Trong hai ngày (từ 1-2/8) do ảnh hưởng của áp thấp nên trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có mưa trên diện rộng. Dù mưa không lớn nhưng kéo dài đã tăng được lượng nước đáng kể, giải nhiệt cho cây trồng, đồng ruộng.
Ông Nguyễn Phúc (phường Nam Lý, TP. Đồng Hới, Quảng Bình) cho hay: "Nhà tôi trồng gần 100 gốc ổi, đã bị nắng hạn làm khô héo. Mấy tháng qua tưới cầm chừng vì giếng nước gần cạn kiệt. May có trận mưa làm thấm đất, lá ổi đã hết quắt queo và có màu xanh trở lại rồi".
Hai bên đường tránh lũ chạy qua đồi cát thuộc hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) là những rừng phi lao, tràm bị nắng hạn thiêu khô hết lá. Đã có vài trận cháy rừng xảy ra nhưng được phát hiện và chữa cháy kịp thời nên thiệt hại không đáng kể.
Theo ông Trần Anh Tú, Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Nam Quảng Bình (BQL) thì tổng diện tích rừng trên cát đơn vị quản lý là hơn 13.000ha. Trong đó, có hơn 2.000ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất. Hơn 3 tháng qua, lực lượng Ban quản lý, Hạt Kiểm lâm các huyện và chính quyền địa phương có rừng luôn trong tình trạng báo động cao vì việc cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Hai ngày đêm có mưa, trời dịu hẳn. Dưới lớp thảm thực bì của rừng phi lao, rừng tràm đã ẩm ướt. Ông Trần Anh Tú bảo: “Nhờ trận mưa này mà rừng được phục hồi. Nếu trong tháng tiếp theo trời không có mưa bổ sung thì cũng chưa đến mức khô cháy. Nhiệm vụ phòng chống chữa cháy rừng bớt áp lực một chút, anh em bớt khổ”.
Ông Nguyễn Phúc trong cơn mưa vẫn đội nón ra vườn ổi. Ông nâng nhẹ từng cành cây để cảm nhận ngọn, lá đang dần có màu xanh trở lại. Quá mừng! Ông cho hay: “Toàn bộ vườn ổi đang độ sung sức và cho thu hoạch đều bị hắng hạn làm queo quắt hết lá. Nếu kéo thêm tháng nữa thì chắc chỉ còn chặt lấy củi thôi. May có trận mưa thấm đẫm này, cây hồi phục nhanh, chồi bật dần. Giếng cũng có thêm nước để tuần sau có thể tưới dặm thêm. Như vậy là qua được đợt hạn hán này rồi”.
Tôi về huyện Quảng Ninh nơi có diện tích lúa hè thu bị hạn lớn của tỉnh. Con đường liên xã Duy Ninh - Hàm Ninh chạy xuyên qua những cánh đồng. Đâu đâu nước cũng ngập tràn.
Cánh đồng lúa Duy Ninh màu xanh bật trội lên. Lúa bắt đầu trổ đòng gặp được thời tiết mát và trận mưa nhẹ tiếp nước nên bật nhanh hơn. Ông bà Nguyễn Văn Phi vừa đi thăm đồng, vừa tranh thủ bứt cỏ về cho bò. Ngồi xổm bên vạt ruộng, bà Phi mừng ra mặt: "Cỏ trên bờ cũng xanh ngỏ. Dưới ruộng, lúa trổ đòng bông dài lắm. Chỗ mô lúa cũng trổ như nhau. Qua đận hạn này nữa là lúa như được hồi sức. Vụ ni có khả năng được mùa dù là hạn nặng đó”.
Xen bên đồng lúa đang trổ bông là sào ruộng ngô cũng vươn trỗi dậy sau những ngày héo úa. Ông Nguyễn Diên (xã Hàm Ninh), lội giữa những hàng ngô để kiểm tra xem có sâu bệnh gì. Nhìn ruộng ngô ông Diên thoải mái khoe: “Cứ tưởng mấy hôm nữa là bứt về cho bò ăn. Ai ngờ có mấy ngày mưa quý như ai cho tiền. Đất mềm vì nước, ngô xanh vì trời mát. Đà này thì khoảng tháng nữa là cho thu hoạch. Ruộng ngô này cho trên hai ngàn bắp. Thu hoạch bán ngô non mèng cũng kiếm được chục triệu bạc đó thôi".
Thấy chúng tôi đi ngoài đồng vào, bà mệ Phạm Thị (83 tuổi, xã Hàm Ninh) lởi xởi gọi vào nhà uống nước. Hỏi chuyện mưa gió, bà bảo mấy tháng hạn giếng nước kiệt. May mà hai bà cháu có cái bể chứa nước mua khoảng 5 m3 nước. Thi thoảng bà con lối xóm đến xin xô nước về nấu pha ấm trà.
"Khi nước bể gần cạn thì gặp mưa. Hai ngày đêm hứng nước mưa từ mái tôn. Đến chừ, nước cũng gần đầy bể rồi. Dùng tằn tiện thì cũng được hơn hai tháng đó. Mà trong hai tháng tới chắc cũng có được ngày mưa thôi. Hết hạn kéo dài rồi”, bà Thị nói.
Theo ông Trần Hồng Quảng, Giám đốc Công ty Quản lý và khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình, hai ngày đêm mưa không lớn nhưng diễn ra trên diện rộng và kéo dài nên cũng cung cấp được một lượng nước đáng kể.
Trên đồng ruộng cơ bản nước ngập hết chân lúa. Phần lớn chân ruộng thuộc đất sét pha nên khi nước ngập ngấm sẽ giữ ẩm được lâu cho cây lúa. Vì vậy, trong vòng một hai tuần tới không phải tưới dặm thêm.
"Mặt khác, các kênh mương cũng đã chứa được nước nên sẽ giảm tải việc bơm từ các hồ, đập thủy lợi. Nhờ những ngày mưa này, diện tích lúa hè thu toàn tỉnh chắc chắn chúng tôi bơm đủ nước cho đến hết vụ. Cơ bản hạn hán ở Quảng Bình đã được chấm dứt”, ông Quảng cho hay.
Tâm Phùng/ Nông nghiệp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã