Học tập đạo đức HCM

Du lịch nông nghiệp Tây Bắc, nhiều tiềm năng còn bỏ ngỏ

Thứ ba - 10/08/2021 06:35
Du lịch nông nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho nhiều địa phương, doanh nghiệp. Tuy nhiên, Tây Bắc có nhiều tiềm năng nhưng chưa được tận dụng.

Bát Xát chưa đầu tư thích đáng

Du lịch nông nghiệp là hình thức du lịch dựa trên sự phát triển của nông nghiệp để mang lại lợi ích, giá trị kinh tế trực tiếp cho người dân. Du lịch nông nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho nhiều địa phương, doanh nghiệp. Mặc dù có tiềm năng lớn để phát triển nhưng huyện Bát Xát (Lào Cai) vẫn bỏ ngỏ loại hình du lịch này bởi chưa có sự đầu tư thích đáng.

Xã Mường Hum hiện có gần 1.000 ha chè. Những đồi chè xanh mướt không chỉ mang thu nhập cho người dân mà còn là tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp nếu như có sự đầu tư hợp lý.

dl-lao-cai.jpg
Du khách tìm đến “check-in” tại đồi chè. Ảnh: Báo Lào Cai

Là một trong những hộ trồng chè lâu nhất ở Mường Hum, gia đình ông Tạ Văn Phùi có hơn 14 ha chè. Ông Phùi tâm sự: Mục đích ban đầu của tôi là trồng chè để bán búp. Tuy nhiên qua nhiều năm, những đồi chè tạo nên cảnh quan rất đẹp, không khí trong lành. Thời gian gần đây, một số diện tích chè trồng gần khu vực ao Tiên được nhiều khách phượt ghé thăm. Nếu như có sự đầu tư hợp lý và tăng cường quảng bá, nơi đây có thể trở thành điểm đến hấp dẫn.

Những nương chè xanh mướt trải dài trên những ngọn đồi thoai thoải, bên dưới là dòng suối Mường Hum, điểm nhìn phía trước là ruộng bậc thang tạo nên khung cảnh tuyệt vời để du khách chiêm ngưỡng. Trải nghiệm tại đồi chè Mường Hum, du khách có thể trực tiếp hái chè, cùng người dân sao chè thủ công.

Chị Trần Lan Phương, chủ một đồi chè rộng 3 ha tại Mường Hum cho biết: Nhiều lần dẫn bạn bè lên thăm đồi chè, tôi thấy họ vô cùng thích thú. Nếu có sự đầu tư, các hộ trồng chè cùng chung tay thì sẽ đón được nhiều du khách đến trải nghiệm, khám phá. Được chứng kiến người dân trồng chè, tự thu hái và chế biến, khách cũng yên tâm và có thêm niềm tin vào thương hiệu chè Mường Hum.

Ngoài đồi chè Mường Hum, huyện Bát Xát còn có vùng dược liệu quý tại xã Y Tý và xã Ngải Thầu. Sâm đất, còn gọi là khoai sâm hoặc hoàng sin cô trước đây chỉ mọc tự nhiên ở độ cao hơn 1.800 m thì nay được người dân trồng đại trà. Củ sâm đất có vị ngọt thanh, mát, ngon, giòn và có tác dụng bồi bổ cơ thể. Nhờ đặc tính đó, loại củ này đã trở thành sản phẩm hàng hóa. Hiện người dân Y Tý, Ngải Thầu đã thành lập hợp tác xã, nhóm hộ trồng sâm đất để liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi. Chị Lý Thị Lùng, thôn Phan Cán Sử, xã Y Tý cho biết: Chúng tôi mong có đơn vị, tổ chức, ngoài việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân sản xuất nông nghiệp còn đón khách du lịch tới khám phá, trải nghiệm.

Để thu hút du khách đến trải nghiệm du lịch nông nghiệp, huyện Bát Xát có ý tưởng xây dựng thêm các mô hình văn hóa, kiến trúc phù hợp với địa phương, đó là không gian văn hóa của người Hà Nhì, Dao, Giáy… Bát Xát sẽ đầu tư theo lộ trình để hình thành các khu du lịch nông nghiệp đặc trưng gắn với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và các giá trị văn hóa. Tuy nhiên, để phát triển loại hình du lịch này, Bát Xát gặp những khó khăn như thiếu vốn đầu tư, người dân chưa hiểu được lợi ích từ du lịch nông nghiệp.

Sìn Hồ: Cần tận dụng đặc sản địa phương

Thiên nhiên ưu đãi, khí hậu mát mẻ, nhiều đặc sản nông nghiệp, người dân thân thiện, hiếu khách và trong cộng đồng dân cư còn lưu truyền nhiều nét văn hóa đặc sắc là những yếu tố quan trọng để Sìn Hồ (Lai Châu) xây dựng và phát triển du lịch nông nghiệp.

lai-chau.jpg

Lãnh đạo UBND huyện Sìn Hồ thăm vườn cây dược liệu tại xã Phăng Sô Lin. Ảnh: Báo Lai Châu

Địa bàn rộng, dàn trải đã giúp cho Sìn Hồ có các tiểu vùng khí hậu đặc trưng, tương ứng với các loại sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Đối với các xã vùng cao Sìn Hồ đang trở thành “miền đất hứa” - nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây ăn quả ôn đới, cây dược liệu và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Còn ở các xã vùng thấp của Sìn Hồ lại tạo sự đối lập về khí hậu, thổ nhưỡng và cảnh sắc. Nơi đây nổi tiếng các cây trồng nhiệt đới: chuối, mít, xoài, nhãn. Đặc biệt là một trong những vùng trọng điểm cao su của tỉnh và có lợi thế phát triển du lịch sinh thái, du lịch lòng hồ.

Thiên nhiên không chỉ ưu đãi Sìn Hồ phát triển nông nghiệp hiệu qủa mà còn ban tặng cho nơi đây nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Có thể đánh giá tiềm năng phát triển du lịch ở Sìn Hồ là có tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn. Khu vực vùng cao, nhiều sông suối tạo thành nhiều vực, thác nhỏ cũng trở thành các điểm “check in” lý tưởng trong những chuyến dã ngoại, picnic vào dịp cuối tuần. Cùng với đó, dạo chơi, thăm thú vườn chè cổ thụ, cây dược liệu, thưởng thức trái cây ôn đới tại vườn và hưởng không khí mát mẻ, trong lành giúp cho nhịp sống như chậm lại để tái tạo sức lao động sau những áp lực của công việc. Hay khám phá hang động, vực thác ở Ma Quai, Tả Phìn, Sà Dề Phìn và lênh đênh sông nước lòng hồ, thưởng thức những đặc sản sông nước cũng là thú vui trong mỗi kỳ nghỉ.

Những năm qua, Sìn Hồ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nông sản và từng bước tiếp cận được thị trường. Đến nay, Sìn Hồ có tổng diện tích gieo cấy lúa ruộng đạt gần 6.000ha, tăng hơn 550ha so với năm 2015. Triển khai Đề án trồng và phát triển cây chè, huyện đã trồng mới được hơn 400ha, xây dựng thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Cùng với duy trì các giống cây ăn quả truyền thống, các hộ tham gia các dự án đã trồng được 200ha cây ăn quả ôn đới chất lượng cao như: đào, lê, mận được triển khai tại các xã vùng cao, trồng từ năm 2016 đã cho thu hoạch. Hơn 400ha cây ăn quả nhiệt đới: xoài, mít, na, bưởi, cam trồng tại các xã vùng thấp đã sinh trưởng, phát triển tốt, được địa phương ký kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm. Dược liệu của địa phương với hơn 550ha gồm: đỗ trọng, đương quy, actiso, thảo quả, sa nhân, sâm Lai Châu… từng bước tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Sìn Hồ còn giàu tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản, gia súc, gia cầm và các loại cây trồng khác.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh, Sìn Hồ đã thực hiện nhiều giải pháp, kết hợp giữa thế mạnh nông nghiệp, nông thôn và du lịch nâng cao giá trị sản phẩm, nguồn thu ổn định cho người dân. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã Ban hành Đề án “Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025” đã giúp Sìn Hồ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển du lịch đúng hướng và hiệu quả.

Ông Nguyễn Quốc Vương - Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết: Đề án sau khi được triển khai sẽ khai thác có hiệu quả, hợp lý tiềm năng, lợi thế, phát triển một số sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa, gắn với phát triển du lịch có quy mô, tập trung, tạo bước đột phá để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, tạo sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện. Qua đó, thúc đẩy sản xuất nông sản phù hợp với sinh thái, văn hóa địa phương, tạo ra các sản phẩm đặc sản cung cấp ra thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho nông dân, xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch cộng đồng.

Góp phần nâng cao chất lượng XDNTM

Sau hơn 10 năm xây dựng NTM, chương trình đã tạo điều kiện thuận lợi để ngành du lịch phát triển đa dạng, bền vững. Xây dựng NTM trực tiếp phục vụ cho du lịch như vấn đề hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng; cung cấp nước sạch và đảm vảo vệ sinh môi trường; giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa trong đời sống, cộng đồng; phát triển nông nghiệp bền vững và đa chức năng; làng nghề truyền thống.

ntm.jpg
 

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Hòa Bình có 4 xóm, bản du lịch cộng đồng (DLCĐ) được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, hạng 3 - 4 sao, gồm: DLCĐ Hang Kia và DLCĐ bản Lác (Mai Châu) đạt 4 sao; DLCĐ Đá Bia (Đà Bắc) đạt 3 sao; DLCĐ xóm Lũy Ải (Tân Lạc) đạt 3 sao. DLCĐ đã khẳng định được vị trí quan trọng trong sự phát triển của ngành du lịch.

Nền "Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng đã truyền lửa để từng xóm, bản, từng nếp nhà mạnh dạn thay đổi tư duy làm DLCĐ. Tới bản Giang Mỗ (Cao Phong), xóm Lũy Ải (Tân Lạc), điểm DLCĐ Đá Bia (Đà Bắc) du khách sẽ được khám phá sự độc đáo trong văn hóa của người Mường. Bản Lác (Mai Châu) tiêu biểu cho văn hóa Thái hay tấm lòng trìu mến, thật thà của người Mông tại Pà Cò, Hang Kia (Mai Châu)…

Bên cạnh sự phát triển nhanh của DLCĐ, vài năm trở lại đây, một số địa phương như huyện Cao Phong quan tâm đầu tư phát triển loại hình du lịch nông nghiệp. Từ năm 2016, huyện bắt đầu tổ chức đón khách tới thăm quan, trải nghiệm vườn cam. Sự thân thiện, mến khách của nhà vườn, cùng với vẻ đẹp hấp dẫn của những vườn cam trĩu quả, vàng óng đã thu hút được đông đảo du khách tới thăm quan.

Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T nông sản Cao Phong chia sẻ: Với mong muốn quảng bá, giới thiệu cam Cao Phong và bản sắc văn hóa truyền thống của mảnh đất Mường Thàng, HTX chúng tôi đang thực hiện đón khách tới thăm quan, trải nghiệm tại vườn cam. Tổng diện tích trồng cam của HTX trên 43,9 ha, 100% diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ. Khám phá những vườn cam sai trĩu quả, du khách được hòa mình cùng thiên nhiên, hít thở không khí trong lành, trải nghiệm hái cam; thưởng thức những món ăn truyền thống của địa phương tại ngôi nhà sàn bằng tre, gỗ, mái lá đơn sơ. Năm 2020, HTX đón gần 500 lượt khách thăm quan, trải nghiệm. Phát triển du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp sạch giúp HTX có được thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ nhấn mạnh: Du lịch nông thôn mang dấu ấn đặc trưng của từng vùng, từng dân tộc và từng bước đáp ứng nhu cầu thăm quan, trải nghiệm của du khách. Nhờ vậy, cảnh quan, môi trường, đời sống văn hóa, tinh thần của khu vực nông thôn thay đổi đáng kể, trở thành những vùng quê đáng sống. Du lịch nông thôn đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và chất lượng; tạo ra việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc biệt là sản phẩm OCOP; nâng cao năng lực, trình độ, ý thức của người dân nông thôn; bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, cần quan tâm đến chính sách cho phát triển du lịch nông thôn. Thực tế mới chỉ có 1 số địa phương đã xây dựng cơ chế, chính sách riêng cho tỉnh về vấn đề này. Thứ nữa, đó là cần quan tâm đến vấn đề quy hoạch cho du lịch nông thôn. Hiện nay, đang có khoảng 365 mô hình du lịch cộng đồng, nhưng chủ yếu là tự phát, chính vì vậy, rất cần quan tâm đến không gian của du lịch nông thôn.

Một vấn đề khác được Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề cập đó là làm sao phát triển được du lịch nông thôn nhưng vẫn quản lý được, không để rơi vào tình trạng làm tràn lan rồi không quản lý được. Đồng thời, về vấn đề phát triển sản phẩm cho du lịch nông thôn, cần bổ sung thêm như: kiến trúc cảnh quan trong mô hình du lịch; các điệu hát, bài hát phục vụ khách ở các địa điểm du lịch…

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị cần chú ý đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực và huy động nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn Hóa Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, cần quan tâm đến vấn đề quy hoạch du lịch nông thôn. Quy hoạch này cần được các địa phương xác định rõ và tích hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Đồng thời, cần có những bước đi thận trọng khi xây dựng Đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ cố gắng đảm bảo yêu cầu, chỉ đạo Tổng cục Du lịch và các đơn vị có liên quan để hoàn thiện Đề án, để từ đó trình lên Chính phủ.

Nhìn ra thế giới: Xu hướng đầy triển vọng

Trên thế giới, du lịch nông nghiệp đã phát triển mạnh từ thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Sự hình thành và phát triển của du lịch nông nghiệp ở mỗi quốc gia có sự đa dạng và cách thức triển khai khác nhau. Tại Mỹ, hằng năm chính quyền các bang thường tổ chức nhiều sự kiện lớn để quảng bá du lịch nông nghiệp.

Qua thời gian, quy hoạch nông trại ở Mỹ đã khẳng định tính hiệu quả trong phát triển du lịch, và người nông dân có thể chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm của mình, đồng thời tổ chức các chương trình du lịch phù hợp. Theo thống kê, mỗi năm, người Mỹ chi hơn 800 triệu USD cho các hoạt động du lịch nông trại. Con số này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng khi diện tích dành cho nông nghiệp ngày càng ít đi.

Tại Pháp, nhắc tới du lịch nông nghiệp thì không thể không nói tới các chuyến tham quan vùng sản xuất rượu vang nổi tiếng như Bordeaux, Alsace, Loire... ngắm những vườn nho trải rộng bạt ngàn và khám phá quy trình làm rượu thú vị. Thời gian đầu, các chuyến du lịch tới vùng sản xuất rượu chỉ giới hạn ở việc giới thiệu danh sách một số thương hiệu nổi tiếng và tổ chức thăm thú theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Tuy nhiên, hầu hết du khách đều tỏ ra thất vọng khi chỉ được nếm và mua rượu trong chuyến đi.

the-gioi.jpg

Các vùng trồng nho, làm rượu vang tại Pháp hằng năm thu hút hàng triệu khách du lịch tới tham quan.

Hiểu rõ tầm quan trọng của việc phát huy giá trị của rượu vang gắn với du lịch, các trang trại đã đưa thêm hoạt động trải nghiệm vào chương trình tham quan. Du khách có cơ hội tìm hiểu về văn hóa, truyền thống, quy trình sản xuất và giao lưu với nông dân. Để thúc đẩy mô hình này, năm 2016, chính phủ Pháp mở cổng thông tin về du lịch rượu vang.

Đầu những năm 2000, chính phủ Đài Loan (Trung Quốc) đã quyết định quy hoạch hơn 30 khu vực để phát triển du lịch nông nghiệp thành một ngành kinh tế mới, tạo thu nhập cho người nông dân, bảo vệ tính đa dạng của nền kinh tế và quan trọng nhất là bảo vệ nền nông nghiệp có lịch sử hàng trăm năm của Đài Loan. Các khu vực du lịch được xây dựng dựa trên nền tảng cụm kinh tế và các trang trại tư nhân đã tạo nên làn sóng du lịch mới ở Đài Loan...

Theo Hiệp hội Phát triển du lịch Đài Loan, chủ thể của loại hình du lịch nông nghiệp là chăn nuôi, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với các nội dung giáo dục về nông nghiệp, thực phẩm. Các chủ thể này phải trải qua quá trình 6 cấp của doanh nghiệp, kết hợp đa lĩnh vực giải trí, du lịch và ứng dụng công nghệ thông tin để cải thiện khả năng cạnh tranh. Với cách làm hiệu quả và phù hợp, mô hình du lịch này đã mang lại thành công ngoài mong đợi, không chỉ chặn đứng sự đô thị hóa do quá trình công nghiệp hóa xâm lấn các vùng nông thôn, mà còn bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Đến nay, những cái tên Nông trại Cingjing, Nông trại chè Pinglin, Nông trại Bí Ngô... đã trở thành điểm đến ấn tượng đối với những tín đồ yêu xê dịch. Sản phẩm nông nghiệp du lịch của Đài Loan hiện đã theo chân du khách đi khắp thế giới, tạo ra thu nhập không nhỏ cho cộng đồng cư dân địa phương...

Bên cạnh góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, du lịch nông nghiệp còn hạn chế khuynh hướng ly hương, thúc đẩy hội nhập và xuất khẩu tại chỗ. Ngoài ra, việc phát triển loại hình du lịch nông nghiệp có tác dụng giúp đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ du lịch, gia tăng luồng du khách đến các vùng nông thôn, kéo dài mùa vụ du lịch trong thời gian thấp điểm. Tham gia hình thức du lịch này, du khách được trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp, thưởng thức vẻ đẹp cảnh quan nhân văn do hoạt động sản xuất nông nghiệp tạo ra.

Theo các chuyên gia kinh tế, cần có 4 thành tố để được gọi là du lịch nông nghiệp, đó là: Kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp; thu hút du khách đến tham quan các hoạt động liên quan đến nông nghiệp; tăng thu nhập cho nông dân; tạo cho du khách cơ hội giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông. Đặc biệt, việc phát triển du lịch nông thôn ở bất kỳ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào cũng không thể thiếu sự tham gia của cộng đồng địa phương. Để đạt được hiệu quả bền vững, mỗi quốc gia cần xây dựng một chiến lược phù hợp với các mục tiêu, lộ trình cụ thể trong ngắn hạn và dài hạn cùng sự tham vấn, trao đổi kinh nghiệm với những khu vực đã triển khai thành công mô hình du lịch này.

 V.N (Tổng hợp)/https://kinhtenongthon.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập131
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm130
  • Hôm nay44,158
  • Tháng hiện tại76,899
  • Tổng lượt truy cập91,250,628
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây