Bên cạnh những cơ hội, lĩnh vực xuất khẩu nông lâm thủy sản được cho là đang gặp những thách thức lớn, đòi hỏi các đơn vị liên quan nỗ lực tháo gỡ rào cản, mở thêm "cửa" để nông sản Việt chinh phục được các thị trường khó tính…
Đó là quan điểm của nhiều đại biểu tại hội nghị kết nối địa phương, doanh nghiệp về công tác thúc đẩy chế biến và phát triển thị trường nông sản, do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng tổ chức mới đây.
Thuận lợi có, khó khăn còn
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thời gian qua, Việt Nam đã đàm phán, ký kết nhiều hiệp định kinh tế và tiếp tục triển khai 16 hiệp định thương mại tự do (FTAs). Kết quả của những sự hợp tác này là đã mở ra cho nông sản Việt Nam cơ hội thâm nhập một số thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia châu Âu.
Song những thách thức về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm và mức độ định vị sản phẩm trên thị trường quốc tế cũng cao hơn.
Bên cạnh đó, theo dự báo của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), nhu cầu nông lâm thủy sản (NLTS) trên thế giới sẽ tiếp tục tăng do gia tăng dân số. NLTS không chỉ được tiêu thụ như nguồn thực phẩm cho con người, mà còn sử dụng nhiều trong ngành chăn nuôi, công nghiệp chế biến, năng lượng nhiên liệu sinh học, dược phẩm (thực phẩm chức năng)...
Bối cảnh này tạo cơ hội rất tốt cho nông sản Việt Nam trong việc mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên việc xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là thời điểm chịu nhiều sự cạnh tranh khốc liệt của các thị trường lớn hay chịu ảnh hưởng của sự xung đột thương mại Mỹ - Trung.
Bên cạnh những cơ hội thì xuất khẩu NLTS của nước ta cũng gặp phải những thách thức rất lớn. Hiện các nước đều tập trung tăng cường đầu tư cho sản xuất lương thực, thực phẩm trong nước, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và đảm bảo an ninh lương thực.
Trong khi thực hiện các cam kết mở cửa thị trường, giảm thuế thì các nước nhập khẩu sẽ tăng cường các biện pháp kỹ thuật về kiểm dịch, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì...
"Đặc biệt, Việt Nam sẽ bị cạnh tranh mạnh mẽ hơn với các sản phẩm của các quốc gia xuất khẩu khác và với sản phẩm của các nước bản địa. Trong khi ngành nông nghiệp vốn đã chịu nhiều ảnh hưởng bởi tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu thất thường… Điều đó càng khiến lĩnh vực này dễ tổn thương, đòi hỏi chúng ta tìm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ, gia tăng lợi nhuận bằng chế biến sâu" - ông Toản nói.
Nút thắt cần giải quyết
Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, ngành nông nghiệp chiếm tới 46% GDP kinh tế của tỉnh. Vì vậy, trong thời gian qua, các cấp chính quyền địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
Trong đó, xuất khẩu các sản phẩm rau hoa đạt khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu, cà phê xuất khẩu 100% thông qua các nhà rang xay và thu mua tại các tỉnh khác. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu không được ghi nhận tại Lâm Đồng, đây chính là điều thiệt thòi của địa phương.
"Vấn đề thị trường là điều cốt lõi cho thành công của nhà nông. Nội dung mà Lâm Đồng quan tâm trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp là thúc đẩy liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Chúng tôi đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại ở các thị trường trong nước, ngoài nước. Năm 2019, chúng tôi đã tổ chức 4 đợt xúc tiến thương mại tại nước ngoài như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản" - ông Sơn thông tin.
Theo đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Bộ NNPTNT kiến nghị Chính phủ kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có các giải pháp đồng bộ cụ thể. Gói tín dụng tuy có lãi suất thấp nhưng cũng cần đảm bảo mọi doanh nghiệp tiếp cận được dễ dàng, nhất là đối tượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX nông nghiệp để có khả năng phục hồi sản xuất nhanh và xuất khẩu ngay vào các thị trường khi dịch Covid-19 suy giảm.
Hơn nữa, hệ thống logistic kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản còn hạn chế. Với số lượng kho lạnh hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu.
Vì vậy, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhấn mạnh, trong thời gian tới, các đơn vị liên quan cần điều chỉnh sản xuất nông nghiệp, tăng cường chế biến, bảo quản, lưu thông để linh hoạt thích ứng với bối cảnh dịch bệnh. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường quốc tế như Trung Quốc, châu Mỹ, Nhật Bản, thị trường ASEAN.
Văn Long/https://danviet.vn/
https://danviet.vn/them-cua-giup-nong-san-viet-chinh-phuc-thi-truong-lon-20200712171342019.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã