Học tập đạo đức HCM

Làm giàu từ cơ giới hóa đồng bộ

Thứ ba - 04/11/2014 01:53
Ở huyện Đông Sơn có một mô hình HTX dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp được xem là “thần tượng” của rất nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này.

Nó hoàn toàn trái ngược với rất nhiều HTX trên địa bàn Thanh Hóa đang ngắc ngoải vì thiếu vốn, hoạt động không hiệu quả,.

Doanh thu 10 tỷ đồng/năm

Những năm 2010-2012, thời điểm mà tất cả các DN, HTX, tổ hợp tác chết dần chết mòn vì ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thì 9 thành viên của HTX dịch vụ cơ giới hóa (CGH) nông nghiệp Đông Tiến, huyện Đông Sơn đã hỗ trợ, giúp đỡ hàng nghìn hộ dân trên địa bàn Thanh Hóa tăng thu nhập trên chính đồng ruộng của mình.

Tất nhiên những chiếc máy cày, máy cấy, máy gặt… làm dịch vụ cũng mang lại lợi nhuận đủ lớn, giúp HTX vượt qua cơn bĩ cực.

Trong một lần trò chuyện với tôi, ông Nguyễn Xuân Thiên, Chủ nhiệm HTX, kể rằng, ông từng là làm nghề khảo sát địa chất, lương bổng cao lắm nhưng đầu năm 2009 về quê chứng kiến bố mẹ làm lúa dù đồng đất tốt nhưng năng suất thấp, lại suốt ngày phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nên ông quyết tâm thay đổi tư duy sản xuất (SX) cho nông dân, đó là đưa CGH đồng bộ vào SX.

Tháng 9/2009, thông qua sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, ông Thiên mua 2 chiếc máy cày công suất nhỏ, khi vừa đưa xuống ruộng thì máy hỏng luôn, mất đứt hơn 200 triệu đồng. Đến tháng 10/2010, ông tiếp tục đầu tư mua chiếc máy gặt đập liên hợp công suất lớn của hãng Kubota, quá trình vận hành cho thấy đây là loại máy rất bền, phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng ở Thanh Hóa.

Sau thành công của chiếc máy gặt, nhận thấy tiềm năng đưa cơ giới vào SX lúa lớn nên tháng 9/2012 ông Thiên thành lập HTX gồm 9 thành viên, với tổng vốn điều lệ 1,2 tỷ đồng.

Đúng lúc này, UBND huyện Đông Sơn ban hành chính sách hỗ trợ dịch vụ CGH đồng bộ, ông Thiên làm thủ tục đăng ký và được hỗ trợ 850 triệu đồng mua 1 chiếc máy cày, 3 máy cấy, 3 máy phun thuốc BVTV, 1 máy gieo và 3.600 khay mạ, góp phần nâng tổng số máy móc đến thời điểm này lên 4 máy cày, 7 máy gặt, 10 máy cấy, 2,8 vạn khay mạ, 1 máy gieo liên hoàn, 6 máy phun thuốc BVTV và 1 máy trộn giá thể. Nâng quy mô nhà làm việc lên 700m2; đồng thời, xây dựng xưởng SX giá thể với diện tích 300m2.

Ông Nguyễn Xuân Thiên cho biết, đến thời điểm này HTX Đông Tiến đã và đang làm dịch vụ CGH đồng bộ cho 13 xã thuộc các huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa, Yên Định và TP. Thanh Hóa với tổng diện tích bình quân hằng năm trên 250ha.

Vụ đông xuân 2015 HTX dự kiến làm dịch vụ giá thể, mạ khay cho 300ha. Riêng hệ thống máy gặt, ngoài làm dịch vụ trong tỉnh, HTX còn hoạt động kéo dài từ Thừa Thiên Huế ra các tỉnh phía Bắc như Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng…

Bên cạnh cung ứng dịch vụ CGH trên cây lúa, HTX Đông Tiến đang thực hiện mô hình CGH trên cây khoai tây với diện tích 5ha, tập trung ở 3 xã Đông Tiến (Đông Sơn), Định Hòa (Yên Định) và Thiệu Toán (Thiệu Hóa).

“Đây là bước ngoặt, chúng tôi đang phấn đấu nhân rộng. Theo đó, mô hình này HTX ký hợp đồng với DN bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân với giá hơn 5.000 đồng/kg”, ông Thiên cho hay.

Được biết, vốn điều lệ của HTX hiện đã tăng lên 4 tỷ đồng; tổng doanh thu bình quân đạt 10 tỷ đồng/năm, lợi nhuận trên dưới 1 tỷ đồng/năm, góp phần giải quyết việc làm cho 60 - 80 lao động với mức thu nhập từ 3-6 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lê Xuân Vàng, Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Đông Sơn, cho rằng, tiến trình đưa CGH đồng bộ vào SX của Đông Sơn nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung đạt được những thành tích như ngày hôm nay có đóng góp rất lớn của HTX Đông Tiến.

Họ không chỉ mạnh về nguồn lực mà còn mạnh về kinh nghiệm, đam mê, tâm huyết. Thời điểm này, HTX Đông Tiến đang giúp đỡ 4 xã của các huyện Đông Sơn, Triệu Sơn và TP. Thanh Hóa đưa CGH vào SX trọng vụ đông xuân 2015 tới.

Sẽ xây dựng siêu thị nông nghiệp

Ước mơ xây dựng một nền nông nghiệp sạch, bền vững, xứng tầm với các nước trong khu vực của ông Thiên và các thành viên trong HTX tuy còn rất xa xôi nhưng với những gì họ đã, đang làm, hứa hẹn sẽ trở thành mô hình điểm cho các HTX trong và ngoài tỉnh đến tham quan học hỏi.

 

HTX Đông Tiến đã xây dựng được hệ thống nhà làm việc, máy móc đồ sộ

 

Đầu tư CGH đồng bộ 1ha lúa hết 12,4 triệu đồng (làm đất 5,6 triệu đồng/ha/năm; cấy 2,6 triệu đồng/ha; gặt 3,8 triệu đồng/ha; công phun thuốc BVTV 400 ngàn đồng/ha), trong khi SX truyền thống hết 18,4 triệu đồng (làm đất 7,4 triệu đồng/ha; cấy 4 triệu đồng/ha; gặt 6,4 triệu đồng/ha; công phun thuốc BVTV 600 ngàn đồng).
Bên cạnh tiết kiệm 6 triệu đồng chi phí đầu tư, sản lượng lúa cũng tăng lên khoảng 1 tấn/ha.

Kế hoạch sắp tới HTX Đông Tiến đề ra là xây dựng siêu thị nông nghiệp; cung cấp dịch vụ máy móc và dạy nghề SX mạ khay, vận hành máy cho nông dân...

“Trước mắt, năm 2015 chúng tôi đầu tư kho lạnh đa năng (công suất chứa 50 tấn) để bảo quản khoai tây và rau củ quả mùa vụ. Sau đó chỉ cần Nhà nước tạo hành lang cho thuê đất thì HTX sẽ áp dụng mô hình của Thái Lan liên kết với Cty CP Công nông nghiệp Tiến Nông xây dựng siêu thị nông nghiệp, điểm nhấn chính là giới thiệu nông sản sạch”, ông Thiên nói.

Ông Thiên cũng cho biết, kinh nghiệm mà ông và cộng sự tích lũy được sau hơn 5 năm hoạt động chính là yếu tố con người.

Một mô hình CGH đồng bộ muốn thành công thì đồng ruộng phải quy hoạch tập trung; chính quyền vào cuộc quyết liệt; phía HTX gần gũi bà con, tập huấn ngay tại đồng ruộng để kích thích sự tò mò cho nông dân, nếu không, khi mô hình chấm dứt thì tư duy SX của bà con cũng về “mo”.

Một cách làm khác thành công hơn là thuê nông dân chăm sóc mạ với giá 3.000 đồng/khay; đồng thời, khoán thẳng dịch vụ cấy cho công nhân thời vụ, khi nào bàn giao xong ruộng cho dân HTX mới trả tiền.

“Cách làm này không chỉ huy động được sự sáng tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân mà còn hạn chế được việc cấy cho xong chuyện của người làm dịch vụ”, ông Thiên nhấn mạnh.

Với việc bỏ ra số tiền hơn 15 tỷ đồng phát triển HTX, có thể khẳng định thành công của mô hình này sẽ còn tiếp diễn. Mong rằng tỉnh, huyện, xã sẽ tạo thêm cơ chế hỗ trợ về quỹ đất, nguồn vốn cho những HTX điển hình như Đông Tiến để họ an tâm nhân rộng quy mô, góp phần giúp Thanh Hóa thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Thanh Nga

Theo NNVN

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập692
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại779,505
  • Tổng lượt truy cập93,157,169
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây