Học tập đạo đức HCM

Về Quảng Chính học cách làm giàu

Chủ nhật - 14/04/2013 20:36
Vốn là những nông dân chân lấm, tay bùn, nhưng từ khi được sự quan tâm đầu tư, tạo điều kiện của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, cuộc sống của nhiều hộ gia đình ở xã Quảng Chính (huyện Hải Hà) đã thực sự đổi thay. Không ít người đã trở thành những “vua” trong phát triển kinh tế.

Đầu tư mạnh cho phát triển sản xuất

Mới đây, chúng tôi có dịp về xã Quảng Chính (huyện Hải Hà) để tìm hiểu về những mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp của xã. Trên đường đi, đồng chí cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Hải Hà nhận xét: Vốn là một xã khó khăn, thế nhưng thời gian gần đây, bằng các giải pháp đột phá, nên Quảng Chính ngày càng có nhiều những hộ điển hình tiên tiến. Hiện nay, ở xã này đã xuất hiện ngày càng nhiều “vua” về kinh tế như “vua ổi”, “vua mía”... Khoát tay chỉ về những cánh đồng mía mênh mông, đồng chí cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện uỷ khẳng định: Từ mô hình cây mía tím này, nhiều hộ trong xã đã trở thành triệu phú, tỷ phú đấy nhà báo ạ.

Chúng tôi đến trụ sở UBND xã Quảng Chính, đúng lúc đồng chí Đinh Hữu Phượng, Chủ tịch UBND xã đang giải quyết thủ tục cho một doanh nghiệp vận tải đến địa bàn thu mua mía. Tiễn khách doanh nghiệp xong, đồng chí Chủ tịch UBND xã trò chuyện với chúng tôi. Anh cho biết: Xã Quảng Chính có 1.957 hộ với 6.527 nhân khẩu sinh sống trong 10 thôn. Từ lâu, đời sống và thu nhập của nhân dân trên địa bàn chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, các ngành nghề kinh doanh khác như dịch vụ, thương mại chỉ chiếm một phần nhỏ. Tuy diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn rộng, nhưng nhiều năm trước, do trình độ canh tác lạc hậu dẫn đến các mô hình sản xuất của bà con vẫn còn manh mún, chủ yếu theo hướng tự cung, tự cấp, rất ít gia đình chăn nuôi, trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hoá. Thực tế ấy khiến cho kinh tế của xã chậm phát triển, số hộ nghèo và cận nghèo luôn rất cao.

Sự đổi thay mạnh mẽ, toàn diện nhất của Quảng Chính chỉ bắt đầu khi triển khai chương trình xây dựng NTM trên địa bàn. Để chương trình này thực sự đi sâu vào cuộc sống và tạo sức lan toả sâu rộng, ngay từ khi bắt đầu thực hiện, Đảng uỷ, UBND xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các thôn tăng cường tuyên truyền rộng rãi đến quần chúng nhân dân trong xã về ý nghĩa và tầm quan trọng của đề án xây dựng NTM bằng những việc làm cụ thể, tạo nền tảng cho những năm tiếp theo. Trong phát triển kinh tế, xã chỉ đạo xây dựng được nhiều mô hình trang trại, gia trại, xây dựng cánh đồng có giá trị từ 50 triệu đồng/ha/năm trở lên; xây dựng các mô hình giúp nhau phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, kinh doanh làm giàu hợp pháp. Đặc biệt là xã chú trọng việc quy hoạch mô hình trồng mía tím nhân rộng trên toàn xã. Đến nay, trên địa bàn xã có 110ha mía tím cho thu nhập từ 270 đến 320 triệu đồng/năm và mô hình rau sạch tại thôn 2 có thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/ha/năm. Cùng với đó, nhằm huy động sự vào cuộc của toàn xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, xã chủ động vận động nhân dân cùng nhà nước đóng góp nhân lực, vật lực, hiến đất làm đường liên thôn và các công trình hạ tầng trên địa bàn theo lộ trình và đảm bảo theo tiêu chí nông thôn mới. Hiện nay, các công trình thuỷ lợi của xã đã được đầu tư cứng hoá. Chỉ tính riêng trong năm 2012, xã đã đầu tư 18 tỷ đồng cứng hoá mương nội đồng tại thôn 2, thôn 5 và thôn 6, nâng tổng số mương nội đồng được cứng hoá trên 70%, đảm bảo nước tưới cho toàn bộ diện tích cây trồng... Xã đã tập trung chỉ đạo làm tốt công tác giảm hộ nghèo. Hiện tại, số hộ nghèo của xã là 109 hộ, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 5,65%. Từ năm 2010 đến nay, trên toàn xã không còn nhà tạm và nhà dột nát. Số hộ có thu nhập cao trong năm 2012 tăng đáng kể do mạnh dạn đầu tư vào sản xuất và kinh doanh dịch vụ.

...và “vua mía” Phạm Quang Kiềm bên ao nuôi cá nước ngọt của gia đình.
...và “vua mía” Phạm Quang Kiềm bên ao nuôi cá nước ngọt của gia đình.

Những “ông vua” chân đất

Trò chuyện với chúng tôi một hồi, đồng chí Đinh Hữu Phượng đặt vấn đề “Trăm nghe không bằng mắt thấy, bây giờ mời nhà báo xuống các thôn để nghe bà con nói, xem bà con làm là thực tế hơn cả”.

Hơn chục phút sau, chúng tôi đã có mặt tại thôn 1 của xã. Nhìn những ngôi nhà cao tầng, những biệt thự nhỏ mới xây trong thôn, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng. Trên cánh đồng, bà con nông dân đang hớn hở thu hoạch mía tím rồi chuyển lên xe tải để mang đi tiêu thụ. Gương mặt người nào, người nấy đều rạng ngời. Đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết, trong các thôn của Quảng Chính, đây là thôn có nhiều gia đình giàu có nhất xã nhờ việc chuyển đổi thành công các mô hình kinh tế hiệu quả. Gia đình đầu tiên chúng tôi đến là hộ anh Phạm Quang Kiềm, được mệnh danh là một trong những “vua mía” của thôn. Đang cho cá ăn, thấy cán bộ đến nhà, anh Kiềm liền dừng tay rồi về nhà pha nước mời khách. Qua câu chuyện của anh Kiềm, tôi hiểu rằng để có được danh hiệu “vua mía” như ngày hôm nay, vợ chồng anh đã phải trải qua nhiều thăng trầm, khốn khó. Quê ở huyện Thuỷ Nguyên (TP Hải Phòng), hơn 20 năm trước, gia đình anh Kiềm ra đây theo diện xây dựng kinh tế mới. Sau bao năm khai hoang, phục hoá, đến nay anh đã có hàng chục sào đất để canh tác nông nghiệp. Nghề trồng mía tím đã có ở địa phương này từ lâu, nhưng hầu hết là trồng nhỏ lẻ, thu nhập không cao. Như bao gia đình khác làm nghề trồng mía, anh Kiềm cũng chỉ trồng một vài sào vừa để ăn vừa để bán cho tiểu thương trong chợ Hải Hà. Tất cả sự đổi thay về trồng mía chỉ thực sự bắt đầu cách đây vài năm khi huyện đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Cùng với việc đầu tư hạ tầng cho địa phương, huyện và xã đã chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ một cách hiệu quả hơn, trong đó, trọng tâm là khôi phục, phát triển nghề trồng mía tím. Đồng đất sẵn có, anh Kiềm vay mượn thêm tiền đầu tư trên 20 sào mía. Ngay trong vụ đầu tiên, anh thu về gần 300 triệu đồng. Liên tiếp từ đó đến nay, năm nào anh Kiềm cũng thu từ mía gần 300 triệu đồng và trở thành một trong những “vua mía” của xã. Không những thế, gia đình anh có một số diện tích đất trũng, vốn trồng cấy kém hiệu quả, nghe theo sự vận động của xã chuyển đổi sang nuôi cá nước ngọt. Hiện nay, mỗi năm gia đình anh Kiềm thu từ nuôi cá trên 50 triệu đồng/năm. Trước khi chia tay chúng tôi, anh Kiềm cho biết “Nghề làm nông nghiệp thì phải cần cù, nhưng quan trong hơn vẫn là sự định hướng của lãnh đạo địa phương. Việc chuyển đổi mô hình trồng mía tím đã khẳng định được tính đúng đắn trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương chúng tôi”. 

Chia tay “vua mía”, chúng tôi đến thăm gia đình “vua ổi” Hoàng Văn Điện, cùng ở thôn 1. Anh Điện vừa cùng vợ chăm sóc vườn ổi, vừa phấn khởi khoe với chúng tôi “Bây giờ ổi của gia đình em đã “đánh bại” được ổi nhập khẩu từ nước ngoài về chất lượng và giá cả rồi đấy!”. Trong căn nhà khang trang, anh Điện kể cho chúng tôi nghe căn duyên của mình đến với nghề trồng ổi. Càng nghe, tôi càng thấy khâm phục trước nghị lực của người thanh niên trẻ này. Anh Điện vốn không phải người địa phương mà quê ở tận huyện Tứ Kỳ (Hải Dương). Trước đây, anh từng là bộ đội đóng quân ở Hải Hà, nên có dịp qua lại xã Quảng Chính nhiều lần. Xuất ngũ về quê được vài năm mà vẫn không có việc làm ổn định, đang lúc khó khăn thì tình cờ gặp lại người bạn quê ở Hải Hà. Qua câu chuyện, anh biết được ở Quảng Chính có người đang cần bán 2,6ha đất với giá hơn chục triệu đồng. Từng am hiểu về vùng đất này, anh Điện nghĩ nếu biết đầu tư hiệu quả thì sẽ khá lên rất nhanh. Nghĩ là làm, anh Điện vay mượn tiền của họ hàng ra mua mảnh đất ấy. Tưởng đơn giản, nhưng khi mua được đất rồi, anh Điện cũng mất khá nhiều thời gian loay hoay với việc canh tác trên mảnh đất này. Bởi thời điểm ấy, chưa hề có gia đình nào xây dựng được quy mô trang trại theo hướng sản xuất hàng hoá, nên không thể học ai được để mà áp dụng. Không nản lòng, trong một lần về huyện Đông Triều thăm người bạn, anh thấy được cây na dai đang mang lại hiệu quả kinh tế, thế là anh bàn với gia đình mua 500 cây giống về trồng thử nghiệm. Kết quả thành công mỹ mãn. Mỗi năm từ vườn na, anh thu gần 100 triệu đồng. Đang kể vui, chợt anh Điện dừng lại hỏi chúng tôi: Các bác có biết em đến với cây ổi trong tình huống nào không? Rồi anh Điện kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện anh trồng ổi. Một chiều cuối năm 2008, khi ấy vợ anh mới sinh con được 5 tháng. Vợ anh bảo thèm ăn ổi, thế là anh phóng xe máy lên chợ huyện mua cho vợ 2 cân ổi nhập khẩu từ Trung Quốc. Tối hôm ấy, thấy vợ ăn ổi một cách ngon lành, anh Điện nghĩ nếu mình trồng được loại cây này thì sẽ cho giá trị kinh tế cao lắm. Ngay ngày hôm sau, anh đã tra cứu các loại tài liệu liên quan đến loại cây này và tìm cách mua một số cây giống về trồng thử. Cây và đất không phụ lòng người, anh Điện đã thử nghiệm thành công giống ổi bo nhập về. Từ đó đến nay, anh đã phát triển vườn ổi của mình lên tới trên 1.000 gốc với thu nhập mỗi năm gần 200 triệu đồng. Không những thế, từ diện tích đất mua được, anh Điện còn đầu tư phát triển trang trại nuôi lợn rừng, nuôi gà và nuôi cá nước ngọt, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Chính từ việc lai tạo thành công giống ổi bo và phát triển thành mô hình trang trại, nên bà con trong xã đều gọi vui anh là “vua ổi” của xã.

Tạm biệt các gia đình “vua mía”, “vua ổi” ở Quảng Chính, nhìn những chiếc xe nối đuôi nhau chở mía mang đi tiêu thụ, những nông dân phấn khởi đếm tiền bán mía với nụ cười rạng rỡ, chúng tôi cũng vui lây và tin rằng lần sau quay lại, Quảng Chính sẽ có thêm nhiều “vua” khác nữa.

Quang Minh
theo baoquangninh

 

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập356
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm355
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại877,781
  • Tổng lượt truy cập92,051,510
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây