Học tập đạo đức HCM

Sức lan tỏa của một vùng văn hóa

Thứ bảy - 30/06/2012 11:36
Những làn điệu dân ca ví, dặm góp phần nuôi dưỡng cốt cách, tâm hồn bao thế hệ người dân xứ Nghệ. Qua lịch sử thăng trầm của đất nước, mô hình các trò diễn xướng dân ca ví, dặm đến nay vẫn có sức sống rộn rã ở khắp miền quê xứ Nghệ và luôn được người dân phát huy giá trị vốn có qua các thể hát. Đó chính là điều kiện thuận lợi để các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa xứ Nghệ tiến hành lập hồ sơ Dân ca ví, dặm trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Chào đón sự trở lại
Hát ví và hát dặm là hai làn điệu dân ca vừa tương đồng, vừa nhiều khác biệt hình thành và gắn bó lâu đời với người dân xứ Nghệ, đậm đà bản sắc văn hóa xứ Nghệ. Liên tục trong 2 tháng (5 và 6), tại các sân khấu trung tâm từ cấp xã, thị trấn, đến cấp huyện, thị xã, thành phố ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã diễn ra rất nhiều cuộc liên hoan thi hát dân ca ví, dặm xứ Nghệ với các chủ đề “Ví, dặm - lung linh hồn quê xứ Nghệ”; “Dâng Người câu hát dân ca”; đặc biệt là Liên hoan Dân ca ví, dặm lần thứ nhất do UBND 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh phối hợp tổ chức tại TP Vinh từ ngày 25 đến 27-6 vừa qua, với sự tham gia của hơn 20 CLB và hơn 700 người diễn xướng, nhạc công, đủ thế hệ, độ tuổi từ 5 tuổi đến 91 tuổi.
Gác lại công việc bận rộn của đồng áng đang vào thời kỳ cao điểm, chị Lê Thị Hương Thúy, thành viên CLB Dân ca ví, dặm xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) phấn khởi cho biết: “Quê tôi người nào cũng yêu dân ca ví, dặm lắm, dù đang bận với công việc mùa màng nhưng tất cả các thành viên đều dành thời gian chuẩn bị, tập luyện rất chăm chỉ để mong tới ngày được đi diễn ở liên hoan”.
Đời sống lao động cực nhọc được người dân biểu diễn sâu lắng, nồng nàn và đầy tính nghệ thuật trên sân khấu liên hoan dân ca ví, dặm.
Không khí từ các làng quê xứ Nghệ trở nên nhộn nhịp hơn mỗi khi ở chỗ này, chỗ kia người dân cùng bình luận tác phẩm của CLB ví, dặm xã này có chất giọng và cách thể hiện hay, tiết mục của CLB xã kia có lối đối đáp dí dỏm. Cụ bà Lê Thị Liên ở xã Nghi Phong (Nghi Lộc, Nghệ An) năm nay đã 84 tuổi nhưng khi nghe tin có liên hoan dân ca ví, dặm, bà đòi con, cháu thay nhau đưa bà đi xem tất cả các buổi biểu diễn từ cấp xã cho đến tận cấp tỉnh. “Sau mỗi buổi đi xem biểu diễn dân ca ví, dặm thế này tôi thấy mình như được sống lại trong những đêm ví phường vải từ thuở tôi còn mười tám, đôi mươi ấy. Cứ sợ mọi người đã quên mất cả rồi. Tôi đi xem thấy vui quá, các o (cô), chú hát hay mà nhộn nhịp như thuở ngày xưa”.
Phát huy giá trị trường tồn
Nghệ sĩ Hồng Lựu, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ khẳng định, dân ca ví, dặm ẩn chứa sau những ca từ rất bình dị lại thể hiện được cái nồng nàn, ấm áp, sâu lắng, phản ánh sinh động đời sống lao động sản xuất cực nhọc nhưng đầy lạc quan của người dân. Vùng quê nào có nghề truyền thống lâu bền thường sản sinh ra ví, dặm. Nghề làm nón ở Tiên Điền (Nghi Xuân) có ví phường nón; nghề xe tơ, dệt vải ở xã Kim Liên (Nam Đàn), làng Trường Lưu, xã Trường Lộc (Can Lộc) có ví phường vải; nghề lái đò trên sông nước có ví đò đưa… Hầu như vùng nào ở các làng quê Nghệ - Tĩnh cũng có hát ví, làng nào cũng có người hát hay, ứng tác giỏi. Trong những năm qua, được sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Trung tâm đã có nhiều hoạt động nhằm khôi phục, giữ gìn và phát huy các làn điệu dân ca như: Tổ chức các buổi hội thảo khoa học về dân ca, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An để đưa dạy học dân ca ví, dặm vào các trường học…
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ, ông về dự Liên hoan Dân ca ví, dặm, ngay trong đêm khai mạc liên hoan, có người bạn gọi điện hỏi, sao diễn dân ca mà có cả hát mới? Nhà thơ trả lời rằng, cái hay của dân ca ví, dặm là ở chỗ đó, có diễn xướng cổ của các phường hát và có cả bài hát mới phát triển dân ca, khiến chương trình sinh động hơn. Biết đâu những bài hát mới đó sau này cũng trở thành thứ âm nhạc giá trị của xứ Nghệ! Khó đếm xuể đã có bao nhiêu bài hát mới phát triển từ dân ca ví, dặm. Dân ca là thế đó, con người đã và sẽ làm ra dân ca của làng mình, xứ mình, nước mình. Họ là nông dân trở thành nghệ nhân. Nguyễn Du cũng đi hát phường vải đó thôi…!”.
Theo thống kê ban đầu của tỉnh Nghệ An, đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 52 CLB đàn và hát dân ca với khoảng 2000 thành viên tham gia sinh hoạt, trong số đó có 8 người đã được tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian.
Lập hồ sơ theo hướng nào?
Sau Liên hoan, ông Cao Đăng Vĩnh, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Nghệ An cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh triển khai việc lập hồ sơ khoa học trình Bộ VH-TT&DL đưa Dân ca ví, dặm xứ Nghệ vào danh mục hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trước ngày 31-7-2012, hướng tới lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Dân ca ví, dặm xứ Nghệ là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan (nguyên Phó viện trưởng Viện Âm nhạc) có ý kiến, hồ sơ Dân ca ví, dặm nên lập theo tiêu chí Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bởi loại hình dân ca này đang có sức sống khá sôi động trong dân, đặc biệt sức lan tỏa và phát huy của nó ảnh hưởng rất lớn đối với các sáng tác trong các thể loại âm nhạc.
Theo quyết định mới của UNESCO, mỗi năm một nước chỉ được trình một loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Năm nay (2012), Việt Nam đang đợi UNESCO xét hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; năm 2013 là hồ sơ Đờn ca tài tử... Hồ sơ Dân ca ví, dặm xứ Nghệ dự kiến sẽ hoàn thành và đệ trình UNESCO xét duyệt vào năm 2015.
Nhiều năm nghiên cứu âm nhạc, tham gia nhiều cuộc điền dã, kiểm kê, sưu tầm và là tác giả trực tiếp tiến hành lập hồ sơ ca trù và hát xoan trình UNESCO đã được vinh danh, ông Đặng Hoành Loan cho rằng với việc lập hồ sơ di sản, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên để “lọt” qua các vòng kiểm duyệt từ các cấp hội đồng trong nước cho tới UNESCO lại là việc không đơn giản, phải cân nhắc, cẩn trọng từng câu, chữ… Yêu cầu tiên quyết đặt ra cho việc lập hồ sơ di sản dân ca ví, dặm là phải có một cuộc tổng kiểm kê, sưu tầm… để biết còn bao nhiêu làn điệu, ai là người hát, còn bao nhiêu nghệ nhân, sự truyền dạy, sức lan tỏa… Từ đó mới có thể nêu bật được giá trị cần được vinh danh. “Để chứng minh cho thế giới hiểu được giá trị di sản của nước mình là việc không dễ. Khi thế giới vinh danh cũng có nghĩa văn hóa của chúng ta được ghi nhận ở một đẳng cấp cao, có giá trị hàng nghìn năm, có đời sống bền bỉ và được con người hiện đại tiếp nối, gìn giữ, đó là một viên ngọc long lanh. Vậy việc tiến hành lập hồ sơ đã là một việc quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là việc cộng đồng phải có ứng xử thích đáng, đúng nghĩa khi di sản được vinh danh. Cộng đồng ở đây không chỉ là bản thân những người diễn xướng nghệ thuật, mà còn là người dân, các cấp quản lý” - nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan nói.
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cũng cho rằng quá trình lập hồ sơ chúng ta cần khẳng định ví, dặm xứ Nghệ đại diện cho vùng không gian văn hóa ở cấp độ cao với các yếu tố, giá trị độc đáo: Giá trị văn học - ví, dặm có sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà thơ, giới trí thức; Giá trị lịch sử: Đánh dấu sự phát triển thịnh vượng của cư dân các phường vải, phường củi, phường cấy, vàng bạc… thể hiện tinh thần đoàn kết của nhân dân qua sự giao thương buôn bán, kết nghĩa trong thương mại và cả trong nghệ thuật; Giá trị nghệ thuật - ví, dặm kết hợp hai hình thức âm nhạc: Ví hát tự do nhịp điệu đều đặn và thuộc hệ âm nhạc tối cổ (có nghĩa khởi nguồn của âm nhạc là ví), mỗi phường ví lại có dị bản riêng, ví phường vải, ví phường củi… đặc biệt là ví sông Lam có làn điệu hấp dẫn. Dặm có làn điệu luyến láy, đưa đẩy, gắn hai thể cách ví, dặm trở thành loại hình âm nhạc đặc biệt giá trị, gần gũi; cuối cùng là giá trị về văn hóa nghệ thuật âm nhạc: Ví, dặm là tiền đề cho vùng âm nhạc "Đàng Trong" - âm nhạc Huế, sự gần gũi và sức lan tỏa của ví, dặm tạo nên vùng văn hóa Phú Xuân và cũng là căn nguyên cho những tác phẩm âm nhạc hiện nay như ca kịch Huế, bài Chòi... Và để có tính bền chặt khi trình UNESCO, chúng ta cũng cần chứng minh ví, dặm có còn được trân trọng hay không!
Theo QĐND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập323
  • Hôm nay37,008
  • Tháng hiện tại220,974
  • Tổng lượt truy cập90,284,367
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây