Những chính sách kịp thời Theo đó, lãi suất huy động tiền gửi VND từ mức 14%/năm giảm xuống còn 9%/năm làm cơ sở hạ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) đưa lãi suất cho vay các khoản nợ cũ xuống 15% năm, ấn định trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ và xuất khẩu) ở mức 13%. Đối với lĩnh vực không khuyến khích (bất động sản, chứng khoán và tiêu dùng), NHNN chỉ đạo các TCTD tiếp tục duy trì kiểm soát tín dụng. Đặc biệt "nội hàm" của lĩnh vực này được điều chỉnh như loại trừ ra khỏi lĩnh vực không khuyến khích một số nội dung cho vay đối với lĩnh vực bất động sản và tiêu dùng: vay vốn để xây dựng, sửa chữa nhà và mua nhà để ở; cho vay xây dựng nhà ở để bán, cho thuê cho người thu nhập thấp, cho vay tiêu dùng…Nhờ đó đã giúp cho lĩnh vực bất động sản dễ dàng tiếp cận vốn vay hơn và góp phần kích cầu tiêu dùng của xã hội. Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, NHNN xác định đây là lĩnh vực ngành cần tập trung đầu tư vốn để phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh-xã hội và yêu cầu các TCTD phải cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho lĩnh vực này. Đến ngày 30/9/2012, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 525.000 tỷ đồng, tăng 5,28% so với cuối năm 2011 (gấp đôi mức tăng trưởng tín dụng chung đối với nền kinh tế). Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đang thực hiện cho vay 18 chương trình tín dụng chính sách (chủ yếu ở khu vực nông thôn) với tổng dư nợ tín dụng lên tới 108.925 tỷ đồng, tăng 5% so với 31/12/2011. Đó là chưa kể các ngân hàng thương mại (NHTM) đã cho vay hàng chục ngàn tỷ đồng để thu mua tạm trữ lúa gạo. Riêng dư nợ cho vay thu mua lúa gạo tại 13 tỉnh ĐBSCL đến ngày 30/9/2012 đạt 23.938 tỷ đồng, tăng 47% so với cuối năm 2011, trong đó dư nợ cho vay thu mua xuất khẩu là 10.675 tỷ đồng, tăng 70,5%. Nhằm giúp nông dân đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm nông nghiệp, qua đó giảm tổn thất đối với sản phẩm sau khi thu hoạch, các NHTM triển khai cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch. Đến ngày 30/9/2012, riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã cho vay theo chương trình này là 911 tỷ đồng với 31 doanh nghiệp, 3 HTX, 170 hộ gia đình và 2.666 cá nhân được tiếp cận. Đối với cho vay thủy sản và cá tra tại khu vực ĐBSCL, doanh số cho vay nuôi trồng, chế biến thủy sản trong 8 tháng đầu năm 2012 của khu vực đạt 52.915 tỷ đồng. Riêng đối với mặt hàng cá tra xuất khẩu, trong 9 tháng ngành ngân hàng đã cho vay 33.583,5 tỷ đồng. Thực hiện Nghị quyết 30a/NQ-CP của Chính phủ nhằm giảm nghèo bền vững đối với 62 huyện nghèo nhất nước, các đối tượng khách hàng được ngân hàng cho vay ưu đãi nhằm phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo được nhà nước hỗ trợ lãi suất. Trong 9 tháng đầu năm, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay 62 huyện nghèo (ở 20 tỉnh) với số tiền lên tới 1.000 tỷ đồng và dư nợ cho vay đến thời điểm 30/9/2012 là 1.500 tỷ với hàng trăm ngàn lượt hộ được tiếp cận vốn vay. Về cho vay hỗ trợ đối với hộ nghèo về nhà ở, Ngân hàng Chính sách xã hội được giao nhiệm vụ và đã triển khai cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở với tổng dư nợ đến ngày 30/9/2012 đạt 3.732 tỷ đồng, tăng 11,9% so với thời điểm 31/12/2011 với 468.243 khách hàng đang còn dư nợ. Như vậy, vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần hỗ trợ cho sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản trong 10 tháng đầu năm 2012 phát triển ổn định, đạt kết quả tốt. Đẩy mạnh cho vay lĩnh vực ưu tiên Cũng theo NHNN, trong những tháng còn lại của năm 2012 và năm 2013, chính sách tín dụng ngân hàng sẽ tập trung vào những nội dung chủ yếu sau: Khuyến khích các TCTD tiếp tục đẩy mạnh cho vay đối với một số lĩnh vực ưu tiên hiện nay, như cho vay nông nghiệp, nông thôn, cho vay DNNVV, cho vay công nghiệp hỗ trợ và xuất khẩu. Bổ sung thêm lĩnh vực ưu tiên đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và cho vay có tác dụng kích cầu thị trường để giảm tồn kho cho doanh nghiệp (như cho vay mua nhà, cho vay xây dựng nông thôn mới...) và các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và bảo vệ môi trường. Phối hợp đồng bộ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khoá và các chính sách khác trong việc hỗ trợ các lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam, có ảnh hưởng đến đại bộ phận người nông dân, như lĩnh vực lúa gạo, thuỷ sản, càphê, ... Nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu của hệ thống các TCTD, thông qua việc đưa ra các sản phẩm tín dụng dựa trên các chuỗi liên kết sản xuất-thu mua-tiêu thụ các loại sản phẩm, như cho vay theo chuỗi của người nuôi, thu mua, chế biến thuỷ sản xuất khẩu (cho vay doanh nghiệp chế biến xuất khẩu để trả tiền thu mua cá của dân...), cho vay liên kết giữa chủ đầu tư bất động sản với nhà thầu xây dựng, người cung cấp vật liệu xây dựng và người mua nhà... nhằm tạo ra chu trình khép kín sự tham gia của vốn tín dụng vào chuỗi giá trị của sản phẩm. Tăng cường kiểm soát mục đích vay vốn và công tác thanh tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng. Kết hợp giữa cho vay phát triển kinh tế với cho vay phục vụ mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội. Từng bước tăng nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách để bảo đảm an sinh xã hội. Chú trọng vào các chương trình tín dụng đối với người nghèo, cận nghèo, học sinh - sinh viên, cho vay người nghèo về nhà ở.... Kết hợp đồng bộ giữa chính sách tín dụng ngân hàng với các chính sách khác nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia... Trần Quỳnh My |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã