Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), vùng Duyên hải Nam Trung bộ có khoảng 300.000ha diện tích đất cát đói dinh dưỡng, nằm dọc các vùng ven biển đang gặp khó khăn trong canh tác cây trồng. Trong khi đó, biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp.
Điều kiện canh tác khó khăn, năng suất cây trồng cho không cao; do đó người dân trong vùng thường xuyên phải đối mặt với nạn thiếu đói và tác động lớn đến an ninh lương thực. Thế nên trong khu vực cần phải chia sẻ nguồn nước giữa các đối tượng cây trồng và với các vùng đất khác nhau để mới có thể cân đối được nguồn nước trong sản xuất. Khi nguồn nước được chia sẻ ổn định, thì ngành chuyên môn các địa phương mới có đầy đủ cơ sở để định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng thực sự hiệu quả.
Có lẽ lạc (đậu phộng) là 1 trong những cây trồng “háo nước” nhất trong các loại cây màu. Trong vùng Duyên hải Nam Trung bộ, lạc là cây trồng chủ lực của nông dân, nhất là khi các tỉnh trong khu vực trong thời gian qua đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo đó, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được nhiều địa phương đặt lên làm nhiệm vụ hàng đầu. Để tăng hiệu quả sản xuất, nhiều tỉnh đã nỗ lực thúc đẩy nông dân chuyển đổi những diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng những cây trồng cạn, lạc là cây trồng được nông dân ưu tiên chọn lựa bởi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, 2 địa phương trồng lạc nhiều nhất trong vùng là tỉnh Quảng Nam với gần 10.000ha và Bình Định cũng với diện tích tương đương. Cây lạc hầu hết được sản xuất trên đất cát và trồng vào mùa khô nên có nhu cầu nước tưới rất lớn.
Trong khi đó, khu vực Duyên hải Nam Trung bộ là vùng đất có lượng mưa bình quân kém, càng về sau này lượng mưa càng giảm do ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Mùa mưa trong khu vực chỉ có 3-4 tháng, còn mùa nắng kéo dài đến 8-9 tháng. Do đó, nguồn nước mặt trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ là rất hạn chế. Trong khi thời vụ canh tác cây lạc tập trung vào mùa nắng nên nông dân phải khai thác nguồn nước ngầm để phục vụ sản xuất.
“Cây lạc chủ yếu sản xuất trong mùa nắng nóng nên cứ thấy đất khô là nông dân bơm nước tưới tràn. Phương pháp này vừa phung phí nguồn nước một cách vô bổ làm mất an ninh nguồn nước, vừa kiềm hãm năng suất cây lạc. Từ khi mô hình tưới tiết kiệm của Dự án “Quản lý tổng hợp nguồn nước, đất và dinh dưỡng cho các hệ thống nông nghiệp bền vững ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ Việt Nam và Úc” được nhân rộng trong khu vực, nông dân nhiều địa phương đã biết áp dụng phương pháp tưới phun mưa kết hợp mini-pan cho cây lạc đã góp phần quản lý tốt nguồn nước trên địa bàn”, TS Hồ Huy Cường chia sẻ.
Đối với cây lạc, dự án đã hướng nông dân áp dụng phương pháp tưới mới, kết quả cho thấy năng suất cây lạc tăng lên đến 20-29%. Lượng nước tưới trên cây lạc cũng được tiết kiệm đáng kể; ghi nhận tại Bình Định được giảm 33%, tại Quảng Nam giảm 27% và tại Ninh Thuận giảm đến 72%. Theo đó, tại Bình Định giảm được 10,5 triệu m3 nước/năm, tại Quảng Nam giảm 7,6 triệu m3/năm và tại Ninh Thuận giảm 13,3 triệu m3/năm. Hiệu quả kinh tế trong sản xuất lạc cũng tăng cao, ví như ở Bình Định lợi nhuận tăng 46%, tại Quảng Nam tăng 97%.
“Đơn cử như diện tích trồng lạc ở Bình Định có gần 10.000ha, bình quân 1 hộ dân có 5 nhân khẩu sản xuất nửa ha, vị chi có 20.000 nông dân hưởng lợi từ 10.000ha lạc. Áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt bằng mini-pan, 10.000ha xoài có thế tiết kiệm được từ 8-15 triệu m3 nước/năm. Với lượng nước tiết kiệm được, diện tích trồng lạc ở Bình Định có thể tăng thêm 3.000ha; như vậy số nông dân hưởng lợi từ sản xuất cây lạc cũng được tăng thêm 3.000 người”, TS Hồ Huy Cường phân tích.
Bên cạnh đó, công nghệ tưới cho cây xoài phù hợp với điều kiện canh tác của vùng Duyên hải Nam Trung bộ mang lại hiệu quả cao nhất cũng được xác định. Đơn cử tại Bình Định, theo TS Hồ Huy Cường, tỉnh này có diện tích xoài gần 1.300ha, cây xoài hầu hết cũng được trồng trên đất cát, xoài ra hoa đậu quả vào mùa khô nên rất cần nước tưới.
“Xoài cần phải được tưới đủ nước mới cho năng suất cao, quả cho chất lượng tốt. Vì trong giai đoạn nuôi quả, nếu bị khô nước, khi gặp mưa sẽ xảy ra hiện tượng rụng và nứt quả. Thông thường, nông dân tưới xoài nhiều lần hơn mức cần thiết, lượng nước tưới cũng nhiều hơn yêu cầu, gây lãng phí công lao động cũng như tài nguyên nước.
Thế nhưng khi áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt theo mini-pan và bón phân qua hệ thống tưới, cây xoài cho năng suất tăng 21-28%, trong khi đó lượng nước tưới giảm được 53-55% và giảm 25-30 công lao động/ha, nâng cao hiệu quả kinh tế từ 29-37% so với phương pháp truyền thống”, TS Cường cho hay.
Từ kết quả trên, trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã chuyển giao ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm trên cây bưởi da xanh và nhiều loại cây khác áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt theo mini-pan tại các địa phương: Hoài Đức, Hoài Mỹ, Hoài Châu Bắc (TX Hoài Nhơn) Ân Thạnh; Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân); Tây Giang, Bình Thuận (huyện Tây Sơn); Cát Tài (huyện Phù Cát) và An Tân (huyện An Lão).
Nhận thấy việc tưới tiết kiệm mang lại lợi ích trông thấy, trong những năm qua UBND tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh.
“Lợi ích sẽ còn nhân lên gấp bội nếu công nghệ quản lý nguồn nước và dinh dưỡng không chỉ dừng lại trên cây xoài và lạc ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ mà lên được tận Tây Nguyên với các đối tượng cây trồng lâu năm như cà phê, hồ tiêu"
Sản xuất nông nghiệp còn cần nhiều giải pháp quản lý hiệu quả nguồn nước, đất và dinh dưỡng với nhiều góc độ khác nhau, nhiều đối tượng cây trồng khác nhau, nhiều vùng đất khác nhau và với nhiều tập quán canh tác khác nhau. Có như vậy mới có thể nhân rộng phương pháp canh tác tiên tiến, nâng cao ý thức cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp, để vừa nâng cao hiệu quả kinh tế vừa quản lý bền vững nguồn nước”, TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ.
ĐÌNH THUNG/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã