Con đường từ sức dân
Năm 2010, xã Thạch Môn (thành phố Hà Tĩnh) nhận được quyết định xây dựng nông thôn mới từ tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, khi xây dựng giao thông nông thôn, trục đường chính phải rộng 7m, đường phụ 5m. Trong khi thực tế, hiện tại trục đường chính tại đây chỉ rộng hơn 3m, đường phụ chỉ có 2m. Mặt khác, nếu giải phóng mặt bằng theo quy định sẽ có 610 hộ dân bị ảnh hưởng, phải cắt xén đất ở để mở rộng đường.
Tại thời điểm này, mỗi mét đường có giá gần 2 triệu đồng/m2, như vậy số tiền đền bù 10.000m2 sẽ lên đến 20 tỷ đồng. Số tiền quá lớn, trong khi xã Thạch Môn lại thuộc diện xã nghèo của thành phố Hà Tĩnh.
Nhận thấy khó khăn, gánh nặng quá lớn, chính quyền xã đã đưa ra giải pháp họp bàn dân, kêu gọi người dân ủng hộ, hiến đất xây dựng đường giao thông. Trước tiên cán bộ đảng viên sẽ là những “hạt nhân nòng cốt” tiên phong đi trước, từ đó tuyên truyền cho các hộ dân làm theo.
Do được triển khai đồng bộ và nhờ chủ trương đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của người dân nên phong trào hiến đất mở đường ở đây đã được đông đảo bà con nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo thành một phong trào có sức lan tỏa rộng. Chỉ sau một tuần vận động đã có hàng trăm hộ dân tình nguyện hiến đất, xây dựng trục đường giao thông trong thôn, xã. Đến nay, tính trên toàn địa bàn xã Thạch Môn đã có 610 hộ dân hiến đất, trong đó có 110 hộ hiến đất nhà ở, 500 hộ dân hiến đất chuyển đổi nông nghiệp. Số đất người dân hiến lên đến 10.000m2, hộ ít thì vài chục m2, hộ nhiều lên đến hàng trăm m2..
Gia đình anh Trương Văn Liễu , đã tình nguyện hiến cho xã hơn 100m2 đất ở. Nhà đông con, đất ở lại chật hẹp, kinh tế phụ thuộc vào mấy sào ruộng, nếu bán 100m2 đất ở để làm đường thì cuộc sống gia đình anh Liễu sẽ khá hơn. “ Hộ khẩu xã thuộc đất thành phố nên mét đất, mét tiền chú ạ. Nhưng làm đường đi lại không chỉ thuận lợi cho gia đình tôi mà cả xóm nên mình hi sinh chút một cũng đáng. Gia đình tôi không mảy may nghĩ sẽ lấy một xu của nhà nước” – anh Liễu chia sẻ.
Hàng xóm của anh Liễu, ông Nguyễn Xuân Thuận cũng vừa hiến gần 200m2 để làm đường giao thông. Vốn là cựu chiến binh, kinh tế không mấy khá giả, đất ở chật hẹp, nhà lại có hai người con trai nên việc hiến đất của ông được người dân trong xã biểu dương.
Không chỉ hiến đất không, nhiều hộ sẵn sàng tháo dỡ, đập phá nhiều công trình như chuồng trại, nhà vệ sinh… mà không cần một đồng hỗ trợ. Ngoài góp của ra, người dân còn hăng hái tham gia đóng góp ngày công.
Nhìn những con đường rộng rãi được rải nhựa và bê tông hóa chạy dài trong thôn xóm trong đó có một phần công sức của mình, người dân xã Thạch Môn vô cùng phấn khởi và tự hào
Hiệu quả từ tuyên truyền, vận động
Để có được niềm tin, chung sức xây dựng nông thôn mới của người dân, một trong những yếu tố không thể thiếu là thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở với việc xây dựng mô hình dân vận khéo nhân dân hiến đất, góp sức xây dựng cơ sở hạ tầng. Trước hết, cấp ủy và chính quyền ở xã Thạch Môn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đối với việc vận động nhân dân hiến đất xã đã thực hiện dân chủ rộng rãi theo phương châm “ Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho người dân hiểu được tầm quan trọng của việc phát triển giao thông đối với việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, từ đó tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Thạch Môn phấn khởi: “Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có nhiều chuyển biến. Người dân đã xác định quyền lợi, nghĩa vụ của mình, tích cực đóng góp kinh phí, hiến đất, đồng thời trực tiếp theo dõi, giám sát đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng các hạng mục công trình xây dựng nông thôn mới. Tiêu chí giao thông của xã Thạch Môn được UBND tỉnh Hà Tĩnh đánh giá rất cao”.
Vừa qua, xã Thạch Môn vừa được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trước thời hạn một năm. Đây là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực của cán bộ cũng như người dân Thạch Môn. Việc hiến đất của người dân là một nghĩa cử cao đẹp, đáng trân trọng, đã góp phần không nhỏ trong việc đưa xã Thạch Môn trở thành xã nông thôn mới.
Theo tinmientrung.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;