Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao An Phú (huyện An Phú, An Giang) là đơn vị tiên phong ở vùng biên giới An Giang áp dụng mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao liên kết với nông dân hơn 1,5 ha, bình quân mỗi hộ có 1.000 m2 trồng dưa lưới trong nhà màng.
Sản phẩm được tiêu thụ tại các đầu mối trái cây như: TP. HCM, An Giang, TP. Cần Thơ và Tiền Giang với giá bán từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí người trồng lãi từ 30 - 40 triệu đồng/vụ/1.000m2 (trồng 3 tháng).
Ông Nguyễn Minh Bửu, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao An Phú cho biết, dưa lưới có giá trị dinh dưỡng cao, thơm ngon. Quy trình kỹ thuật rất khắt khe, không trồng ngoài đất được vì gặp mưa sẽ bị thối trái và không sử dụng thuốc trừ sâu nên phải trồng trong nhà màng để cách ly sâu bệnh.
Ngoài ra, dưa lưới trồng trong chậu nên điều tiết dinh dưỡng theo từng giai đoạn khác nhau thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Chi phí đầu tư 1.000 m2 là 300 - 500 triệu đồng (tùy theo chất lượng của nhà màng lắp ráp), một năm có thể trồng 4 vụ dưa lưới.
Anh Nguyễn Văn Đệ, ở xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú đã thành công nhiều năm nay đưa cây dưa lưới về vùng biên giới. Anh Đệ đã hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc và mở ra hướng mới cho nông nghiệp địa phương, đem lại thu nhập trăm triệu đồng/năm cho chính mình.
Anh Đệ cho biết, ban đầu còn bỡ ngỡ do thị trường mới, không yên tâm đầu ra nên chỉ trồng khoảng 2.700 gốc dưa/1.000 m2 trong nhà màng nhưng cuối vụ mang lại hiệu quả cao. Nối tiếp thành công, anh nâng dần diện tích nhà lưới lên 2.500 m2, rồi trồng đa dạng các giống dưa xuất xứ từ Đài Loan và Thái Lan.
Hệ thống nhà kính trồng dưa lưới có ưu điểm vượt trội giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập. Bên cạnh đó, còn chủ động chế độ dinh dưỡng. Do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên đảm bảo sản phẩm an toàn, giảm chi phí sản xuất.
Về giống, cách trồng dưa lưới trong nhà kính khác với trồng truyền thống trên đất. Ban đầu, hạt giống không gieo trực tiếp xuống mặt đất mà được trồng trong giá thể xơ dừa đã qua xử lý.
Về kỹ thuật tưới nước cho dưa lưới, phải dùng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Isreal. Nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây nên rất hiệu quả, giúp cây khỏe mạnh và ít sâu bệnh.
Thông thường trong khâu tưới, đều được hòa phân vào nước rồi theo hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Hệ thống tưới tự động tưới chính xác cho mỗi cây nên dưa phát triển rất đồng đều.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang cho biết: Dưa lưới hiện là loại trái cây mới, ngon, ngọt được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, là loại dưa được trồng với phương pháp bán thủy canh trong nhà lưới, nhà màng để thích nghi trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Mấy năm gần đây, ngành nông nghiệp An Giang khuyến khích nông dân và doanh nghiệp cần phát triển mô hình canh tác dưa lưới trong nhà màng theo hình thức có liên kết bao tiêu đầu ra. Xem đây là mô hình nông nghiệp công nghệ cao, bền vững và tạo ra sản phẩm chất lượng, sạch, an toàn thực phẩm mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất.
LÊ HOÀNG VŨ – NGỌC THẮNG/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã