Phong trào tái canh cà phê bắt đầu lan rộng trong Buôn Sút H’luốt (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk) bắt đầu từ năm 2018. Lúc bấy giờ, những vườn cao su trong Buôn không còn hiệu quả nên rất nhiều hộ dân đã quyết định chuyển qua trồng cà phê.
Cùng nhau tái canh cà phê
Đến Buôn Sút H’luốt, chúng tôi không khỏi bất ngờ với những vườn cà phê tái canh xanh mơn mởn, cành cây trĩu quả, trải dài hàng cây số. Càng bất ngờ hơn khi những vườn cà phê này là của cộng đồng đồng bào dân tộc Ê Đê.
Có mặt tại vườn cà phê của gia đình ông Y Lhiăm Niê (Buôn Sút H’luốt) chúng tôi bị choáng ngợp bởi mô hình tái canh cà phê kết hợp trồng cây ăn trái mà gia đình ông đang thực hiện.
Ông Y Lhiăm cho biết, gia đình ông có 4 ha trồng cà phê, trong đó có 2,9 ha cà phê tái canh năm 2018. Trước đây, gia đình ông liên kết với nông trường 30/4 để trồng cây cao su. Tuy nhiên, trồng cao su không còn mang lại hiệu quả, nên gia đình lấy lại đất và thực hiện chuyển đổi tái canh cà phê.
Ông Y Lhiăm cho biết, nhờ sự hỗ trợ của dự án VnSAT thông qua các buổi tập huấn kỹ thuật trồng cây ca phê từ quy trình làm đất, đào hố, bón phân cho đến chăm sóc, đặc biệt, VnSAT hỗ trợ các loại giống cà phê chất lượng nên vườn cà phê phát triển rất tốt.
Dẫn chúng tôi dạo quanh vườn cà phê xanh mơn mởn, quả trĩu cành, ông Y Lhiăm vui mừng cho biết, khoảng tháng 11 năm nay sẽ cho thu bói ước đạt khoảng gần 1 tấn nhân/ha. “Nhờ sự hỗ trợ của VnSAT, chúng tôi thực hiện tốt việc cải tạo đất kỹ và bón phân nên dịch bệnh được kiểm soát, cây phát triển mạnh. Vườn cà phê phát triển tốt hơn hẳn so với những vườn cà phê già cỗi trong vùng” ” – ông Y Lhiăm nói và cho biết.
Không chỉ trồng mới cà phê, ông Y Lhiăm còn trồng xen canh cây ăn quả vừa làm cây che bóng vừa tăng thu nhập cho gia đình. Hiện vườn cà phê của ông Niê trồng xen 380 cây cà phê và 300 cây mít Thái.
Theo ông Y Lhiăm, trong 2 năm qua gia đình ông đã đầu tư thêm hơn 400 triệu đồng trồng tái canh cà phê, trồng xen cây ăn quả. Dự kiến bước sang năm thứ 3, vườn cà phê xen cây ăn trái của gia đình sẽ cho thu hoạch.
Chia tay vườn cà phê của gia đính ông Y Lhiăm, chúng tôi ghe thăm vườn cà phê của gia đình Bà HĐàn Niê (Buôn Sút H’luốt, xã Cư Sê, huyện Cư Mga). Bà HĐàn là Buôn trưởng Buôn làng Sút H’luốt cũng thực hiện tái canh cà phê từ năm 2018, vườn cà phê của gia đình bà HĐàn đang phát triển tốt, cây xanh tươi và rất đều nhau, cùng với đó những quả cà phê mọc lên kín các cành.
Bà HĐàn cho biết, sau khi được tham gia lớp tập huấn của VnSAT, bà quyết định thử nghiệm trồng 3 sào cà phê tái canh. Do vườn cà phê của gia đình được chọn làm mô hình tái canh cà phê bền vững nên được hỗ trợ 100% chi phí cây giống, công chỉ đạo kỹ thuật, chi phí quản lý mô hình và 50% chi phí phân bón, vôi, thuốc BVTV...
“Với việc tái canh bằng giống mới TR4 cùng quy trình kỹ thuật của VnSAT, vườn cà phê của gia đình bà HĐàn phát triển rất nhanh. Chỉ chưa đầy 2 năm, cây đã cao gần 1,6 m, trái mọc đều phủ kín các cành” – bà HĐàn chia sẻ.
Theo bà HĐàn, hiện gia đình còn 9 sào cà phê cũng đã già cỗi cho năng suất rất thấp. Chính vì vậy, gia đình đang tiến hành tái canh cà phê hết diện tích còn lại theo phương thức trồng mới. Cùng với đó, bà HĐàn Niê thực hiện trồng xen sầu riêng và bơ để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Cách đó không xa, gia đình nhà ông Y Thương Ê Ban (Buôn Sút H’luốt) trồng 2,9 ha cà phê, trong đó đã có 6 sào tái canh từ năm 2018. Chỉ tay vào vườn cà phê tái canh chuẩn bị bước sang năm thu bói thứ 2, ông Y Thương Ê Ban tự tin về năng suất có thể đạt hơn 7 tạ nhân/ 6 sào. Hiện tại, ông Y Thương Ê Ban đang đào hố để tiếp tục thực hiện tái canh thêm 1,2 ha thay thế vườn cây cà phê già cỗi.
Cũng giống như phần lớn các hộ dân trong vùng, ông Y Thương Ê Ban cũng thực hiện trồng xen cây sầu riêng và bơ là cây che bóng để tăng thêm thu nhập. Hiện trong vườn anh Ê Ban trồng 40 cây sầu riêng được hơn 2 năm. Dự kiến bước sang năng thứ 5, sầu riêng sẽ cho thu hoạch.
Theo ông Y Thương Ê Ban, nếu thuận lợi, doanh thu từ sầu riêng có thể đạt trên 200 triệu đồng, tạo nguồn thu đáng kể cho gia đình ngoài cây cà phê
Thay đổi nhận thức để tái canh cà phê bền vững
Theo bà HĐàn Niê, Buôn trưởng Buôn Sút H’luốt, hiện cả Buôn có 270 hộ gia đình, chủ yếu là người đồng bào Ê Đê sinh sống. Diện tích cây trồng trên toàn Buôn khoảng 500 ha, trong đó trồng cà phê xen các loại cây ăn trái khoảng trên 270 ha. Được sự hỗ trợ của VnSAT, 48 hộ gia đình trong Buôn đã mạnh dạn tái canh cà phê trên diện tích gần 45 ha.
Việc người dân trong Buôn mạnh dạn tái canh được ông Y Lhiăm Niê giải thích, nhiều người đã ý thức được việc mình là người làm nông nên phải tìm tòi, học hỏi những tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất cho cây trồng.
Ngày xưa người dân, đặc biệt các hộ đồng bào thiểu số Ê Đê, khi nói về trồng cây cà phê vẫn chưa biết nhiều kỹ thuật, chỉ dựa vào đất đai, thời tiết để trồng cây. Còn bây giờ thì khác, đòi hỏi người dân phải đi học nếu muốn trồng cà phê bền vững.
“Rất may khi chúng tôi quyết định chuyển đổi mô hình sang trồng cà phê, dự án VnSAT đã có những hỗ trợ kịp thời từ tập huấn về kiến thức trong tái canh cà phê cho đến việc thực hành thực tế. Đến nay cơ bản người dân trong Buôn Sút H’luốt đã biết chọn giống, cách cải tạo đất, bón phân, tỉa cành để qua đó vận dụng cho vườn cà phê của mình” – ông Y Lhiăm chia sẻ.
Ông Y Lhiăm chũng cho biết, nhiều quy trình trồng và chăm sóc cà phê chúng tôi không thể nhớ hết được. Những lúc như vậy, chúng tôi lại mở cuốn sổ nhật ký hướng dẫn của VnSAT để đọc và áp dụng. Dự án VnSAT đang giúp ích cho người dân trong Buôn Sút H’luốt rất nhiều.
Cũng theo ông Y Lhiăm, vẫn còn rất nhiều người dân trong Buôn chưa nhận thức giá trị của việc tập huấn trồng và tái canh cà phê. Mong rằng thời gian tới, cùng với sự hỗ trợ của dự án VnSAT, người dân sẽ mạnh dạn tham gia tập huấn để phá bỏ vườn cây già cỗi thực hiện tái canh bền vững, qua đó nâng cao năng suất cây ca phê vốn là nguồn thu nhập chính của người dân trong vùng.
Trong khi đó, ông Y Thương Ê Ban tâm sự: “Người làm nông như chúng tôi có cực khổ cũng phải quyết tâm bám trụ với cây trồng. Khi thấy nhiều người trong buôn đua nhau thực hiện tái canh cà phê, gia đình tôi cũng quyết tâm học hỏi những người làm trước để thực hiện canh tốt hơn”.
Ông Y Thương Ê Ban cho biết, việc thực hiện tái canh cà phê chủ yếu được ông học hỏi từ các hộ dân đã được tập huấn từ dự án VnSAT. Ông Y Thương Ê Ban rất mong dự án VnSAT quan tâm hơn nữa đối với người dân đồng bào Ê Đê để có thể tiếp cận được các quy trình kỹ thuật trong canh tác cũng như chăm sóc cà phê bền vững của dự án VnSAT.
Trong khi đó, bà HĐàn cho biết, việc dự án VnSAT đưa kỹ thuật tái canh về tập huấn cho buôn làng là điều hết sức đáng mừng. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa tiếp cận được với dự án, hy vọng trong thời gian tới, VnSAT sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho người dân để công cuộc tái canh mang lại hiệu quả.
Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án VnSAT Đăk Lăk:
Trong năm 2020, VnSAT Đăk Lăk dự kiến sẽ tập huấn cho 150 lớp và đã triển khai được 50 lớp. Sau khi được đào tạo, VnSAT Đăk Lăk sẽ cấp chứng chỉ để cho người dân có cơ sở vay vốn của dự án tại các ngân hàng thương mại.
Cho đến bây giờ, chúng tôi nhận thấy rằng vấn đề tái canh của tỉnh Đăk Lăk rất thành công. Đến nay, đã có gần 4.000 ha cà phê tái canh do VnSSAT đào tạo, trong đó 50% người dân được hỗ trợ vay vốn về tái canh, còn lại người dân tự bỏ kinh phí để thực hiện tái canh
Bà Triệu Thị Châu, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh:
Đồng bào dân tộc Ê Đê ở buôn Sut S’luốt là thành viên liên kết của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh (xã Cư Hiê, huyện CưMgar, Đăk Lăk). Mô hình tái canh của đồng bào nơi đây được xem là kiểu mẫu trong tái canh cà phê để các thành viên khác trong HTX phải noi theo. Các hộ dân nơi đây rất chịu khó chăm sóc nên vườn cây rất tốt, trái ra rất đều. Đến tháng 11 thu hoạch mới đánh giá được năng suất, nhưng nhìn sơ bộ vườn cây với lượng quả có thể thấy chất lượng rất tốt.
TUẤN ANH
TUẤN ANH - ĐĂNG LÂM/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã