Học tập đạo đức HCM

Hà Tĩnh – Đi mô cũng nhớ về

Thứ sáu - 17/08/2012 22:33
Hà Tĩnh bao đời nay vốn nổi tiếng là mảnh đất đầy nắng lửa mưa chan. Dải đất vồng lên bởi những nỗ lực chinh phục thiên nhiên của con người ấy lại chính là quê hương của những bậc anh tài hào kiệt của đất nước. Và cũng chính tâm tình từ sâu thẳm sông núi ấy đã trở thành chất liệu, hình tượng đẹp cho thơ ca, nhạc, họa khiến bất kỳ ai sau mỗi lần đặt chân đến đều vương vấn tâm tư. Bên cạnh đó, ngày nay trong xu thế hội nhập mới, với sức vươn mạnh mẽ, Hà Tĩnh cũng mang đến sự hấp dẫn đặc biệt cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Hà Tĩnh xuất hiện trong lịch sử từ khá sớm, những di khảo cổ học cho thấy các quần cư của người Việt cổ đã tồn tại cách đây hàng ngàn năm. Theo nhà địa phương học Thái Kim Đỉnh thì: “Từ bờ Nam rào Cả đến mái bắc rú Ngang từ thuở vua Hùng dựng nước, Hà Tĩnh vốn là nơi cùng trời cuối đất”.

Hà Tĩnh – Đi mô cũng nhớ về

Núi Hồng - Sông Lam thơ mộng. Ảnh Internet

Với sự ưu ái đặc biệt của thiên nhiên: “Gẫm ra trời đất sắp bày/ Lần ra phong thổ xưa nay khác thường” và sự nỗ lực của bao thế hệ người dân bản địa lẫn những cư dân nơi khác phiêu dạt đến chốn này, Hà Tĩnh đã dần dần trở thành một địa lý hành chính quan trọng của đất nước.

Nằm trên dải đất hẹp của miền Trung nắng gió thuộc vùng Bắc Trung bộ, Hà Tĩnh có thiên nhiên không mấy thuận lợi. Tuy nhiên, địa hình phía Bắc giáp Nghệ An, phía Nam giáp Quảng Bình, phía Tây giáp Lào, phía Đông giáp biển Đông với bờ biển dài 137km với đủ các vùng đồi núi, trung du, đồng bằng, biển và 14 con sông lớn nhỏ cùng nhiều ngòi và hồ nước cũng đã tạo cho Hà Tĩnh những cảnh quan và ưu thế nhất định trong phát triển kinh tế.

Cùng với 2 tỉnh Nghệ An và Quảng Bình, Hà Tĩnh đã kiên cường, vững vàng đi qua nhiều thời kỳ lịch sử của đất nước. Đặc biệt Hà Tĩnh còn nổi tiếng với trầm tích văn hóa nhiều vỉa tầng minh chứng cho sự phát triển đời sống tinh thần của cư dân bản xứ.

Từ thuở hồng hoang con người đã biết mang tơi, đội nón, biết tạo ra cái cuốc, cái cày để khai khẩn đất hoang, chinh phục biển lớn, để lập xóm mở làng. Không đễ gì mà Hà Tĩnh có một dải Hồng Lĩnh với 99 ngọn được khắc vào Bách khoa thư cửu đỉnh hiện đang đặt tại cố đô Huế cùng sông Ngàn Phố, sông Ngàn Sâu và sông La, sông Lam là nguồn cảm hứng cho các thế hệ thi nhân, nhạc sĩ muôn đời nay. Hơn thế nữa, núi Hồng – sông La và sông Lam từ lâu đã trở thành 1 biểu tượng của Hà Tĩnh, là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nổi tiếng: “Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh. Nhớ núi Hồng Lĩnh, nhớ dòng sông La…” (Nguyễn Văn Tý), “Nếu không có sông Lam/ Núi Hồng buồn biết mấy/ Núi Hồng không đứng đấy/ Sông Lam xanh cũng thừa…” (Xuân Hoài), “Quê mình ai ơi. Hà Tĩnh quê thơ. Sông La núi Hồng quấn quýt bên nhau. Hèn chi cò trắng phải lòng ca dao…” (An Thuyên) v.v….

Từ trong lao động, con người nơi đây đã biết hát ca, chính họ là chủ nhân khai sinh ra những điệu ví, câu giặm trong trẻo, trầm lắng, khoan thai, lạc quan, yêu đời. Còn tồn tại đến ngày nay là làng hát ca trù Cổ Đạm, chèo Kiều Xuân Liên, hát ví phường vải Trương Lưu, hò ví giặm Đan Du, Phong Phú... Nhiều làng nền nếp, phong lưu có nhiều lễ hội, hương ước, phong tục như: Kim Chùy, Hội Thống, Đan Trường, Kim Đôi, Phù Lưu Thượng...

Các làng truyền thống với những giọng hò nổi tiếng quanh núi Hồng Lĩnh, ven dòng sông Lam, sông La, sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố đã để lại nhiều thơ văn và trước tác. Từ ngọn nguồn sâu lắng đó mà Hà Tĩnh tự hào có một Nguyễn Du sừng sững với tuyệt tác Truyện Kiều lưu danh hậu thế, có một Nguyễn Công Trứ khí phách, hiên ngang như bóng tùng trên đỉnh Hồng Sơn và biết bao nhân tài, anh hùng hào kiệt hiển vinh trong bảng vàng của dân tộc. Còn rạng ngời trong những trang sử là Nguyễn Thiếp giỏi lý học, Lê Hữu Trác – đại danh y của cả dân tộc, Sử Hy Nhan, Nguyễn Nghiễm, Phan Huy Ích tinh thông sử học. Còn sừng sững như bóng tùng, bóng bách là Bùi Cầm Hổ có tài kinh bang tế thế, là Đặng Dung, Nguyễn Biểu, Phan Đình Phùng với khí tiết xả thân vì dân tộc; Nguyễn Huy Oánh, Bùi Dương Lịch, Phan Nhật Tĩnh - những nhà giáo xuất sắc...

Tiếp nối truyền thống vẻ vang ấy, trong thời kỳ mới, Hà Tĩnh cũng tự hào là nơi sinh trưởng của Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Khắc Viện, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Phan Chánh... và đặc biệt là hai nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc: cố Tổng Bí thư Trần Phú và Hà Huy Tập. Ngoài ra Hà Tĩnh còn nổi tiếng với Ngã ba Đồng Lộc anh hùng – biểu tượng của lòng yêu nước, tinh thần cách mạng kiên cường, anh dũng...

Hà Tĩnh – Đi mô cũng nhớ về

Hát ca trù - một trong những sáng tạo dân gian đặc biệt của cư dân Hà Tĩnh xưa

Đất Hà Tĩnh từ xa xưa đã nổi tiếng với nhiều làng nổi tiếng về văn hoá, khoa bảng và làng nghề truyền thống. Phía tây nam Hồng Lĩnh là làng "Bát cảnh Trường Lưu" của dòng họ Nguyễn Huy, phía đông là làng Tiên Điền của đại thi hào Nguyễn Du. Hai làng văn hiến ở hai sườn đông và tây núi Hồng Lĩnh ấy đã tạo nên một Hồng Sơn văn phái với những tác phẩm tiêu biểu như Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự, Mai Đình mộng ký của Nguyễn Huy Hổ, Truyện Kiều của Nguyễn Du. Ngoài ra các làng Thu Hoạch, Trường Lưu, Tiên Điền, Uy Viễn, Đông Thái, Yên Hội, Gôi Mỹ, Thần Đầu, Trung Lễ, Bùi Xá, Ích Hậu, Trung Lương, Ân Phú... nổi danh về truyền thống học hành, khoa bảng và văn chương. Từ những mảnh đất “địa linh” ấy đã cung cấp cho Tổ quốc những người con hiền tài, lỗi lạc. Từ khắp miền ngược, miền xuôi, đồng bằng, miền biển... đâu đâu cũng lắm bậc tuấn kiệt. Các làng Tiên Điền, Uy Viễn, Đông Thái, Yên Hội, Gôi Mỹ, Thần Đầu, Trung Lễ, Bùi Xá... nổi danh về truyền thống học hành, khoa bảng và văn chương.

Với đặc điểm thổ nhưỡng của mình và sức sáng tạo không ngừng của nhân dân lao động, Hà Tĩnh còn tự hào với những làng nghề truyền thống như: đồ sắt Vân Chàng, Minh Long, đồ đồng Ðức Lâm, đồ gốm Cẩm Trang, đồ mộc Thái Yên, lụa Hạ, nón hạ, vải Hồ, đồ đan lát, guốc mộc Thịnh Xá… đã đi vào thi ca với những vần thơ rất đẹp: “Ai về Hà Tĩnh cùng ta/Mặc lụa chợ Hạ, uống nước chè Hương Sơn”/ “Tiếng lành đồn xa, tiếng tốt đồn xa/ Cái nghề thợ mộc nhất là Thái Yên”v.v… Tất cả đã làm nên những giá trị văn hoá tiêu biểu bồi đắp cho tâm hồn người Hà Tĩnh qua nhiều thế hệ. Và chính sự giao hòa, đan xen giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học làm cho môi trường văn hóa, giá trị nhân văn của Hà Tĩnh có sức thu hút khách du lịch rất lớn.

Không chỉ có thế, Hà Tĩnh còn là một vùng đất có nền văn hóa đa dạng, phong phú với nhiều di tích, cảnh quan, danh thắng nổi tiếng gắn với nhiều sự kiện lịch sử lớn của dân tộc. Từ trung tâm thành phố, du khách có thể đi thăm các khu du lịch đặc sắc về sinh thái, lịch sử văn hoá của tỉnh như Khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang, hồ Kẻ Gỗ, khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ cùng những di tích gắn với chiến thắng vẻ vang của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như Ngã ba Đồng Lộc, ngã ba Nghèn. Tùy theo mùa, du khách có thể nghỉ ngơi tại bãi biển Xuân Thành, Thiên Cầm, Thạch Hải, Đèo Con, khu dưỡng bệnh suối nước nóng Sơn Kim và nếu muốn cũng có thể theo quốc lộ 8 qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo tham quan Lào và các nước khác trong khu vực ASEAN..

Với bề dày văn hóa truyền thống, với tiềm năng và vận hội mới, Hà Tĩnh đang vươn mình lớn dậy thu hút những nhà nghiên cứu văn hóa, những nhà đầu tư và du khách bốn phương.

ANH HOÀI
Nguồn:baohatinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập146
  • Thành viên online1
  • Khách viếng thăm145
  • Hôm nay77,363
  • Tháng hiện tại929,686
  • Tổng lượt truy cập92,103,415
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây