Thanh Hóa: Trăn trở từ Chương trình OCOP
Tháng 5–2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 490/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giai đoạn 2018-2020. Trọng tâm của chương trình hướng đến phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Chương trình được coi là “công cụ” khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương đối với các sản phẩm đặc sản, đặc trưng ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống. Đây cũng chính là giải pháp để các địa phương từng bước chuyển đổi quy mô sản xuất nhỏ sang hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín trên cơ sở nội lực.
Tại Thanh Hóa, chương trình được triển khai một cách tích cực với sự vào cuộc từ tỉnh đến cơ sở. Cuối năm 2018, UBND tỉnh phê duyệt Đề án Chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2018–2020, định hướng đến 2030. Đơn vị được giao phụ trách triển khai Chương trình OCOP là Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, đã có nhiều nỗ lực trong tuyên truyền, tập huấn, khảo sát và kết nối các cơ sở sản xuất, hỗ trợ chủ thể sản xuất triển khai hồ sơ trình công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Đến đầu tháng 9 này, Thanh Hóa đang có 120 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 1 sản phẩm OCOP quốc gia, đứng thứ 10 cả nước về số lượng sản phẩm. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai, chương trình OCOP cũng đã xuất hiện một số băn khoăn, trăn trở, cần nhìn nhận để dần điều chỉnh, hướng chương trình vào chiều sâu, hiệu quả hơn.
Nghề mộc các làng Hạ Vũ, xã Hoằng Đạt và Đạt Tài, xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa) đều có truyền thống hàng trăm năm tuổi. Sản phẩm đồ mộc dân dụng như bàn ghế, giường, tủ... tại hai làng nghề truyền thống này đã ra Bắc vào Nam từ nhiều thập kỷ nay. Bàn tay của những người thợ lành nghề nơi đây đã tạo ra những sản phẩm tinh xảo có tiếng xa gần, thậm chí nhiều người ở TP Thanh Hóa và các tỉnh lân cận còn tìm về tận nơi để đặt đóng những sản phẩm gỗ gia dụng theo ý thích. Tuy nhiên đến nay, sản phẩm này vẫn chưa có trong danh sách những sản phẩm OCOP xứ Thanh.
Có dịp ghé thăm làng nghề Đạt Tài, trao đổi với một số chủ cơ sở sản xuất, sao không triển khai thủ tục đề nghị công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh để được hỗ trợ quảng bá sản phẩm tốt hơn. Tuy nhiên, có chủ cơ sở không biết Chương trình OCOP là gì, có chủ cơ sở nghĩ rằng, OCOP chỉ dành cho sản phẩm nông sản. Rõ ràng, còn nhiều chủ thể sản xuất không hề biết rằng, sản phẩm của mình cũng có thể trở thành sản phẩm OCOP, nếu được công nhận, sẽ có nhiều điều kiện phát triển hơn. Đặt giả thuyết, nếu tổ chức một cuộc khảo sát trên địa bàn nhiều địa phương khác, chắc chắn còn rất nhiều chủ cơ sở sản xuất cũng chưa biết đến chương trình lớn này. Rõ ràng, ngoài việc nhiều chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất không quan tâm, thì công tác quảng bá, tuyên truyền về OCOP hiện nay vẫn còn hạn chế, nhất là ở chính các địa phương.
Câu chuyện mực khô Sầm Sơn bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn để trở thành sản phẩm OCOP, nhưng các chủ thể sản xuất lại không tham gia chương trình, khiến nhiều người băn khoăn. Theo chia sẻ của lãnh đạo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, sản phẩm mực khô của người dân Sầm Sơn chất lượng tốt, nhiều năm nay được nhiều người chọn làm quà biếu mang đặc trưng Thanh Hóa. Xét thấy cần xem xét để đánh giá, xếp hạng cho hải sản đặc trưng này để nâng tầm sản phẩm, cán bộ văn phòng đã khảo sát, gợi ý các chủ cơ sở sản xuất lớn triển khai hồ sơ, nhưng họ không tham gia. Ngay cả các địa phương có nghề chế biến hải sản khô cũng không mấy hào hứng. Lý do đưa ra là, sản phẩm này hiện còn đắt hàng, chưa có tình trạng ế ẩm nên chưa cần đề xuất thành sản phẩm OCOP (!?). Đây là quan niệm chưa đúng, bởi sản phẩm tham gia Chương trình OCOP không chỉ là để bán, mà còn liên quan đến các yếu tố khác, như: phát triển nguồn nhân lực, phát huy sự sáng tạo và nâng cao trình độ sản xuất, tham gia kết nối các chuỗi cung cầu, thậm chí hướng đến xuất khẩu toàn cầu...
Qua tìm hiểu thực tế, nhiều chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp ở nhiều nơi có sản phẩm đặc trưng nhưng “ngại” tham gia Chương trình OCOP vì nhiều lý do. Ở nhiều địa phương, nhất là một số huyện miền núi, vai trò đồng hành của chính quyền cấp xã, cấp huyện còn hạn chế. Trong khi đây là chương trình lớn, cần cơ quan Nhà nước đồng hành cùng người dân ngay từ khâu tìm ý tưởng sản phẩm, triển khai thủ tục hồ sơ...
Những lần xét duyệt sản phẩm OCOP gần đây, rất nhiều sản phẩm na ná nhau, thậm chí “trùng nhau”. Trong 120 sản phẩm đã được công nhận, có đến cả chục sản phẩm là dưa vàng Kim Hoàng hậu, chỉ khác mỗi tên gọi do các chủ cơ sở sản xuất tự đặt mà thôi. Tương tự, cùng làng nghề mắm Ba Làng (thị xã Nghi Sơn), hay Khúc Phụ (Hoằng Hóa), nhiều cơ sở cùng có sản phẩm mắm tôm, mắm tép được công nhận OCOP. Điều này không sai so với các quy định hay tiêu chí OCOP, nhưng nhiều người vẫn thấy băn khoăn cho sự phong phú của những sản phẩm, dễ gây nhàm chán cho thị hiếu người tiêu dùng.
Những sản phẩm được công nhận chuẩn OCOP hiện nay đa phần là những sản phẩm có sẵn. Dẫu biết rằng, Thanh Hóa nhiều làng nghề, nhiều nghề truyền thống, nhưng “vốn” sản phẩm cũng có hạn, yêu cầu sáng tạo, phát triển những sản phẩm mới của chương trình thì chưa đạt được như mong muốn. Đề án xây dựng sản phẩm các làng nghề du lịch cộng đồng ở huyện Bá Thước cũng được xây dựng nhiều năm, nhưng đến nay, “sáng tạo” này cũng chưa thành sản phẩm OCOP.
Mỗi sản phẩm sau khi được xét duyệt, công nhận OCOP hiện được hỗ trợ 75 triệu đồng để phát triển quảng bá, làm video giới thiệu, nhãn mác... cho sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều chủ cơ sở sản xuất sau khi được hỗ trợ thì chưa chú trọng mục tiêu này. Có chủ thể sản xuất liên tục đề xuất các sản phẩm, thậm chí lần sau chỉ thêm một vài loại và không được sản xuất liên tục. Những lần xét duyệt gần đây, có nhiều sản phẩm bị loại bởi những lý do này.
Nhiều sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa có chất lượng tốt, nhưng không nhiều trong số đó vào được các chuỗi cung ứng siêu thị. Điều này đặt ra yêu cầu phải đổi mới và nâng cao chất lượng tuyên truyền, quảng bá của cả chủ cơ sở sản xuất cũng như chính quyền các địa phương và Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh. Tại nhiều hội chợ triển lãm cấp tỉnh gần đây, hàng hóa giới thiệu chỉ toàn những gương mặt thân quen.
Không ít những băn khoăn, nỗi niềm trong triển khai Chương trình OCOP, cần nhìn thẳng để khắc phục, biến chương trình lớn này thành động lực phát triển sản xuất ở các địa phương.
Hà Nội: Tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP
Nhiều loại nông sản, thực phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của thành phố Hà Nội đang vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, do Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ các sản phẩm này gặp nhiều khó khăn. Để tạo sự thông suốt trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển sản xuất, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động tăng cường kết nối giữa người sản xuất, nhà phân phối bán lẻ và người tiêu dùng.
Xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) nổi tiếng với đặc sản nhãn chín muộn. Vụ nhãn năm nay được đánh giá được mùa với sản lượng khoảng 4.000 tấn. Tuy nhiên, thời gian thực hiện giãn cách xã hội đúng vào thời điểm thu hoạch nhãn nên việc kết nối tiêu thụ tại thị trường truyền thống bị gián đoạn. Mặt khác, do chưa có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nên người dân chủ yếu bán ra thị trường tự do với giá bấp bênh. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành Trần Hữu Khoa cho biết, thời điểm này vẫn còn 2.000 tấn chưa thu hoạch, giá thấp và việc tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn.
Còn Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân thông tin, trong tháng 9, nhiều sản phẩm của nông dân Phú Xuyên đến kỳ thu hoạch, cần kết nối tiêu thụ ngay. Đó là bưởi Thồ với sản lượng 650 tấn/tháng/vụ, giá 15-25 nghìn đồng/quả; chuối xanh với sản lượng 50-70 tấn/tháng, giá 2.500-3.000 đồng/kg…; cá thương phẩm với sản lượng 15-25 tấn/tuần; trứng vịt lộn, rau gia vị, lúa chất lượng cao…
Tương tự, chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hoàng Diệu Thu cho biết, Ba Vì có đặc sản gà đồi với tổng đàn 300.000 con/năm, trung bình mỗi tháng cần tiêu thụ 20.000-30.000 con, tuy nhiên trong thời điểm này, chỉ tiêu thụ được 7.000-8.000 con/tháng. Còn sản phẩm mật ong OCOP Vinh Hoa hiện có khoảng 13 tấn cần phải tiêu thụ…
Về việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, thành phố có 32.907ha rau, 7.960ha hoa cây cảnh, 19.390ha cây ăn quả, 76 xã chăn nuôi trọng điểm, 1.054 sản phẩm được chứng nhận OCOP... Do thực hiện giãn cách xã hội, nhiều vùng sản xuất không có thương lái tới thu mua, nhiều hộ nông dân không vận chuyển được hàng hóa đến tiêu thụ tại các chợ, cửa hàng trên địa bàn thành phố dẫn tới tình trạng dư thừa nguồn cung nông sản cục bộ.
Để hỗ trợ nông dân các địa phương tiêu thụ sản phẩm OCOP nói riêng, nông sản, thực phẩm nói chung trong đại dịch, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối các chủ thể có sản phẩm với thị trường. Một trong những hoạt động đáng ghi nhận là việc tổ chức “Diễn đàn trực tuyến Hà Nội 2021 - Kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn” ngày 1-9. Tại diễn đàn này, nhiều sản phẩm OCOP đã được giới thiệu trực tuyến với người tiêu dùng và nhà bán lẻ; được các chuyên gia, nhà quản lý góp ý, định hướng để phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường…
Ông Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail Việt Nam (doanh nghiệp sở hữu chuỗi siêu thị Big C) cho biết, Central Retail sẽ hỗ trợ các sản phẩm OCOP của Hà Nội theo hai hướng. Đó là, tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại thị trường Việt Nam và thế giới; đồng thời đưa các sản phẩm phù hợp vào hệ thống phân phối hiện đại của doanh nghiệp…
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho rằng: “Các hệ thống bán lẻ đều có bộ phận chuyên trách để kiểm định chất lượng sản phẩm. Do đó, nhà sản xuất phải tuân thủ quy trình an toàn thực phẩm, ưu tiên việc chứng nhận các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobolGAP... cho sản phẩm. Có tạo được uy tín thì sản phẩm mới đứng vững trên thị trường; sản phẩm an toàn thì mới vào được hệ thống bán lẻ trong các siêu thị…”.
Chia sẻ tại “Diễn đàn trực tuyến Hà Nội 2021 - Kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn”, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới trung ương Nguyễn Minh Tiến nhận định, Hà Nội cần tiếp tục tổ chức diễn đàn thường xuyên; đồng thời đào tạo, tập huấn cho các chủ thể OCOP cũng như các nhà sản xuất sản phẩm nông nghiệp về bán hàng trực tuyến, phát triển thương mại điện tử… Điều này không những thúc đẩy phát triển sản xuất mà còn góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, qua đó nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới.
Để tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản thông tin, Bộ NN&PTNT đã dữ liệu hóa chuỗi nông sản an toàn của 32 tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó có Hà Nội; thống kê sản lượng, nhu cầu và mức độ tiêu dùng của người dân từng địa phương. Từ dữ liệu đó, cơ quan chức năng sẽ điều tiết sản xuất, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ... Đây vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa có tính lâu dài, từng bước gắn sản xuất với thị trường, bảo đảm nguồn cung cho người tiêu dùng và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Hà Nam: Tiềm năng phát triển sản phẩm từ Chương trình OCOP
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP) đang tiếp tục được triển khai thực hiện ở các địa phương trong tỉnh. Đến nay, có 37 sản phẩm của các nhà sản xuất đăng ký tham gia chương trình. Cơ quan chuyên môn và địa phương đang hỗ trợ các cơ sở sản xuất thực hiện chu trình các bước để hoàn thiện hồ sơ nhằm bảo đảm về thời gian thực hiện việc đánh giá, bình xét và công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021.
Gia đình anh Tạ Đức Võ ở thôn Phú Đa, xã Công Lý (Lý Nhân) làm nghề sản xuất bánh đa và miến hơn 60 năm nay. Trước đây, khi thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa mở rộng, gia đình anh Võ chỉ sản xuất miến. Hơn 10 năm trở lại đây, anh Võ đầu tư vào sản xuất bánh đa sợi và bánh phở khô. Anh Võ cho biết: Gia đình đã đầu tư 1,5 tỷ đồng mua máy sản xuất bánh đa. Công suất sản xuất hiện nay khoảng 1,5 tấn/tháng. Nguyên liệu là gạo Khang dân, được thu mua tại nhiều địa phương trong tỉnh. Cơ sở đang sản xuất gia công cho một số đầu mối bán lẻ và cung cấp cho một số công ty xuất khẩu đi Nhật Bản và một số nước châu Âu. Tuy nhiên, do sản xuất gia công nên giá trị gia tăng và lợi nhuận đạt thấp.
Thấy rõ tiềm năng về khả năng phát triển sản phẩm bánh đa, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình anh Tạ Đức Võ đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2021, tên sản phẩm đăng ký là “Phở khô gia truyền”. Anh Võ vui mừng vì đây là cơ hội để cơ sở sản xuất của gia đình hoàn thiện sản phẩm, làm nhãn hiệu hàng hóa, bao bì, nhãn mác riêng cho mình, từng bước phát triển thương hiệu Phở khô Khánh Linh.
Công ty cổ phần Go Fresh Việt Nam ở xã Liêm Phong (Thanh Liêm) cũng đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2021 với 3 sản phẩm: Trứng gà thảo dược Saschi, Gà tươi thảo dược Saschi và Thịt gà hun khói thảo dược Saschi. Công ty đã đầu tư hoàn thiện công nghệ nuôi gà thảo dược. Gà mía được nuôi bằng thức ăn có sử dụng thảo dược, không dùng cám công nghiệp, không hóa chất bảo quản, không kháng sinh tổng hợp và không sử dụng hormone tăng trưởng. Thịt gà thảo dược Saschi trong quá trình xử lý, đóng gói bằng công nghệ hiện đại, được bảo quản xuyên suốt ở nhiệt độ mát từ 0-4oC trong quá trình vận chuyển đến tay người tiêu dùng, giúp cho độ tươi ngon và dinh dưỡng của thịt đạt chất lượng tốt nhất. Sản phẩm đã được kiểm dịch và đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Những sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đều được chọn và đánh giá về khả năng, tiềm năng phát triển cũng như những yếu tố khác để sau khi hoàn thiện hồ sơ đủ điều kiện được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Vừa qua, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) và đơn vị tư vấn đã thực hiện khảo sát thực tế các cơ sở sản xuất đăng ký ý tưởng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2021. Chi cục Phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch, đăng ký tham gia Hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm làng nghề năm 2021 với Trung tâm xúc tiến thương mại (Bộ NN&PTNT) và đơn vị khác ngoài tỉnh; phối hợp với các phòng NN&PTNT các huyện, phòng kinh tế thị xã, thành phố và Bưu điện tỉnh Hà Nam đưa sản phẩm OCOP được công nhận năm 2020 lên sàn thương mại điện tử http://postmart.vn của Bưu điện Việt Nam.
Đến nay, có 37 ý tưởng sản phẩm của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hộ gia đình đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2021. Trong đó, huyện Lý Nhân có 2 sản phẩm, Kim Bảng 4 sản phẩm, Bình Lục 5 sản phẩm, Thanh Liêm 8 sản phẩm, Duy Tiên 15 sản phẩm và thành phố Phủ Lý đăng ký 3 sản phẩm. Các sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2021 chủ yếu thuộc nhóm hàng thực phẩm, như: sữa chua nếp cẩm, kẹo lạc, phở khô, ngô cay, kẹo dồi, khoai tây sấy, sen sấy, khế sấy dẻo, vỏ bưởi sấy dẻo, thịt gà, trứng gà thảo dược… Một số sản phẩm đồ uống, gồm rượu và sữa chua uống. Ngoài ra, còn một số nông sản tươi, như: ổi, rau bắp cải, bưởi diễn, cà chua, dưa chuột, su hào. Không có sản phẩm dịch vụ và sản phẩm mĩ nghệ.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Quang Nghiệp, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, trong số 37 sản phẩm đăng ký có gần 30 sản phẩm tốt, có thể hoàn thiện để được đánh giá công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Tuy nhiên, qua đánh giá thực tế cho thấy, nhiều cơ sở cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng mức điểm đạt được, đáp ứng yêu cầu về bao bì, nhãn mác sản phẩm, báo cáo đánh giá về môi trường…
Chi cục Phát triển nông thôn và đơn vị tư vấn đã cho ý kiến đánh giá, gợi mở cho các nhà sản xuất những ưu điểm cũng như hạn chế của sản phẩm giúp cho nhà sản xuất hoàn thiện sản phẩm. Yếu tố quan trọng nhất chính là sự quan tâm của nhà sản xuất. Nếu nhà sản xuất quan tâm, muốn phát triển sản phẩm để được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả kinh doanh sau này thì hiệu quả chương trình mới phát huy được, nếu không thì rất lãng phí.
Mới đây, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Vượng đã đi thăm trực tiếp tình hình sản xuất 2 cơ sở có sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2021. Tại các điểm đến thăm, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh gợi mở cho lãnh đạo ngành nông nghiệp và địa phương một số giải pháp để hỗ trợ các cơ sở sản xuất tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng chí Nguyễn Đức Vượng đã giao cho ngành nông nghiệp và lãnh đạo địa phương quan tâm hỗ trợ các đơn vị có sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP thực hiện chu trình các bước theo quy định, hoàn thiện sản phẩm, hồ sơ để đủ điều kiện tham gia Chương trình OCOP năm 2021.
Mục tiêu phấn đấu năm 2021 có từ 17-20 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh trở lên. Thúc đẩy thực hiện Chương trình OCOP, Chi cục Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương chủ động phối hợp đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các bước tiếp theo của chu trình OCOP sau khi UBND tỉnh phê duyệt ý tưởng các sản phẩm, góp phần thực hiện tốt mục tiêu, kế hoạch đề ra./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã