Tuy nhiên, đâu chỉ khi Covid-19 diễn biến phức tạp, câu chuyện “giải cứu” mới được nhắc đến như vừa qua. Ngay cả giai đoạn không có dịch bệnh bất thường, thỉnh thoảng mùa này, vụ kia, khi thì năm này lúc thì năm khác, chúng ta lại thấy nông sản “kêu cứu”. Khi thì dưa hấu Quảng Ngãi, khi thì hành tím Sóc Trăng, rồi thanh long Bình Thuận, hay như vừa rồi cam Tuyên Quang, Hà Giang... Có người còn bình luận: “giải cứu” nông sản hay cần “giải cứu” tư duy của người nông dân và “giải cứu” cả ngành nông nghiệp?
Nhìn lại trong nhiều năm qua, đầu ra cho nông sản là bài toán đã được đặt ra kể từ khi đất nước chuyển đổi từ mô hình nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó có nghĩa là vấn đề này đã được nhận diện qua hơn ba mươi năm đổi mới. “Được mùa mất giá” như một điệp khúc hàng năm khi vào chính vụ. “Giải cứu” như một lời nguyền có tính chu kỳ. Phân tích thấu đáo vấn đề này, có nhiều cách tiếp cận từ nhiều phía khác nhau, nhưng để khắc phục cần đến một hệ thống các giải pháp vừa mang tính đồng bộ, vừa mang tính bền vững, lâu dài. Giải bài toán đầu ra cho nông sản nước ta trong một thế giới luôn biến động, bất định, phức tạp và có phần mơ hồ cần được nhìn cả ở góc độ lý luận, nhất là lý thuyết kinh tế học và thực tiễn nông nghiệp, nông dân. ở nước ta.
Nông nghiệp nước ta có ba đặc điểm, cũng là ba điểm nghẽn khi chuyển đổi sang nền kinh tế hàng hoá trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Đó là: manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Đất đai manh mún. Quy mô nhỏ lẻ. Canh tác tự phát. Ba thách thức đó làm cho chuỗi liên kết bị rời rạc, con đường đưa nông sản đến thị trường mong manh, dễ bị đứt gãy khi có biến cố xảy ra.
Cũng từ ba đặc điểm đó, dữ liệu về nguồn cung không dễ được tích hợp một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời trong cùng một thời điểm, một mùa vụ ở mọi cấp độ: địa phương, tiểu vùng, vùng, quốc gia. Thiếu dữ liệu nguồn cung về sản lượng, chủng loại dẫn đến khó khăn trong truy xuất nguồn gốc, khiến thông tin đầu vào cho thị trường thường mơ hồ, chỉ mang tính ước đoán. Từ đó, dẫn đến tình trạng “sản xuất mù”, “bán mù”, “mua mù”. Nông dân cứ sản xuất rồi trông chờ thương lái đến thu mua. Đến lượt thương lái cũng tìm cách đưa nông sản đến doanh nghiệp, hệ thống phân phối. Một chuỗi liên kết có tính rời rạc mỗi mùa vụ dễ bị đứt gãy khi bị “ùn đầu ra” dẫn đến “ứ đầu vào”.
Tóm lại, một khi dữ liệu cung và cầu chưa khớp nhau thì còn rủi ro mùa vụ, rủi ro cho người sản xuất, rủi ro cho thương lái, doanh nghiệp và rủi ro cho cả nền kinh tế. Trong kinh tế học gọi đó là tình trạng “thông tin bất cân xứng”, bất cân xứng giữa người bán và người mua, giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa cung và cầu, về nhu cầu tiêu thụ, tiêu chuẩn chất lượng, thời điểm sản xuất và cung ứng hàng hoá. Một khi thông tin bất cân xứng thì chỉ dựa vào may rủi thị trường, vào niềm tin giữa các đối tác mà niềm tin lại thường mong manh vì xung đột lợi ích.
Tư duy bán nông sản thô trên đồng, trong vườn, trên mặt nước đã trở thành tập quán của người sản xuất bấy lâu nay do cả nguyên nhân khách quan lẫn nguyên nhân chủ quan. Nông sản thô thì dễ bị tổn thương do thời tiết và áp lực hao hụt sau thu hoạch dẫn đến tâm lý bán nhanh, bán hết. Sản lượng cần bán càng nhiều thì giá cả càng thấp. “Được mùa rớt giá” là vì vậy. Nhưng nếu giữ lại thì người nông dân phải đối mặt áp lực vòng quay mùa vụ, nhu cầu vốn tái sản xuất. Vậy là phải bán bằng mọi giá, tranh nhau bán trước, mà muốn được bán trước thì phải giảm giá. Ngược lại, cục bộ vẫn còn tình trạng neo hàng chờ giá khiến nông sản không ra được thị trường. Giá cả bấp bênh và đứt gãy chuỗi cung là vì vậy.
Những ách tắc trong tiêu thụ nông sản phần nào đến từ quan niệm “sản lượng càng nhiều đồng nghĩa với việc nâng cao thu nhập cho người sản xuất và tăng trưởng cho ngành nông nghiệp”. Để khắc phục thực trạng trên và giải bài toán đầu ra cho nông sản, cần chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”. Đó là tối ưu hoá lợi nhuận, lợi ích trên một đơn vị diện tích sản xuất bằng cách tích hợp đa giá trị, chứ không chỉ đơn thuần là tối đa hoá sản lượng đơn giá trị. Đó là, gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp và công nghiệp chế biến, giữa nông nghiệp và dịch vụ. Đó là, nâng cao giá trị nông sản trong chuỗi giá trị ngành hàng. Đó là hình thành thương hiệu nông sản xanh sạch, an toàn, tạo dựng một nền nông nghiệp trách nhiệm.
Trước tiên, cần khắc phục ba điểm nghẽn “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” bằng giải pháp củng cố và phát triển kinh tế tập thể mà trọng tâm là hợp tác xã nông nghiệp theo Kết luận 70-KL/TW ngày 9/3/2020 của Bộ chính trị “về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp, từ đó, hình thành và phát triển kinh tế nông thôn. Các hợp tác xã xây dựng bản đồ nông sản kèm theo sản lượng, quy trình canh tác, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tiến độ thu hoạch... nhằm tự quảng bá và chủ động kết nối với thị trường. Nhà nước xem xét hỗ trợ đầu tư hệ thống hạ tầng logistics nông thôn: kho lạnh bảo quản nông sản, công nghệ sơ chế, chế biến, đóng gói, bao bì, thương mại điện tử... với quy mô phù hợp từ cấp độ hợp tác xã, tiến tới cấp độ liên hiệp hợp tác xã. Kinh tế nông thôn phát triển sẽ giúp tạo đầu vào cho chuỗi ngành hàng nông sản. Kinh tế nông thôn phát triển còn tạo ra nhiều việc làm ở khu vực nông thôn theo mục tiêu “ly nông bất ly hương”. Kinh tế nông thôn góp phần tạo dựng nền tảng vững chắc cho Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Kế đến, xây dựng “chuỗi giá trị ngành hàng” thông qua liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp, mở rộng thành “hệ sinh thái ngành hàng” có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, truyền thông, cơ quan hoạch định và thực thi chính sách nông nghiệp và phát triển thị trường. Chuyển từ tư duy bán nông sản thô sang cung ứng nông sản đã qua phân loại, bảo quản, sơ chế, tinh chế, đáp ứng yêu cầu đa dạng của người tiêu dùng và đặc điểm từng loại thị trường thị trường. Kêu gọi nhiều nhà đầu tư tham gia vào các “Cụm liên kết công - nông nghiệp”, hình thành các ngành hàng công nghiệp thực phẩm. Tham khảo từ Đài Loan (Trung Quốc) cho thấy 80% nông sản xuất khẩu đều đã qua chế biến thành thực phẩm đóng hộp, vô chai với bao bì bắt mắt, ấn tượng, tiện dụng cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, cần thu thập, tổng hợp và minh bạch “Dữ liệu cung - cầu nông sản”, tiến tới hình thành các “Sàn giao dịch nông sản” dưới sự hỗ trợ của công nghệ số hoá. Khi có dữ liệu đầy đủ, kịp thời, chuẩn xác, người cung ứng và doanh nghiệp tiêu thụ sẽ có điểm gặp nhau về số lượng, giá cả, thời điểm, phương thức thanh toán,... giống như việc “khớp lệnh” trong sàn giao dịch chứng khoán. Các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách cũng dựa trên dữ liệu này để phân tích, điều chỉnh chính sách hỗ trợ sản xuất và phát triển, tác động đến thị trường một cách phù hợp, linh hoạt, kịp thời. Khi có biến cố xảy ra làm ách tắc chuỗi cung ứng, các cơ quan chức năng kích hoạt “Dòng cung ứng đặc biệt”, tận dụng công nghệ để tiếp thị, phân phối nông sản, thông qua các Hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội người tiêu dùng, các Sàn giao dịch nông sản... .
Hơn hết, tư duy kinh tế nông nghiệp cần được thẩm thấu ngay trong các cơ quan hoạch định chính sách, chiến lược phát triển ngành hàng nông sản. Trước đây, trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, Nhà nước lập kế hoạch cho cả nước, phân công địa phương này, ngành kia phải sản xuất hàng hoá gì, số lượng bao nhiêu. Nhà nước sẽ thu mua và phân phối đến xã hội theo tiêu chuẩn, định lượng đã được quy định. Nói cách khác, Nhà nước giữ vai trò đặt hàng và làm cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, quyết định tiêu dùng nội địa bao nhiêu, xuất khẩu bao nhiêu. Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò Nhà nước giảm đi, thị trường giữ vai trò điều tiết theo quy luật cung cầu. Thị trường tạo sự năng động cho người sản xuất, doanh nghiệp, nhưng thị trường cũng có những bất cập, hạn chế, thất bại của thị trường.
Do đó, cần đến sự tham gia của Nhà nước thông qua các công cụ là các cơ quan chuyên ngành để tương tác, hỗ trợ, gắn kết những khiếm khuyết trong chuỗi cung ứng - tiêu thụ khi có biến cố, đứt gãy. Tất cả vì quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng, vì tính bền vững trong nền kinh tế. Giải pháp thị trường tiêu thụ phải được đặt ra ngay khi xây dựng chiến lược và kế hoạch trung hạn, ngắn hạn và từng mùa vụ. Cần nhất quán về nhận thức “giải pháp đầu ra, kết nối thị trường tiêu thụ sẽ kích hoạt đầu vào sản xuất”. Khi ấy, 3 câu hỏi cũng là 3 vấn đề cốt lõi, cơ bản trong kinh tế học: “Sản xuất nông sản gì?”, “Sản xuất như thế nào?”, “Sản xuất cho ai?” sẽ trở thành kim chỉ nam định hình nền nông nghiệp cả nước.
Đồng chí Lê Minh Hoan, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn/http://www.khuyennongvn.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã