Học tập đạo đức HCM

Nâng cao năng lực thích ứng cho hợp tác xã

Thứ hai - 05/04/2021 00:18
Biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 đã và đang tác động mạnh tới hoạt động của phần lớn doanh nghiệp, tổ chức kinh tế - xã hội, trong đó có khu vực kinh tế tập thể nói chung, hợp tác xã (HTX) nói riêng. Ðể vượt qua khó khăn, mỗi thành viên HTX đang không ngừng thay đổi, chủ động tìm kiếm giải pháp để nâng cao năng lực thích ứng trong bối cảnh mới.
Sản xuất chè tại HTX Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái).

Lao đao vì đại dịch

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, HTX cá lồng Kim Lai (tỉnh Hải Dương) là một trong những HTX chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19. Theo chia sẻ của Giám đốc HTX Ðào Văn Phúc, riêng chín tháng đầu năm 2020, doanh thu của HTX đã giảm hơn 50% so cùng kỳ năm trước. HTX phải cho lao động nghỉ việc toàn bộ không lương và bà con chỉ có thể bán lẻ số thủy sản thu hoạch mà bình thường có thương lái thu mua trực tiếp. Ðại dịch diễn ra khiến HTX hầu như không còn đơn đặt hàng, thậm chí có thời điểm, gần 300 tấn cá không tiêu thụ được.

Dù rất khó khăn nhưng HTX cũng không thể vay từ ngân hàng hay quỹ hỗ trợ phát triển của Liên minh HTX Việt Nam do không có tài sản thế chấp. Ông Ðào Văn Phúc cũng cho biết, HTX có nhận được khoản hỗ trợ từ Liên minh HTX tỉnh Hải Dương nhưng cũng chỉ đủ cho 6 trong tổng số 20 thành viên HTX vay.

Không riêng HTX cá lồng Kim Lai, một nghiên cứu của Liên minh HTX Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) khảo sát tại 174 HTX của 24 tỉnh, thành phố cho thấy, dịch Covid-19 đã khiến doanh thu của khu vực HTX bị giảm mạnh. Theo đó, chỉ tính chín tháng đầu năm 2020, có đến 82,2% số HTX bị giảm doanh thu, trong đó 42,5% số HTX bị giảm hơn một nửa doanh thu so cùng kỳ năm 2019. Ðặc biệt, các HTX vận tải, du lịch bị tác động mạnh trong quá trình thực hiện và cung ứng dịch vụ. Số lượng khách hàng, hợp đồng, tua và cạnh tranh thị trường là những vấn đề bị tác động nhiều nhất.

Trong khi đó, theo ước tính từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khoảng 60-70% HTX nông nghiệp đang chịu tác động của dịch Covid-19, làm suy giảm sản xuất, đứt đoạn các chuỗi cung ứng nông nghiệp. Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng như tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là dịch tả lợn châu Phi trước đó, đã khiến các HTX nông nghiệp chịu ảnh hưởng với các mức độ khác nhau. Trong đó, nhóm chịu hậu quả nhiều nhất là các HTX sản xuất rau quả, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản (chiếm 30% trong hơn 15.000 HTX nông nghiệp).

Chủ động tìm giải pháp

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, thực hiện mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều chính sách hỗ trợ đã được ban hành, trong đó có những cách thức tác động mang tính khuyến khích đối với các chủ thể thuộc mọi thành phần như: miễn giảm thuế, tạo cơ hội tiếp cận với nguồn vốn có lãi suất ưu đãi, ban hành những thủ tục hành chính đơn giản và các chế độ ưu đãi đặc biệt khác... “Tuy nhiên trên thực tế, có một số chính sách không quy định HTX thuộc phạm vi điều chỉnh hoặc thuộc diện điều chỉnh dẫn đến các HTX vẫn gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận và thụ hưởng”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết.

Giám đốc HTX cá lồng Kim Lai Ðào Văn Phúc cũng nhìn nhận, một khó khăn nữa mà các HTX gặp phải là khi HTX hoàn toàn không sử dụng thiết bị thông minh (smart phone) hay in-tơ-nét, dẫn đến việc truyền thông tin, chính sách đến HTX rất khó khăn. Qua khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam và UNDP, HTX cá lồng Kim Lai chỉ biết 1 trong số 8 chính sách Chính phủ ban hành qua các kênh thông tin đại chúng, trong khi đây là một đối tượng rất cần được hỗ trợ. “Hiện nay chính sách quan trọng nhất đối với HTX Kim Lai là chính sách hỗ trợ người lao động trong HTX hưởng 1,8 triệu đồng/tháng. Chính phủ cần thực hiện hỗ trợ nhiều hơn đối với người lao động mất việc làm và giảm bớt điều kiện, thủ tục để họ dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng khoản hỗ trợ đó”, ông Ðào Văn Phúc đề xuất.

Có thể nói, thời gian qua, nhiều HTX đã chủ động ứng phó và thích ứng trong bối cảnh mới. Ðơn cử, với các HTX chuyên sản xuất rau, củ, quả ở các tỉnh phía bắc như HTX rau an toàn Quý Cuối (Ðan Phượng, Hà Nội), HTX Tâm Anh (Phú Xuyên, Hà Nội),… đã thay đổi phương thức cung ứng bằng cách cùng lúc liên kết nhiều HTX lại với nhau tạo nên một nhóm các HTX để cùng nhau bán hàng, cung cấp hàng đến tận các chung cư, khu đô thị,… Tuy nhiên, thực chất các biện pháp và giải pháp được áp dụng hiện nay cũng chỉ mang tính chống chọi và thích nghi ngắn hạn, chưa có những giải pháp đột phá và lâu dài. Chính phủ và các bộ, ban, ngành, Liên minh HTX Việt Nam cũng đã đưa ra các chính sách và hướng dẫn hỗ trợ kịp thời cho HTX trong thời kỳ đại dịch Covid-19, nhưng nhìn chung chỉ có một phần nhỏ trong số các HTX được thụ hưởng chính sách. Nguyên nhân chính là do HTX chưa nắm bắt rõ thông tin chính sách và điều kiện về đối tượng thụ hưởng hỗ trợ của chính sách chưa phù hợp với điều kiện thực tế của các HTX…

Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, các HTX hoạt động trên nhiều lĩnh vực, xuất phát điểm thấp nên rất cần các chính sách hỗ trợ. Khi ban hành, các cơ quan cần phân loại đối tượng vì riêng HTX nông nghiệp đã có nhiều loại hình hoạt động, ngoài ra còn có các HTX phi nông nghiệp. Mỗi HTX lại có những đặc thù riêng trong sản xuất kinh doanh. Do vậy, văn bản hướng dẫn cần cụ thể, chi tiết để HTX có thể tiếp cận được.

Ðại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cũng khẳng định: Phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX có ý nghĩa chiến lược trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong thời gian qua, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, HTX. Tuy nhiên, để các chính sách đi vào cuộc sống, giúp số lượng HTX được tiếp cận các chính sách hỗ trợ (đặc biệt là chính sách mới) ngày càng nhiều, cần có đổi mới căn cơ ngay từ việc hoạch định, xây dựng chính sách (thông qua việc hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX; tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước) đến việc đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến các chính sách và đặc biệt là các cấp phải thể hiện trách nhiệm đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX thông qua việc bố trí ngân sách thực hiện các chính sách hỗ trợ...

Bài và ảnh: HỒNG ANH/https://nhandan.com.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập146
  • Hôm nay70,813
  • Tháng hiện tại873,990
  • Tổng lượt truy cập90,937,383
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây