"Tuyệt chiêu" của nghề cha truyền con nối
Làng nghề làm mắm truyền thống Tam Thanh thuộc xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam có từ bao giờ không ai rõ, nhưng hầu như nhà nào cũng có vài chum mắm để trữ làm gia vị phục vụ bữa ăn gia đình.
Trải qua nhiều thăng trầm, hiện xã có khoảng 40 hộ còn làm nước mắm truyền thống, trong đó có 12 hộ tham gia HTX mắm truyền thống Tam Thanh.
Sản phẩm nước mắm truyền thống của HTX nước mắm Tam Thanh đã được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP tỉnh Quảng Nam năm 2019, trở thành sản vật đặc trưng của TP.Tam Kỳ.
Chị Kiều Thị Ngọc Lan (46 tuổi, trú thôn Hòa Trung, xã Tam Thanh) - chủ cơ sở sản xuất mắm truyền thống Thanh Loan, thuộc HTX Tam Thanh, chia sẻ: "Nước mắm ở đây chủ yếu được chưng cất trong nhà, không phơi ngoài trời. Phải ủ từ 11 - 12 tháng thì mới bắt đầu chắt lọc những mẻ mắm đầu tiên. Muốn có mắm thơm ngon, đạt chất lượng thì cá làm mắm phải tươi, không ướp đá. Tôi và nhiều hộ dân trong làng chủ yếu làm mắm từ cá cơm than, được mua từ vùng biển Tam Thanh, cứ theo tỷ lệ 2 chén cá, 1 chén muối, trộn đều rồi đổ đầy chum".
Sở dĩ nước mắm Tam Thanh nổi tiếng gần xa là nhờ vào độ thơm nồng, ngọt đậm, tinh khiết, với độ đạm cao. Cá cơm than dùng để muối mắm phải thật tươi, đều kích cỡ, không quá lớn và muối dùng để ướp cá phải trắng, sạch, chắc hạt. Sau 1 năm, người dân thu những giọt nước mắm sánh đượm mặn mà, trở thành đặc sản nức tiếng xứ Quảng.
Chị Trần Thị Ngọc Loan - chủ HTX mắm Ngọc Loan chia sẻ: "Mắm truyền thống Tam Thanh không sử dụng bất cứ loại chất bảo quản, phụ gia nào khác. Mắm ủ sau 5 tháng có màu vàng nhạt, sau 12 tháng mới có màu vàng cánh gián, đạt tiêu chuẩn để đem ra chắt lọc và đưa đi tiêu thụ".
Gắn với du lịch cộng đồng
Chị Kiều Thị Ngọc Lan - người có hơn 30 năm gắn bó với nghề cho biết, trước kia làng nghề mắm truyền thống ở Tam Thanh gặp khó khăn về đầu ra. Người tiêu dùng chủ yếu dùng mắm công nghiệp vì sự thuận tiện, giá thành rẻ. Sau khi làng chài Tam Thanh đẩy mạnh khai thác du lịch cộng đồng, nước mắm làng nghề dần khởi sắc.
Khách du lịch khi đến thăm làng bích họa Tam Thanh thường ghé trải nghiệm hoạt động làm mắm thủ công tại đây và mua về để thưởng thức, làm quà biếu, cứ như vậy đặc sản mặn mòi của vùng biển xứ Quảng ngày càng được nhiều người biết tới.
Anh Trần Chánh Thanh (50 tuổi) - chồng chị Ngọc Lan cho hay, với số lượng 50 chum mắm, mỗi tháng cơ sở sản xuất của vợ chồng anh chị bán khoảng 500 lít mắm. Riêng sản lượng dịp Tết đạt 2.000 lít. Mắm nhĩ bán ra giá 60.000 đồng/lít, mắm hớt 100.000 đồng/lít… Nhờ làm mắm truyền thống, gìn giữ nghề của ông cha, vợ chồng anh Thanh - chị Lan thu lãi từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng, cuộc sống ổn định, con cái được đầu tư ăn học tử tế…
Hậu Thanh - Tuyết Nhung/https://danviet.vn/
https://danviet.vn/dung-tuyet-chieu-sach-va-ngon-nuoc-mam-tam-thanh-vuon-xa-20200904162730678.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã