Học tập đạo đức HCM

Ứng dụng công nghệ biofloc trong nuôi thâm canh cá rô phi thương phẩm

Thứ năm - 08/01/2015 02:40
Việc ứng dụng công nghệ biofloc (viết tắt tiếng Anh là BFT) trong nuôi thâm canh cá rô phi thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của cá nuôi, năng suất nuôi đạt cao, hiệu quả sử dụng thức ăn được cải thiện, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường ao nuôi.

Ứng dụng BFT trong nuôi trồng thủy sản được coi là một hướng đi mới của công nghệ sinh học, dựa trên nguyên lý bổ sung nguồn cacbon theo một tỷ lệ phù hợp với lượng nitơ sẵn có trong nước ao để làm thức ăn cho vi sinh vật dị dưỡng có trong ao, tạo điều kiện cho nhóm này phát triển chiếm ưu thế trong ao. Vi sinh vật dị dưỡng sẽ chuyển hóa các hợp chất chứa nitơ trong nước ao thành protein trong sinh khối, nhờ đó tái sử dụng được nguồn nitơ từ chất thải hòa tan trong nước ao và chuyển hóa thành sinh khối thức ăn tự nhiên cho cá nuôi, làm tăng hiệu quả sử dụng thức ăn nuôi cá.

Khái niệm biofloc trong BFT dùng để chỉ tập hợp vật chất hữu cơ lơ lửng trong nước bao gồm tảo, động vật nguyên sinh và vi sinh vật - trong đó chiếm ưu thế là vi sinh vật dị dưỡng - được gắn kết với nhau bằng chất keo sinh học polyhydroxy alkanoat (PHA). Tập hợp các biofloc là nguồn thức ăn tự nhiên giàu dinh dưỡng đối với cá rô phi nuôi trong ao. Do đó, việc ứng dụng BFT sẽ làm giảm chi phí thức ăn nuôi cá và được coi là giải pháp phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản ở quy mô công nghiệp.

BFT đã được sử dụng phổ biến trong nuôi tôm chân trắng tại các trại nuôi tôm ở nhiều nước Đông Nam Á. Ở nước ta, trong những năm qua Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đã triển khai ứng dụng thử nghiệm BFT trong nuôi tôm chân trắng và cá rô phi. Năm 2012, một nhóm cán bộ của Viện đã nghiên cứu ứng dụng BFT trong nuôi thâm canh cá rô phi thương phẩm nhằm đánh giá khả năng áp dụng công nghệ này tại Việt Nam.

Mô hình ứng dụng BFT trong nuôi thâm canh cá rô phi thương phẩm gồm 2 mô đun, mỗi mô đun có 3 ao với diện tích trung bình mỗi ao trong một mô đun là 2.000 m2 và 1.000 m2. Ao nuôi có bờ bê tông, đáy ao lót bạt HDPE, độ sâu mức nước ao >1,5 m. Trong quá trình nuôi không thay nước, chỉ bổ sung lượng nước thất thoát do bốc hơi hoặc bị thấm.

Cá giống thả nuôi là cá rô phi đơn tính đực dòng NOVIT 4, có cỡ trung bình 7,1 g/con, được nuôi với mật độ 5 con/m2 ao. Cho cá ăn thức ăn công nghiệp dạng viên nổi mỗi ngày 2 lần với lượng cho ăn bằng nhau vào lúc 8 giờ sáng và 3 giờ chiều, khẩu phần ăn đáp ứng 90% mức độ thỏa mãn trung bình. Mỗi tuần ngừng cho cá ăn 1 ngày để kích thích cá sử dụng sinh khối biofloc trong ao.

Nguồn cacbon bổ sung vào ao nuôi (1 lần/tuần) là rỉ đường có hàm lượng cacbon chiếm 37,5%, được dùng để điều chỉnh tỷ lệ cacbon/nitơ trong ao nhằm tạo môi trường thuận lợi cho biofloc phát triển và hạn chế ô nhiễm môi trường ao nuôi. Lượng biofloc mồi bổ sung trong tháng đầu là 3 - 5 ppm/ngày; trong những tháng tiếp theo dùng chế phẩm sinh học thương mại trong thành phần vi sinh hữu ích có nhóm Bacillus để duy trì ổn định các biofloc trong ao.

Trong quá trình nuôi, vận hành hệ thống sục khí đáy suốt ngày đêm kết hợp với máy quạt nước để trộn đều nước ao từ tầng đáy lên tầng mặt và tạo dòng nước chảy trong ao. Trong 2 tháng đầu chỉ chạy máy quạt nước khi bón bổ sung rỉ đường và biofloc mồi. Sau đó sử dụng cả sục khí đáy và quạt nước liên tục cho đến khi thu hoạch để duy trì dưỡng khí và đảm bảo biofloc lơ lửng trong nước.

Sau 177 ngày nuôi thâm canh cá rô phi thương phẩm có ứng dụng BFT, mô hình đã thu được kết quả như sau: Khối lượng trung bình của cá nuôi đạt 624,2 g/con, tốc độ tăng trưởng trung bình 3,53 g/con/ngày, thời gian cá đạt đến cỡ trung bình 500 g/con sớm hơn 18 ngày so với nuôi không ứng dụng BFT; Hệ số chuyển đổi thức ăn trung bình 1,35 - giảm 20,6% so với nuôi không ứng dụng BFT; Tỷ lệ sống của cá nuôi đạt 81,6 - 85,7%; Năng suất đạt 23,6 tấn/ha/vụ nuôi 6 tháng; Hiệu quả sử dụng prôtêin là 2,65 g; Tỷ lệ prôtêin thức ăn chuyển hóa thành sinh khối là 50,48% - tăng 10,41% so với nuôi không ứng dụng BFT. Môi trường ao nuôi được duy trì sạch sẽ do công nghệ này có thể chuyển hóa tới 51% lượng nitơ đầu vào hệ thống nuôi thành sinh khối.

Về hiệu quả kinh tế của mô hình, các số liệu cho thấy: Tổng đầu tư cho 1ha nuôi thâm canh cá rô phi thương phẩm có ứng dụng BFT là 526,662 triệu đồng; Tổng doanh thu 627,600 triệu đồng; Lãi ròng 100,938 triệu đồng; Tỷ lệ lợi nhuận/vốn đạt 19,17% cho một chu kỳ nuôi 6 tháng; Giá thành 1 kg cá thương phẩm là 23.316 đồng, giá bán trung bình 26.500 đồng/kg, người nuôi lãi 3.184 đồng/kg.

Tóm lại, việc ứng dụng BFT trong nuôi thâm canh cá rô phi thương phẩm đã đạt kết quả rõ rệt, thể hiện qua việc thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của cá nuôi, năng suất nuôi đạt cao, hiệu quả sử dụng thức ăn được cải thiện, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường ao nuôi. Tuy nhiên, theo nhận xét của nhóm nghiên cứu, mô hình này phù hợp với những cơ sở nuôi có khả năng đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ.

Nguồn: TT Khuyến nông Quốc gia

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập337
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại867,169
  • Tổng lượt truy cập92,040,898
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây