Bám sát các chủ trương, ban hành những chính sách hỗ trợ phù hợp với thực tiễn và chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt... đã khơi dậy mạnh mẽ phong trào phát triển các mô hình kinh tế, giúp Cẩm Xuyên hình thành mới gần 800 mô hình sản xuất trong hơn 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM. Chủ tịch UBND xã Cẩm Lạc - Nguyễn Viết Thuấn cho biết: Để tạo cú hích trong những năm đầu, ngoài việc động viên các gia đình cán bộ, đảng viên đi đầu xây dựng mô hình, xã cùng vào cuộc thực hiện các hồ sơ, thủ tục đối với từng mô hình và thường xuyên động viên, hỗ trợ đến lúc tạo nên sản phẩm. Sau thành công của các hộ đầu tiên, phong trào chăn nuôi lợn theo mô hình trang trại, gia trại ở Cẩm Lạc phát triển nhanh và mang tính bền vững. Đến nay, toàn xã đã có trên 500 mô hình chăn nuôi lợn, trong đó, có 14 trại nuôi liên kết quy mô từ 500 - 1.000 con. Gắn với sự phát triển sôi động này, Cẩm Xuyên đã hấp thu được lượng lớn số tiền từ các chính sách hỗ trợ của tỉnh. Phó Giám đốc Agribank Cẩm Xuyên - Đặng Xuân Hải cho biết: “Doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 23, 26 trong hơn 5 năm qua đạt trên 460 tỷ đồng với trên 6.000 khách hàng vay, số tiền hỗ trợ lãi vay hơn 24 tỷ đồng. Từ các chính sách hỗ trợ theo Quyết định 24/2010/QĐ-UBND, Nghị quyết 90/NĐ-HĐND và Quyết định 67/2014/QĐ-UBND của tỉnh, chỉ tính riêng năm 2015, đã có 832 hộ được hưởng với số tiền gần 57 tỷ đồng. Chủ tịch UBND xã Cẩm Minh - Trần Văn Khiên cho biết: Chỉ tính riêng năm 2015, các mô hình SXKD đã tranh thủ được gần 5 tỷ đồng từ các chính sách của tỉnh và huyện. Tương ứng với đó, nguồn lực mà nhân dân nỗ lực đầu tư là hàng chục tỷ đồng để cho ra đời các mô hình có hiệu quả bền vững.
Trong bức tranh phát triển sản xuất ở Cẩm Xuyên, hướng đi liên kết giữa các hộ dân trong mô hình tổ hợp tác, HTX và liên kết nhà nông - DN ngày càng rõ nét. Năm 2015, Cẩm Xuyên dẫn đầu toàn tỉnh trong phát triển các hình thức tổ chức sản xuất với 580 tổ hợp tác, 33 HTX và 38 DN được thành lập mới. Trong hơn 5 năm, trên địa bàn có 179 DN, 151 HTX và 732 tổ hợp tác được thành lập mới. Điều đáng nói là hoạt động SXKD của các DN, HTX, tổ hợp tác ngày càng hiệu quả; một số DN bước đầu đã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sự phát triển kinh tế hợp tác và hình thành các DN vừa và nhỏ ở nông thôn... Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lê Ngọc Hà, Cẩm Xuyên có chiến lược rõ ràng trong phát triển sản xuất dựa trên tiềm năng của 3 vùng sinh thái. Trong đó, chăn nuôi bò với sự có mặt của 2 dự án của các DN lớn sẽ tạo cơ hội phát triển mạnh vùng nguyên liệu và thu hút sự tham gia liên kết nuôi vệ tinh của người dân; chăn nuôi lợn phát triển vững chắc với sự hình thành 7 trại nái giúp các mô hình trang trại, gia trại chủ động nguồn giống; nuôi trồng thủy sản công nghệ cao gắn với du lịch vùng biển sẽ đánh thức tiềm năng của địa phương. Lộ trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của huyện đang tiến những bước vững chắc và mạnh mẽ, từ đó, tạo sự đột phá trong phát triển sản xuất. Đây chính là nền tảng để Cẩm Xuyên vượt qua khó khăn, xây dựng thành công huyện NTM. Mai Thủy -baohatinh.vn |