So với những loại rau vụ đông khác, cây cà chua được nông dân ở xã An Thượng đánh giá cao hơn cả về giá trị kinh tế. Cây cà chua trở thành loại cây trồng chủ lực, góp phần tăng thu nhập và làm giàu cho nhân dân địa phương. Với trình độ thâm canh cao nên năng suất bình quân cà chua ở An Thượng thường đạt gần 2 tấn/sào (1 sào = 500 m2).
Tuy nhiên, cây cà chua chỉ được trồng vào vụ đông, khi cho thu hoạch giá thường không ổn định, muốn bán cà chua được giá cao thì phải trồng trái vụ. Trồng cà chua trái vụ cho thu nhập cao nhưng lại gặp phải nhiều khó khăn trong khâu chăm sóc như: dễ bị sâu bệnh, khả năng chống chịu với các điều kiện bất thuận (mưa, ngập úng, nóng) rất kém nên tỷ lệ cây bị chết cao, năng suất thấp. Trong khi những giống cà chua cũ đang dần thoái hoá, giống cà chua ghép trên gốc cà tím là loại cây trồng trái vụ chịu hạn, chịu ngập úng tốt là một giải pháp kỹ thuật để giải quyết những hạn chế của cà chua trái vụ.
Nhận thấy tiềm năng của cây giống cà chua ghép có nhiều thế mạnh hơn hẳn các loại cà chua khác, năm 2012 ông Đỗ Văn Thêm cùng với một số hộ dân trong làng Đông Giàng, xã An Thượng đã mạnh dạn tìm tòi, học hỏi mô hình trồng cà chua ghép trên gốc cà tím của Viện Nghiên cứu rau quả, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Với biện pháp kỹ thuật gieo hạt cà tím, cà chua trong bầu, sau 30 ngày gieo, khi cây cà tím cao trên 10-12 cm đủ các chỉ tiêu ghép; cây cà chua sau 25 ngày gieo hạt, cây có ba đến bốn lá, cao từ 7-8 cm thì tiến hành ghép. Dùng dao lam cắt vát cây cà tím, cây cà chua cắt sát phía trên hai lá mầm; sau đó dùng ống cao su giữ gốc ghép và ngọn ghép áp sát hai mặt vát vào nhau. Yêu cầu ghép vào buổi chiều ngày nắng, nơi làm vườn ươm phải có bóng mát và sạch sẽ. Đưa cây ghép vào trong nhà che nilông một tuần, phủ lưới đen đảm bảo cường độ ánh sáng, nhiệt độ từ 25 - 30 độ C, giữ ẩm khoảng 80 - 85% cho cây ghép. Khi vết ghép đã liền, đưa cây ra nhà có mái che sáng để cây quang hợp. Sau khi ghép 20 ngày có thể xuất bán.
Qua quá trình chăm sóc, cây cà chua ghép rất phù hợp với đồng đất của địa phương, cây phát triển tốt, năng suất cao, giá thành ổn định. Do được ghép trên gốc cà tím là cây thân gỗ nên cây có ưu điểm là hút được nhiều chất dinh dưỡng, khả năng chống bệnh tốt, tỷ lệ sống có thể lên 80 - 90%. Bên cạnh đó, thời gian sinh trưởng và phát triển của cây ngắn, thời gian cho thu hoạch dài, nên nông dân có thể nhanh chóng quay vòng đất. Cà chua ghép có thể xuống giống sớm từ cuối tháng 4 đầu tháng 5 và cho thu hoạch vào cuối tháng 9. Thời gian thu hoạch có thể tới tháng 3 năm sau tùy thuộc vào kỹ thuật chăm sóc của người trồng. Do thời gian thu hoạch quả sớm, lại ra nhiều đợt nên cà chua ghép thường bán được giá, tiêu thụ dễ dàng.
Giá cây cà chua ghép được bán tại vườn là 1.700 đồng/cây, trong khi giá cây cà chua thường ngoài thị trường là 400 – 500 đồng/cây, người dân có thể tiết kiệm được 1/3 tiền mua giống. Tuy nhiên năng suất cà chua ghép đạt 4 đến 5 tấn quả/sào, trong khi đó cà chua thường chỉ được 2 đến 3 tấn quả/sào. Trừ chi phí đi, cây cà chua ghép cho lợi nhuận cao hơn gấp 2 - 3 lần so với cà chua thường.
Là một trong những hộ chuyên trồng cà chua ghép ở thôn Đông Giàng - xã An Thượng, ông Lê Văn Đồn cho biết: “So với cà chua thường nông dân tự ươm giống, cây cà chua ghép có tốc độ phát triển chậm hơn do bản chất của gốc cà tím là phát triển chậm hơn so với cà chua, nhưng giai đoạn bắt đầu ra hoa cà chua ghép phát triển nhanh, tiêu tốn nhiều phân. Cây chịu úng, kháng bệnh tốt, nhất là bệnh héo xanh, xoăn lá do vi-rút, đặc biệt khi bắt đầu cho thu hoạch quả thì hầu như cây không bị sâu bệnh. Thời gian thu hái dài (khoảng trên 6 tháng), quả sai, màu chín đỏ, sáng đẹp, cứng, nhiều bột, ăn ngon hơn cà chua thường nên hàng ngày khách mua đến tận ruộng mua buôn, không phải mất công đi chợ xa để bán. Giá bán cao hơn từ 2.000 – 3.000 đồng/kg so với cà chua thương (trung bình giá bán khoảng 12.000 – 15.000 đồng/kg). Số quả trung bình trên mỗi cây là 50 quả, với mật độ 1.000 cây/sào, năng suất đạt 4 tấn/sào. Từ đó, hoạch toán cho thấy trừ chi phí, lợi nhuận thu về trên 30 triệu đồng/sào, cao gấp 3 lần so với cà chua thường và cao gấp hơn 20 lần so với trồng lúa”.
Nhận thức rõ hiệu quả kinh tế từ cây cà chua ghép mang lại, nhiều người dân trong xã cũng đang muốn chuyển đổi một phần diện tích cấy lúa sang trồng cà chua ghép trái vụ để tăng thu nhập. Hiện nay trong thôn Đông Giàng có 15 hộ gia đình sản xuất cây giống cà chua ghép cho thu nhập cao như gia đình ông Thêm, ông Khi, ông Vững, ông Đồn... và cung cấp cây giống cà chua ghép cho thị trường trong và ngoài tỉnh: huyện Nam Sách, Gia Lộc, Thanh Hà, Chí Linh, tỉnh Bắc Giang, Thái Bình...
Ông Thêm chia sẻ, gia đình ông có 2000 m2 đất vườn, trong đó có 900 m2 diện tích nhà màng dùng để ươm giống cà chua ghép, còn lại là diện tích trồng cà chua ngoài ruộng. Mỗi năm gia đình ông xuất bán ra thị trường khoảng 15 vạn cây giống với giá 1.700 đồng/cây, trừ chi phí khấu hao nhà màng, nhà lưới, đầu tư hạt giống, thuê nhân công, đầu tư nhà úm, mỗi năm nhà ông thu lãi 200 triệu đồng từ nguồn thu sản xuất cây giống. Ngoài nguồn thu nhập từ kinh doanh giống cà chua ghép, gia đình ông còn trồng thêm 3 sào cà chua ghép, mỗi năm cho thu hoạch từ 10 – 12 tấn quả, với giá trung bình từ 12.000 đồng/kg cho thu lãi từ 70 - 90 triệu đồng/năm. Hết mùa cà chua, gia đình ông thêm tận dụng diện tích đất trồng thêm dưa chuột và rau trong nhà màng và ngoài ruộng cho thu nhập thêm 20 triệu đồng. Ước tính từ mảnh vườn kinh doanh cà chua, một năm gia đình ông thu lãi khoảng 300 triệu đồng - là số tiền không phải nhỏ với những người làm nông nghiệp.
Hiện nay, thành phố Hải Dương đang tập trung xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại đối với sản phẩm cà chua ghép An Thượng. Sản phẩm cà chua tại địa phương đã được cung ứng tại hệ thống nhà hàng, siêu thị, bếp ăn bán trú của trường học trên địa bàn và kết nối thành công tiêu thụ sản phẩm rau quả an toàn qua kênh siêu thị của tập đoàn Vingroup, Công ty Cổ phần Green Farm Mộc Châu, Công ty TNHH Grefmy để đến với nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, để mô hình cà chua ghép được mở rộng vẫn còn nhiều khó khăn do chi phí ban đầu lớn, bà con nông dân Đông Giàng mong muốn thời gian tới, ngành Nông nghiệp và các ngành liên quan nên tiếp tục có cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân trong phát triển nhà màng, nhà lưới tại địa phương để nông dân có thể điều kiện phát triển thêm được diện tích ươm cây giống cà chua ghép, hướng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cà chua ghép An Thượng được bạn bè gần xa biết tới.
Nguyễn Thị Tuyền - Trung tâm Khuyến nông Hải Dương
Nguồn tin: http://www.khuyennongvn.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã