Học tập đạo đức HCM

Nông nghiệp sinh thái: Cánh đồng hữu cơ Đất Mũi

Thứ hai - 17/09/2012 03:55
Nhìn những ruộng lúa đang rì rào uốn lượn trong gió như tấm lụa xanh mềm mại, xa ngút tầm mắt, những bờ bao thẳng tắp, xe ôtô có thể chạy băng băng… khó có thể tin chỉ vài năm trước, nơi đây từng là những đầm lầy hoang hóa, nhiễm phèn nặng, chỉ có lau sậy cao lút đầu người.

Đó là nông trại hữu cơ Viễn Phú (xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau). Đây là mô hình nông nghiệp xanh lớn nhất ở Đông Nam Á đạt những tiêu chuẩn vô cùng khắt khe về thực phẩm sạch của châu Âu và Mỹ.

3 NĂM CHINH PHỤC CÁNH ĐỒNG HOANG

Một buổi sáng mùa hè, khi nắng vàng rải khắp cánh đồng lúa đang rì rào trong gió, chúng tôi về thăm nông trại Viễn Phú. Ông Võ Minh Khải, Giám đốc nông trại kể: “Tôi bắt đầu làm cái này từ hơn 10 năm nay rồi. Hồi đó, tôi cứ lang thang khắp nơi, phải đến những vùng hoang vu nhất mới có đất sạch để làm, từ Phú Yên đến Tây Ninh. Khi tìm được đất, tôi thuê người dân làm, giống và quy trình của mình. Nhưng do làm manh mún nên không kiểm soát được chất lượng. Tốn rất nhiều tiền của mà không thành công, lúc tôi bắt đầu nản thì có người bạn giới thiệu vùng này”.


Ông Võ Minh Khải, GĐ nông trại Viễn Phú đang giới thiệu thành quả sau 3 năm “dãi gió dầm sương”

Để trồng được lúa sạch và được cấp giấy chứng nhận thực phẩm hữu cơ (sạch tuyệt đối) theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ và các nước châu Âu, trước hết phải có đất “sạch”, không có tồn dư hóa chất, thuốc BVTV. Sau khi trồng lúa, phải tuân thủ các yêu cầu không được sử dụng các loại phân hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ hay kích thích tăng trưởng mà chỉ dùng các chế phẩm sinh học.

“Chính vì thế, chúng tôi phải lặn lội đến đây, nơi mà không ai tin là có thể làm được. Để có được những cánh đồng như các anh thấy hôm nay, chúng tôi đã trải qua 3 năm ròng vô cùng vất vả. Nhiều lúc khó khăn đến mức tưởng như không thể làm được nữa. Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng vượt qua.

Hồi ấy, vùng đất mênh mông này chỉ có cây đước, tràm và cỏ dại cao lút đầu người, không có đường đi lối lại. Hàng năm trời, tôi và mấy anh em trong đội khai hoang dựng chòi lá, ăn ở tại chỗ giữa vùng đất hoang đầy muỗi mòng, rắn rết, ong bay rào rào như châu chấu. Tối đến, mọi sinh hoạt đều thực hiện trong mùng”, ông Khải kể tiếp.

3 năm trời, vừa san ủi, lập thửa, vừa đầu tư nạo vét, xây dựng vùng thuỷ lợi khép kín, số tiền đầu tư đã lên đến 40 tỷ đồng, đến nay nông trại xanh Viễn Phú đã có tổng diện tích 320 ha lúa hữu cơ siêu sạch, bước đầu cung cấp trên 1.000 tấn gạo hữu cơ thương hiệu "Hoa Sữa" ra thị trường với 4 loại là trắng, đỏ, đen và tím.

“Cây lúa chỉ dùng các loại phân hữu cơ sinh học, vi sinh tự nhiên. Đặc biệt, chỉ dùng nước mưa tích trữ chứ không lấy nước sông rạch. Ruộng lúa được thả các loại cá để diệt sâu, điều chỉnh hệ thống nước ra vào để làm sạch côn trùng, rầy. Mặc dù năng suất lúa chưa cao, ban đầu chỉ khoảng 1 tấn/ha, nhưng chúng tôi đang dần hoàn thiện quy trình kỹ thuật và năng suất cũng đã lên 3 tấn/ha. Mục tiêu của chúng tôi là phấn đấu đạt 5 tấn/ha vào năm 2015”, ông Khải khẳng định.

 

“Hiện nay, toàn bộ sản phẩm gạo của Viễn Phú đã được thị trường châu Âu và Mỹ đặt hàng. Với giá tương đương 50-60 ngàn đồng/ký, người tiêu dùng bình dân trong nước khó mua nổi. Tôi rất muốn trong một tương lai gần, sản phẩm gạo sạch sẽ phổ biến trên thị trường Việt Nam, và tất cả mọi người có thể mua để ăn”, ông Khải nói.

Chúng tôi đi tham quan cánh đồng bằng xe ô tô trên bờ bao, hai bên là những hàng chuối, đu đủ, xoài mơn mởn. Thấp thoáng dưới làn nước trong vắt, từng đàn cá bơi. Lâu lâu lại có một chú cá lóc nhảy vọt lên bờ, giẫy đành đạch.

CÒN ĐÓ NHỮNG TRĂN TRỞ

Nói về việc mở rộng mô hình, ông Khải trăn trở: “Đất nông nghiệp ở nước ta bây giờ giống như người nghiện rượu lâu năm, gan ruột sắp tiêu hết rồi. Giờ muốn “cải thiện” tình hình, trước hết anh ta phải bỏ rượu, rửa ruột, sau đó dùng thuốc Nam của một ông thầy lang giỏi. Và, sẽ mất rất nhiều thời gian, tiền bạc mới mong cải thiện tình hình. Nghĩa là, bây giờ muốn có những vùng đất hữu cơ như nông trại U Minh này, phải cho đất “ăn” và “nghỉ” từ 3-5 năm. Điều đó là không thể, bởi vì, cho đất nghỉ thì nông dân lấy gì mà ăn?"


Dây chuyền chế biến, đóng gói gạo Hoa Sữa của Viễn Phú

Vậy theo ông, nếu “gom” từ nhiều địa phương, mỗi nơi vài mảnh nhỏ lại thì cả nước cũng có thể được vài trăm ngàn héc ta đất sạch. Còn tìm một diện tích vài trăm héc ta như ở U Minh này thì không có nữa. Nhưng, nếu 300.000 ha mà sắp xếp hợp lý thì giá trị sẽ tương đương với 1 triệu ha. Bởi vì sản phẩm hữu cơ sẽ có giá trị gấp 3-4 lần sản phẩm thông thường.

Mô hình của ông không chỉ trồng lúa, mà còn có cây ăn trái, rau các loại, nuôi thủy sản, nuôi gia cầm… tất cả những sản phẩm này đều sử dụng nguồn thức ăn, nước uống sạch, cho nên chúng đều là sản phẩm sạch tuyệt đối. Có thể nói, đó là một chuỗi cung ứng sạch, giá trị cao. Ngoài ra, mô hình còn có giá trị vô hình rất lớn là bảo vệ sức khỏe con người, góp phần làm sạch môi trường...

Cũng theo ông Khải, hiện nay, chỉ còn 2 tỉnh là Cà Mau và Bạc Liêu có tiềm năng lớn về đất sạch để SX nông nghiệp hữu cơ. Ông rất muốn mở rộng mô hình để “giữ” cho đất sạch. Nhưng muốn làm được phải có sự hỗ trợ về chính sách của chính quyền các cấp, chứ phải “tự bơi” như bao lâu nay thì ông không đủ khả năng.

Nói về dự định trong tương lai gần, ông Khải cho biết: “Từ nay đến năm 2015, chúng tôi sẽ đầu tư cụm công nghiệp chế biến quy mô 10 ha gồm nhà máy chế biến gạo hữu cơ công suất 10.000 tấn gạo/năm, nhà máy chế biến ngũ cốc và thức ăn chức năng hữu cơ công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm, nhà máy chế biến thức ăn thủy sản và rau hữu cơ…

Dự kiến sẽ “ngốn” hết 15 triệu USD (hơn 300 tỷ đồng). Còn trước mắt, nếu tỉnh Cà Mau hỗ trợ đầu tư cải tạo, xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi theo mô hình Cty đang làm cho các xã khác trong vùng thì Viễn Phú sẵn sàng liên kết xây dựng cánh đồng lúa hữu cơ để nông dân làm giàu trên vùng đất U Minh”.

+ “Tôi khâm phục ý chí và quyết tâm sắt đá của những con người làm nên cánh đồng Viễn Phú. 3 năm trước, nghe ông Khải nói về mô hình này. Tôi đến đây và thấy khó thực hiện vì đi lại khó khăn, hết xe đò đến xuồng máy, lội sình… vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng. Vậy mà họ đã làm được và làm rất tốt! Đây là một mô hình có giá trị lớn về môi trường, về thực phẩm hữu cơ cho con người”, ông Ric-hard de Boer, GĐ Cty Control Uni-on Vietnam (Cơ quan đánh giá và chứng nhận Hà Lan tại VN) phát biểu trong buổi trao giấy chứng nhận nhãn hiệu gạo hữu cơ của Tổ chức quốc tế Bio Organic cho Viễn Phú tháng 2/2012.

+ Ghé thăm khu biệt thự của ông Khải ở bán đảo Thanh Đa (P27, Q.Bình Thạnh, TPHCM), tôi không khỏi ngạc nhiên và khâm phục khi thấy giữa khuôn viên sân đầy hoa, cây cảnh là một “ruộng lúa” nho nhỏ. “Đây là một giống lúa mới tôi đang nghiên cứu, lai tạo. Vì không có ruộng nên phải đào sân biệt thự lên trồng”, ông Khải cười nói.

Theo nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập410
  • Hôm nay89,342
  • Tháng hiện tại825,452
  • Tổng lượt truy cập93,203,116
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây