Học tập đạo đức HCM

Sợ ảnh hưởng môi trường, người dân không dùng nước ngầm để nuôi tôm

Thứ tư - 11/08/2021 00:37
Những năm gần đây người dân xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa đã không sử dụng nước ngầm để nuôi tôm bởi nguy cơ làm nhiễm mặn nguồn nước ngọt…

Không còn tình trạng sử dụng nước ngầm nuôi tôm

Xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh có tiềm năng nuôi trồng thủy sản rất lớn vì có bờ biển chạy dài khoảng 9 km ôm bọc vùng đầm Vụng Trân. Chính vì thế những năm qua người dân tại địa phương đã mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao lót bạt nhanh chóng.

Xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao lót bạt. Ảnh: KS.

Xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao lót bạt. Ảnh: KS.

Theo ông Trần Quang Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thọ, toàn xã hiện có khoảng 52 ha nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao lót bạt và 10 ha nuôi ốc hương. Những năm gần đây việc nuôi tôm trên địa bàn cho năng suất đạt khá cao, từ 30-35 tấn/ha/vụ, mỗi năm người dân thả nuôi 3 vụ.

Theo ông Khánh, hiện nay trong xã có 80 - 90% số hộ nuôi tôm có lãi, song lãi không cao do thị trường đầu ra không ổn định, chi phí thức ăn, con giống tăng cao. Theo tính toán, giá thành 1 kg tôm thương phẩm hết khoảng 75-80 ngàn đồng/kg, trong khi xuất bán giá từ 90-95 ngàn đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Tiến, một người nuôi tôm ở thôn Ninh Mã, xã Vạn Thọ xác nhận những năm qua bà con nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao lót bạt trên địa bàn đều hiệu quả.

Như gia đình ông có tổng diện tích 6.000 m2, trong đó 2 ao nuôi 1.000 m2 và 1.400 m2, số diện tích còn lại là ao lắng và ao xả thải. Mỗi năm nếu nuôi thuận lợi cho lãi vài tỷ đồng, nhưng có năm bị thua lỗ do ảnh hưởng thời tiết và dịch bệnh. Tuy nhiên tính ra lãi nhiều hơn lỗ, bình quân mỗi năm ông bỏ túi 700-800 triệu đồng tiền lãi.

Cũng theo ông Khánh, sở dĩ bà con nuôi tôm trên địa bàn có lãi, bởi thời gian qua đã chú trọng các yếu tố như lựa chọn con giống tốt, có thương hiệu, xử lý nguồn nước nuôi đảm bảo và việc sử dụng thuốc trong nuôi trồng thủy sản đúng cách để cải tạo môi trường nuôi tốt. Bên cạnh đó, bà con nuôi lâu năm nên có kinh nghiệm, cũng như nắm rõ kỹ thuật nuôi tôm.

Người nuôi ở Vạn Thọ thu hoạch tôm thẻ chân trắng. Ảnh: KS.

Người nuôi ở Vạn Thọ thu hoạch tôm thẻ chân trắng. Ảnh: KS.

Bà Nguyễn Thị Toàn Thư, phụ trách phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa đánh giá, thời gian đầu việc nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao lót bạt ở xã Vạn Thọ đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi, dịch bệnh ít xảy ra, năng suất cao có thể đạt 30 tấn/ha. Tuy nhiên, những năm gần đây do dịch bệnh tại vùng nuôi này xuất hiện làm năng suất giảm, hiệu quả kinh tế không còn cao như trước.

Bên cạnh đó, hầu hết các hộ nuôi tôm ở vùng nuôi này có giếng khoan khai thác, sử dụng nước ngầm để nuôi tôm. Điều này gây nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm tại địa phương, làm nhiễm mặn nguồn nước ngọt…dẫn đến các hệ lụy về môi trường. Do đó, Chi cục không khuyến khích phát triển mô hình nuôi tôm sử dụng nước ngầm để nuôi tôm.

Liên quan vấn đề này, ông Khánh, cho biết thêm trước đây nuôi trên ao đất, bà con trên địa bàn có sử dụng giếng nước ngọt. Tuy nhiên từ ngày nuôi tôm trên ao bạt thì bà con không còn bơm nước ngọt trong lòng dất để nuôi tôm nữa, mà thay vào đó khoan ngoài biển, cách ao nuôi từ 300-400m gần mép nước thủy triều. Sau đó, nước được bơm vào hồ lắng xử lý vi sinh, sau khi đạt chuẩn mới bơm vào hồ nuôi.

Bảo vệ môi trường nuôi tôm

Cũng theo ông Khánh, trong nuôi tôm yếu tố môi trường rất quan trọng, quyết định đến thành công trong quá trình nuôi trồng thủy sản. Do đó, để bảo vệ môi trường nuôi, địa phương khuyến cáo người nuôi không xả rác thải ra môi trường. Điều đáng mừng hiện bà con nuôi tôm đã có ý thức vệ sinh, không xả rác bừa bãi ra môi trường mà thu gom để xử lý tập trung.

Bên cạnh đó, trước đây khi nuôi trong ao đất, người nuôi xả nước (xi phông) ra môi trường biển. Tuy nhiên từ năm 2012 đến nay các hộ nuôi tôm trên bạt đã từng bước làm ao lắng và ao xả thải. Các ao xả thải đều tận dụng thức ăn dư thừa trong quá trình nuôi tôm để thả cá rô phi, còn ao lắng được bơm nước vào xử lý đảm bảo trước khi cấp vào ao nuôi.

 Cùng với đó, để nuôi tôm có hiệu quả, bền vững Hội Nông dân xã đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp nuôi tôm thẻ chân trắng xã Vạn Thọ. Bước đầu có 19 hộ tham gia sinh hoạt trong tổ này để cùng nhau bàn bạc chia sẻ kinh nghiệm, cách sử dụng các loại thuốc xử lý ao nuôi đúng cách, đúng thời điểm. Cũng như cách chọn giống và các cơ sở bán giống chất lượng, uy tín để vụ nuôi đạt kết quả.

“Hiện nay tổ đã được cấp nhãn hiệu nuôi tôm sạch theo hướng VietGAP”, ông Khánh chia sẻ và cho biết, trong thời gian tới, Hội Nông dân tiếp tục kết nạp thêm thành viên và thành lập Chi hội nghề nghiệp nuôi tôm thẻ chân trắng xã Vạn Thọ để nhân rộng mô hình.

Bà Nguyễn Thị Toàn Thư: Đối với nuôi tôm nước lợ, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển nuôi tôm thâm canh, đặc biệt là nuôi tôm công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa dự kiến sẽ xây dựng vùng nuôi tôm chân trắng công nghệ cao tại thị xã Ninh Hòa, với năng suất 50 – 100 tấn/ha/năm, với quy mô đến nắm 2025 đạt khoảng 100 ha. Đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi tôm tập trung thâm canh và bán thâm canh tại các xã, phường: Ninh Ích, Ninh Lộc, Ninh Giang, Ninh Hải và Ninh Phú (thị xã Ninh Hòa); xã Cam Thịnh Đông (TP.Cam Ranh); xã Vạn Hưng, Vạn Khánh, Vạn Long, Vạn Phước (huyện Vạn Ninh). Ngoài ra, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến tại Phường Ninh Hà (TX Ninh Hòa).

Kim Sơ-Minh Hậu/https://nongnghiep.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập130
  • Hôm nay42,869
  • Tháng hiện tại75,610
  • Tổng lượt truy cập91,249,339
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây