Học tập đạo đức HCM

U30 "cả gan" dựng miệt vườn trái ngọt trên đất phèn U Minh Hạ

Thứ tư - 13/08/2014 23:14
Đến U Minh Hạ, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau), ai cũng thấy những cây dừa, cây chuối còi cọc mọc trên đất mặn phèn. Muốn có rau ăn, người ta phải cho đất vô chậu, tưới tắm nước ngọt. Vậy mà ở mảnh đất cách cửa biển Hương Mai (biển Tây) chỉ 4km mà có người dám “cả gan” làm vườn.

Trang trại giữa vùng

Qua đập Lung Ngang (ấp 14, xã Khánh Hòa, huyện U Minh) là một màu xanh đến ngỡ ngàng. Đó là “thế giới” của hàng xoài, đu đủ, cam, quýt lúc lỉu trái mùa và những luống khoai môn lá xanh mướt vươn cao, lả lơi trong gió. Để có được một “miệt vườn” như vậy ở mảnh đất phèn mặn này là nhờ “ông tổ” - Trần Văn Cường.

Dáng người cao, gầy trong bộ quần áo sạch sẽ, thoạt trông anh Cường không ai nghĩ là một nông dân, lại là nông dân khai phá mảnh đất “lâm cùng thủy tận” này, khởi phát cho một loạt 13 hộ đang cùng anh lập thành “trang trại vườn rừng” nơi cuối đất Việt.

Để có được cơ ngơi như vậy, đầu tiên anh Cường làm một cuộc “mạo hiểm” với tương lai. Sống với cha mẹ ở TP.Cần Thơ bằng nghề trồng cam quýt nhưng do đất nhà ít, anh em 4 người, không đủ sống, nên Cường cùng người em thứ ba xuống Cà Mau theo lời kêu gọi của người chú đang liên doanh khai thác tràm ở Lâm trường 30.4, giờ là Lâm trường U Minh Hạ.

24 tuổi, Cường cùng vợ và đứa con gái 3 tuổi dắt nhau đến xứ muỗi kêu như sáo thổi. Đặt chân đến lâm trường vào năm 1998, vợ chồng Cường tạm trú trong căn chòi trên bờ bao. Căn chòi bị cơn bão số 5 (1997) tàn phá, vợ chồng anh phải xốc nóc, kèm cặp cây chống để có nơi tá túc.

Trong khi chờ khai thác tràm cho chú, vợ chồng Cường có nhiệm vụ chăm sóc và giữ tràm. Là dân làm vườn, muốn vươn lên trong cuộc sống, nhìn đất bờ bao sậy mọc um tùm, vợ chồng Cường tiếc đứt ruột, máu trồng cây ăn trái nổi lên. Rồi Cường nghĩ, lâm trường đã đắp bờ bao ngăn mặn từ năm 1975 đến nay đã 13 năm, có lẽ đất đã “ngọt”, trồng cây ăn trái được.

Và rồi sau đó, Cường gợi ý và được chú đồng ý hợp tác làm vườn. Vợ chồng Cường cùng với người em ra sức phát hoang, “thuần hóa” 1,5ha bờ đất. Tiếp đến, Cường về quê Cần Thơ mua xoài và sa pô giống với số tiền người chú đưa để trồng thử ở đây.

Lần đầu trồng thử, vận may không mỉm cười với họ khi bị sâu cắn phá. Đứt vốn. Người chú lại nghe lời Cường, quyết thử thời vận lần nữa. Cường lại về Cần Thơ mua 1.000 cây quýt giống đem về dăm, cũng với số tiền người chú đưa.

Đất phèn dữ quá. Và rồi anh nghĩ ra cách trị “kẻ thù cây ăn trái” này bằng vôi và cái đầu đầy kinh nghiệm trồng trọt từ thuở nhỏ với cha mẹ. Sau những giờ chăm sóc cây rừng cho lâm trường, chiều nào vợ chồng Cường cũng cùng em trai cố gắng tưới nước cho vườn quýt.

Quýt càng ngày càng xanh tốt khiến vợ chồng anh hớn hở vui mừng. Mồ hôi và cái đầu dám nghĩ dám làm khiến cây quýt sống ngon trên đất phèn đã giúp Cường mỉm nụ cười mãn nguyện vào 4 năm sau: Thu hoạch 90 triệu đồng. Số tiền chia với chú và em trai.

Năm 2005, lâm trường thu hồi đất rừng, người chú kết thúc hợp đồng. Cường hợp đồng thuê mảnh đất đang trồng cây với lâm trường với giá 1 triệu đồng/1ha. Nửa ha còn lại của người em. Ngoài trồng quýt, Cường lại thử thời vận lần nữa bằng cách trồng 200 gốc vú sữa bơ xen canh. Mùa đầu thu 40-50 triệu đồng. Vụ 2013 được 60 triệu đồng. Vú sữa trồng 2 năm cho trái chín, lẹ hơn quýt. Vợ chồng Cường lấy ngắn nuôi dài bằng đu đủ cùng một số rau cải…

Mong “đất cũ đãi người mới”

“Mùi” vú sữa bơ từ trang trại nhà anh Cường đã kéo theo nhiều người muốn tìm hiểu, lập nghiệp. Đầu tiên phải kể đến là ông Phan Trung Ái (62 tuổi) chở sản phẩm dao kéo nổi tiếng quê mình (Lấp Vò, Đồng Tháp) trên xuồng xuống rừng bán.

Thấy nghề bán dao kéo dạo cực, không “bén” bằng làm vườn như Cường, ông xin “thọ giáo” Cường. Đến giờ ông sống khỏe với vườn cây trái trên 700m bờ bao. Từ đó, “tiếng lành đồn xa”, người tứ xứ giao thương xứ U Minh thấy chuyện làm vườn khỏe, có ăn hơn, tụm lại thành “xóm chuyển canh” với 14 hộ.

Sản phẩm thu hoạch bán tại Cà Mau không hết, phải nhờ lái đóng thùng, chở vỏ lãi ra xe tải đưa về Cần Thơ, Hậu Giang, Long Xuyên bán. Tuy “chở củi về rừng” nhưng lợi thế của trái cây đất phèn là chất lượng hơn hẳn trái cây vùng đất phù sa, nhờ lá cây mục thành phân, dù mẫu mã không đẹp bằng…

Cái khó đối với anh Cường và những người dân ở đây chính là vấn đề đất đai. Bởi bờ bao lâm trường muốn trồng cây phải hợp đồng với lâm trường. Ban đầu hợp đồng rất “phiêu” chỉ 1 năm. Hết hạn, hợp đồng tiếp. Rồi hợp đồng được nâng lên 2 năm.

Xưa kia, cá đồng dưới kinh là nguồn thực phẩm không tốn tiền của các hộ chuyên canh cây ăn trái nơi đây. Nhưng từ nhiều năm nay, muốn ăn cá dưới kinh phải mua, vì lâm trường đã cho người khác thuê mặt nước nuôi cá. Cái khó của con cá đồng không bằng cái khó từ hợp đồng.

Nhận thấy cây ăn trái từ khi xuống giống đến thu hoạch phải mất 4 năm sinh trưởng, 14 hộ dân nơi đây kêu cứu và được lâm trường kéo dài hợp đồng lên 5 năm. Chỉ đủ thời gian thu hoạch cho một đợt cây trồng. Đây là điều khó cho tất cả các hộ thuê đất bờ bao lâm trường làm kinh tế…

Năm nay Cường 40 tuổi, trong đó 16 năm sống với đất rừng, tích lũy được 1 vỏ lãi tưới cây, 1 vỏ lãi chở đu đủ cùng một số hoa màu lặt vặt đi bán. Con trai học lớp 8 tại xã Khánh Hòa, con gái học lớp 12 ở thị trấn U Minh. Tài sản lớn nhất của anh là 1ha đất ở khu vực khác của lâm trường, mua theo diện giao đất giao rừng, hồi năm 2006 với 10 cây vàng.

Mảnh đất đang được Cường cuốc xử lý phèn, khoảng 1-2 năm nữa sẽ trồng cây ăn trái. Đất rừng và nước kinh đã thành máu thịt của Cường.

“Tôi yêu nó lắm, muốn cùng nó làm nên một miệt vườn xán lạn giữa nơi hiu quạnh nầy. Tôi muốn dòng nước xương xáo kia sẽ bồi đắp chất ngọt cho cuộc đời mình và các bạn đồng cảnh ngộ trong một tương lai lâu dài - 10 năm hoặc 50 năm hợp đồng thuê đất cùng thuê mặt nước nuôi cá với lâm trường” – anh Cường bộc bạch.

Đó là cái được đầy phấn khởi của Cường và bà con. Lâm trường cũng được lớn vì đất bờ bao trồng cây ăn trái của lâm trường sẽ được phủ kín, và lâm trường được họ giữ rừng không bị chặt phá trộm, phòng chống cháy, an ninh trật tự… cùng số tiền cho thuê đất sẽ rất “khổng lồ”.

Cường cùng các hộ làm vườn đều mong cảnh “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” không còn nữa, ước ao lớn nhất là “đất cũ đãi người mới” và U Minh Hạ sẽ là quê hương thứ hai của họ đến cuối đời.

   Với sự cần cù, dám nghĩ dám trồng cây ăn trái trên vùng đất rửa mặn vùng U Minh Hạ, năm 2010, Trần Văn Cường được UBND huyện U Minh tặng giấy khen “Nông dân sản xuất giỏi”. Cũng với danh hiệu này, Cường được UBND tỉnh Cà Mau tặng bằng khen năm 2012. 
 

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập812
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại757,396
  • Tổng lượt truy cập93,135,060
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây