Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế biển
Với vị trí địa lý hội tụ cả 3 vùng: đồi núi - đồng bằng - ven biển, huyện Kỳ Anh có những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. Đặc biệt, với chiều dài 25 km bờ biển đi qua địa bàn các xã Kỳ Phú, Kỳ Khang, Kỳ Xuân được kết nối với hệ thống quốc lộ ven biển xuyên suốt từ Thạch Khê đến Vũng Áng là điều kiện lý tưởng để các xã vùng ven biển này và các xã phụ cận Kỳ Thọ, Kỳ Thư, Kỳ Hải phát triển khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản và dịch vụ du lịch biển.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và lãnh đạo tỉnh nghe lãnh đạo huyện báo cáo quy hoạch khu đô thị Kỳ Đồng - trung tâm hành chính huyện Kỳ Anh. Ảnh: Thăng Long |
Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Xuân - Dương Xuân Phú cho biết, nhiệm kỳ 2015-2020, nghị quyết Đảng bộ xã xác định tập trung vào phát triển kinh tế biển, tăng tỷ trọng TM-DV, du lịch biển lên 63%; xây dựng Kỳ Xuân trở thành trung tâm dịch vụ du lịch biển của huyện Kỳ Anh. Những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong nhiệm kỳ tới là khá cao nhưng hoàn toàn khả thi, bởi khi tuyến quốc lộ ven biển Thạch Khê – Vũng Áng đi qua địa bàn xã hoàn thành, không chỉ rút ngắn khoảng cách từ địa phương đến trung tâm kinh tế lớn của tỉnh (TP Hà Tĩnh và thị xã Kỳ Anh) mà còn là điều kiện lý tưởng kết nối, phát triển tiềm năng du lịch biển Kỳ Xuân - một bãi biển đẹp, hoang sơ chưa được đánh thức. Cùng với đó, tuyến đường quốc phòng chạy dọc bờ biển nối liền với các xã trong vùng cũng sẽ phát huy được tối đa công năng trong phát triển nuôi trồng, chế biến thủy - hải sản. “Đây chính là điểm nhấn, là trục xoay phát triển kinh tế, kỳ vọng mang lại bước đột phá trong nhiệm kỳ tới”, Bí thư Đảng ủy Dương Xuân Phú bày tỏ tin tưởng.
Bãi biển Kỳ Xuân hội đủ các yếu tố để có thể sánh ngang với nhiều bãi biển khu vực miền Trung. Từ quốc lộ 1A về biển Kỳ Xuân chỉ khoảng 4 km và từ biển Kỳ Xuân theo quốc lộ ven biển vào Vũng Áng cũng chưa đầy 15 km. Đây là điều kiện thuận lợi thu hút du khách về tận hưởng không khí trong lành và cảm nhận vẻ đẹp nguyên sơ của bãi biển này. Để khai thác tiềm năng này, ngoài việc quy hoạch, tạo điều kiện, khuyến khích người dân địa phương đầu tư hệ thống nhà hàng, dịch vụ thì hiện nay, Công ty Đầu tư và Phát triển Hà Quỳnh (Hà Nội) cũng đang triển khai xây dựng khu du lịch sinh thái với tổng diện tích 6 ha. Dự kiến, cuối năm 2015, khu du lịch sinh thái này sẽ đưa vào hoạt động và giải quyết việc làm cho khoảng 100 lao động địa phương và nhiều dịch vụ vệ tinh khác.
Phó Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh - Nguyễn Văn Danh cho biết, để khai thác tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển, huyện tiếp tục chỉ đạo và có những chính sách kêu gọi, thu hút doanh nghiệp có kinh nghiệm và tiềm lực đầu tư khai thác bãi biển Kỳ Xuân, Kỳ Phú, Kỳ Khang; tạo tiền đề để từng bước hình thành các khu nghỉ dưỡng cao cấp, điểm dịch vụ phục vụ du lịch biển; vận dụng các cơ chế, chính sách khuyến khích ngư dân đóng mới, cải hoán tàu thuyền công suất lớn, đầu tư ngư cụ, đa dạng hóa hình thức khai thác thủy, hải sản. Đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển mạnh nuôi tôm công nghệ cao, cá mú, cá bơn; sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên đất cát ven biển. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư mở rộng nghề chế biến nước mắm, sản phẩm khô, hàng đông lạnh xuất khẩu.
Phát triển hậu cần TM-DV
Cùng với ưu tiên phát triển tiềm năng, lợi thế kinh tế biển, Kỳ Anh tập trung phát triển TM-DV, du lịch, xác định đây sẽ là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương trong nhiệm kỳ tới. Đô thị mới Kỳ Đồng - trung tâm hành chính của huyện được xây dựng và phát triển theo hướng “sinh thái, kinh tế, thông minh”, là trọng tâm thuộc tam giác phát triển của vùng (gồm các đô thị: Voi - Kỳ Đồng - Kỳ Lâm). Ngoài ra, Kỳ Anh còn có lợi thế là huyện phụ cận của thị xã Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh, có quốc lộ 1A, quốc lộ ven biển, quốc lộ 12 nối liền KKT Vũng Áng với Lào và Đông bắc Thái Lan, để hình thành các trung tâm TM-DV hậu cần, du lịch biển cho các đô thị, KKT Vũng Áng.
Phố phường huyện Kỳ Anh hướng về ngày hội lớn. Ảnh: Ngô Tuấn |
Nắm bắt thời cơ, vận hội mới, đảng bộ các địa phương nằm trong tuyến lợi thế phát triển TM-DV đã đưa vào nghị quyết các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế phù hợp với từng điều kiện cụ thể của địa phương. Chủ tịch UBND xã Kỳ Đồng - Nguyễn Đình Tuệ cho biết, sau khi quy hoạch khu đô thị Kỳ Đồng được phê duyệt, xã sẽ vận động, kêu gọi nhân dân địa phương chuyển đổi ngành nghề sang kinh doanh TM-DV, nhà hàng, khách sạn, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng... với mục tiêu chiếm 86% cơ cấu kinh tế.
Cùng với đó, các xã Kỳ Thư mở rộng phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống như nón lá Đan Du; Kỳ Phú, Kỳ Xuân phát triển chế biến nước mắm, thủy - hải sản khô; Kỳ Phong, Kỳ Lâm, Kỳ Tiến khuyến khích du nhập ngành nghề mới (mộc, đồ mỹ nghệ cao cấp...) để giải quyết việc làm, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
“Nắm bắt thời cơ, phát huy nội lực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, vận dụng linh hoạt chủ trương chính sách, xây dựng mối đoàn kết, đồng thuận... là những yếu tố quan trọng để nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kỳ Anh thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững”, Phó Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Danh khẳng định.
Thanh Hoài
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;