Đắn đo mức phí Không ít ý kiến cho rằng, Việt Nam là một nước thuần nông song BHNN dù đã khởi động hơn một lần, vẫn không đủ sức "hấp dẫn”. Nhiều nguyên nhân đã được đưa ra mổ xẻ và đến thời điểm này, sau hơn một năm thực hiện thí điểm BHNN, còn nhiều điều cần phải sửa đổi để BHNN thực sự đi vào cuộc sống. Mức phí tham gia đóng bảo hiểm cao trong khi người làm nghề nông đời sống của họ đều rất nghèo. Đây là một trong những rào cản chính khiến cho người nông dân e ngại mỗi khi được đề cập đến vấn đề BHNN. Tại diễn đàn nông dân với BHNN được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tổ chức mới đây tại Hà Nội, rất nhiều ý kiến than phiền về vấn đề này. Đơn cử như mức phí phải nộp BH cho một con trâu (bò) tới 600.000 đồng/năm. Gia đình có từ hai con trâu, bò trở lên mức phí tính ra phải tiền triệu. Đối với lợn, mức phí là 300.000 đồng/con/năm. Đây là mức phí quá cao so với mức thu nhập cũng như mức sống hiện nay của người nông dân. Đặc biệt, theo ông Trần Văn Khoa (Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc) người chăn nuôi lợn đang lỗ nặng vì thịt lợn ế ẩm nên càng không dám nghĩ đến việc mua bảo hiểm với mức phí cao như vậy. Với cây lúa, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Theo quy định chi trả BHNN, diện tích lúa được BH phải tập trung ít nhất là 5ha và chỉ chi trả khi bị thiệt hại hơn 20% tính trên năng suất bình quân của địa phương. Với cách tính bình quân này, phần lớn bà con nông dân cho rằng, sẽ gây thiệt thòi cho những hộ bị thiệt hại nặng. Chẳng hạn, trường hợp có 3 hộ nông dân cùng tham gia BHNN cho cây lúa, khi có biến cố, một hộ mất trắng, một hộ chỉ mất một nửa, còn một hộ mất 1/3. Nhưng khi chi trả BHNN, 3 hộ lại cùng được một mức BH, như vậy là không công bằng đối với những hộ thiệt hại nặng hơn… Ai cũng biết, về bản chất, sản xuất nông nghiệp mang lại lợi nhuận không cao. Bởi vậy, để chi trả cho mức phí BHNN như hiện nay, phần lớn các hộ nông dân đều rất đắn đo. Làm gì để chính sách BHNN thực sự hiệu quả? Con số thống kê cho thấy, trong số hơn 98.000 hộ dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp, có tới 90% thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Đây lại là những đối tượng thuộc diện được hỗ trợ 80 - 100% phí bảo hiểm. Còn lại những hộ khá với khả năng chăn nuôi, trồng trọt lớn thì hầu như rất thờ ơ. Những hộ nông dân thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo thì sản xuất thường manh mún, nhỏ lẻ, ít đất sản xuất mà BHNN muốn hiệu quả cũng cần phải có được những đối tượng tham gia là những hộ sản xuất chăn nuôi lớn. Điều này cũng khiến người ta nghi ngại: Liệu chính sách BHNN có thực sự bền lâu không? Bởi theo ý kiến của đại biểu đến từ Vĩnh Phúc, cả năm 2012, tỉnh này chỉ có vẻn vẹn 5 hộ nông dân đời sống khá tham gia BHNN, còn lại hầu hết thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Tương tự, tại tỉnh Đồng Nai, trong số 256 hộ ký hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp với tổng số gia súc trên 1.000 con thì phần lớn những đối tượng này đều thuộc diện nghèo. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến vẫn còn nghi ngại về chính sách BHNN hiện nay, nhất là các khâu điều tra, thẩm định, đánh giá, nhận xét, chứng thực thiệt hại, rồi quy trình thanh toán… Nhiều người nông dân chân lấm tay bùn, quanh năm chỉ biết dựa vào cây lúa, con lợn, con gà, họ đã quá quen với nếp nghĩ "ăn chắc mặc bền”, do vậy, việc phải bỏ một khoản phí quá lớn rồi để đấy, chưa được sử dụng ngay là một điều gì đó không thiết thực. Bởi vậy, để chính sách BHNN đi vào cuộc sống một cách bền chặt, theo ý kiến của nhiều địa phương, ngoài việc giảm mức phí BH, các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm cũng nên có những sản phẩm BH nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho những hộ sản xuất lớn để khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất tự nguyện tham gia bảo hiểm nông nghiệp, tránh để tình trạng như hiện nay, chỉ có phần lớn là các hộ nghèo, hộ cận nghèo đăng ký tham gia NHNN. Đồng thời, để phát triển BHNN với nông dân sản xuất hàng hóa quy mô nhỏ tại Việt Nam, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các công ty bảo hiểm với các tổ chức tín dụng và các tổ chức của nông dân (hội nông dân, hợp tác xã, tổ nhóm nông dân) trong việc triển khai các chương trình BHNN. Minh Phương |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;