Hiện nay, ở một số địa phương trên cả nước có rất nhiều mô hình du lịch cộng đồng phát triển khá thành công ở các vùng miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như ở Lào Cai, Hà Giang v.v.. Những mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ phát huy được thế mạnh văn hoá bản địa của các dân tộc, mà còn góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhiều người dân địa phương.
Ở Quảng Ninh, mô hình du lịch cộng đồng xuất hiện muộn hơn, nhưng cũng đem lại không ít thành công. Trong đó, đầu tiên phải kể đến mô hình hợp tác xã dịch vụ du lịch chèo thuyền đưa du khách đi tham quan làng chài Cửa Vạn, Vông Viêng do Công ty CP Du thuyền Đông Dương triển khai. Bước đầu mô hình này đã mang lại những thành công nhất định, tạo công ăn việc làm cho bà con ngư dân. Những người ngư dân quanh năm gắn bó với sông nước, chỉ biết làm công việc đánh bắt cá nay đã được biết thêm một nghề mới, đó là nghề chèo thuyền nan đưa đón khách du lịch đi tham quan, khám phá Vịnh Hạ Long. Từ khi có dịch vụ du lịch này, một bộ phận người dân nơi đây đã được chuyển đổi ngành nghề, giảm bớt công việc đánh bắt, khai thác cạn kiệt tài nguyên, nguồn lợi thuỷ sản trên Vịnh, người dân biết thêm một nghề mới đó là nghề làm dịch vụ du lịch. Bước đầu dịch vụ chèo đò đưa đón khách tham quan Vịnh đã góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân nơi đây…
Tiếp theo thành công của mô hình chèo thuyền đưa khách đi tham quan Vịnh, trải nghiệm cuộc sống của người dân bản xứ, mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở làng quê Yên Đức, Đông Triều của Công ty CP Du thuyền Đông Dương cũng được đánh giá cao. Đây là mô hình phát triển du lịch cộng đồng điểm ở Quảng Ninh, được nhiều địa phương tham quan học hỏi kinh nghiệm.
Điều làm cho du khách thấy bất ngờ khi đến với làng quê Yên Đức từ khi áp dụng mô hình du lịch cộng đồng là phong cảnh làng quê yên bình, đường làng, ngõ xóm được phong quang, sạch sẽ, người dân đã nhận thức được việc phát triển sản xuất gắn với đón khách du lịch đến tham quan và bảo vệ môi trường. Mặc dù doanh thu từ du lịch cộng đồng chưa cao, nhưng nó đã mở ra một hướng phát triển trong việc xây dựng nông thôn mới. Phát triển du lịch cộng đồng, người dân sẽ trực tiếp tham gia và thu lợi, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giúp người dân có ý thức hơn trong việc giữ gìn cảnh quan tự nhiên, những giá trị vật chất và văn hoá truyền thống để phục vụ du lịch. Các hoạt động mà du khách đến đây được khám phá rất bình dị, mộc mạc trong cuộc sống thường nhật nhưng lại rất sinh động. Du khách được trải nghiệm cuộc sống thường ngày của bà con nông dân như xay lúa, giã gạo, úp cá v.v. hay tham quan ngôi chùa cổ của làng, xem múa rối nước v.v.. Và điều đặc biệt hơn nữa, khách đến thăm nhà dân, được tìm hiểu những nét đẹp bản sắc văn hoá, phong tục tập quán và cuộc sống của người dân địa phương. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, khu du lịch làng quê Yên Đức đón khoảng 2.000 khách tham quan du lịch, chủ yếu là khách châu Âu.
Sau một số mô hình du lịch cộng đồng thành công ở Vịnh Hạ Long, làng quê Yên Đức v.v hiện nay, một số xã trên các tuyến đảo Vân Đồn, Cô Tô cũng đang hướng tới phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Mặc dù, có thể nói, các mô hình du lịch cộng đồng ở các địa phương trên tuyến đảo vẫn còn manh mún, mang tính tự phát, nhưng bước đầu cũng nhận được sự ủng hộ, vào cuộc của chính quyền địa phương và khách tham quan du lịch. Hiện nay, mô hình du lịch cộng đồng ở Cô Tô tập trung phát triển nhiều nhất ở hai xã Đồng Tiến và Thanh Lân. Du lịch cộng đồng ở đây chủ yếu kết hợp giữa việc tham quan khám phá vẻ đẹp hoang sơ của đảo và tìm hiểu đời sống sinh hoạt của người dân trên đảo. Du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống ở nhà dân, cùng tham gia vào các sinh hoạt hàng ngày như đánh cá, câu mực, các hoạt động tập thể như đốt lửa trại, trồng cây, tham quan các điểm du lịch tại Cô Tô: Như bãi đá, ngọn hải đăng, bãi biển Hồng Vàn, Vàn Chảy, Cô Tô con, rừng nguyên sinh...
Anh Vũ Văn Hữu, thôn Nam Đồng, xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô cho biết, năm 2012, gia đình anh bắt đầu làm du lịch, với ngôi nhà nhỏ của mình, anh sử dụng làm dịch vụ homestay, nhưng mấy năm nay, lượng khách du lịch đến Cô Tô tăng, anh quyết định đầu tư ngôi nhà này với hơn 10 phòng nghỉ để phục vụ khách. Ngoài kinh doanh nhà nghỉ, gia đình còn kinh doanh thêm các dịch vụ cho thuê xe máy, xe đạp... Anh Hữu chia sẻ, những năm trước, gia đình tôi làm nông nghiệp, sau đó thì mới chuyển sang làm du lịch homestay. Qua một năm làm thấy thu nhập của gia đình hơn hẳn so với làm nông nghiệp. Đây cũng là động lực để gia đình anh tiếp tục đầu tư phát triển cho du lịch trong những năm tiếp theo.
Theo các chuyên gia du lịch, việc phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng là phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá của đông đảo du khách muốn tìm hiểu văn hoá dân tộc đặc sắc. Tuy nhiên, các chuyên gia du lịch cũng đưa ra lời khuyến cáo: Muốn du lịch cộng đồng phát triển cần giữ nguyên gốc, nguyên sơ, chất phác chân thực của văn hoá bản địa, đó là giá trị cốt lõi của cộng đồng, không để đánh mất nó. Phát triển du lịch thì phải có trách nhiệm với xã hội. Để phát triển kinh tế địa phương, tôn trọng những giá trị bản địa, giá trị cộng đồng thì loại hình du lịch có trách nhiệm sẽ là giải pháp để phát triển du lịch cộng đồng đúng hướng và bền vững. Một nền du lịch bền vững thì người dân phải được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương…
Nguồn:vietnamtourism
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã