Sau nhiều tháng giữ ổn định, một số nhà băng cũng bắt đầu tăng nhẹ lãi suất huy động tiền đồng trong khu vực dân cư.
Mới nhất, trong biểu lãi suất huy động mới nhất áp dụng từ ngày 27/5, Ngân hàng SHB đã điều chỉnh tăng thêm từ 0,1-0,3 điểm % so với trước đó. Cụ thể, SHB chủ yếu điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn dài như 12 tháng từ 5,8%/năm; kỳ hạn 24 tháng tăng lên 6,55%/năm; kỳ hạn 6 tháng lên cao nhất 5,75%/năm; ở kỳ hạn 36 tháng lãi suất 6,4%/năm… tùy khoản tiền gửi của khách hàng.
Trước đó, Ngân hàng Sacombank cũng áp dụng biểu lãi suất mới từ 10/5, tăng 0,1 - 0,2 %/năm đối với nhiều kỳ hạn.
Cụ thể, khách gửi tiết kiệm tại quầy kỳ hạn 2 tháng là 3,5%/năm; kỳ hạn 3 - 5 tháng 3,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng lên 5%/năm…, các mức lãi suất này tăng thêm 0,2 điểm % so với trước đó. Một số kỳ hạn dài lãi suất được điều chỉnh tăng thêm 0,1 điểm %, gồm: Kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng với lãi suất lần lượt là 5,7%/năm; 5,7%/năm và 6,4%/năm.
TPBank cũng vừa công bố biểu lãi suất mới trong đó bổ sung thêm gói tài khoản Đắc Lộc, với lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 12 tháng là 6,5%/năm, cao hơn 0,5 điểm % so với mức lãi suất gửi tiết kiệm thông thường. Đây cũng là lần đầu tiên ngân hàng thay đổi biểu lãi suất kể từ tháng 2.
Ngân hàng Techcombank cũng mới điều chỉnh lãi suất ở nhiều kỳ hạn theo hướng tăng đáng kể (từ 0,65 điểm % đến 0,9 điểm %) so với biểu lãi suất trước đó. Cụ thể, khi khách hàng thường dưới 50 tuổi gửi tiết kiệm từ 3 tỷ đồng trở lên lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng sẽ được nhận lãi suất 2,9%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng 4,6%/năm; kỳ hạn từ 12-35 tháng là 5,2%/năm…
Động thái này của các nhà băng khiến nhiều người lo ngại, lãi vay có thể bị đẩy lên cao, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn khó lường.
Tuy nhiên, rảo một vòng bảng lãi suất cho vay của các NH, có thể thấy lãi vay vẫn chưa được điều chỉnh. Chẳng hạn, đối với các khoản vay cá nhân, hộ kinh doanh, Vietcombank vẫn áp dụng mức lãi suất ưu đãi cho vay từ 6,79 - 7,29%/năm đối với cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ vay nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh, mua bất động sản, mua xe, tiêu dùng…
Riêng với khách hàng cá nhân và hộ kinh doanh vay bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh, ngân hàng dành mức lãi suất đặc biệt ưu đãi chỉ 5,7%/ năm đối với khoản vay dưới 6 tháng; 6,3%/năm đối với khoản vay từ 6 - 9 tháng và 6,9% với khoản vay từ 10 đến 12 tháng.
Tương tự, BIDV đang triển khai gói tín dụng ngắn hạn lãi suất ưu đãi với quy mô lên đến 10.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh xuất nhập khẩu.
Cụ thể, từ nay đến hết ngày 30/9/2021, khách hàng khi vay vốn kỳ hạn đến 3 tháng được hưởng lãi suất từ 3,8%/năm đến tối đa 5,5%/năm; từ 4,0%/năm đến tối đa 6,0%/năm khi vay kỳ hạn trên 3 - 6 tháng và từ 4,5%/năm đến tối đa 6,5%/năm khi vay các kỳ hạn trên 6 tháng đến 9 tháng.
Với một số ngân hàng lớn như Techcombank, VietinBank,... hiện dao động quanh mức 3,1 - 5,9% cho các kỳ hạn từ 1 tháng tới 1 năm. Lãi suất cho vay được công bố ổn định ở ngưỡng 6 - 10%/năm.
Có thể thấy, dịch bệnh đang ngày càng phức tạp nên việc giảm lãi suất cho vay là mong muốn của nhiều DN, hộ kinh doanh… Tuy nhiên, theo thống kê Công ty CP Chứng khoán SSI, lãi suất cho vay đang giảm chậm hơn so với lãi suất huy động. Cụ thể, trong năm qua, lãi suất huy động đã giảm khoảng 2 - 2,5%, trong khi lãi suất cho vay mới giảm trung bình từ 1 - 1,5%/năm tùy kỳ hạn.
"Lãi suất cho vay giảm chậm hơn, đã giúp nới rộng biên lãi ròng NIM của các gân hàng lên cao kỷ lục, trên 4%, thậm chí có ngân hàng có NIM còn cao hơn, đến 5,8%. Điều này khiến cho kết quả kinh doanh quý 1 của các ngân hàng tăng mạnh, và đà tăng của cổ phiếu ngân hàng thời gian gần đây cũng dễ hiểu", một chuyên gia của SSI, đánh giá.
Ông Trương Hiền Phương, giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, khẳng định: "Nếu duy trì được mặt bằng lãi suất thấp thì tốt chứ không xấu, để hỗ trợ cho nền kinh tế và cho DN Việt Nam, vì nó sẽ tạo ra chi phí vốn thấp. Khi chi phí vốn thấp thì DN sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các DN khác, đặc biệt với các DN nước ngoài. Đồng thời, khi chi phí vốn thấp sẽ tạo ra biên lợi nhuận cao hơn cho DN, giúp DN có lượng vốn mới, có nguồn lực để tái đầu tư, sản xuất, mở rộng hoạt động kinh doanh…".
Liên quan đến lo lắng liệu duy trì mặt bằng lãi suất thấp, dòng tiền sẽ chảy mạnh qua các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản? Trả lời vấn đề này, ông Phương khẳng định, lo ngại này là có, và thực tế cũng đã diễn ra nhưng không đáng kể.
"Trong bối cảnh hiện nay, các DN 'vay được' ở ngân hàng thì cũng phải dựa trên các kế hoạch kinh doanh, dựa trên dự án (hoạt động sản xuất kinh doanh, kế hoạch mở rộng nhà xưởng, mua vật liệu, hàng hóa…) nên sẽ kiểm soát tốt dòng tiền, nên dòng tiền có chạy qua bất động sản thì rất ít và hiếm, không phải là con số quá lớn và quá nhiều", ông Phương bình luận.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã