Học tập đạo đức HCM

Hội thảo “Nông dân trước cơ hội ứng dụng cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam”

Thứ hai - 05/01/2015 22:21
Hôm nay 3.12, tại Trụ sở Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Hà Nội), Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức Hội thảo với chủ đề “Nông dân trước cơ hội ứng dụng cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam”.

Tham dự hội thảo có TS. Nguyễn Duy Lượng – Phó Chủ tịch  Trung ương Hội nông dân Việt Nam,  đại diện các Ban của Hội nông dân Việt Nam, PGS. TS Lê Huy Hàm – Viện trưởng Viện di truyền nông nghiệp, PGS. TS Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam cùng các đại biểu đến từ các cơ quan của Đảng và nhà nước. 

Hội thảo cũng có sự tham dự của chuyên gia, nhà khoa học chuyên nghiên cứu về lĩnh vực cây trồng biến đổi gen (BĐG) và đại diện các doanh nghiệp, hội ngành cùng đại diện lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành, cùng các nông dân trồng ngô tiêu trong cả nước. 

 

 

Tiến sỹ Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

 

Phát biểu mở đầu hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã chia sẻ: “Tôi hy vọng qua hội thảo, những người nông dân, cũng như lãnh đạo các cấp Hội Nông dân có thể tiếp cận thêm thông tin về giống cây trồng BĐG, từ đó có những sự lựa chọn cho mình những giống cây trồng thích hợp để ứng dụng vào sản xuất khi những giống cây trồng BĐG chính thức được thương mại hóa tại Việt Nam”.

>> Xem toàn văn bài phát biểu của TS. Nguyễn Duy Lượng tại đây.

Cây trồng BĐG là một thành tựu khoa học hiện đại của nhân loại đã được nghiên cứu thành công từ những năm 80 của thế kỷ XX. Đến năm 1996, cây trồng BĐG chính thức được thương mại hóa trên thế giới và việc ứng dụng cây trồng BĐG đã phát triển với tốc độ nhanh chưa từng có trong lịch sử ngành nông nghiệp toàn cầu. Theo thống kê của tổ chức ISAAA, năm 2013, hơn 18 triệu nông dân tại 27 quốc gia canh tác các loại cây trồng BĐG trên tổng diễn tích khoảng 170 triệu héc ta (ha). Bên cạnh đó cây trồng BĐG đang được trồng, nhập khẩu và sử dụng trong nghiên cứu thử nghiệm đồng ruộng tại 70 quốc gia trên thế giới.

Cây trồng BĐG cũng chứng minh được vai trò quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người nông dân, tiết kiệm thời gian và công sức lao động trên đồng ruộng và từ đó giúp họ cải thiện cuộc sống, đặc biệt đối với nông dân ở các nước đang phát triển. Theo báo cáo của viện PG Economics, mức tăng trưởng về năng suất và lợi nhuận thu được từ cây trồng BĐG của nông dân ở các nước đang phát triển đang cao hơn so với các nước phát triển. Năm 2012, trung bình mỗi 1 đô la Mỹ người nông dân đầu tư vào hạt giống BĐG, lợi nhuận thu được 4.37 đô la cho nông dân các nước đang phát triển trong khi con số này 3.04 đô la cho nông dân các nước phát triển.

 

Quang cảnh Hội thảo “Nông dân trước cơ hội ứng dụng cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam”. 

 

Tại Việt Nam, từ đầu năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã cấp giấy phép khảo nghiệm diện hẹp, tiếp theo khảo nghiệm diện rộng cho 5 sự kiện ngô BĐG. Cuối tháng 8 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã chính thức có các Quyết định về việc công nhận các sự kiện ngô BĐG đủ điều kiện sử dụng làm thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. Tiếp sau đó, Bộ Tài nguyên- Môi trường cũng đã có các Quyết định phê duyệt và cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học cho 3 sự kiện ngô BĐG. Đây là một bước phát triển pháp lý quan trọng và cụ thể nhằm tiến tới mục tiêu thương mại hóa và chính thức ứng dụng vào sản xuất đại trà cây ngô BĐG tại nước ta đến năm 2015.

Tuy nhiên, các thông tin về cây trồng BĐG đối với người nông dân, cũng như các cấp lãnh đạo Hội Nông dân địa phương ở Việt Nam còn rất hạn chế. Hầu hết bà con nông dân vẫn chưa nắm rõ về cây trồng BĐG, tính an toàn và tác động loại cây trồng này trong sản xuất nông nghiệp. 

 

Nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày nay chia sẻ tại hội thảo.

 

Phát biểu tại hội thảo, nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày nay chia sẻ: "Trong thời gian gần đây, Báo Nông thôn Ngày nay đã có nhiều loạt bài phản ánh, thông tin về cây trồng biến đổi gen trên các ấn phẩm của mình như Báo Nông thôn Ngày nay ra hàng ngày, Báo điện tử Dân Việt, Tạp chí Trang trại Việt. Chúng tôi đã ghi nhận được nhiều ý kiến khác nhau phản ánh về loại cây trồng này, trong đó có rất nhiều ý kiến đánh giá cao giống cây trồng biến đổi gen- một tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, với mục đích cung cấp thông tin đầy đủ hơn nữa, ngày hôm nay, Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức Hội thảo này nhằm mục đích cung cấp thông tin khái quát, đầy đủ, toàn diện về cây trồng này đến quý vị đại biểu và bà con nông dân. Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ giải đáp những câu hỏi, thắc mắc của các đại biểu, bà con nông dân về cây trồng biến đổi gen".

>> Xem toàn văn bài phát biểu của nhà báo Lưu Quang Định tại đây.

Việc ứng dụng cây ngô BĐG vào nước ta có ý nghĩa rất quan trọng nhằm giảm bớt sự lệ thuộc phải nhập khẩu nguyên liệu dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ở nước ta, sản xuất ngô vẫn chiếm tỷ trọng khá khiếm tốn do năng suất bình quân còn thấp hơn nhiều nước trên thế giới, chất lượng không đồng đều, nên tính cạnh tranh chưa cao. Chính vì thế, theo định hướng tái cơ cấu ngành trồng trọt, Bộ NN&PTNT đã đặt mục tiêu mở rộng diện tích ngô để đạt 8,5 triệu tấn nhằm phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp, giảm nhập khẩu trong thời gian tới.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện nước ta đang phụ thuộc tới 70% nguyên liệu dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài. Chỉ tính riêng trong 11 tháng đã qua của năm 2014, Việt Nam đã phải chi ra 3,03 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, trong đó riêng nhập khẩu ngô đã chiếm 1,05 tỷ USD với khối lượng lên tới 4,07 triệu tấn. Chính vì thế, với ưu điểm có khả năng kháng sâu bệnh, thuốc trừ cỏ, cây ngô BĐG là một trong những giải pháp thích hợp nhằm gia tăng năng suất cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân, đặc biệt là tiến tới giảm lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, cũng như đại diện các doanh nghiệp đã chia sẻ và giải đáp những thông tin, thắc mắc của các đại biểu, cùng bà con nông dân về những vấn đề liên quan. Cũng trong khuôn khổ hội thảo sẽ có phần chia sẻ của 2 nông dân đến từ Philippines và đại diện cho Mạng lưới Nông dân châu Á- Thái Bình Dương về kỹ thuật canh tác ngô BĐG và hoạt động nâng cao nhận thức của công chúng Philippines đối với cây trồng BĐG. 

 


PGS.TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp VN khái quát về cây trồng biến đổi gen.

 

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Lê Huy Hàm – Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam cho biết, cho đến nay, chúng ta vẫn đặt câu hỏi thế nào là cây trồng biến đổi gen (BĐG).

Trước đây, chúng ta vẫn áp dụng phương pháp truyền thống là lai, trong đó cây được lai bao gồm cả đặc tính mong muốn và không mong muốn của cây lai. Còn sử dụng kỹ thuật di truyền (công nghệ gen) thì sẽ tạo ra cây chỉ có đặc tính được mong muốn, vì thế rất nhiều quốc gia muốn ứng dụng CNSH vào cuộc sống. Diện tích trồng cây CNSH đã tăng lên 175,2 triệu ha, tại 27 nước. Tổng diện tích lũy kế toàn cầu đã đạt 1,5 tỷ ha. Trong đó, châu Âu có ít nhất 5 nước đã trồng và thương mại hóa cây ngô BĐG.

Đến nay, đã có 500 nhóm nghiên cứu độc lập an toàn sinh học của cây trồng BĐG, 610  bài báo đã được công bố. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học là cây trồng BĐG có rủi ro cao hơn đối với môi trường, đa dạng sinh học và sức khỏe con người, vật nuôi.

Do đó, Chúng tôi nghĩ cần có thêm nhiều các chương trình Hội thảo để giới thiệu cho công chúng biết về hệ thống quản lý của Việt Nam đã mất hơn 10 năm để xây dựng. Bao gồm 3 luật, 11 thông tư nghị định. Các văn bản này đều có tính đến tính đặc thù của tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam, quan ngai của công chúng với cây trồng BĐG; Hiện có 5 Bộ tham gia vào quản lý nghiên cứu và phát triển GMO, gồm các bộ: Bộ TNMT; Bộ KHCN; Bộ CT; Bộ Y Tế; Bộ NN&PTNT.  

Theo quy định, các sản phẩm GMO chỉ cho phép sử dụng ở Việt Nam với hai điều kiện: Được ít nhất 5 nước phát triển cho phép sử dụng với cùng mục đích và có hồ sơ đánh giá rủi ro được Hội Đồng ATSH xem xét và khuyến nghị cho phép sử dụng. Ở Việt Nam, trước mắt chỉ cho phép Ngô, bông, đậu tương BĐG được tiến hành khảo nghiệm tại và tiến tới thương mại hóa tại Việt Nam.

 


PGS.TS Phạm Văn Toản – Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

 

PGS.TS Phạm Văn Toản – Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, quyết tâm ứng dụng cây trồng BĐG đã được các cơ quan quản lý  thể hiện rất rõ ràng trong các văn bản, đầu tiên là Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng, ngày 4. 3.2005 đã nêu rõ: Trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp: CNSH phải góp phần quan trọng trong việc tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, đóng góp thiết thực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế; tạo ra các công nghệ sản xuất các chế phẩm bảo vệ cây trồng, vật nuôi; các công nghệ bảo quản và chế biến nhằm đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các sản phẩm xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước

Tiếp đến là  Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 4.3.2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại đất nước (Quyết định số 188/2005/QĐ-TTg ngày 22/7/2005);  Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT đến năm 2020 (Quyết định số 11/2006/QĐ-TTg ngày 12/01/2006); Kế hoạch tổng thể phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học ở Việt Nam đến năm 2020 (Quyết định số 14/2008/QĐ-TTg ngày 22/01/2008)

Về mặt Tổ chức quản lý nhà nước cũng đã được phân công và quy định rõ:

Bộ tài nguyên và MT:  Tổ chức đánh giá hồ sơ đăng ký và cấp, thu hồi Giấy chứng nhận AT sinh học; Quản lý cơ sở dữ liệu về sinh vật BĐG; duy trì trang thông tin điện tử về an toàn sinh học đối với sinh vật BĐG;  Đầu mối quốc gia về Nghị định thư Cartagena.

Bộ Nông nghiệp và PTNT: Quản lý hoạt động khảo nghiệm sinh vật BĐG; Tổ chức đánh giá hồ sơ đăng ký và cấp, thu hồi Giấy xác nhận sinh vật BĐG và sản phẩm đủ điều kiện làm TP, TĂCN VN; Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và CN hướng dẫn chi tiết việc ghi nhãn đối với thực phẩm BĐG.  

Bộ Khoa học và CN: Quản lý hoạt động nghiên cứu phát triển sinh vật BĐG; Quản lý nhãn hiệu hàng hóa

 “Trong giai đoạn vừa rồi, các bộ ngành liên quan đã xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện luật, nghị định liên quan… Có thể nói, đến 2014 chúng ta đã có một hệ thống văn bản luật, nghị định rất đầy đủ, song song với đó, các bộ ngành cũng đã xây dựng được hệ thống tổ chức, quản lý sinh vật BĐG.

Trước nhu cầu sử dụng và khả năng sản xuất thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, Chính phủ và Bộ NNPTNT đều quyết tâm đưa cây trồng BĐG vào ứng dụng thực tế. Kết quả khảo nghiệm ở VN đều cho thấy khả năng kiểm soát sâu trên ngô lên tới hơn 45%, trong khi các giống ngô thường khả  năng kiểm soát chỉ đạt hơn 5%. Tương tự, hiệu quả kiểm soát cỏ dại của ngô BĐG sau khi phun thuốc trừ cỏ cũng cao hơn nhiều so với ngô thường được phun thuốc trừ cỏ”, PGS. Tiến Sỹ Phạm Văn Toản nói.    

 

Tiếp nối nội dung trao đổi, ông Edwin Y. Paraluman - nông dân Philippines, chia sẻ kinh nghiệm:

Lúc đầu tiếp xúc với cây trồng BĐG tôi cũng thấy kinh khủng lắm, nhưng đó là do tôi thiếu thông tin. Sau khi được tiếp nhận và sử dụng, tôi đã nhận thấy hiệu quả to lớn của cây trồng BĐG và rất tự tin ứng dụng vào thực tế.

Ông Edwin Y. Paraluman - nông dân Philippines

Thời gian đầu, tôi và nhiều nông dân khác ở Philippines khá hoang mang khi trong nước có phong trào biểu tình chống cây trồng BĐG rất mạnh mẽ, nhưng sau khi tôi tiếp xúc với cả nông dân, các nhà khoa học, tôi đã được giải thích cặn kẽ, cũng như hiểu rõ tiềm năng của loại cây trồng này và tôi đã tự tin tham gia vào việc trồng cây ngô BĐG từ 2 năm nay. Hiện, chúng tôi đang tham gia mạng lưới nông dân khu vực châu Á (với các thannhf viên Ấn ĐỘ, Myanmar, Thái Lan, VN…).

Như các bạn biết, đối với các nước nghèo đang phát triển, nông nghiệp là nguồn sinh kế chính của 80% nông dân nông thôn và 82% nông dân các quốc gia đang phát triển có làm việc liên quan tới nghề nông.  Một thực trạng ở Philippines đó là bố mẹ đều nói với con cái rằng làm nông nghiệp rất khổ, vì thế những người trẻ làm nghề nông ngày càng ít đi, mà không có người làm nông nghiệp thì không thể giải quyết được thách thức nạn đói, đảm bảo an ninh lương thực.

Trong khi, người nông dân chúng tôi có nhiệm vụ đảm bảo đủ thực phẩm cho trẻ dưới 2 tuổi, phụ nữ mang thai; hỗ trợ lương thực cho hộ nông dân nhỏ lẻ, đảm bảo thức ăn cho tất cả các gia đình làm các nghề khác nhau dễ bị tổn thương… Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc, năm 2012 có gần 870 triệu người suy dinh dưỡng kéo dài, hầu hết họ ở Đông Nam Á và châu Phi.

Trong khi đó, ở Philippines cây ngô có tầm quan trọng rất lớn trong cuộc sống. Ngô tẻ chủ yếu được dùng buôn bán ở dạng nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi (chiếm khoảng 70% sản lượng ngô/năm), còn ngô nếp là nguồn thực phẩm chính của khoảng 15% dân số và có khoảng 1,5 triệu dân số sống nhờ vào nghề trồng ngô, vì thế việc ứng dụng công nghệ sinh học vào cây ngô là điều Chính phủ Philippines rất quan tâm. Đến nay, ngô là loại cây trồng chiếm diện tích lớn thứ 2 sau cây lúa (khoảng 2,5 triệu ha – năm 2010), chủ yếu làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi và là nguồn thực phẩm chính của khoảng 14 triệu người Philippines, ngoài ra ngô còn dùng trong ngành công nghiệp để sản xuất ethanol…

Đối với nông dân Philippines, hiện nay cây ngô BĐG đang đem lại rất nhiều lợi ích, cụ thể là năng suất cao hơn 41% giống ngô thường, sản lượng thu hoạch cao hơn 34% so với giống ngô thường, đặc biệt là ngô BĐG rất an toàn với môi trường Không có tác động xấu tới quần thể sâu hại trên cánh đồng do giảm 60% lượng thuốc trừ sâu. như tăng quần thể thiên địch,.

Những lợi ích mà cây ngô BĐG đã đem lại đó là đủ dáp ứng nhu cầu hoặc dư thừa ngô tẻ, góp phần giúp Phi có thể xuất khẩu; giảm tổn thất sau thu hoạch; tăng thu nhập cho nông dân, ổn định giá cả, tạo thêm việc làm. Đã có nhiều người hỏi tôi, ăn cây ngô BĐG có bị làm sao ko, và thực tế tôi đã ăn ngô BĐG 2 năm nay, người rất mạnh khỏe, cường tráng.

Trước đây, Philippines phải nhập khẩu một lượng ngô rất lớn, và chỉ trong 2 năm nay áp dụng cây ngô BĐG trên diện rộng, Philippines đã cơ bản chủ động được lượng ngô cần thiết cho sản xuất TACN và làm lương thực, thậm chí đã bắt đầu có xuất khẩu.

Cách làm của chúng tôi, đó là trao quyền cho người nông dân và các thế hệ sau này thông qua các khóa tập huấn nhằm phát triển các kỹ năng cho họ, đồng thời truyền bá thông tin về công nghệ BĐG. Trong quá trình vận động chính sách, chúng tôi xác định các chính sách phù hợp có lợi cho ngành sản xuất ngô, giúp tăng cường tính cạnh tranh trong tương lai.

Năm 2013, tôi là người đầu tiên trồng thành công cây ngô BĐG và tôi đã trực tiếp ăn sản phẩm ngô BĐG để chứng minh rằng, cây ngô BĐG hoàn toàn an toàn. Sau đó, tôi đã nhân rộng cây ngô BĐG cho thêm nhiều hộ khác.

Ông Reynaldo M. Cabanao – Chủ tịch Hiệp hội Ngô Philippines, kiêm Chủ tịch Mạng lưới nông dân khu vực châu Á (Asfanet) của Philippines:

Địa hình canh tác ở Philippines khá mấp mô, hiện tôi có 1,3ha ruộng nằm bên sườn đồi, việc canh tác cũng gặp khá nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất là thuê xe để vận chuyển ngô sau khi thu hoạch. Thực tế là gần đây, do dân số tăng nhanh nên diện tích canh tác bình quân trên đầu người ở Philippines đang giảm mạnh, đây là thách thức lớn cho chúng tôi trong việc làm sao đáp ứng được nhu cầu lương thực.

 

Ông Reynaldo M. Cabanao – Chủ tịch Hiệp hội Ngô Philippines, kiêm Chủ tịch Mạng lưới nông dân khu vực châu Á (Asfanet) của Philippines

Năm 2003, Mạng lưới Asfanet được thành lập và bắt đầu hoạt động, trong đó những nông dân tham gia đều rất quan tâm tới cây trồng CNSH . Nông dân rất thích thú lắng nghe, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trồng ngô. Trong quá trình hoạt động, mạng lưới đã tiếp cận với các cơ quan, nhà lãnh đạo ngành nông nghiệp để thuyết phục, giải thích về hiệu quả của cây trồng CNSH. Trong đó, chúng tôi cũng nhắc nhở, cảnh báo nông dân về việc sử dụng cây trồng CNSH không thể chống lại hoàn toàn sâu bệnh, vì sâu bệnh sẽ học cách kháng lại cây trồng CNSH, do đó cái mà chúng tôi cần học đó là quản lý sâu bệnh thật tốt.

Có một thực tế là ngay cả các cơ quan liên quan đến nông nghiệp, đó là họ cũng không thực sự hiểu đầy đủ về sự an toàn của cây trồng CNSH, vì thế chúng tôi đã phải lặp đi lặp lại quá trình tuyên truyền, giải thích một cách đầy đủ. Ngoài ra, chúng tôi cũng vận động nông dân nói lên tiếng nói của mình, rằng cây trồng CNSH thực sự rất có ích.

Thành quả của chúng tôi sau nhiều năm, đó là đa dạng hoá (thay vì độc canh) nhiều loại cây trồng trên một thửa ruộng; củng cố hoạt động quảng bá, đáp ứng các nhu cầu sau khi thu hoạch (phải quản lý có hiệu quả giá trị thặng dư sau những vụ mùa bội thu). Đặc biệt, cây trồng BĐG không phải là một “viên đạn bạc” giải quyết mọi vấn đề; cần phải kết hợp với các công nghệ phù hợp hiện nay như quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) thậm chí đối với các hệ thống canh tác hữu cơ (phân bón hữu cơ dùng cho ngô BĐG) và các hệ thống canh tác khác. Việc áp dụng công nghệ phải đi kèm với việc không ngừng học hỏi (phòng chống sâu bệnh, canh tác theo ruộng bậc thang), chứ CNSH không phải là công cụ vạn năng giải quyết mọi vấn đề.

Trong tương lai, phải làm sao để người nông dân tiếp tục được tiếp cận nguồn thông tin chính xác và nhanh chóng về CNSH nông nghiệp để đưa ra các lựa chọn đúng đắn. Chúng tôi muốn chia sẻ công nghệ này, nhưng phải đảm bảo an toàn, hiệu quả, bền vững. Và tôi muốn truyền đạt một thông điệp cuối cùng, đó là cây trồng BĐG chỉ là một trong những lựa chọn trong rất nhiều loại hình công nghệ mà chúng ta đang có để canh tác hiệu quả hơn.

>> Những hình ảnh từ Hội thảo “Nông dân trước cơ hội ứng dụng cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam”

Bày tỏ tại hội thảo, ông Lê Quốc Việt- Chủ tịch Hội ND huyện Xuân Lộc, Đồng Nai cho biết: Thời gian qua, những thông tin về cây trồng BĐG đã bước đầu mở ra cho chúng tôi lộ trình để có thể tiếp cận với lời giải của bài toán làm thế nào để nâng cao năng suất cây trồng, nâng cao thu nhập. Tôi thấy cần phải tăng cường tuyên truyền, nói đi nói lại như ở Philippines để làm sao nông dân hiểu rằng cây trồng CNSH không phải là một giải pháp tuyệt đối mà là một lựa chọn.

Ở Xuân Lộc, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã được huyện chủ trương chuyển đổi từ trồng lúa sang ngô, và hiện nay diện tích cây ngô lai đã chiếm tới hơn 70% tổng diện tích ngô địa phương. Trên địa bàn đã hình thành câu lạc bộ trồng ngô năng suất cao bình quân đạt 85 tạ/ha, thậm chí có hộ đạt tới 13 – 14 tấn/ha.

Với vai trò là chủ thể trong xây dựng NTM, nhất là đối với tiêu chí dễ biến động là thu nhập, chúng tôi xác định nhiệm vụ tất yếu là phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập, và năm ngoái chúng tôi đã chuyển 500ha trồng điều năng suất thấp sang trồng các cây trồng khác có hiệu quả cao hơn như trồng tiêu. Đối với một số diện tích lúa năng suất thấp, chúng tôi cũng chuyển nhiều diện tích sang trồng ngô và bước đầu cho thấy rất hiệu quả. Dù là chuyển đổi kiểu gì, thì năng suất cây trồng cũng chỉ đạt được mức sản lượng nào đó, do đó nông dân rất cần những giải pháp công nghệ mang tính đột phá, trong đó có cây trồng CNSH. Vì thế, chúng tôi rát mong ngành chức năng, nhà khoa học phải tích cực đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân hiểu đầy đủ về cây trồng BĐG, tổ chức nhiều mô hình thí điểm để nông dân tham quan, học hỏi.

Tham dự hội thảo, phóng viên Báo Tiền phong đặt câu hỏi: Vừa rồi báo cáo của Trung tâm Nhân quyền và công lý toàn cầu (Center for Human Rights and Global Justice - CHRGJ) cho biết một thông tin gây rúng động, đó là đã có khoảng 300.000 nông dân tại Ấn Độ tự tử vì cây trồng BĐG đem lại hiệu quả không như mong muốn, vì không phù hợp với điều kiện tự nhiên tại một số vùng của Ấn Độ. Vậy thực hư vấn đề này như thế nào, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu? Ngoài ra, nếu chúng ta đưa cây trồng BĐG vào trồng thì liệu có xảy ra chuyện nông dân bị phụ thuộc vào nguồn giống từ các công ty nước ngoài, như Tập đoàn Monsanto?

 PGS.TS Lê Huy Hàm trả lời: Đây là một sự nói dối trắng trợn nhằm chống lại việc sử dụng cây trồng BĐG, điều này đã được Viện Nghiên cứu thực phẩm quốc tế chứng minh bằng những nghiên cứu đảm bảo tính khách quan, khoa học. Trong đó có cả báo cáo công bố năm 2008 của Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (có trụ sở tại Washington) cho thấy không có bằng chứng nào khẳng định số ca nông dân Ấn Độ tự tử tăng có liên quan tới việc giống bông BĐG của Monsanto được phép đưa vào gieo trồng tại Ấn Độ năm 2002.

Còn đối với người nông dân, họ chính là nhà kinh tế tốt nhất trên đồng ruộng của họ. Chỉ cần trồng 1 vụ, nếu không tăng năng suất thì họ sẽ bỏ ngay. Thứ hai, Việt Nam là một trong 5 nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, đây là điều tự nhiên, và giống BĐG không phải trên trời rơi xuống, thực tế cây ngô BĐG đã được trồng thử nghiệm tại Việt Nam từ hơn 10 năm nay, và hiện nay đã đưa thêm gen kháng sâu vào để thử nghiệm, thực tế cho thấy nó rất phù hợp với điều kiện tự nhiên của nước ta và không gây hại gì tới môi trường.

Về việc có phụ thuộc nguồn giống vào DN nước ngoài hay không, hiện nay tất cả giống ngô lai chúng ta đều phải mua của các công ty, trừ một số giống thuần nông dân tự để giống. Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu Ngô mới tạo ra được hơn 7,2% sản lượng giống ngô, còn lại đều phải phụ thuộc vào các DN, công ty nước ngoài. Tương tự, lúa lai chúng ta cũng mới sản xuất được 2% sản lượng, còn lại phụ thuộc vào nước ngoài. Đó là chưa kể các giống cây trồng khác như bắp cải, cà chua… hiện chúng ta mua 100% từ nước ngoài.

TS. Nguyễn Duy Lượng bổ sung: Từ năm 1990 chúng ta đã nhập khẩu rất nhiều giống ngô lai từ công ty nước ngoài, và đến nay năng suất đã đến ngưỡng, đòi hỏi nhu cầu cần có một giải pháp mới rất mạnh mẽ. 

Ông Lê Đình Lương – Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam phát biểu:

Thông tin khiến nhiều người lo ngại nhất hiện nay, đó là sinh vật BĐG có an toàn hay không? Từ hơn 10 năm trước, châu Âu đã tiến hành thử nghiệm cây trồng BĐG và đi đến tổng kết, sinh vật BĐG an toàn tương tự như những sinh vật được tạo ra bằng công nghệ truyền thống và thậm chí an toàn hơn cả những thực phẩm chúng ta đang sử dụng hàng ngày.

Trên thực tế, chỉ trong 1 bữa sáng, chúng ta đã nạp vào cơ thể hàng nghìn, hàng chục nghìn gen có trong thực phẩm, nó là gen lạ, chứ không phải gen của người và những gen đó đều an toàn. Do đó, sự an toàn của sinh vật BĐG không phải là vấn đề của thế giới, mà là cơ hội của chúng ta. Chúng ta đã bỏ qua hơn 20 năm rồi, chẳng lẽ lại tiếp tục bỏ qua cơ hội này thêm 20 năm nữa?

Còn về vấn đề độc quyền của DN giống nước ngoài, thì chúng ta đang trong quá trình hội nhập rất mạnh mẽ, việc sử dụng sản phẩm của nước ngoài là rất bình thường. Ví dụ, trong lĩnh vực máy bay, hiện chỉ có 2 DN sản xuất máy bay là Boeing và Airbus, họ có độc quyền và làm khó khăn cho ngành hàng không hay không? Tương tự, với những công ty sản xuất cây trồng/sinh vật BĐG, hiện nay toàn thế giới đang có khoảng 23 công ty đang tham gia sản xuất và cung ứng sinh vật BĐG, trong đó có Monsanto. Nếu chúng ta không thích cây giống của Monsanto thì hoàn toàn có thể chọn giống của các công ty khác. Vậy thì chúng ta chẳng có lý do gì phải sợ hay e ngại sự độc quyền.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An phát biểu:

Vấn đề cây trồng BĐG đang được nhiều người thắc mắc, tôi đã nhận rất nhiều câu hỏi cả phản đối và ủng hộ. Sở dĩ nhiều người quan tâm vì cây trồng BĐG có liên quan mật thiết tới việc nâng cao năng suất ngành nông nghiệp, và Chính phủ của chúng ta rất quan tâm tới cây trồng BĐG.

Tôi xin nói lại, đây không phải là ý kiến của cá nhân tôi mà là của cử tri, qua tìm hiểu từ các quốc gia đã sử dụng cây trồng BĐG cũng như thông qua các nghiên cứu khoa học, cho thấy cây trồng BĐG hoàn toàn an toàn với sức khỏe. Vì thế Hội ND, báo NTNN phải có trách nhiệm thông tin truyền thông tới công chúng về vấn đề này, thuyết phục bằng lý lẽ, cơ sở khoa học một cách kiên trì để mở đầu một giai đoạn mới, nhằm đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp lên đúng tầm của nó.

PGS.TS Nông Văn Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ gen (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) chia sẻ tại hội thảo:

Hiện nay nhiều người quên mất rằng công nghệ gen đã áp dụng rất nhiều vào nghiên cứu khoa học và đưa vào ứng dụng trong thực tế, trong đó ngành dược phẩm ứng dụng rất phổ biến công nghệ gen, nhưng từ trước đến  nay chưa có ai thắc mắc vì sao lại dùng công nghệ gen để sản xuất ra dược phẩm. Công nghệ gen là thành tựu lớn của khoa học, nhưng chúng ta cũng phải công nhận là cái gì cũng có tác dụng phụ, kể cả trường hợp sản xuất máy bay như GS Lê Đình Lương nói, rõ ràng đi máy bay có rủi ro về tai nạn. Nhưng chúng ta đừng chỉ nhìn vào mặt rủi ro, mà phải nhìn thấy những hiệu quả của nó đem lại cho đời sống con người. Còn đối với nông dân, họ là những người luôn quan tâm đến những cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế, năng suất cao, nếu thực sự hiệu quả thì họ sẽ sử dụng.

Đối với giới khoa học, luôn luôn có 2 trường phái: một trường phái chứng minh công trình đó đem lại lợi  ích, và một trường phái chứng minh ngược lại, tìm những tác hại, rủi ro và nguy cơ để bác lại. Nếu chúng ta chỉ tin vào nhóm nghiên cứu chỉ ra tác hại, hay nhìn vấn đề khoa học một chiều là hoàn toàn thiếu sót.

Vì thế, với các cơ quan báo chí truyền thông, chúng ta cần thông tin tuyên truyền đầy đủ, minh bạch để người dân tiếp cận được những thông tin chính xác, từ đó họ có thể đưa ra lựa chọn cho mình. Với tư cách là một nhà khoa học, tôi rất mong chúng ta nhìn nhật một cách đầy đủ, khách quan về cây trồng BĐG, còn với tư cách là một nông dân, chúng tôi rất mong muốn cây trồng BĐG có thể sớm đưa vào ứng dụng, có thể là các giống ngô chịu hạn, kháng sâu đục thân hay thuốc trừ cỏ để đời sống nông dân được khá lên. 

>> Những hình ảnh từ Hội thảo “Nông dân trước cơ hội ứng dụng cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam”

Khép lại hội thảo, TS Nguyễn Duy Lượng kết luận:

Từ khi thực hiện đổi mới nông nghiệp đã phát triển vượt bậc, 11 tháng đã xuất khẩu nông sản gần 30 tỷ USD, trong đó có khoảng 10 mặt hàng nông sản đứng hàng đầu thế giới. Nhưng có thể nói, nông dân vẫn còn là những người khó khăn nhất so với các thành phần khác trong xã hội. Hiện nay, nông dân gần như chưa thể sống được bằng nông nghiệp. Chúng ta có 13 triệu nông dân nhưng cũng chỉ có 4 triệu hộ sản xuất giỏi với thu nhập tốt từ nông nghiệp và vẫn còn 63 huyện hưởng chế độ hỗ trợ khó khăn trên toàn quốc, trong đó người nghèo nhất vẫn là nông dân.

Hội thảo gói gọn vào một chương trình, chúng tôi đã mời lãnh đạo Hội nông dân các cấp để chúng ta về đây hiểu thêm thông tin cây trồng BĐG. Có thể khẳng định các nhà khoa học đã đóng góp cho Việt Nam rồi, các cơ quan chưc năng cũng đã xây dựng được hành lang pháp lý, nhiều nước trên thế giới làm rồi, khẳng định cây trồng BĐG ở nước ta đã xác định cây ngô, đậu tương, bông sẽ thí điểm trước.

Qua hội thảo này có thể khẳng định là cây trồng BĐG có năng suất cao, chất lượng tốt, ổn định lâu dài, thích nghi được với biến đổi khí hậu và khả năng sinh thái của Việt Nam. Có thể nói, giống cây trồng BĐG khỏe, thích hợp cây ngô thích hợp với đất đồi, núi. Người nông dân chỉ quan tâm năng suất thế nào, chất lượng ra sao, có an toàn khi làm TACN và thực phẩm không. Hiện ngô của chúng ta mới có năng suất 4 tấn/ha, nếu muốn đạt 6 tấn tới 8 tấn, cần có sự thay đổi giống mới.

Hiện nay, ờ Bản Lầu (Lào Cai), người dân trồng cây chuối tiêu hồng và dứa đưa sang xuất khẩu đã có 13 hộ có ô tô… cả bản đã có hàng chục tỉ phú. Như vậy, khi chọn được cây trồng đúng, cuộc sống của người nông dân tốt hơn, người dân sẽ đỡ khổ hơn. Quan trọng nhất, vai trò của người nông dân sẽ được thừa hưởng và tự mình làm các mô hình mới, ứng dụng các giống mới này. Hướng tới, các nhà khoa học, nhà quản lý nghiên cứu lại, báo cáo với Đảng, Nhà nước để hoàn thiện chính sách pháp luật quản lý; có chính sách hỗ trợ cho người dân khi ứng dụng cây trồng BĐG. Trước đây nông dân trồng lúa, phấn đấu đạt 50 triệu/ha, nhưng giờ đã khác,  họ trồng cây trồng khác có hiệu quả cao hơn, có loại cây  đã đạt 500 triệu/ha…Thậm chí, có hộ trừ chi phí từ hồ tiêu lãi 2,5 tỷ. Không thể nói làm nông nghiệp không giàu mà tôi khẳng định sẽ giàu.

 Chính sách có rồi, tới đây, vấn đề tiêu thụ sản phẩm như thế nào nhất là với cây trồng mới BĐG; chính sách về đất đai như thế nào; chính sách tín dụng như thế nào; chính sách thuế, chính sách của doanh nghiệp hỗ trợ như thế nào…khi ứng dụng giống mới như cây trồng BĐG phải cụ thể thì nông dân mới ứng dụng. Hiện nay, ở ĐBSL có gần 80% phải vay qua thương mại để mua giống cây trồng mới, nhiều người còn khó khăn lắm. Hiện nay, mọi đối tượng trong xã hội thì người nông dân vẫn là khổ nhất. Cụ thể, phải có chính sách với cây ngô biến đổi gen như thế nào người nông dân mới giám làm.

Qua Hội thảo, chúng tôi xác định, các đồng chí lãnh đạo các cấp Hội nông dân tiếp cận để hiểu thêm về cây trồng BĐG để nâng cao kiến thức, tuyên truyền cho người nông dân về cây trồng BĐG. Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ NNPTNT để triển khai các mô hình thí điểm để khẳng định yếu tố an toàn, giúp người dân yên tâm hơn khi trồng đại trà cây trồng BĐG.

Nguồn: danviet.vn


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập485
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại869,979
  • Tổng lượt truy cập92,043,708
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây