Học tập đạo đức HCM

Chắp cánh cho những ước mơ lập thân, lập nghiệp

Thứ năm - 13/09/2012 20:39
Qua năm năm triển khai thực hiện Chương trình cho vay học sinh, sinh viên (HSSV) theo Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ đã giúp hàng triệu hộ gia đình khó khăn trên cả nước có điều kiện cho con theo học đại học, cao đẳng và học nghề.
 

 
Nhờ vốn vay ưu đãi, anh Phạm Minh Ước có điều kiện cho ba con học đại học.  
 
Tuy nhiên năm nào cũng vậy, mỗi khi bước vào mùa giải ngân đầu năm học, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) lại đối mặt với áp lực bảo đảm huy động đủ nguồn vốn phục vụ chương trình.

Nối dài những ước mơ

Ninh Bình là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc  phát huy hiệu quả chương trình tín dụng cho vay ưu đãi HSSV. Theo số liệu NHCSXH chi nhánh tỉnh Ninh Bình, đến 31-7, dư nợ cho vay HSSV trên địa bàn đạt hơn 749 tỷ đồng, với hơn 39 nghìn hộ (chiếm 49% tổng dư nợ toàn tỉnh). Trong đó, huyện Nho Quan đạt 91,6 tỷ đồng với 4.875 lượt hộ dư nợ, huyện Yên Khánh đạt hơn 134 tỷ đồng với hơn 6.500 lượt hộ, huyện Gia Viễn đạt 88,7 tỷ đồng với hơn 5.500 lượt hộ,...

Tại huyện Yên Khánh, nguồn vốn ưu đãi cho HSSV vay để học tập đã phát huy được ý nghĩa, tạo động lực cho các em vượt qua khó khăn, giúp các em tự tin hoàn thành ước mơ và hoài bão của mình. Anh Phạm Hữu Ước (xóm 3, xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh) không giấu nổi niềm tự hào xen lẫn  lo lắng khi nhắc đến những đứa con của mình. Năm 2006,  đứa con gái đầu của gia đình trúng tuyển vào đại học.  Xen lẫn trong niềm hạnh phúc, tự hào, là nỗi lo về khoản tiền nuôi con ăn học. Không lo sao được khi gia đình anh,  có sáu nhân khẩu chỉ trông mong vào tám sào lúa và một con bò, vợ chồng anh lo đủ ăn cho cả gia đình đã là một nỗ lực, nói gì đến tiền để cho con học đại học. Ước mơ của con gái anh và gia đình chỉ trở thành hiện thực khi được NHCSXH xét duyệt cho vay vốn ưu đãi. Cùng với cô chị, nhờ nguồn vốn cho vay HSSV hai đứa em cũng tiếp bước tới giảng đường. Ðến nay, tổng dư nợ mà gia đình anh vay từ chương trình HSSV là 35 triệu đồng. Cùng với gia đình, con gái đầu của anh vừa ra trường cũng đang nỗ lực tìm việc làm để có thể trả nợ ngân hàng, phát triển kinh tế gia đình.

Theo  Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Tiên Nguyễn Anh Tuấn: Là một xã thuần nông, kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng con em trong xã đều rất hiếu học. Những năm qua, nhờ chương trình vay vốn ưu đãi, 173 hộ trong xã đã được vay vốn cho con đi học. Các em rất hăng hái học tập, các hộ gia đình cũng có ý thức trả nợ vốn vay ngân hàng.

Khẳng định ý nghĩa của Chương trình cho vay HSSV, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Yên Khánh  Phạm Ðức Cường cho biết: Chương trình cho vay HSSV đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện cho nhiều con em các gia đình  nghèo và hộ cận nghèo có điều kiện thực hiện ước mơ học tập, giúp họ có công ăn việc làm ổn định, thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình và địa phương. Tuy nhiên, để chương trình tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, ông Cường kiến nghị Nhà nước xem xét cho hộ gia đình có từ hai con trở lên, tuy không thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo nhưng có hoàn cảnh khó khăn cũng được vay vốn HSSV. Ðồng thời, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều em ra trường nhưng không xin được việc làm, dẫn đến khó khăn trong trả nợ, ông Cường cũng kiến nghị kéo dài thêm thời gian gia hạn nợ để các em tìm việc  làm từng bước trả nợ ngân hàng.

Bảo đảm đủ nguồn vốn

Năm học 2012-2013, NHCSXH chi nhánh tỉnh Ninh Bình có chỉ tiêu kế hoạch giải ngân 100 tỷ đồng cho vay HSSV. Theo Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Ninh Bình Lê Hữu Báu, đến thời điểm này, ngân hàng đã chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng kịp thời khi  người dân có nhu cầu vay vốn. Ông Lê Hữu Báu cho biết thêm, là một trong những tỉnh đồng bằng đầu tiên  triển khai chương trình này, ngay từ những ngày đầu, chi nhánh đã giải ngân cho vay được bảy tỷ đồng. Từ đó đến nay, việc giải ngân luôn được chi nhánh triển khai tốt. 

Ðáp ứng đủ, kịp thời vốn để giải ngân cho HSSV dịp khai giảng năm học mới, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý khẳng định: Ngân hàng bảo đảm đủ vốn cho HSSV vay ưu đãi, để tiếp tục giúp các em theo đuổi ước mơ lập thân, lập nghiệp. Bên cạnh nguồn vốn thu quay vòng 1.800 tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý cấp 2.500 tỷ đồng cho NHCSXH để cho vay HSSV từ nguồn vốn Chương trình PRSC 10.

Có thể nói, kể từ khi triển khai thực hiện đến nay, Chương trình tín dụng HSSV đã nhận được sự quan tâm rất lớn của Ðảng, Chính phủ, các địa phương, giúp đỡ hàng triệu HSSV vượt qua khó khăn về mặt tài chính để học tập. Tính đến thời điểm hoàn thành giải ngân học kỳ II năm học 2011-2012 (30-6-2012) tổng dư nợ đạt 35.000 tỷ đồng, với khoảng 2,3 triệu sinh viên được thụ hưởng. Tuy vậy, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện Chương trình này là cơ cấu nguồn vốn tín dụng của Chương trình còn bị động, chủ yếu là vốn tạm vay, tạm ứng từ Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc Nhà nước, vốn huy động qua các kênh phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Do đó vào những thời điểm cần tập trung vốn giải ngân cao như vào đầu năm học, đầu kỳ học, NHCSXH cũng gặp không ít khó khăn trong việc đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của HSSV.

Trong năm năm qua, bình quân mỗi năm NHCSXH đã cho vay 8.000 tỷ đồng đối với Chương trình tín dụng cho HSSV, trong đó năm 2009, là năm đạt dư nợ cao nhất với 9.400 tỷ đồng. Theo ước tính của NHCSXH, đến năm 2016 sẽ hoàn thành chu kỳ cho vay vòng một để hoàn trả tiền gốc cho ngân sách nhà nước. Hiện mức cho vay đối với một HSSV là một triệu đồng/tháng, lãi suất ưu đãi 0,65%/tháng. Theo ước tính, tổng nguồn vốn quay vòng phục vụ chương trình tín dụng cho HSSV giai đoạn 2012 - 2015 cần khoảng           50 nghìn tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước dự kiến cấp là 16.000 tỷ đồng; nguồn vốn  huy động khoảng 34.000 tỷ đồng. Hiện nay, nguồn vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh để cho HSSV vay mới chỉ đạt 16.000 tỷ đồng, trong thời gian tới cần huy động thêm 18.000 tỷ đồng cho Chương trình. Như vậy, công tác huy động nguồn vốn vẫn là bài toán khó hiện nay.

Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011 - 2020 đã đề ra nhiệm vụ: "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới toàn diện và phát triển nhanh giáo dục và đào tạo", trong đó "Nhà nước tăng đầu tư, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, huy động toàn xã hội chăm lo phát triển giáo dục". Chương trình tín dụng HSSV cũng được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện chủ trương nói trên của Ðảng và Nhà nước. Vì vậy, nguồn vốn của Chương trình cũng cần được huy động theo phương châm "Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm".

Bài và ảnh: HỒNG ANH
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn

 

 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập884
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại753,242
  • Tổng lượt truy cập93,130,906
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây