Hơn 5.400 xã đạt tiêu chí môi trường
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) Trung ương, đến hết năm 2019 đã 5.443 xã đạt tiêu chí môi trường, đạt 61,1%, tăng 3,9% so với cuối năm 2018.
Là một trong những huyện có thế mạnh về chăn nuôi quy mô lớn như nuôi bò sữa, lợn, huyện Gia Lâm (Hà Nội) phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do không có nơi xử lý chất thải chăn nuôi của các hộ gia đình.
Riêng xã Phù Đổng có đàn bò với tổng khoảng 2.000 con, mỗi ngày thải ra gần 20 tấn phân. Số phân này một phần các hộ dân sử dụng làm hầm biogas, còn hầu hết bà con đổ ra ao, hồ, mương, rãnh, thậm chí đổ ra vệ đê, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường.
Chính vì vậy, được sự ủng hộ của chính quyền, việc nuôi giun quế để xử lý chất thải của đàn bò sữa được người dân áp dụng.
Đây được xem là mô hình nghiên cứu sáng tạo, khép kín (tự sản xuất - tự tiêu thụ), kết hợp giữa 3 yếu tố khoa học - môi trường - kinh tế, giúp xử lý chất thải nông nghiệp bằng biện pháp sinh học lần đầu tiên được triển khai có quy mô, góp phần tích cực giải quyết ô nhiễm môi trường và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Trong khi đó, ô nhiễm chất thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn Hà Tĩnh là vấn đề nổi cộm. Với dân số sống tại nông thôn hơn 1 triệu người, chiếm trên 72%, thì ước tính mỗi ngày lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn nông thôn khoảng 700 tấn/ngày.
Trước thực trạng đó, một số xã đã xây dựng thành công nhiều mô hình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình như Tượng Sơn, Nam Hương, Thạch Điền, Thạch Tiến, Hương Trà, Tùng Ảnh..., trong đó điển hình là xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà đã xây dựng nhiều mô hình phân loại xử lý chất thải tại nguồn trên địa bàn xã.
Một trong những ví dụ sinh động về cảnh quan, sáng tạo trong thực hiện tiêu chí môi trường phải kể đến, đó là vùng quê Đan Phượng ngoại thành Hà Nội.
Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, sự đóng góp của doanh nghiệp và một phần đóng góp của người dân trong xây dựng điện - đường - trường - trạm, người dân Đan Phượng (thông qua các tổ chức đoàn thể) đã hình thành các nhóm, với những nhiệm vụ cụ thể như phụ lão, thanh niên trồng và chăm sóc cây xanh dọc các tuyến đường lớn, đường mới; phụ nữ chịu trách nhiệm vận động, tổ chức thực hiện, theo dõi việc thực hiện các nội dung của "5 không, 3 sạch"; thiếu niên tổ chức trồng hoa, vẽ bích họa dọc theo các tuyến đường thôn.
Nhờ đó nhiều tuyến đường nông thôn ở đây đẹp không khác gì một bức tranh.
Sự chuyển biến rõ rệt trong cộng đồng
Đã đến lúc, lãnh đạo các tỉnh, huyện, xã và mỗi người dân cần nâng cao nhận thức hơn nữa về vai trò, ý nghĩa của việc triển khai thực hiện các nội dung về môi trường.
Nó không chỉ mang lại bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp mà từ đó, chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn không ngừng được nâng cao; sự gắn kết giữa người dân và người dân, giữa người dân và các tổ chức đoàn thể, giữa người dân và chính quyền ngày càng được cải thiện.
Tiếp theo là sự vào cuộc và ý thức trách nhiệm với môi trường của cộng đồng dân cư.
Tại nhiều nơi, ý thức về môi trường của người dân đã có những bước chuyển biến đáng kể. Người dân đã không coi việc vệ sinh, cải tạo kênh mương, cống rãnh, ao hồ, việc trồng cây, trồng hoa, cải tạo cảnh quan môi trường... là việc "phải làm", mà tại nhiều nơi, người dân đã coi đây là việc "cần làm" với sự tự nguyện và tinh thần trách nhiệm cao (điển hình tại các địa phương như Nam Định, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Phú Yên, Quảng Trị...).
Từ quá trình thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, đã có nhiều bài học hay, cách làm tốt trong phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình (Hà Tĩnh, Nam Định...), thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật (Nam Định, An Giang...), xử lý chất thải chăn nuôi (Gia Lâm...), xử lý nước thải sinh hoạt hộ gia đình, cụm dân cư với chi phí thấp và phương án vận hành đơn giản (Nghi Xuân, Hà Tĩnh; thành phố Sông Công, Thái Nguyên...).
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả rõ nét của tiêu chí môi trường trong thời gian qua, thực tế triển khai tại các địa phương cũng cho thấy, việc thực hiện và giữ được kết quả thực hiện đối với tiêu chí môi trường còn gặp nhiều khó khăn.
Trước hết, tiêu chí môi trường là tiêu chí kém bền vững vì phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và ý thức trách nhiệm của chính quyền và người dân.
Bài học từ nhiều địa phương cho thấy, nếu chỉ cần dừng lại (sau thời điểm công nhận) mà không tiếp tục quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện, các kết quả đạt được sẽ tụt hậu rất nhanh.
Do đó, theo lãnh đạo Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường nông thôn trong bối cảnh xây dựng NTM giai đoạn hiện nay, tiến tới xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là trao quyền và trách nhiệm cho người dân, phát huy tối đa vai trò của người dân trong công tác giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường nông thôn; vận động nhân dân đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình hợp vệ sinh, chỉnh trang nhà vườn, bố trí chuồng trại chăn nuôi hợp lý và thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh...
Thứ hai là không ngừng hoàn thiện khung thế chế, chính sách quy định, hướng dẫn, hỗ trợ cho việc triển khai các nội dung của tiêu chí môi trường cho phù hợp với thực tiễn.
Thứ ba là nguồn lực, ngoài ngân sách nhà nước, cần vận dụng tối đa các cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực trong xã hội, thu hút kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực thu gom, xử lí rác thải ở nông thôn.
Thứ tư là khoa học và công nghệ, cần áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn và nước thải (chăn nuôi, sản xuất, sinh hoạt...); công nghệ canh tác nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...) an toàn và bền vững về môi trường; ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện với môi trường và không phát sinh chất thải.
Thứ năm là tăng cường hội nhập quốc tế trong giải quyết những khó khăn về môi trường. Thứ sáu là áp dụng các biện pháp đủ mạnh trong giải quyết những xung đột về môi trường...
Theo Anh Thơ/ Dân Việt
https://danviet.vn/thuc-hien-tieu-chi-moi-truong-biet-la-kho-nhung-trao-quyen-va-trach-nhiem-cho-dan-se-thanh-cong-20200901123148039.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã