Mấy chục năm cày sâu cuốc bẫm, đức cần cù chịu khó và tiết kiệm biết “liệu cơm gắp mắm” của người xứ Nghệ đã được phát huy. Bà con yêu nước, kính Chúa, vui đời, yêu đạo. Ban ngày để xe SH ngoài sân, khóa cánh cổng là có thể lên rẫy làm cỏ, bỏ phân, tưới nước, không sợ mất cắp.
Láng giềng chúng tôi ở đường Thánh Mẫu, TP.Đà Lạt là một xóm người thị trấn Đức Thọ, Hà Tĩnh di cư vào năm 1954. Bà con đều là giáo dân. Thế hệ đầu tiên hầu như đã đi xa, lớp kế thừa đều sinh ra ở đây. Ở ngoài Hà Tĩnh làm nông dân, vào đây cũng làm nông dân. Mỗi gia đình chỉ có khoảng 10 công đất trồng rau, dâu và hoa. Nhưng nhà nào cũng có biệt thự đúng nghĩa ven đường Thánh Mẫu, mỗi cái không dưới vài tỷ đồng.
Không chỉ ở đây mà có vẻ như cả Đà Lạt đều có sự an bằng như thế. Vẫn thấy nữ sinh mặc áo dài đi bộ đến trường, trẻ em tự đi học không cần người đưa đón, xe cộ ít va chạm, không thấy rác tấp vệ đường... gần được như một thành phố châu Âu.
Có điều lạ là mỗi sáng, mỗi chiều tôi vẫn nghe hàng xóm gọi nhau, mời nhau uống “nác chè xênh”! Mời nhau uống nước chè xanh là thói tục quá quen thuộc với người Hà Tĩnh quê tôi. Quanh năm cây chè có gió Lào chưng cất thành một thứ lá giải nhiệt thơm tho và tăng lực.
Cái lạ là, những đứa con sinh ra ở Đà Lạt từ năm 1954, có bố mẹ ra đi trong nhiều nỗi niềm mặc cảm với quê hương giữa thời tao loạn, nhiều người trong họ chưa một lần về quê, họ vẫn mời nhau uống “nác chè xênh”, nói chuyện với nhau hay với người đồng hương như tôi, bằng một giọng Hà Tĩnh không lẫn vào đâu được.
Bà con cho biết, khi giao tiếp với người Sài Gòn, người Đà Lạt gốc, họ dùng tiếng và giọng Nam. Nhưng với nhau thì nguyên xi, quê sao, đây vậy không khác. Với tôi, tuy mới đến đây mấy ngày, nhưng nhờ mấy tiếng “nác chè xênh” mà đã thành người thân của bà con lối xóm, không cách bực khách - chủ, giáo - lương hay Nam - Bắc. Ba tiếng “nác chè xênh” như tờ giấy giới thiệu đầy tình người và tình quê kiểng mà họ cũng như tôi đều khôn nguôi nhớ thương.
Nghe nói cộng đồng người Việt ở nước ngoài, kể cả thế hệ thứ hai đều giữ giọng điệu và tiếng quê mình. Nhiều người cho đó là một trở ngại cho hòa nhập. Nhưng hòa nhập là để có thêm vào những gì mình đã có, chứ phải mất đi thì hòa nhập làm gì?
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã