Làng Hến ngày xưa gọi là Trường Xuân nay thuộc xã Trường Sơn – Đức Thọ nằm bên bờ sông La hiền hòa. Dấu ấn vọng về một thưở, người đân vùng quê nghèo ấy đã gắn bó với dòng sông từ những buổi đầu lập dựng, mò mẫm, ngụp lặn và nghề làm Hến được hình thành. Bên cạnh nghề cào Hến người dân nơi đây còn mở mang, mưu sinh nhiều ngành nghề như: Dệt thảm, đóng thuyền, nung vôi và chạy chợ bán buôn. Ai đã một lần đến nơi đây, xem những công việc họ làm thì mới hiểu được nét truân chuyên, cần mẫn và sôi động của người làm Hến. Thật bồi hồi khi “Thành phố Hến nổi lửa”. Khoảng ba giờ sáng các bếp lửa nơi bến Hến rực đỏ, ngời lên sáng cả một khúc sông. Hến thơm ngon bởi được luộc với nước sông La, chất đốt bằng ruột nứa, cây sim, cây bổi từ đồi núi quê hương. Hến có một hương thơm đặc trưng quyến rũ, bát nước Hến đầu tiên nóng hôi hổi mát, thơm, đậm ngọt, bổ dưỡng, màu trắng sữa như nguồn sống vô tận của dòng sông quê mẹ. Đúng như câu ca ai ví “ Dẫu ai đi quanh về quắt – không kẻo nước giắt Kẻ Thượng” ( Giắt là loại Hến con sinh sôi rất nhanh vào mùa hè, thích nghi sống ở vùng nước lợ như phía hạ nguồn giáp ranh giữa sông La và sông Lam).
Chợ Trổ, Chợ Trai, qua Chợ Cầu, Chợ Thượng… Hến ra lò, những chuyến thuyền lại ngược xuôi rời bến khi bình minh vừa rạng, dáng Chị, dáng O lại thoăn thoắt gồng gánh đưa Hến về với mọi miền quê, kể cả ra tận thị thành. Vốn là người con được lớn lên từ nơi đây tôi thực sự lắng sâu, cận kề nét lam lũ thầm lặng của họ. Đặc sản Hến đến được với người thưởng thức, thì người làm nghề phải trải qua rất nhiều công đoạn, sau tấm lưng còng của mẹ, của chị sớm khuya tần tảo.
Hến Sông La. Ảnh: vietnamculture.com.vn
Ngày xưa khi chưa có phương tiện máy móc, thợ cào Hến phải chống chèo, hành trình vượt sông đến mấy chục kilomet. Thương lắm cái nghề dập dềnh trên sông nước, mùa hè bình yên họ thả mình trên dòng sông, tấm lưng trần rám nắng, từ cạn đến sâu, họ gồng mình kéo từng nhả cào trông thật nhọc nhằn. Mùa triều lớn tháng tám, tháng mười họ cào Hến bằng thuyền, những cây sào vút trời, đứng mạn thuyền cào ngược, cào xuôi, dẫu hiệu suất không cao nhưng đã là nghề họ cũng bằng lòng gom nhặt. Cào Hến mùa đông người dân nơi đây gọi vui là “ Vũ điệu nhặt khoan”.
Ảnh: songla.wordpress.com |
Không quên được một thời đói khổ, cơm không đủ ăn, người dân nghèo quê tôi “ Gạo hút, canh rau làm chủ lực”; dòng sông quê là nơi là nơi đã sưởi ấm chúng tôi qua từng bữa Hến mát lòng. Ngày ấy, gọi là bữa cơm nhưng thực ra chủ yếu là khoai lang, ăn củ khoai tháng năm, tháng sáu au bột đến nghẹn cổ, rồi lại uống một ngụm nước Hến cùng quả cà pháo giòn tan, bữa thì mẹ mua bánh đa, bánh đúc ăn với nước Hến thế là cũng ấm lòng. Thế đó con Hến của Sông La quê tôi ân tình đến vậy, Hến đã là món chủ đạo nuôi chúng tôi khôn lớn. Dẫu có đi khắp bốn phương trời nhưng trong lòng mỗi người con bên triền sông ấy vẫn không bao giờ quên về cội nguồn, thương từng bến nước và nhớ về hương vị Hến của Sông La.
Gặp gỡ Tùng Anh, người con của quê hương từ Pháp trở về, trong bữa cơm ở “nhà hàng Sông La” anh đã thốt lên: “Tôi đã đi khắp chốn, cùng nơi, về Việt Nam ăn Hến đã nhiều vùng nhưng quả là không nơi nào trộn lẫn được hương vị Hến của Sông La quê mình”. Bây giờ nhiều nơi Hến đã là đặc sản đắt tiền, ăn bữa cơm Hến ở thị thành khiến lòng tôi cứ nao nao nhớ về một thưở…
Dòng sông La là niềm thương nỗi nhớ và hương vị Hến quê nhà đã đi vào huyền thoại. Có phải Hến và dòng sông thơ sông nhạc ấy là tố chất cho những cô gái, chàng trai bên dòng sông La có làn da trắng mịn, giọng ví thêm ngọt ngào đằm thắm, giỏi đánh giặc, cấy cày và viết thơ hay. Có người lính năm xưa đã trở về làng tìm gặp lại nữ cứu thương có mái tóc dài và nhớ giọng dân ca hát ru anh bên cánh võng. Lời ru ấy đã theo anh vào trận đánh, nhớ bữa cơm canh Hến ăn vội bên chiến hào còn vương nắng đỏ và khói bom mà nên tình nên nghĩa người ơi!
Về Sông La được thỏa thuê tắm gội, được ăn bát cơm mẹ nấu, có canh Hến với nắm rau vườn nhà và quả cà giòn muối mặn sao mà thảo thơm đến thế. Quê hương … làng Hến đang từng ngày đổi mới, những chiếc thuyền chiều về thảnh thơi đậu bến, vang vọng tiếng chạm, đục của xóm Minh Châu. Những thợ Hến, thợ thuyền đang hồ hởi chuẩn bị cho những con thuyền ngày mai vươn ra biển lớn. Còn đâu đây vẳng tiếng rao của các Mẹ, các O “ Hến ngọt, rọt nậy,đong đầy, bán rẻ ai mua …”, câu ca của người làng Hến quê tôi nghe sao mà thương đến thế, khiến người đi xa để nhớ muốn tìm về.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;