Hút khách từ những giá trị thực
Mô hình DLNN chủ yếu đầu tư nuôi trồng tự nhiên để khách được trải nghiệm môi trường sống như ở thôn quê, tự chơi, tự nấu nướng như ở nhà. Một không gian sống rất thực và thoáng đạt mang tính đồng quê luôn có sức lôi cuốn với du khách ở mọi lứa tuổi khác nhau. Mặt khác, nội dung của sản phẩm DLNN rất phong phú, có thể gọi là nền để phát triển ra các sản phẩm khác như du lịch ẩm thực đồng quê, du lịch chữa bệnh, du lịch học đường, du lịch chuyên đề, du lịch về nguồn... Cùng với đó là cơ hội được trải nghiệm phong tục, nét đẹp văn hóa của địa phương và luôn trở thành du khách tích cực trong tất cả các hoạt động mà không bị nhàm chán. Chính những giá trị ấy đã giúp lượng khách đến với DLNN ngày càng đông.
Khách du lịch nước ngoài tham gia cấy lúa tại làng cổ Đường Lâm.
Tại Hà Nội, mô hình DLNN trang trại đồng quê Ba Vì do TS Ngô Kiều Oanh xây dựng và tour du lịch “Mùa lúa chín” ở Đường Lâm (Sơn Tây) dù mới khai thác nhưng đã gặt hái được nhiều “trái ngọt”. Du khách tỏ ra thích thú với các hoạt động hái rau xanh, bắt cá, làm bánh cuốn, đốt lửa trại… tại trang trại đồng quê Ba Vì, hay thưởng ngoạn cánh đồng lúa chín vàng, tổ chức các đám cưới lãng mạn trên cánh đồng, chụp ảnh ở công viên Rơm, ngắm trăng… tại Đường Lâm. Theo ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, tour du lịch “Mùa lúa chín” rất dễ triển khai vì chỉ khai thác những nguồn lực tài nguyên sẵn có của địa phương. Phát triển tốt loại hình du lịch này chính là cơ hội tạo công ăn việc làm, cung cấp kế sinh nhai, trao quyền cho cộng đồng địa phương… Và cuối cùng, khi người dân có được lợi ích từ cánh đồng, họ sẽ nhận thức được giá trị của di sản cha ông và tích cực gìn giữ viên ngọc quý “Làng cổ Đường Lâm”. Rõ ràng, mô hình DLNN không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần gìn giữ, phát triển các giá trị văn hóa, truyền thống của địa phương. Nhiều vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội như Đông Anh, Sóc Sơn, Chương Mỹ… cũng có điều kiện thuận lợi để phát triển DLNN. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Cần chiến lược dài hơi
Thực tế, tiềm năng DLNN ở nước ta rất lớn bởi có tới hơn 70% dân cư đang sinh sống ở nông thôn. Nông thôn Việt Nam lại đa dạng về điều kiện sinh thái, sinh học, văn hóa truyền thống với 54 dân tộc, người dân lại có truyền thống hiếu khách. Nhưng ngoài 2 mô hình DLNN của Hà Nội, cả nước cũng chỉ có thêm một số tour DLNN thành công như: Tour ngắm ruộng bậc thang (Sơn La, Lào Cai, Lai Châu…); giới thiệu cuộc sống sông nước miền Tây (Cần Thơ, Bến Tre, Long An…); làm nông dân trồng rau Trà Quế (Hội An)...
Vẫn biết, bấy nhiêu điểm DLNN là quá nghèo nàn so với tiềm năng, lợi thế, song quá trình quy hoạch, bảo tồn các làng nghề nông nghiệp gắn với DLNN là một việc khó, đòi hỏi một chiến lược dài hơi. TS Ngô Kiều Oanh cho rằng: “Để nhân rộng mô hình DLNN, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Quy hoạch, bảo tồn các làng nghề truyền thống nông nghiệp; tiến hành xây dựng bộ tiêu chuẩn hóa về sản phẩm DLNN từ tên gọi đến nội dung hoạt động; cung cấp kinh phí đào tạo kỹ năng tiếp đón du khách và tiếp thị sản vật cho các nông hộ; tăng cường vai trò của truyền thông…”. Thế nhưng cho đến nay, DLNN vẫn được coi là hoạt động lẻ tẻ, ngành du lịch chưa xây dựng phương hướng phát triển cụ thể cho loại hình kinh tế du lịch này. Mặt khác, theo Giám đốc Truyền thông và Tiếp thị, Công ty Vietravel Trần Thị Việt Hương, một vấn đề khác khiến DLNN chưa thực sự phát triển là do thiếu tính liên kết. Do đó, giữa các trang trại, các vùng, giữa chính quyền và nông dân, công ty du lịch và địa phương cần phải “bắt tay” nhau nhiều hơn. “Minh chứng là Saigontourist đã thành công khi kết hợp với tỉnh Lâm Đồng để thực hiện tour du lịch trồng 1.000 cây xanh. Du khách cảm thấy rất thích thú khi đã được chuẩn bị sẵn một vùng đất trống, đào sẵn hố, có ghi tên theo từng nhóm để du khách trồng cây vào” - bà Hương dẫn chứng. Hy vọng, tới đây, các cấp, ngành, địa phương sẽ quan tâm đầu tư nhiều hơn cho DLNN để loại hình này thực sự phát huy hết tiềm năng và lợi thế.
Nguồn: vietnamtourism.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã