Làng mộc Thái Yên. Ảnh: sohuutrituevacuocsong.vn |
Có mặt tại xã Đức Yên, chúng tôi được ông Phạm Ngọc Minh – Chủ tịch Hội nông dân xã tạo điều kiện tiếp cận với nhiều hộ làm nghề truyền thống từ xóm 1 đến xóm 7. Dường như, khác với nhiều vùng khác, thời điểm tinh mơ và buổi trưa là lúc mọi người vẫn còn say giấc nồng thì bà con ở đây lại khởi điểm nhộn nhịp những chuyến hàng ra chợ và tấp nập cho các hoạt động sản xuất hàng của ngày mai. Với gia đình chị Nguyễn Thị Nho – đây là năm thứ 20 chị gắn bó và sinh sống bằng nghề làm bánh gai tại làng Khóng của xã Đức Yên này. Nhà đến 7 người, vài sào ruộng, thời gian nông nhàn còn nhiều hơn nhà khác đến 3 – 4 lần. Nếu không có nghề truyền thống này, chắc gia đình chị cũng phải đau đầu nhiều trước bài toán tìm việc làm để cải thiện đời sống. Công việc đều tay, ổn định, mỗi ngày bán ra thị trường hơn 1500 chiếc, lợi nhuận mỗi tháng ít nhất 15 triệu đồng. Ngoài tận dụng nguồn lao động từ gia đình, anh chị còn thuê thêm đến 4 người làm, tiền công mỗi tháng 1,5 đến 2triệu đồng/ người. Chị chia sẻ: với vùng nông thôn, đây được xem là một hướng đi hiệu quả và mang tính bền vững trong mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống. Nói là nghề phụ nhưng thực chất là làm chính, thu nhập chính. Chi tiêu cuộc sống, con cái học hành, kiếm nghề nghiệp… tất cả đều từ những thúng bánh gai mà ra cả đấy…
Còn tại xóm 7, đôi vợ chồng trẻ Lương Xuân lâm ngày nào cũng tấp bật với chuyện ngâm gạo nhào bột để làm miến. Nghề miến là lựa chọn tối ưu cho hành trình lập nghiệp tại quê nhà của họ. Mặc dù không phải nghề truyền thống nhưng với thế mạnh về nhân lực và không đòi hỏi nhiều về không gian mặt bằng, họ mạnh dạn đưa nghề mới về làng. Sau hơn ba năm ổn định sản xuất, anh chị đã trở thành một địa chỉ tin cậy, có đầu ra ổn định tại các chợ đầu mối thuộc các vùng trong huyện. Mỗi ngày sản xuất đến 2 tạ gạo, công việc thường xuyên, đầu ra ổn định, rủi ro hầu như không đáng kể…chính là cái đích cuối cùng của những người nông dân muốn ly nông mà không ly hương.
Là xã đồng bằng, nghề chính là nông nghiệp và là vùng trọng điểm thâm canh của Đức Thọ nhưng Đức Yên còn biết đến như một vùng quê năng động với những con người chịu thương chịu khó, năng động phát triển kinh thế theo lợi thế truyền thống của vùng. Dẫu rằng, những con người tài hoa một thời của làng nghề như Nghĩa Yên, Đông Yên, Khổng Yên về nghề đan bồ, ép dầu, nghề làm bồi giấy, vàng mã đã không còn, nhiều nghề thủ công có tiếng đã bị mai một… nhưng người Đức Yên hôm nay lại vững vàng với nhiều sản phẩm làng nghề khác được ưa chuộng trên thị trường. Cả xã hiện nay có khoảng 150 hộ làm các nghề phụ: bún, miến, giò chả và các loại bánh... Sản phẩm của họ không chỉ tiêu thụ tại các chợ huyện mà con trở thành đặc sản tại các nhà hàng, khách sạn, làm món quà không thể thiếu cho những ai đã một lần ghé qua Đức Thọ. Nói như anh Phạm Ngọc Minh – Chủ tịch HND xã Đức Yên – Đức Thọ thì: “Rất nhiều những gia đình nông dân ở đây, họ ý thức hơn ai hết giá trị kinh tế đưa lại từ việc khôi phục và phát huy có hiệu quả những ngành nghề truyền thống cha ông để lại.”
Những sản phẩm tinh xảo của nghệ nhân làng mộc Thái Yên. Ảnh: HTO
Theo bộ tiêu chí quốc gia Nông thôn mới, muốn thu nhập bình quân đầu người trên năm gấp 1,4 mức bình quân chung của tỉnh và tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp còn 35%... thì việc chủ trọng phát triển nghề phụ, nghề truyền thống, chuyển dịch cơ cấu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa là vô cùng cần thiết. Hiểu được điều này, nhiều năm qua, Đảng bộ và chính quyền xã đã có nhiều động thái tích cực để khôi phục, và khuyến khích bà con đầu tư phát triển nghề phụ, nhất là các nghề truyền thống cha ông để lại. Theo ông Nghiêm Xuân Hải – Chủ tịch UBND xã Đức Yên – Đức Thọ: Thế mạnh của ngành nghề phụ tại Đức Yên là đã tạo được thương hiệu riêng cho các sản phẩm này. Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhiều chương trình hành động cụ thể từ các đoàn thể, nhất là Hội nông dân trong vấn đề chia sẻ kinh nghiệm, kết nối thị trường, nhiều ngành nghề, nhiều sản phẩm như bánh gai Làng Khoóng, bún gạo, bánh đa Đức Yên càng nổi tiếng ở Hà Tĩnh. Toàn xã có trên 4 ngàn nhân khẩu thì đã có đến 40% làm nghề phụ, cứ mỗi gia đình làm nghề đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 đến 5 lao động. Lợi thế này đã tạo cơ sở cho chính quyền địa phương quyết định hình thành làng nghề tập trung theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đây là lợi thế và cũng là điểm nhấn của xã trong lộ trình xây dựng NTM hiện nay.
Có thể nói, cùng với Thái Yên, Yên Hồ, Đức Trung và Trường Sơn, Đức Yên là một trong 5 xã điểm của huyện Đức Thọ có điều kiện phấn đấu về đích xây dựng nông thôn mới vào năm 2014. Trong thời gian 3 năm với 7 tiêu chí còn lại, khó khăn với chính quyền và nhân dân là không hề nhỏ. Tuy nhiên, nhiều vấn đề căn bản, các tiêu chí mang tính chiến lược đã có bước đi rõ nét là một lợi thế không nhỏ để Đức Yên về đích một cách đúng nghĩa.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã