Năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định nâng mức hỗ trợ tối thiểu đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho người thuộc hộ cận nghèo từ 50% lên mức 70% (Quyết định 797/QĐ-TTg ngày 26/6/2012). Chính sách này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp người cận nghèo bớt đi những khó khăn trong việc tham gia BHYT.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, một số địa phương đã nâng mức hỗ trợ hoặc đóng 30% mức đóng BHYT còn lại cho người thuộc hộ cận nghèo.
Tết đến Xuân về nhìn lại năm qua, Cổng TTĐT Chính phủ đã tiếp nhận những chia sẻ, tâm sự của một số hộ cận nghèo xung quanh ý nghĩa và giá trị của thẻ BHYT miễn phí với đời sống gia đình họ.
“Phao cứu sinh” cho người mắc bệnh hiểm nghèo
Nhờ thẻ BHYT, anh Nguyễn Duy Thắng đã được giảm phần lớn chi phí điều trị, thuốc men - Ảnh: VGP/Hải Hoa |
“Từ năm 2005, khi tôi mắc bệnh, bao nhiêu của cải trong nhà đều đội nón ra đi. Trước đây tôi là trụ cột gia đình, còn bây giờ mọi gánh nặng đều đổ dồn lên vai vợ”, anh Thắng buồn buồn tâm sự.
Với căn bệnh của mình mỗi tháng anh Thắng phải điều trị 8 ống thuốc tạo máu với giá 250.000 đồng/ống và nhiều loại thuốc khác. Trung bình mỗi ngày anh Thắng phải mất khoảng 200.000 - 500.000 đồng để mua thuốc. Hơn nữa, mỗi lần phải nhập viện thì chi phí lên đến hàng chục triệu đồng.
Để có tiền chạy chữa cho chồng và lo cho cuộc sống của gia đình, vợ anh Thắng đã phải đi xẻ cá thuê. Công việc vô cùng vất vả suốt từ tờ mờ sáng nhưng tiền công cũng chẳng được bao nhiêu.
Từ gia đình có kinh tế ổn định, sau 7 năm chống chọi với bệnh thận, gia đình anh Thắng rơi vào hộ cận nghèo.
Điều may mắn đã đến với gia đình anh Thắng khi năm 2012 anh được cấp thẻ BHYT cho đối tượng cận nghèo theo quy định mới. Với thẻ BHYT, anh Thắng đã được giảm 95% chi phí tiền điều trị và thuốc thang.
Anh Thắng xúc động chia sẻ: “Nếu không có chiếc thẻ BHYT quý giá thì có lẽ gia đình sẽ còn vô cùng khốn khó, cuộc sống của tôi khó có thể duy trì đến ngày hôm nay”.
Viện phí không còn là nỗi lo
Cũng là người may mắn được cấp thẻ BHYT miễn phí với người thuộc hộ cận nghèo, bà Hà Thị Sương 64 tuổi, ở xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh chia sẻ câu chuyện của mình: “Hàng năm chúng tôi cũng được cán bộ xã tuyên truyền về lợi ích của việc tham gia BHYT, nhất là với những người lớn tuổi. Tôi cũng hiểu nếu mua BHYT thì khi mình bị đau ốm, con cháu sẽ đỡ được rất nhiều chi phí, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, việc lo cái ăn trước mắt cứ khiến tôi nấn ná. Tôi đã rất vui mừng khi cán bộ cho biết theo chính sách hỗ trợ mới của Nhà nước, tôi được cấp thẻ BHYT miễn phí. Cầm cái thẻ BHYT trong tay được đúng 10 ngày thì tôi bị tai nạn”.
Chị Trượng Thị Mùa yên tâm hơn khi cả gia đình đã có thẻ BHYT - Ảnh: VGP/Hải Hoa |
Bà Sương kể: Bà bị té ngã khi ra vườn làm việc. Cú ngã khiến bà bị dập dây thần não và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Người thân đã nhanh chóng đưa bà đi cấp cứu tại Bệnh viện. Được sự tận tình cứu chữa của các y, bác sỹ, bà Sương đã thoát khỏi bàn tay tử thần.
Sau 14 ngày điều trị tại bệnh viện, khoản viện phí là một nỗi lo không nhỏ của gia đình bà. Tuy nhiên, nhờ có tấm thẻ BHYT bà đã được hỗ trợ chi phí điều trị. Bà Sương phấn khởi nói: “Phần lớn chi phí cho việc điều trị của tôi đã giảm đi rất nhiều, đến giờ tôi đã thấm thía giá trị của thẻ BHYT. Đây là một chính sách vô cùng có ý nghĩa, Nhà nước đã chia sẻ khó khăn với những người như chúng tôi”.
Yên tâm hơn khi cả nhà được cấp thẻ miễn phí
Gia đình chị Trượng Thị Mùa, 47 tuổi, ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận thuộc diện hộ cận nghèo của huyện. Điều kiện kinh tế khó khăn nên chị Mùa chưa bao giờ mua thẻ BHYT cho các thành viên trong gia đình.
Năm 2011, biết bản thân bị sỏi thận, chị mới mua BHYT cho mình với giá 170.000 đồng. Nhờ đó, mỗi lần chị đến Trung tâm Y tế huyện Ninh Phước khám bệnh đều được cấp thuốc miễn phí.
Bà Trần Thị Xuân (bên trái) cùng một số hộ nghèo của xã Quế Châu yên tâm khi đã được cấp BHYT miễn phí - Ảnh: VGP/Thúy An |
Tôi thấy yên tâm hơn cho sức khỏe của người thân trong gia đình, nếu có xảy ra ốm đau, bệnh tật, gánh nặng tiền thuốc men, viện phí sẽ đỡ hơn rất nhiều”, chị Mùa nói.
Không còn nỗi lo khi đau ốm
Gia đình bà Trần Thị Xuân, thôn Phú Đa, xã Quế Châu, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam có hoàn cảnh khó khăn, quanh năm chỉ trông vào vài sào ruộng và những nông sản thu hái được trong vườn nhà. Bà Xuân đã 62 tuổi, lại thường xuyên đau ốm. Các con đã lớn và lập gia đình riêng, nhưng hoàn cảnh đều không được khá giả. Vì vậy, mặc dù thương mẹ nhưng cũng không đỡ đần được gì nhiều.
Với bà Xuân, để bỏ ra vài trăm nghìn mua BHYT là một điều vô cùng khó. Không mua BHYT vì không có tiền. Rồi khi đi khám bệnh tốn nhiều tiền nên bà sợ, không dám khám bệnh.
Bà Cao Thị Mẹo vui mừng khi được cấp thẻ BHYT miễn phí - Ảnh: VGP/Thúy An |
Cùng chung hoàn cảnh, bà Cao Thị Mẹo, 64 tuổi, thôn Phú Đa, xã Quế Châu, huyện Quế Sơn, Quảng Nam thuộc hộ cận nghèo. Vì mưu sinh, các con của bà đều đi làm ăn xa. Hai vợ chồng già ở nhà sống bằng những đồng tiền lẻ do bán mớ rau, quả mít, quả bòng… trong vườn nhà. Từ trước đến nay bà Mẹo chưa hề biết đến chiếc thẻ BHYT “tiền ăn còn chật vật thì lấy đâu ra tiền mà mua bảo hiểm”, bà Mẹo thật thà nói.
Được cấp thẻ BHYT miễn phí trong năm 2012 bà Mẹo rất mừng, bà có thể đi khám chữa bệnh mà không lo tiền viện phí, tiền thuốc nhiều không đủ khả năng chi trả.
Không chỉ riêng các trường hợp này, mà khi trò chuyện với nhiều hộ gia đình, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo mới thấy hết được giá trị của chính sách BHYT, thể hiện ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc…
Hải Hoa – Thúy An thực hiện
Theo chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã