dữ liệu, truyền tin kịp thời về trung tâm để thực hiện tốt nhiệm vụ dự báo, cảnh báo thời tiết, phục vụ hiệu quả phòng, chống thiên tai.

“Chúng ta thật sự vui mừng về sự phát triển lớn mạnh của ngành khí tượng thủy văn nước nhà”, Thủ tướng bày tỏ. Nổi bật nhất là chất lượng dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai ngày càng được nâng lên, dần tiệm cận với trình độ của các nước phát triển và ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến của thế giới.

Trọng trách và kỳ vọng to lớn

Đất nước ta đang chịu tác động to lớn bởi biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết thủy văn cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp và khắc nghiệt, gây ra nhiều thiệt hại lớn hơn. Việt Nam được đánh giá là một trong quốc gia chịu ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu. Nhiều quy luật khí hậu bị phá vỡ khiến công tác khí tượng thủy văn gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đưa ra những dự báo, cảnh báo. Mặt khác yêu cầu về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và sự phát triển kinh tế xã hội ngày càng đòi hỏi khả năng dự báo chính xác hơn trước sự vận động của thiên nhiên.
 

Thủ tướng thăm phòng điều hành của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng nêu rõ, trọng trách đó được đặt lên vai những người làm công tác trong ngành khí tượng thủy văn với niềm tin và sự kỳ vọng to lớn. Thủ tướng nhắc lại câu chuyện về dự báo hạn mặn năm 2019 ở miền Tây Nam Bộ (được nhận định là nặng nề hơn năm 2016). Nhưng do làm tốt các dự báo, tháng 9 năm ngoái, Thủ tướng đã chủ trì hội nghị về chống hạn mặn tại Tiền Giang, quyết định hai việc quan trọng là chuyển thời vụ lên sớm hơn một tháng và giảm gần 100.000 ha trồng lúa để chuyển sáng trồng loại cây khác. Chính vì vậy, dù hạn mặn nặng hơn năm 2016 nhưng thiệt hại của đợt hạn mặn năm 2019 chỉ bằng 9% so với năm 2016. Chúng ta bảo vệ được vùng cây ăn quả nổi tiếng Tây Nam Bộ cũng như có một vụ lúa bội thu mà không bị ảnh hưởng nặng của hạn mặn.

Thủ tướng nhấn mạnh, dự báo tốt đã mang lại lợi ích rất lớn cho người dân. Hay gần nhất là bão số 5, với sự hợp tác quốc tế và dự báo tốt, cơn bão được nhận định sát thực tiễn nên giảm thiệt hại cho đất nước. Tất nhiên cũng phải nói rằng còn nhiều dự báo chưa làm được.

Thủ tướng nhấn mạnh, tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang trong 75 năm qua, ngành khí tượng thủy văn thường xuyên phải làm tốt nhiệm vụ theo dõi, quan trắc mọi diễn biến thời tiết thủy văn trên cả nước. Phải tập trung nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo hơn nữa, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết thủy văn, hải văn nguy hiểm trên đất liền và trên cả vùng biển rộng lớn của Tổ quốc để phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đặc biệt là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự buổi lễ. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cần tập trung nhiều biện pháp để phát triển ngành khí tượng thủy văn đồng bộ theo hướng hiện đại hóa trên cơ sở kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có. Cần coi việc đầu tư cho khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực là giải pháp chủ yếu để phát triển. Khai thác triệt để những thành tựu khoa học công nghệ trong nước, đồng thời ứng dụng chọn lọc những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới để đẩy nhanh kế hoạch hiện đại hóa ngành khí tượng thủy văn.

Chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại như cơ sở dữ liệu lớn, tự  động hóa, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp vũ trụ. “Chúng ta đều biết rằng thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra thường rất lớn, chi phí phòng chống khắc phục thiên tai cũng rất lớn. Mức độ chính xác kịp thời và tin cậy trong dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai sẽ góp phần quyết định giảm được thiệt hại và chi phí xã hội trong công tác phòng, chống thiên tai”, Thủ tướng lưu ý. Vì vậy, cần không ngừng nâng cao năng lực nghiên cứu, tiếp cận khoa học công nghệ để ngày càng dự báo chính xác hơn nữa sự vận động của thiên nhiên.

Thực hiện đầu tư cho ngành khí tượng thủy văn cần đi trước một bước để cung cấp kịp thời, chính xác thông tin và luận cứ khoa học về khí tượng thủy văn, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh thiên tai ngày càng khắc nghiệt và gia tăng biến đổi khí hậu.
 

Thủ tướng thăm phòng điều hành của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia; tập trung đầu tư phát triển hệ thống trạm quan trắc tự động nhằm bảo đảm thu thập đầy đủ chính xác các số liệu, đáp ứng yêu cầu cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn phục vụ phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước, đặc biệt cần lưu ý nghiên cứu thiết lập các trạm quan trắc về những hiện tượng thiên tai bất thường, gây thiệt hại lớn như lũ quét, động đất… để kịp thời thông báo cho người dân chủ động phòng tránh.

Hiện đại hóa hệ thống thông tin chuyên ngành, thu thập, khai thác các thông tin từ vệ tinh, đáp ứng yêu cầu theo dõi từ xa các diễn biến thời tiết trên phạm vi rộng và dự báo thời tiết, nhất là dự báo bão, áp thấp nhiệt đới gió mùa. Hoàn thiện việc trang bị mạng lưới radar thời tiết để theo dõi, dự báo các hệ thống thời tiết có quy mô nhỏ hơn như lốc, vòi rồng, mưa đá, lũ quét.

Cần đổi mới phương thức quản lý và phục vụ ngành khí tượng thủy văn theo hướng Nhà nước chịu trách nhiệm cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đáp ứng các yêu cầu phục vụ công cộng, phòng, chống thiên tai, bảo vệ cuộc sống tài sản cho toàn xã hội; nâng cao hiệu quả phối hợp giám sát thường tiết, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành liên quan kịp thời.

Cần khuyến khích xã hội hóa, thương mại hóa hoạt động khí tượng thủy văn và tăng cường sử dụng thông tin khí tượng thủy văn trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhằm mang lại hiệu quả thiết thực. Thủ tướng gợi mở, bây giờ người dân Việt Nam đã có đến 70-80% số người sử dụng điện thoại thông minh, chúng ta có thể kết nối để mọi người dân, mỗi cấp chính quyền, mỗi cán bộ, Đảng viên đều biết thông tin thời tiết, diễn biến trong ngày ở mọi vùng miền quốc.

Ngành khí tượng thủy văn Việt Nam cần tiếp tục tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ tối đa sự hợp tác, viện trợ về phương pháp và công nghệ mới, thiết bị máy móc, phương tiện kỹ thuật, về đào tạo cán bộ khoa học công nghệ.

Nghiên cứu, từng bước hình thành, phát triển ngành công nghiệp khí tượng thủy văn Việt Nam với tinh thần chủ động, tự lực tự cường.

Cùng với đó là có cơ chế khuyến khích, liên kết doanh nghiệp trong và ngoài nước để sản xuất các thiết bị quan trắc và công nghệ truyền tin, số liệu khí tượng thủy văn.

Tiếp tục nghiên cứu phát triển công nghệ, áp dụng mạnh mẽ kỹ thuật số, công nghệ viễn thám, tăng cường hợp tác với cá nhân, doanh nghiệp tham gia phát triển công nghệ, thiết bị phục vụ công tác dự báo quan trắc khí tượng thủy văn nhằm từng bước đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất và xuất khẩu thiết bị, công nghệ khí tượng thủy văn.

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng Tổng cục Khí tượng Thủy văn.

Đức Tuân/ chinhphu.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập123
  • Hôm nay28,614
  • Tháng hiện tại1,104,454
  • Tổng lượt truy cập91,167,847
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây