Học tập đạo đức HCM

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2013

Thứ hai - 02/09/2013 20:19
(Chinhphu.vn) - 4 trường hợp được gia hạn nộp thuế; tăng lương hưu, trợ cấp cho cán bộ xã nghỉ việc; hỗ trợ gạo học sinh khu vực đặc biệt khó khăn; bổ sung 3 đối tượng được miễn học phí; chính sách trợ cấp đột xuất gia đình hạ sĩ quan CAND... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2013.

4 trường hợp được gia hạn nộp thuế

 

Theo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế có hiệu lực từ 15/9/2013, việc gia hạn nộp thuế được xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế theo một trong 4 trường hợp.

Thứ nhất, bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ.  Thiệt hại vật chất là những tổn thất về tài sản của người nộp thuế, tính được bằng tiền như: Máy móc, thiết bị, phương tiện, vật tư, hàng hoá, nhà xưởng, trụ sở làm việc, tiền, các giấy tờ có giá trị như tiền. Trong trường hợp này, thời gian gia hạn nộp thuế tối đa không quá 2 năm, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế Thứ hai, phải ngừng hoạt động do di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh.Thứ ba, chưa được thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã được ghi trong dự toán ngân sách nhà nước.Thứ tư, không có khả năng nộp thuế đúng hạn trong trường hợp nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu có chù kỳ sản xuất, dự trữ dài hơn 275 ngày; các trường hợp gặp khó khăn đặc biệt khác.Trong 3 trường hợp còn lại, thời gian gia hạn nộp thuế tối đa không quá 1 năm, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.

Tăng lương hưu, trợ cấp cho cán bộ xã đã nghỉ việc

 

Theo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc, điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng đối với 7 nhóm đối tượng sau:

Thứ nhất, cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định số41/2009/QĐ-TTg); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.

Thứ hai, cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP của Chính phủ đang hưởng lương hưu và trợ cấp hằng tháng.

Thứ ba, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg, Quyết định số 613/QĐ-TTg; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Thứ tư, cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 130/CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng.

Thứ năm, quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ sáu, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ bảy, quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.Các nhóm đối tượng nêu trên được tăng thêm 9,6% lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng từ 1/7/2013.Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2013.

Hỗ trợ gạo cho học sinh khu vực đặc biệt khó khăn

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ 1/9/2013, hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Đối tượng được hỗ trợ gồm: Học sinh tiểu học và trung học cơ sở đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú; học sinh bán trú đang học tại các trường tiểu học và trung học cơ sở công lập ở khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; Học sinh là người dân tộc thiểu số có bố, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp có hộ khẩu thường trú tại xã, thôn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, không hưởng chế độ nội trú, có nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày đang học tại các trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học công lập. Các học sinh trên được hỗ trợ 15kg gạo/1 tháng/học sinh và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.

 

Nguồn gạo hỗ trợ từ nguồn gạo dự trữ quốc gia.

 

Bổ sung 3 đối tượng được miễn học phí

Chính phủ ban hành Nghị định 74/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015, trong đó, bổ sung 3 đối tượng được miễn học phí.

Theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP, các đối tượng được miễn học phí gồm: Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Nhà nước; trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông là con của hạ sĩ quan và binh sĩ, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân; học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, khoa dự bị đại học;...

Ngoài các đối tượng nêu trên, Nghị định 74/2013/NĐ-CP bổ sung 3 đối tượng được miễn học phí gồm: 1- Sinh viên học chuyên ngành Mác - Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; 2- Học sinh, sinh viên, học viên các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y và Giải phẫu bệnh; 3- Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2013.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Miễn học phí đối với học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn - Ảnh minh họa 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chính sách trợ cấp đột xuất gia đình hạ sĩ quan CAND

Theo Nghị định quy định chế độ, chính sách trợ cấp khó khăn đột xuất, miễn học phí đối với gia đình, thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong Công an nhân nhân có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/9/2013, gia đình và thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ được trợ cấp khó khăn đột xuất trong trường hợp gia đình hạ sĩ quan, chiến sĩ gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến bị sập nhà, trôi nhà, cháy nhà hoặc phải di dời chỗ ở được trợ cấp 2.000.000 đồng/suất/lần.

Bên cạnh đó, bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, chiến sĩ bị ốm đau từ 1 tháng trở lên hoặc điều trị 1 lần tại bệnh viện từ 7 ngày trở lên sẽ được trợ cấp 500.000 đồng/suất/lần.

Hai chế độ trợ cấp trên được thực hiện không quá 2 lần trong 1 năm với một đối tượng.Ngoài ra, bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, chiến sĩ bị từ trần, mất tích thì được trợ cấp 1.000.000 đồng/suất.Nghị định cũng quy định, con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, chiến sĩ được miễn học phí khi học ở các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, ngoài công lập theo quy định.

Người nhập cảnh được mua hàng miễn thuế

Theo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế về kinh doanh bán hàng miễn thuế ban hành kèm theo Quyết định 24/2009/QĐ-TTgngười nhập cảnh ngay sau khi hoàn thành thủ tục nhập cảnh được mua hàng miễn thuế ngay tại cửa khẩu quốc tế sân bay nhập cảnh; không được mua hàng miễn thuế sau khi đã ra khỏi khu vực quản lý, kiểm tra, kiểm soát của cơ quan Hải quan tại cửa khẩu quốc tế sân bay nhập cảnh.

Người nhập cảnh khi mua hàng miễn thuế phải xuất trình hộ chiếu có đóng dấu nhập cảnh, thẻ lên tàu bay -Boarding pass. Cửa hàng miễn thuế phải sao chụp lưu một trong những chứng từ này.Người nhập cảnh được mua hàng miễn thuế theo định mức hành lý miễn thuế quy định tại Nghị định số66/2002/NĐ-CP ngày 1/7/2002 của Chính phủ quy định về định mức hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh và quà biếu, tặng nhập khẩu được miễn thuế.Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2013.

9 nhóm đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập

Theo Nghị định về minh bạch tài sản, thu nhập có hiệu lực từ ngày 5/9/2013, có 9 nhóm đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập gồm: Một là, Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, người được dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Hai là, cán bộ, công chức từ Phó trưởng phòng của UBND cấp huyện trở lên và người được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Ba là, sĩ quan chỉ huy từ cấp Phó tiểu đoàn trưởng, người hưởng phụ cấp chức vụ tương đương phó tiểu đoàn trưởng trở lên trong Quân đội nhân dân; sĩ quan chỉ huy từ cấp Phó tiểu đoàn trưởng, Phó trưởng công an phường, thị trấn, Phó đội trưởng trở lên trong Công an nhân dân.

Bốn là, người giữ chức vụ tương đương Phó trưởng phòng trở lên tại bệnh viện, viện nghiên cứu, cơ quan báo, tạp chí, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

Năm là, Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, người giữ chức vụ tương đương Phó trưởng phòng trở lên trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề của Nhà nước.

Sáu là, thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát, kiểm soát viên, người giữ chức danh quản lý tương đương từ Phó trưởng phòng trở lên trong doanh nghiệp Nhà nước, người là đại diện phần vốn của Nhà nước, phần vốn của doanh nghiệp Nhà nước và giữ chức danh quản lý từ Phó trưởng phòng trở lên trong doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước, của doanh nghiệp nNà nước.

Bảy là, Bí thư, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, ủy viên UBND xã, phường, thị trấn; Trưởng công an, chỉ huy trưởng quân sự, cán bộ địa chính, xây dựng, tài chính, tư pháp-hộ tịch xã, phường, thị trấn.

Tám là, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm tra viên, thẩm phán, thư ký toà án, kiểm toán viên Nhà nước, thanh tra viên, chấp hành viên, công chứng viên Nhà nước.

Chín là, người không giữ chức vụ quản lý trong các cơ quan Nhà nước, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong các lĩnh vực theo quy định như tổ chức cán bộ, tài chính, ngân hàng, công thương, xây dựng, giao thông, y tế...

Quy định 5 hình thức đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp

Chính phủ đã ban hành Nghị định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó quy định 5 hình thức đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp.Nghị định nêu rõ, doanh nghiệp được quyền sử dụng tài sản thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp đã được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.

5 hình thức đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp gồm: 1- Góp vốn, mua cổ phần để thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, góp vốn hợp đồng hợp tác kinh doanh không hình thành pháp nhân mới; 2- Mua cổ phần hoặc góp vốn tại các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh đang hoạt động; 3- Mua lại một doanh nghiệp khác để hình thành một pháp nhân mới; 4- Mua công trái, trái phiếu để hưởng lãi; 5- Các hình thức đầu tư khác ra ngoài doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.Việc đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp phải đảm bảo nguyên tắc doanh nghiệp không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ những doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là lĩnh vực bất động sản), không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, Quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Doanh nghiệp đã góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực quy định nêu trên không thuộc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư phải có phương án cơ cấu lại và thực hiện thoái hết số vốn đã đầu tư theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/9/2013.

Quy định phát triển, quản lý nhà tái định cư

 

Theo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở tái định cư có hiệu lực từ ngày 30/9/2013, hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án xây dựng công trình sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt có nhu cầu mua nhà ở tái định cư thì được mua nhà ở tái định cư.

Giá bán nhà ở tái định cư được thực hiện theo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của từng dự án, quy định của pháp luật về bồi thường, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, trong giá bán căn hộ nhà chung cư phải bao gồm kinh phí bảo trì phần sở hữu chung bằng 2% tiền bán căn hộ nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở. Trường hợp các hộ gia đình, cá nhân được cấp có thẩm quyền quyết định giao đất đã xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật để làm nhà ở thì các hộ gia đình, cá nhân này phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định.Nghị định cũng nêu rõ, việc bán nhà ở tái định cư được thực hiện thông qua hợp đồng theo các nội dung và mẫu hợp đồng bán nhà ở thương mại do Bộ Xây dựng quy định.

Quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước

Theo Nghị định quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, yêu cầu giải trình được thực hiện bằng văn bản hoặc trực tiếp tại cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải trình. Yêu cầu giải trình được tiếp nhận và vào sổ. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận yêu cầu, người giải trình phải thông báo cho người yêu cầu về việc tiếp nhận hoặc từ chối và nêu rõ lý do.Trường hợp yêu cầu giải trình không thuộc trách nhiệm thì hướng dẫn người yêu cầu gửi đến đúng cơ quan có trách nhiệm giải trình. Trường hợp nội dung yêu cầu đã được giải trình nhưng có người khác yêu cầu giải trình thì cung cấp bản sao văn bản đã giải trình cho người đó. Nghị định có hiệu lực từ ngày 30/9/2013.

Dịch vụ trò chơi điện tử công cộng phải cách trường học từ 200m

Chính phủ ban hành Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó quy định điều kiện hoạt động của điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.Theo đó, tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi đáp ứng các điều kiện như: Có đăng ký kinh doanh điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng; địa điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng cách cổng trường tiểu học, trung học phổ thông từ 200 m trở lên.Đồng thời, phải có biển hiệu "Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng" bao gồm tên điểm, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, số đăng ký kinh doanh.Ngoài ra, tổng diện tích các phòng máy của điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng tối thiểu 50 m2 tại các khu vực đô thị đặc biệt, đô thị loại I, loại III; tối thiểu 40 m2 tại các đô thị loại IV, loại V; tối thiểu 30 m2  tại các khu vực khác...

Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/9/2013.

Phạt tới 200 triệu đồng vi phạm về đo lường

Theo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa có hiệu lực từ ngày 15/9/2013, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường đối với cá nhân là 100 triệu đồng, đối với tổ chức là 200 triệu đồng; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với cá nhân là 150 triệu đồng, đối với tổ chức là 300 triệu đồng, trừ một số trường hợp khác.Nghị định nêu rõ, phạt tiền từ 4-8 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong sản xuất hoặc nhập khẩu hàng đóng gói sẵn: Không ghi lượng của hàng đóng gói sẵn trên nhãn hàng hóa hoặc ghi không đúng quy định; lượng của hàng đóng gói sẵn không phù hợp với thông tin ghi trên nhãn hàng hóa, tài liệu đi kèm, hoặc không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường do tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu công bố.

Còn hành vi buôn bán hàng đóng gói sẵn không ghi lượng trên nhãn hàng hóa hoặc ghi không đúng quy định; buôn bán hàng đóng gói sẵn có lượng không phù hợp với thông tin ghi trên nhãn hàng hóa, tài liệu đi kèm... thì bị phạt mức thấp hơn, từ 2-4 triệu đồng.

Phổ biến thông tin thống kê sai- Phạt đến 30 triệu đồng

Theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê, mức phạt tiền thấp nhất là 300.000 đồng và cao nhất là 30 triệu đồng.Nghị định quy định rõ, mức phạt tiền cao nhất là từ trên 20-30 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi phổ biến thông tin thống kê sai sự thật.Mức phạt này cũng được áp dụng đối với hành vi tiết lộ thông tin thống kê gắn với tên, địa chỉ cụ thể của từng cá nhân, tổ chức khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức đó.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ 5/9/2013.

Quy định kinh doanh trò chơi có thưởng dành cho người nước ngoài

Theo Nghị định về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài có hiệu lực từ 1/10/2013, đối tượng được phép chơi tại các điểm kinh doanh gồm: Người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, giấy thông hành còn giá trị và nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam. Các đối tượng nêu trên phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam và tự nguyện chấp hành Thể lệ trò chơi và các quy định tại Nghị định này.Doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng chỉ được phép tổ chức các trò chơi điện tử có thưởng tại một điểm kinh doanh duy nhất được ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.Số lượng máy trò chơi điện tử có thưởng được quy định cụ thể trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh căn cứ vào tổng số buồng lưu trú tại cơ sở lưu trú với tỷ lệ 5 buồng lưu trú thì doanh nghiệp được phép kinh doanh tối đa không quá 1 máy trò chơi điện tử có thưởng.

Tất cả các trò chơi điện tử có thưởng khi đưa vào kinh doanh, doanh nghiệp phải xây dựng Thể lệ trò chơi phù hợp với cách thức chơi, tỷ lệ trả thưởng, thiết kế riêng của từng loại máy và gửi Bộ Tài chính, Sở Tài chính, Cục Thuế địa phương để theo dõi.

2 chế độ nâng bậc lương trước thời hạn

Theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ áp dụng từ ngày 15/9/2013, chế độ nâng bậc lương trước thời hạn được áp dụng đối với 2 trường hợp: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ; và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã có thông báo nghỉ hưu.

Bộ Nội vụ cũng ban hành Thông tư 08/2013/TT-BNV hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, được áp dụng từ 15/9/2013. Theo đó, về chế độ nâng bậc lương thường xuyên, đối với chuyên gia cao cấp, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong bảng lương chuyên gia cao cấp thì sau 5 năm (đủ 60 tháng) giữ bậc lương trong bảng lương chuyên gia cao cấp thì được xét nâng một bậc lương. Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc chức danh, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương. Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống và nhân viên thừa hành, phục vụ, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.

Bộ Nội vụ cũng quy định rõ các trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng lương thường xuyên gồm: thời gian nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động; thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng bảo hiểm xã hội cộng dồn từ 6 tháng trở xuống (trong thời gian giữ bậc).

 

Điều chỉnh thuế một số mặt hàng nhập khẩu ưu đãi

 

Đây là nội dung Thông tư 107/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thuộc nhóm 2707, 2902 và 3902 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, được áp dụng từ 26/9/2013.

Cụ thể, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của mặt hàng Benzen (mã 2707.10.00), Xylen (mã 2707.30.00) thuộc nhóm dầu và các sản phẩm khác từ chưng cất hắc ín than đá ở nhiệt độ cao, các sản phẩm tương tự có khối lượng cấu tử thơm lớn hơn cấu tử không thơm; mặt hàng Benzen (2902.20.00), p-Xylen (mã 2902.43.00) thuộc nhóm Hydrocacbon mạch vòng đều đang được áp thuế nhập khẩu 0% sẽ được điều chỉnh thành 1% năm 2013, 2% năm 2014 và 2015. Từ năm 2016 trở đi, các mặt hàng này chịu thuế suất 3%.

Với mặt hàng Polypropylen dạng phân tán (mã 3902.10.30) và loại khác (mã 3902.10.90) thuộc nhóm Polyme từ propylen hoặc từ các olefin khác, dạng nguyên sinh sẽ tiếp tục được áp thuế nhập khẩu 0% trong năm 2013. Mức thuế suất thuế nhập khẩu 2 mặt hàng này sẽ tăng lên 1% năm 2014, 2% năm 2015 và 3% từ năm 2016 trở đi.

Quy định sử dụng Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm

Theo Thông tư số 101/2013/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được sử dụng để trả tiền bảo hiểm, giá trị hoàn lại; trả tiền bồi thường bảo hiểm; hoàn phí bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài mất khả năng thanh toán, doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản.

Thông tư nêu rõ, Quỹ chỉ chi trả đối với hợp đồng bảo hiểm gốc và chi trả một lần đối với mỗi hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm, giá trị hoàn lại; trả tiền bồi thường bảo hiểm; hoàn phí bảo hiểm.

Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, Quỹ chi trả tối đa 90% mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, nhưng không quá 200 triệu đồng/người được bảo hiểm/hợp đồng. Đối với hợp đồng bảo hiểm thuộc các nghiệp vụ bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật, Quỹ chi trả tối đa 80% mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2013.

 

Hoàng Diên
chinhphu.vn


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập367
  • Hôm nay61,079
  • Tháng hiện tại720,406
  • Tổng lượt truy cập93,098,070
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây