Cánh đồng lạc tại Thôn Hưng Bình, xã Lộc Yên (Hương Khê, Hà Tĩnh) nằm dọc theo ven sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Lộc Yên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) có diện tích hơn 20 ha. Nơi đây, trước kia bà con thường đưa cây ngô, đậu xanh và giống lạc truyền thống vào sản xuất nhưng suất thấp, hiệu quả kinh tế mang lại không cao.
Vụ xuân năm nay, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nông dân thôn Hưng Bình đã đưa giống lạc mới L20 vào xây dựng mô hình sản xuất lạc thương phẩm năng suất, chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên diện tích 10 ha, có 7 8 hộ nông dân tham gia và áp dụng quy trình sản xuất lạc có che phủ nilon đạt năng suất cao của Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ. Khi tham gia mô hình, bà con đều được cán bộ Trung tâm hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất lạc thâm canh cũng như cách chăm sóc phòng trừ sâu bệnh hại một cách bài bản nên lạc đã phát triển rất tốt. Mặc dù đến ngày thu hoạch nhưng cánh đồng lạc nơi đây vẫn trải một màu xanh đậm. Nhìn từng khóm dãnh, cây không bị vàng yếu hay còi cọc. Kiểm tra thực tế tại đồng ruộng cây cho củ nhiều, đều và chắc.
Bà Nguyễn Thị Hoàn một nông dân đã trải qua nhiều năm trồng cây màu trên vùng đất này cho biết: “Vụ xuân năm nay, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, bà con chúng tôi đã đưa giống lạc mới L20 vào sản xuất và cho thấy khả năng giống lạc này chịu hạn tốt, không quá kén đất, rất thích hợp với đồng đất ở Lộc Yên. Hơn nữa hiệu quả kinh tế thu về vượt trội so với trồng các cây màu như trước đây”.
Nếu tính toán chi phí đầu tư trồng lạc có che phủ nilon cho 1 sào chỉ tăng thêm khoảng 100.000 đồng, nhưng bù lại bà con nông dân tiết kiệm được ngày công lao động (làm cỏ, vun xới,...), tiết kiệm được nước tưới và thuốc bảo vệ thực vật. Nếu như trước đây năng suất một sào lạc (500 m2) chỉ đạt 70- 80 kg, thì với giống lạc L20 cùng kỹ thuật che phủ nilon, nông dân thu được từ 100 – 110 kg mỗi sào, sản lượng cao gấp rưỡi so với kiểu trồng cũ. Trước khi triển khai mô hình, nhiều hộ bày tỏ sự e ngại, thế nhưng giờ đây nhìn vào kết quả, bà con đều rất phấn khởi.
Ông Nguyễn Văn Ngọc – Phó chủ tịch UBND xã Lộc Yên cho biết: “Với địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, đặc biệt đất chuyên sản xuất cây màu có tới 150 ha, song bà con nông dân chỉ sản xuất theo phương thức truyền thông ít đầu tư thâm canh. Vì vậy, việc đưa các giống mới vào sản xuất cùng với việc áp dụng các khoa học kỹ thuật mới là rất cần thiết. Năm nay, giống lạc L20 được đưa vào sản xuất khảo nghiệm tại thôn Hưng Bình bước đầu cho thấy giống lạc này phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như thổ nhưỡng nơi đây, năng suất khá cao. Chính điều này đã tạo được động lực mới cho bà con trong việc thay đổi tập quán canh tác để nâng cao thu nhập. Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục đồng hành với bà con nhằm nhân rộng mô hình trong thời gian tới”.
Trung tâm Khuyến nông Trung tâm khuyến nông Hà Tĩnh phối hợp với UBND xã Lộc Yên đã tổ chức hội thảo đầu bờ nhằm đánh giá và nhân rộng mô hình
Theo tính toán ban đầu, sau gần 04 tháng thực hiện, năng suất của mô hình này đạt bình quân 42,04 tạ/ha cao hơn sản xuất đại trà 6,18 tạ/ha, tăng 17,2% so với phương thức sản xuất truyền thống của bà con. Với giá bán hiện nay 22.000 đồng/kg lạc tươi, mô hình dự kiến doanh thu trên 90 triệu đồng/ha, trừ mọi chi phí, lợi nhuận mang về hơn 48 triệu đồng/ha, tăng 45,3% so với sản xuất đại trà.
Chính việc áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong thâm canh cây lạc và quản lý dịch hại tổng hợp, che phủ nilon đã giúp cây lạc sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế cỏ dại, giữ ẩm cho đất, ít bị sâu bệnh gây hại. Ngoài ra, với cách canh tác này sẽ rút ngắn được thời gian sinh trưởng từ 10 - 15 ngày, lạc phát triển đều, sai quả, quả sinh trưởng nhanh, trọng lượng 100 quả đạt cao, mẫu mã đẹp, chất lượng quả cao.
Với những thành công của mô hình đạt được, vừa qua, Trung tâm khuyến nông Hà Tĩnh phối hợp với UBND xã Lộc Yên đã tổ chức hội thảo đầu bờ với sự tham gia của các hộ dân trong xã và các xã lân cận để nhằm tuyên truyền, nhân rộng kết quả của mô hình ra các địa phương khác, dần thay đổi được tư duy trong tập quán canh tác sản xuất, giúp người dân tiếp cận với các khoa học, kỹ thuật nhằm nâng cao thu nhập cho bà con trong sản xuất lạc cũng như nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích./.
Nguyễn Hoàn/http://sonongnghiep.hatinh.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã