Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh Nguyễn Khánh Toàn cho biết: Những năm gần đây, giá cao su liên tục giảm sâu, nhiều diện tích cây cao su bị bão quật gãy, đổ nên sản lượng giảm đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người lao động. Không ít cán bộ, công nhân đã chủ động xin nghỉ việc, đặc biệt là công nhân lao động trực tiếp. Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Giám đốc công ty đã tổ chức nhiều cuộc họp tìm cách tháo gỡ khó khăn, đồng thời, ban hành nghị quyết về nâng cao thu nhập cho người lao động.
“Đến thời điểm này, toàn công ty có 10 đơn vị trực thuộc với 665 lao động. Trong đó, công nhân lao động trực tiếp hơn 550 người. Để nâng cao thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động trực tiếp, Công ty đã xây dựng lại chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình mới” - ông Toàn cho hay.
Đi đầu trong thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ Công ty là Xí nghiệp Chế biến và Dịch vụ - 1 trong 10 đơn vị trực thuộc Công ty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh. Sau nhiều năm vất vả chống chọi với thiếu việc làm, thu nhập bấp bênh, từ đầu năm 2018 đến nay, Xí nghiệp đã tìm được nguồn việc mới, từng bước ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động.
“Với lợi thế có nhà máy chế biến mủ cao su đạt tiêu chuẩn SVR 10, đơn vị đã tìm kiếm đối tác và ký kết hợp đồng gia công chế biến mủ cho các công ty cao su phía Bắc với tổng sản lượng khoảng 1.000 tấn. Với hợp đồng mới này, đơn vị đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 45 lao động tại nhà máy chế biến mủ. Đây là một trong những nội dung cụ thể hóa mục tiêu nghị quyết công ty đã ban hành” - Giám đốc Xí nghiệp Chế biến và Dịch vụ Đặng Hữu Quý phấn khởi cho biết.
Sau hơn 20 năm bắt tay vào trồng, khai thác cao su trên địa bàn Hà Tĩnh, đến nay, Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh đã có 1.800 ha cao su cho thu hoạch. Tuy nhiên, những năm qua, việc phát triển “nóng” diện tích cao su trên địa bàn cả nước khiến “cung vượt cầu” là một trong những nguyên nhân khiến giá cao su sụt giảm.
Trước tình hình đó, Công ty mạnh dạn quy hoạch lại một số diện tích, không phát triển trồng mới mà chuyển đổi sang trồng cây ăn quả và cây lâm nghiệp khác. Công ty cũng giao khoán một số diện tích đất không đủ điều kiện trồng cao su để họ tự tổ chức sản xuất nhằm tăng thu nhập phụ.
Theo Giám đốc Nguyễn Khánh Toàn, để tăng thu nhập cho người lao động, ngoài tìm kiếm thêm hợp đồng gia công, đơn vị đã thực hiện quyết liệt cải cách tổ chức sản xuất, tăng năng suất lao động. Đặc biệt, năm vừa qua, công ty đã thực hiện bố trí 40% số giờ làm việc của bộ phận gián tiếp xuống các đội sản xuất, xí nghiệp cùng tham gia lao động trực tiếp với người lao động.
Hàng năm, Công ty thường xuyên tổ chức các đợt phát động thi đua lao động sản xuất, qua đó, kịp thời khen thưởng nhằm khuyến khích, động viên người lao động hăng say làm việc, góp phần hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.
Với những giải pháp căn cơ, CBNV Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết Ban chấp hành Đảng bộ Công ty đề ra, đó là khai thác, chế biến 3.000 tấn mủ, doanh thu đạt trên 100 tỷ đồng, đảm bảo thu nhập bình quân lao động 5 triệu đồng/tháng.
Tác giả bài viết: Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;