Để đẩy mạnh nâng cao chất lượng, hiệu quả cho phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT), thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đã chú trọng chọn lọc, du nhập và lai tạo các giống bò ngoại; đồng thời, nhập nguồn tinh mới có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của tỉnh. Tăng cường thực hiện công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng các mô hình, chương trình TTNT để cải tạo đàn bò địa phương. Bên cạnh đó, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi nắm bắt được kỹ thuật mới, thời điểm phối giống thích hợp, quy trình chăm sóc bò theo giai đoạn và từng đối tượng nhằm nâng cao hiệu quả của công tác TTNT.
Việc thụ tinh nhân tạo để nâng cao chất lượng đàn bò đang được bà con trong tỉnh thực hiện có hiệu quả
Gia đình chị Nguyễn Thị Huyên, xã Thạch Long, huyện Thạch Hà hiện đang nuôi 5 con bò 3B. Được biết, trước đây, đàn bò cái của gia đình chị đều được phối giống bằng phương pháp truyền thống. Năm 2019, được sự hỗ trợ của cán bộ thú y xã, gia đình chị đã sử dụng tinh bò 3B để thực hiện TTNT. Sau khi bò cái được phối có chửa, gia đình bà kết hợp cho ăn thức ăn tự nhiên và thức ăn hỗn hợp trong cả quá trình mang thai. Nhờ đó, bê con sinh ra có ngoại hình to, khỏe, lớn nhanh, đạt năng suất cao hơn khoảng 20-25% so với bò địa phương.
Được biết, toàn xã Thạch Long hiện có đàn bò gần 200 con. Những năm qua, chăn nuôi đại gia súc là một trong những thế mạnh của xã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, việc phục tráng, xử lý các bệnh về sinh sản đối với đàn trâu, bò chưa được quan tâm, tỷ lệ sinh sản thấp; hiện tượng giao phối đồng huyết, cận huyết khá phổ biến… dẫn đến hiệu quả thấp trong chăn nuôi. Có thể nói, công tác cải tạo đàn bò bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo đã đưa tiến bộ kỹ thuật về giống vào sản xuất, đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế. Ngoài việc khắc phục triệt để tình trạng thiếu bò đực giống và đực giống tốt, suy thoái đàn bò đang diễn ra do cận huyết còn góp phần tăng tầm vóc thể trạng và sức sản xuất của đàn bò thịt.
Công tác thụ tinh nhân tạo đã tăng hiệu quả của nghề chăn nuôi bò thông qua việc chủ động phối giống, rút ngắn chu kỳ sinh sản, tăng tỷ lệ số bò cái được phối giống trong năm, thúc đẩy phát triển chăn nuôi bò, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.
Trước đây người chăn nuôi bò phần lớn là để phục vụ sức kéo cho sản xuất thì từ vài năm trở lại đây, khi cơ giới hóa đã được đẩy mạnh thay thế cho sức kéo của trâu bò thì chăn nuôi chuyển dần sang hướng chăn nuôi lấy thịt. Và khi nhu cầu về các giống bò thịt ngày càng tăng cao thì việc phát triển chăn nuôi bò lai từ việc lai tạo những giống bò Brahman, Droughmaster với bò lai Zebu đang được bà con trong tỉnh hưởng ứng, mở ra hướng phát triển mới cho ngành chăn nuôi tỉnh ta...
Là một trong những địa phương phát triển mạnh chăn nuôi bò lai, Trung tâm ƯDKHKT&BVCTVN huyện Can Lộc đã có hệ thống dẫn tinh viên thực hiện nhiệm vụ lai tạo giống bò 3B với giống bò lai của địa phương để tạo ra đàn bê lai F1. Do kết hợp được cả đặc tính tốt của con bố 3B và bò mẹ lai nên bê F1 sinh ra khỏe mạnh, thích nghi tốt với điều kiện môi trường sống, tăng trọng nhanh, chất lượng thịt tốt.
Ông Phạm Văn Thái, cán bộ Trung tâm ƯDKHKT&BVCTVN huyện Can Lộc cho biết: Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của bò 3B, thời gian tới, Can Lộc sẽ tập trung hoàn thành công tác giám định, bình tuyển, chọn lựa đàn bò cái nền xây dựng kế hoạch phối giống nhân tạo. Xây dựng mô hình trang trại mẫu chăn nuôi bò 3B làm cơ sở nhân rộng. Đồng thời, phát triển chuỗi liên kết trong chăn nuôi bò 3B. Cùng với đó là tập trung tiêu thụ sản phẩm bê F1 3B cho hộ chăn nuôi, thông qua xây dựng các trang trại thu mua bê F1 3B sau cai sữa của nông dân để nuôi vỗ béo.
Hiện nay, để lai tạo giống bò chất lượng cao, tỉnh Hà Tĩnh đã có chính sách hỗ trợ 100% tinh bò và dụng cụ phối tinh cho các hộ có bò cái để phối giống trong toàn tỉnh, thông qua các Trung tâm ƯDKHKT&BVCTVN các huyện, thị. Bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh từ Trung tâm khuyến nông giúp bà con tiếp cận được những giống bò mới thì còn nhờ việc thực hiện đồng bộ chương trình cải tạo giống bò nên thời gian qua, tỷ lệ đàn bò lai Zêbu đã không ngừng tăng lên, tầm vóc của đàn bò nái nền được cải thiện. Đây là điều kiện thuận lợi để tiếp tục cải tạo cho ra đàn bò theo hướng chuyên thịt có tầm vóc lớn, chất lượng thịt tốt hơn.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó phòng KTCG- Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh cho biết: Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã cấp phát được 10.925 liều tinh bò nhóm Zêbu, 8.000 liều tinh bò 3B, 8.685 lít Nitơ, 18.925 ống gen và 18.925 găng tay để thực hiện quá trình lai tạo. Với số lượng tinh giống và vật tư đã cấp phát, các địa phương đã hoàn thành phối giống cho hơn 11.700 con bò nái, trong đó, có 4.666 con được phối bằng tinh bò 3B. Năm 2021 Trung tâm tiếp tục thực hiện chính sách về hỗ trợ tinh để người chăn nuôi phối giống nhằm cải tạo đàn bò trong thời gian tới.
Cải tạo đàn bò bằng biện pháp thụ tinh nhân tạo sẽ khắc phục tình trạng thiếu bò đực giống và suy thoái đàn bò đang diễn ra do cận huyết. Qua đó, góp phần quan trọng trong cải tạo tầm vóc thể trạng của đàn bò, nâng cao năng suất, mở ra hướng đi mới trong chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là lời giải cho nhu cầu sử dụng bò giống trong chăn nuôi gia súc theo chuỗi mà nhiều trang trại, hợp tác xã chăn nuôi đang gặp phải hiện nay./.
Nguyễn Hoàn/http://sonongnghiep.hatinh.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã